RƯỢU RẮN VÀ CAO TRĂN CÓ CÔNG DỤNG GÌ ?
Có thể nói
rượu rắn và cao trăn là những chế phẩm rất độc đáo của y học cổ truyền phương
Đông. Tác dụng lớn nhất của rượu rắn là tiêu phong độc, trừ phong thấp, điều trị
các bệnh lý liên quan đến xương khớp, bồi bổ cho những người mới ốm dậy. Người
ta cũng có thể cho thêm các vị thuốc đông y ngâm cùng với rắn hoặc ngâm riêng
sau đó hòa lại với nhau theo một tỷ lệ nhất định, mục đích là làm giảm mùi
tanh, tạo mùi vị thơm ngon và quan trọng hơn là để gia tăng tác dụng tiêu phong
trừ thấp và bổ dưỡng của rượu rắn.
Ngoài những
loài rắn sống trên cạn chuyên dùng để chế rượu rắn như hổ mang, cạp nong, cạp
nia, rắn ráo… thì còn một loài rắn cũng vô cùng độc đáo với những công dụng ưu
việt không kém, đó là rắn biển. Được biết rắn biển rất độc nhưng vẫn có thể
dùng để ăn hay làm thuốc khi chế biến đúng cách. Tại nhiều nơi ở miền Nam nước
ta, rượu rắn biển được biết đến là vị thuốc quý, có tác dụng điều trị các bệnh
lý về xương khớp, chống viêm giảm đau mà không để lại những tác dụng không mong
muốn cho người sử dụng.
Bên cạnh rắn,
trăn cũng là sản phẩm mà y học cổ truyền chuyên dùng để nâng cao sức mạnh của
gân, cơ và khớp, đồng thời cũng có công dụng khu phong trừ thấp thấp, thông
kinh hoạt lạc, dự phòng tích cực các bệnh lý về xương khớp. Người ta cũng dùng
cao trăn để chữa đau lưng, nhức khớp, nhất là đau cột sống. Cao trăn còn có tác
dụng kích thích tế bào phát triển mạnh, tỷ lệ kích thích cao hơn hẳn nhiều loại
cao động vật khác. Người ta cũng có thể nấu xương trăn cùng xương các con vật
khác như khỉ, nai, lợn rừng, gấu,… để bồi bổ sức khỏe và tăng cường thể lực. Chính
vì vậy những sản phẩm như rượu rắn, cao trăn hay cao rắn rất tốt cho sức khỏe,
đặc biệt đối với những người tập luyện thể thao thường xuyên, nhất là các vận động
viên thể thao chuyên nghiệp. Bởi lẽ, hầu như môn thể thao đều đòi hỏi sự vững
chắc của xương và khả năng bền bỉ, dẻo dai của các cơ khớp.
Vậy ngâm rượu
rắn và nấu cao trăn như thế nào để phát huy tối đa công dụng của các chế phẩm từ
hai loài bò sát độc đáo này ? Thông thường đối với rượu rắn cạn, người ta dùng
ba loài rắn gọi là tam xà tửu, năm loại rắn gọi là ngũ xà tửu. Thông thường để
chế rượu tam xà tửu, người ta dùng rắn hổ mang, rắn cạp nong và rắn ráo. Để chế
rượu ngũ xà tửu, người ta dùng ba rắn hổ mang và cạp nong; hai hổ mang và một cạp
nong; một hổ mang và hai cạp nong; một hổ mang, một cạp nong và một cạp nia và
hai loại rắn ráo; nếu không đủ thì dùng một đến hai loại rắn cũng được. Có hai
cách ngâm rượu rắn là ngâm khô và ngâm tươi. Nếu ngâm tươi thì người ta cho rắn
còn sống vào bình đổ ngập rượu loại tốt (khoảng 40 %), ngâm trong 24 giờ cho rắn
chết, tiết hết các chất độc sau đó lấy rắn ra bỏ rượu đi, chặt bỏ đầu và đuôi
khoảng 10 cm, mổ bụng, bỏ hết nội tạng chỉ giữ lại túi mật, rồi cho vào bình
ngâm, đổ ngập rượu loại tốt, ngâm kín càng lâu càng tốt, ít nhất là trên 3
tháng và tốt hơn nữa là người ta hạ thổ, tức chôn dưới đất khoảng 100 ngày. Nếu
muốn tiết kiệm rượu ngâm ban đầu thì có thể làm thịt rắn sống, đem ngâm rửa bằng
rượu ngâm gừng hay quế rồi lau khô bằng giấy bạc sau đó mới cho vào bình ngâm,
lúc mới ngâm thì có mùi hôi dần dần mới có mùi thơm, rượu có màu vàng hơi xanh,
ngâm tươi mất thời gian nhiều hơn. Nếu ngâm khô thì người ta chặt bỏ đầu đuôi độ
khoảng 10 cm, mổ bụng, bỏ hết nội tạng, chỉ giữ lại túi mật, lột da, rửa bằng
rượu ngâm gừng hay quế chi rồi lau khô bằng giấy bạc, sau đó chặt khúc nướng
vàng, ngâm rượu khoảng 1 tháng là dùng được, hoặc nướng vàng, sấy khô rồi tán bột
hay xay hoặc giã nhỏ, bọc vào túi vải ngâm trong khoảng 15-20 ngày là dùng được,
tuy vậy tác dụng có thể kém hơn. Khi ngâm tươi hoạc ngâm khô, người ta có thể
chỉ ngâm rượu một lần dùng hết thì thôi hoặc ngâm đến đâu gạn nước dùng đến đấy
rồi lại ngâm tiếp và làm như thế nhiều lần.
Đối với rắn
biển, người ta bắt rắn về, rửa qua nước sạch, thòng lọng đầu rồi đóng lên tường
hay lên cây, một tay kéo đuôi rắn xuống dưới, tay kia dùng dao nhọn rạch thật mạnh
từ dưới cổ họng xuống đuôi; phủ tạng và mỡ để riêng, rồi dùng cồn 90 độ để rửa
sạch máu trên mình rắn. Nếu ngâm rượu thì ngâm ngay, nếu chưa dùng thì đem phơi
khô rồi ngâm dùng dần. Trong các phủ tạng của rắn biển, quan trọng nhất là túi
mật nên khi gỡ cần nhẹ nhàng, mật gỡ xong đem ngâm cồn để sau này chế thêm vào
rượu hay làm thành chế phẩm riêng.
Đối với
trăn, người ta có thể nấu cao toàn tính cả thịt lẫn xương hoặc nấu cao xương
trăn riêng. Cả hai loại trăn mốc và trăn mắt võng đều có thể dùng để nấu cao
làm thuốc được. Khi bắt được trăn, người ta dùng một đoạn dây thép cứng, xuyên
qua hậu môn, treo ngược con trăn, lấy dao nhọn rạch một đường ở cổ, tìm động mạch
rồi cắt cho máu chảy ra, trăn to lượng máu có thể 300 - 500 ml. Sau khi giết và
lột da, tiến hành mổ lấy hết lớp mỡ ở dọc cổ và bụng, vứt bỏ ruột, lấy mật để
riêng, dùng giấy bản lau sạch nhớt và máu còn dính lại trên mình trăn, chặt
thành từng khúc dài khoảng 20 cm, ngâm bằng rượu hồi để khử mùi tanh, cứ 300
gam đại hồi thì cho 1 lít rượu trong 2-3 giờ rồi đặt lên than hồng nướng cho
chín vàng, chặt thành miếng nhỏ, nếu có điều kiện thì gỡ thịt cho vào túi vải
còn xương chặt nhỏ, đổ nước cho ngập 2-3 cm, đun sôi liên tục trong 2-3 ngày
đêm, chiết nước thứ nhất ra để riêng, đổ nước sôi tiếp tục nấu như trên để nước
thứ hai, ba, tiếp tục cô 3 lượt nước đến khi được 1 thứ cao sền sệt, đổ dung dịch
rượu 1 % và acid Benzoic khuấy đều, đun nhỏ lửa đến khi dùng dao mỏng cắt qua
khối cao thấy hai mép cắt không khớp vào nhau là được. Đổ cao lên khay để bôi dầu
paraphin ép mỏng thành bánh, để độ nửa giờ cho cao nguội và se lại, sau đó cắt
thành từng miếng 50g hay 100g rồi gói giấy bóng để bảo quản”. Đối với cao trăn,
nên dùng khoảng 5g/ngày, rượu rắn uống khoảng 40ml/ngày (chừng 2 chén nhỏ) là
thích hợp, không vì thấy tốt mà lạm dụng. Ngoài ra, người dùng cần tuân thủ
nghiêm ngặt quy trình chế biến cao trăn, rượu rắn bởi như chúng ta đã biết nọc
rắn rất độc.
Hoàng Khánh Toàn
Box: Công thức ngâm
rượu rắn thường dùng (Theo Dược điển Việt
Nam )
Rắn hổ mang: 1 con
Rắn cạp nong: 1 con
Rắn ráo: 1 con
Thiên niên kiện: 80g
Tiểu hồi: 30g
Trần bì (vỏ quýt): 30g
Cẩu tích: 80g
Hà thủ ô đỏ: 80g
Kê huyết đằng: 120g
Ngũ gia bì: 80g
Đường kính trắng: 660g
Cồn 40 độ: vừa đủ 10 lít
cảm ơn bác sỹ về những thông tin bổ ích trên. các bạn có thể tham khảo thêm tại đây : đông trùng hạ thảo nguyên con tây tạng
Trả lờiXóa