Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Lam gi khi bi huyet tinh


LÀM GÌ KHI BỊ HUYẾT TINH ?


     Huyết tinh là trạng thái bệnh lý để chỉ tinh dịch khi bài xuất ra có chứa hồng cầu với hai mức độ khác nhau : tinh dịch có mầu đỏ hoặc màu hồng mắt thường có thể nhìn thấy được và tinh dịch có mầu sắc bình thường nhưng khi quan sát dưới kính hiển vi thì thấy các tế bào hồng cầu dầy đặc vi trường. Theo y học hiện đại, huyết tinh là chứng trạng thường thấy trong nhiều bệnh lý của hệ thống tiết niệu sinh dục, đặc biệt là các bệnh lý liên qua đến đường dẫn tinh, ví như viêm túi tinh cấp tính, viêm tiền liệt tuyến, lao túi tinh, sỏi túi tinh, sỏi tiền liệt tuyến, ung thư túi tinh, ung thư tiến liệt tuyến...
     Theo y học cổ truyền, huyết tinh thường do nhiều nguyên nhân gây nên như : ngoại cảm thấp nhiệt, ẩm thực bất điều (ăn uống không hợp lý), phòng dục quá độ, chấn thương hoặc phẫu thuật bộ phận sinh dục...Về trị liệu, có thể sử dụng phương pháp biện chứng luận trị, nghĩa là căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng cụ thể để quy nạp thành các thể bệnh riêng biệt rồi tiến hành lựa chọn các vị thuốc và bài thuốc cho phù hợp, ví như : với thể Nhiệt độc tích thịnh phải thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ huyết bằng bài thuốc Ngũ vị tiêu độc ẩm phối hợp với Tê giác địa hoàng thang gia giảm ; với thể Thấp nhiệt hạ chú phải thanh nhiệt lợi niệu, lương huyết chỉ huyết bằng bài thuốc Long đởm tả can thang phối hợp với Bát chính tán gia giảm; với thể Âm hư hỏa vượng phải tư âm tả hỏa, lương huyết an lạc bằng bài thuốc Tri bá địa hoàng hoàn phối hợp với Nhị trí hoàn gia giảm ; với thể Huyết ứ trở trệ phải hoạt huyết chỉ huyết, hóa ứ thông lạc bằng bài thuốc Đào hồng tứ vật thang gia giảm ; với thể Tỳ thận khí hư phải bổ thận kiện tỳ, ích khí chỉ huyết bằng bài thuốc Đại bổ nguyên tiễn gia giảm...
     Tuy nhiên, trước mắt cũng có thể sử dụng các kinh nghiệm dân gian sau đây :

* Thuốc uống
- Tam thất tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2g.
- Hổ phách tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1g.
- Rễ cỏ tranh tươi 200g sắc uống thay trà trong ngày.
- Rễ tiểu kế tươi 30g sắc uống mỗi ngày 2 lần.
- Đại kế 15g, tiểu kế 15g, ngó sen 15g, sắc lấy nước uống thay trà trong ngày.
- Hoàng kỳ 30g, nụ quế 6g, hai thứ bội liều sấy khô tán bột, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3g.

* Món ăn - bài thuốc
- Ý dĩ sống 3 phần, gạo tẻ 1 phần nấu thành cháo ăn trong ngày.
- Xa tiền tử 15g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
- Cá chép 1 con, hạt tiêu, tiểu hồi hương, hành và gia vị vừa đủ, hầm chín ăn trong ngày.
- Nước ép sinh địa 150 ml hòa với cháo nấu bằng gạo tẻ ăn trong ngày.
- Ngó sen tươi 50g, gạo tẻ 50g, hai thứ ninh nhừ thành cháo, ăn trong ngày.
- Bột khiếm thực, hồ đào nhục, hồng táo nhục lượng vừa đủ đem nấu thành cháo ăn trong ngày.
- Thịt dê 500g thái vụn, hoài sơn 500g, gạo tẻ 250g ninh thành cháo, ăn dần.
- Bồ dục lợn 1 đôi, đậu đen 500g, hai thứ đem hầm chín, sau đó lấy đậu đen ra sấy khô, tán bột, uống mỗi ngày 30 đến 50g.
- Nhân sâm và hoàng kỳ lượng bằng nhau sấy khô tán bột ; cà rốt 1 củ thái phiến sao mật ong rồi chấm với bột nhân sâm và hoàng kỳ ăn tùy thích.

* Xoa bóp và bấm huyệt
     Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ day bấm các huyệt Trung cực, Khúc cốt, Tam âm giao, Thái khê mỗi ngày 2 lần, mỗi huyệt trong 1 phút. Vịt trí huyệt : Trung cực nằm ở điểm giữa bờ trên xương mu đo lên 1 thốn (chừng 2,2 cm) ; Khúc cốt nằm ở chính giữa bờ trên xương mu ; Tam âm giao nằm ở chỗ lồi cao nhất của mắt cá chân trong đo lên 3 thốn, ở chỗ lõm sát bờ sau phía trong xương chày ; Thái khê nằm ở điểm giữa của đường nối bờ sau mắt cá trong và mép trong gân gót, ngang với mỏm cao nhất của mắt cá trong.

                                                                                 Hoàng Khánh Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét