Thứ Ba, 10 tháng 4, 2018

Nhịn ăn chữa bệnh, những điều cần biết


NHỊN ĂN CHỮA BỆNH, NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT


     Nhịn ăn để chữa bệnh là một vấn đề đã được đề cập và gây tranh luận từ khá lâu mà chưa có hối kết, nhất là sau ca đột tử của một nữ sinh 18 tuổi ở Hà Nội (chưa xác định rõ nguyên nhân nhưng được biết nạn nhân cũng đang áp dụng chế độ nhịn ăn 10 ngày trước khi chết) và gần đây là trường hợp của một đại gia cà phê gây xôn xao dư luận. Vậy, thực chất của vấn đề này như thế nào ? Dưới đây, xin được đưa ra một số vấn đề để độc giả tham khảo.
1. Nhịn ăn chữa bệnh có từ bao giờ ?
     Nhịn ăn là một trong những cách chữa bệnh cổ xưa nhất của tự nhiên. Ở Phương Tây, các nhà hiền triết và truyền giáo cổ xưa thường nhịn ăn không phải chỉ để khỏe mạnh, phòng chống bệnh tật mà còn để nâng cao tinh thần và linh hồn bời vì như họ nói : “No bụng thì không thích suy nghĩ”. Chúa Jêsu đã nhịn ăn 40 ngày, trong thời gian đó ông đã vượt qua được mọi cám dỗ và chuẩn bị bản thân cho việc lớn và sự đau đớn mà ông sẽ phải chịu đựng. Các nhà triết học Hy Lạp vĩ đại như Socrates, Plato, Pytago…thường nhịn đói trước khí viết các tác phẩm về triết học hoặc trước khi phải trải qua những kỳ kiểm tra đặc biệt vì họ biết rằng nhịn đói sẽ kích thích khả năng trí tuệ. Hyppocrate, ông tổ của ngành y người Hy Lạp đã từng nói : “Trong mỗi người đều có một bác sĩ, chỉ cần giúp “anh ta” làm công việc của mình. Khi bạn ốm mà bạn vẫn ăn là bạn tự nuôi dưỡng bệnh của bạn”.  Ở Phương Đông, y học cổ truyền đã bàn luận và sử dụng phương pháp nhịn ăn với những tên gọi là “đoạn thực”, “đoạn cốc”, “tịch cốc” để phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe dưới hình thức đơn độc hoặc phối hợp với các biện pháp không dùng thuốc khác như châm cứu, xoa bóp, tập luyện khí công dưỡng sinh, yoga, thiền…
2. Nhịn ăn có lợi ích gì ?
     Nhiều chuyên gia cho rằng, nhịn ăn là phương pháp giúp cơ thể nghỉ ngơi và chỉ tập trung cho việc thanh lọc thất độc tích tụ trong cơ thể. Nhịn ăn đúng cách có những lợi ích sau đây :
- Giúp cho toàn bộ các cơ quan, tạng phủ trong cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồ sức khỏe để làm việc có hiệu quả hơn, đặc biệt là hệ tiêu hóa và tim mạch.
- Làm tăng khả năng bài tiết chất độc tích tụ trong cơ thể, điều mà người ta gọi là tình trạng “nhiễm độc nội sinh” thông qua việc làm tan các chất độc bám ở tất cả các cơ quan và các mô, nhờ đó mà thực hiện hữu hiệu quá trình thanh lọc cơ thể một cách tự nhiên.
- Giúp tái lập sự hoạt động bình thường và cân bằng của các tổ chức, cơ quan, làm trẻ hóa toàn bộ cơ thể, giúp làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ.
- Giúp duy trì được năng lượng và hướng nó vào các hoạt động của tinh thần và trí tuệ cao siêu như thiền định, làm đầu óc nhẹ nhàng, sáng sủa, cảm giác sắc bén, tăng khả năng ghi nhớ và tập trung .
- Góp phần đốt cháy và loại bỏ những chất liệu vô ích, chất béo dư thừa, làm giảm thể trọng ở những người thừa cân và béo phì.
- Giúp phục hồi độ rộng bình thường của dạ dày, làm mất thói quen phàm ăn bất bình thường, giảm trạng thái thèm rượu và thuốc lá.
- Việc nhịn ăn định kỳ giúp làn da trở nêm trẻ trung và trong sạch, tăng cường sức đề kháng chống lại mọi sự nhiễm trùng, giúp cơ thể phòng chống nhiều loại bệnh tật.
- Như một loại :thuốc an thần của tạo hóa” nhờ tác động thư giãn hệ thần kinh và làm tâm hồn trở nên thanh thản, giúp phòng chống mất ngủ.
- Giúp cho toàn bộ cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa được nghỉ ngơi và làm sạch. Nhịn ăn đúng cách và thường xuyên làm cho ta cảm thấy tăng cường sức khỏe, khí lực, trí lực, năng lượng và sự minh mẫn.
3. Những quan niệm nào chưa đúng về nhịn ăn chữa bệnh ?
     Trên thực tế, hiện nay vẫn tồn tại hai quan niệm chưa đúng về phương pháp nhịn ăn chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Quan niệm thứ nhất coi đây là một cách thức chữa bệnh không khoa học, có người cho là “phản khoa học” vì họ cho rằng cơ thể mỗi ngày nhất thiết phải được cung cấp một lượng đồ ăn thức uống nhất định theo nguyên tắc đầy đủ, cân bằng và hợp lý để đảm bảo đủ năng lượng tối thiểu cho cơ thể hoạt động bình thường, những người nhịn ăn thường xuyên, đặc biệt là nhịn ăn quá dài sẽ khiến cơ thể suy mòn, nguồn năng lượng sẽ cạn kiệt, các chất dinh dưỡng sẽ thiếu hụt, ảnh hưởng không tốt tới hàng loạt các chức phận bên trong cơ thể đặc biệt là não. tạo nguy cơ gây nên nhiều bệnh lý thậm chí có thể gây tử vong, ví như tình trạng hôn mê do tụt đường huyết. Từ đó, họ cho rằng chỉ nên ăn kiêng chứ không nên nhịn ăn. Quan niệm thứ hai coi nhịn ăn là phương thuốc chữa bệnh tự nhiên và vạn năng, thậm chí có thể chữa được cả bệnh ung thư. Họ cho rằng bệnh tật là do sự tích lũy chất độc trong cơ thể do ăn uống quá nhiều cả về lượng và chất. Có một chuyên gia dinh dưỡng nói : “Không một loài thú nào bụng lại đầy thức ăn không tiêu bị lên men, thối rữa do ăn quá nhiều thức ăn không tự nhiên như cái gọi là “con người văn minh”. Theo tự nhiên, mỗi con vật đều nhịn đói theo bản năng khi bị ốm, nhưng con người chúng ta lại đi lạc với tự nhiên quá xa, đáng lẽ khi thiếu sự ngon miệng vì ốm, cần nhịn ăn để thanh lọc cơ thể thì chúng ta lại nhồi nhét quá nhiều thức ăn để “tăng sức khỏe của mình”. Thực chất, đây là hai quan niệm đều mang tính thái quá. Điều quan trọng không phải là phủ định hay khẳng định một cách cực đoan phương pháp nhịn ăn chữa bệnh mà rất cần phải có những công trình nghiên cứu khoa học cả trên lý thuyết lẫn thực hành, cả trên thực nghiệm lẫn lâm sàng để làm sáng tỏ vấn đề này.
4. Khi thực hành nhịn ăn chữa bệnh cần chú ý những gì ?
     Hiện nay, trên thực tế không ít người vẫn thực hành nhịn ăn để phòng chống bệnh tật theo nhiều cách khác nhau. Ví như, nhịn ăn ngắn ngày khoảng 1 tuần, nhịn ăn dài ngày có khi kéo dài 30-40 ngày, nhịn ăn vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch, nhịn ăn tuyệt đối không ăn một tí gì kể cả nước, nhịn ăn nhưng vẫn uống nước lọc, nhịn ăn kết hợp với thực hành Thiền…Không thể phủ nhận là đã có những trường hơp dùng cách nhịn ăn chữa khỏi một số bệnh, nhưng cũng đã xuất hiện nhưng tai biến không đáng có khi thực hành liệu pháp này. Vậy nên, trong khi nhịn ăn liệu pháp được khuyến cáo là chưa nên khuyến khích thì việc thực hành cần chú ý những điều sau đây :
- Cần được khám xét, đánh giá và chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe và bệnh tật, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia về dinh dưỡng xem có cần nhịn ăn hay không, nếu có cần và có thể nhịn ăn hay không.
- Không áp dụng nhịn ăn ở những người suy kiệt, suy dinh dưỡng, thiếu máu, ung thư tiến triển, lao, AIDS, người mắc bệnh tiểu đường típ I (nhóm phụ thuộc insulin), bệnh gan, tim, thận nặng, hạ đường huyết, nhừng trường hợp măc bệnh cấp tính…Không được áp dụng cho trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú.
- Nên thực hành nhịn ăn một cách tăng dần, tránh đột ngột bất ngờ. Lúc đầu có thể chỉ ăn hoa quả và uống sữa, sau đó chỉ cần hoa quả và nước uống, sau đó chỉ nước và cuối cùng là không dùng gì cả. Người ốm hoặc yếu không thể nhịn ăn được thì có thể thực hiện nhịn từ bữa trưa cho đến tận sáng hôm sau hoặc có thể uống nước hoa quả, sữa hoặc súp rau xanh.
- Chú ý lắng nghe cơ thể mình, nếu thấy bất cứ một dấu hiệu nặng nề nào thì phải ngừng nhịn ăn và tiến hành khám bệnh ở các cơ sở y tế có đủ tư cách pháp nhân.
- Khi ngừng nhịn ăn chú ý ăn lại từ từ thoe nguyên tắc từ ít đến nhiều, từ lỏng đế đặ, từ dễ tiêu đến khó tiêu trong một thời gian nhất định theo hướng dẫn của các thầy thuốc và chuyên gia dinh dưỡng.
- Nên thực hiện theo nguyên tắc “tam nhân chế nghi” của y học cổ truyền là : nhân nhân chế nghi (tùy người mà dùng), nhân địa chế nghi (tùy nơi mà dùng) và nhân thời chế nghi (tùy lúc mà dùng)

                                                                                  ThS Hoàng Khánh Toàn
    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét