Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Chứng tiểu đêm ở người trưởng thành


CHỨNG TIỂU ĐÊM Ở NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH
* Nước tiểu được tạo ra như thế nào?
     Nước tiểu được bài xuất ra ở thận, theo hai đường niệu quản (niệu quản phải và niệu quản trái) được đưa tới chứa ở bàng quang. Bình thường, bàng quang giống như một túi cơ có tác dụng chứa nước tiểu, dung tích của nó ở người trưởng thành vào khoảng 300-400 ml. Khi bàng quang đầy sẽ kích thích cơ thể gây nên phản xạ đi tiểu. Tuy vậy, phản xạ của bàng quang, việc đi tiểu còn được điều hòa bởi hệ thần kinh theo của con người. Ví dụ bàng quang đã đầy nước tiểu nhưng con người có thể nhịn trong một thời gian nhất định nào đó như buồn tiểu lúc ở đám đông hoặc đang đi dạo phố mà chưa tìm thấy nhà vệ sinh... Khi  ngủ, tốc độ lọc nước tiểu ở cầu thận và sự kích thích co bóp ở bàng quang cũng giảm hơn khi chúng ta hoạt động. Vì vậy, chúng ta có giấc ngủ dài và không phải tỉnh dậy đi tiểu ban đêm.
* Chứng tiểu đêm là gì ?
     Đi tiểu ban đêm là một hiện tượng khá phổ biến ở người trưởng thành. Theo định nghĩa của Hiệp hội Niệu khoa Quốc tế, chứng tiểu đêm được hiểu là tình trạng người bệnh phải tỉnh dậy một lần hoặc nhiều lần vào ban đêm để đi tiểu. Hiện tượng này thường được chúng ta chấp nhận như một vấn đề của tuổi tác. Những nghiên cứu dịch tễ học cho thấy không có sự khác biệt rõ rệt về tỉ lệ mắc chứng tiểu đêm giữa nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, có vẻ sự phân bố này lại không đều theo tuổi. Ở những người trẻ tuổi, phụ nữ thường gặp chứng tiểu đêm hơn ở nam giới, nhưng ở những người cao tuổi nam giới lại có xu hướng mắc tiểu đêm nhiều hơn. Nhìn chung, có khoảng 5-15 % người ở độ tuổi 20-50 đi tiểu 2 lần một đêm, ở độ tuổi từ 50-70 tỉ lệ này khoảng 20- 30%, và khoảng trên 50% ở những người có độ tuổi từ 70 trở lên.
     Sau khi đi tiểu, người bệnh có thể quay lại giường và ngủ lại bình thường. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp tiểu đêm để lại ảnh hưởng xấu như không thể ngủ trở lại được; buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật vào ban ngày; lo lắng về tình trạng sức khỏe bản thân làm ảnh hưởng đến các hành vi và chất lượng cuộc sống. Thậm chí, các nghiên cứu cũng chỉ ra tiểu đêm là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc kèm các bệnh khác và tỉ lệ tử vong ở người cao tuổi.
* Nguyên nhân gây ra chứng tiểu đêm theo y học hiện đại
     Chứng tiểu đêm thường hay xảy ra ở người  trưởng thành, không có sự khác biệt rõ rệt giữa nam và nữ tuy có sự khác nhau về giới tính. Chứng tiểu đêm ở phụ nữ thường liên quan đến việc sinh đẻ, mãn kinh, sa tử cung…Ở nam giới, chứng tiểu đêm thường liên quan đến phì đại, u xơ tuyến tiền liệt…Nhưng cũng có một số nguyên nhân chung dẫn đến chứng tiểu đêm như : (1) Do các bệnh lý tại đường tiết niệu như nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận hoặc các bệnh lý thận mạn tính khác, rối loạn chức năng bàng quang, sỏi bàng quang, hẹp bàng quang bẩm sinh, tăng tạo nước tiểu  vào ban đêm vì các nguyên nhân khác nhau, rối loạn phản xạ thần kinh điều khiển bài niệu ở bàng quang...(2) Do sử dụng các thuốc lợi niệu, thuốc chẹn Canxi, uống nhiều rượu, cà phê, trà đặc. (3) Do các bệnh lý mạn tính như đái tháo nhạt, đái tháo đường, huyết áp cao, suy tim, rối loạn giấc ngủ...
* Nguyên nhân gây ra chứng tiểu đêm theo y học cổ truyền
     Theo Y học cổ truyền, chức năng tiểu tiện trong cơ thể chủ yếu do hai cơ quan là Thận và Bàng quang đảm nhiệm. Y văn có câu: “Thận chủ thủy quản lý sự đóng mở, Bàng quang chủ chứa nước tiểu, cho nên ban đêm tiểu tiện nhiều lần nên trách cứ vào Thận và Bàng Quang”. Đối với người trẻ tuổi khỏe mạnh, âm dương cân bằng và đầy đủ thì ban đêm ít tiểu tiện. Khi tuổi cao, ban đêm đi tiểu tiện nhiều, đó là thủy hỏa đều bất túc.  Chứng đi tiểu tiện nhiều vào ban đêm ở người cao tuổi phần lớn là do Thận Dương hư yếu. Vả lại ban ngày là dương, ban đêm là âm, ban đêm âm thịnh dương suy, cho nên ban đêm tiểu tiện nhiều lần thực là do Dương khí suy yếu gây nên.
     Về điều trị, nên chú trọng ôn bổ Thận Dương. Nếu chứng trạng nhẹ, biểu hiện Thận Dương hư không rõ lắm, thường gặp ở người trẻ tuổi mắc bệnh thời gian ngắn, nói chung trách cứ vào vai trò khí hóa của Bàng quang, điều trị nên chú trọng bổ  khí và làm vững Bàng quang. Thận muốn khỏe phải bổ thêm Tỳ, cho nên phải kiêm bổ cả Tỳ Thận, cùng một lúc vừa ôn dương vừa cố sáp.
* Một số biện pháp phòng tránh chứng tiểu đêm
     Cần hạn chế uống nước vào buổi tối, trong đó có cả việc giảm ăn canh vào bữa cơm chiều, nhất là các loại canh nấu bằng những thứ rau có tính chất lợi tiểu như rau cải, mướp, bầu... Chú ý tiểu tiện trước khi đi ngủ, khám và điều trị triệt để các bệnh do nhiễm khuẩn tiết niệu, các bệnh lý mạn tính khác như tiểu đường, u xơ tuyến tiền liệt, sỏi niệu quản…, có thể lựa chọn và sử dụng các món ăn - bài thuốc của y học cổ truyền và các thực phẩm chức năng có công dụng dự phòng và hỗ trợ trị liệu chứng tiểu đêm. Ví như :
- Phá cố chỉ 12g, ích trí nhân 12g, sà sàng tử 8g, thỏ ty tử 12g, khiếm thực 12g, kim anh tử 12, tiểu hồi hương 5g, cam thảo 3g, tất cả đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
- Bồ dục lợn hoặc dê 1 đôi làm sạch, thái miếng rồi đem hầm với khiếm thực 50g, chế đủ gia vị, ăn trong ngày, 7 ngày là 1 liệu trình.
- Bàng quang lợn 1 cái, làm sạch rồi nhét đầy mẫu lệ vào bên trong, buộc kín miệng rồi đem đun trong 15 phút, sau đó bỏ hết mẫu lệ, ăn bàng quang và uống nước dùng, 7 ngày là 1 liệu trình
- Xương sống lợn (còn cả tủy) 3 đốt, hạch đào nhân 30g, đỗ trọng 15g, tất cả đem hầm nhừ, ăn nóng.
- Bạch quả 5 trái, hạt bí đao 30g, hai thứ đem nấu chín ăn, 10 ngày là 1 liệu trình.
                                                                          Hoàng Khánh Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét