Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Về huyệt Cao hoang

                               TÌM HIỂU CÁCH DÙNG HUYỆT CAO HOANG
           CỦA NGUYỄN ĐẠI NĂNG TRONG “ CHÂM CỨU TIỆP HIỆU DIỄN CA”



      Trong Châm cứu tiệp hiệu diễn ca, Phương sĩ chuyên khoa châm cứu Nguyễn Đại Năng đã dành nhiều trang nói về huyệt Cao hoang. Trên thực tế nghiên cứu và thực hành lâm sàng hiện nay, huyệt vị này ít được các nhà châm cứu chú ý đến. Nhưng  đọc lại và suy ngẫm những kiến giải của cổ nhân để rồi từ đó mạnh dạn đi sâu nghiên cứu, minh giải và vận dụng huyệt này trong thực tiễn chẩn trị âu cũng là một việc làm hết sức cần thiết. Vả lại, không phải đến bây giờ mà đương thời Nguyễn Đại Năng đã nói: " Cao hoang huyệt pháp thiểu nhân tri"( ít người biết phép dùng huyệt Cao hoang). Và danh y tiên liệt Tôn Tư Mạo cũng đã viết : Chỉ vì người vụng không thể sử dụng được huyệt này, thế nên những bệnh trầm kha ngoan cố khó hết, nếu có thể dụng tâm phương tiện tìm được để đốt, thì không bệnh gì là không hết. Vậy, Nguyễn Đại Năng đã kiến giải về huyệt Cao hoang như thế nào ?

   @ - Về công dụng

      Trước hết, Ông cho rằng Cao hoang có thể chữa được các chứng phế lao khái huyết, thổ huyết, khái thấu và khí suyễn. Ông viết:

" Hoặc ho, hoặc rãi, hoặc hen,
                              Lạnh liền đau bụng, nắng liền nhãn hoa.
 Ho đờm khạc huyết sinh ra,
                              Trong lòng bẩm nhẩm, ngoài da rùng rùng."

“ Có người lao trái truyền thi,
                              Cường tà ngoan quỷ nó thì cũng nên.”

     Ở đoạn khác, Ông khẳng định:

                             “ Cao hoang huyệt pháo thiểu nhân tri,  
                               Phá trái trừ tà chân bảo y.”
( ít người biết phép dùng huyệt Cao hoang
để trừ tà lao trùng rất là hiệu nghiệm.)

      Theo y thư cổ, huyệt Cao hoang trước kia vốn chỉ là kinh kỳ ngoại huyệt. Mãi tới đời Đường, Tôn Tư Mạo nhận thấy hiệu năng quá đặc biệt mới quan trọng hoá nó trong hai tác phẩm của mình là Thiên kim phươngThiên kim dực phương và sáp nhập Cao hoang vào Bàng quang kinh. Trên thực tế, tác dụng của huyệt vị này đối với một số chứng bệnh đường hô hấp như Nguyễn Đại Năng kiến giải đã được nhiều y gia khẳng định. Ví như, sách Thiên kim yếu phương viết: “ Cao hoang du vô sở bất trị, chủ luy sấu hư tổn, mộng trung thất tinh, thượng khí suyễn khái”; sách Châm cứu tư sinh kinh viết: “ Hữu quý nhân cửu hoạn suyễn, dạ ngoạ bất đắc nhi khởi hành…, lệnh cứu Cao hoang nhi dụ”; sách Bách chứng phú cũng đã viết: “ Lao sái truyền thi, xu Phách hộ, Cao hoang chi lộ” ( Mắc chứng phế lao phải dùng tới hai huyệt Phách hộ và Cao hoang); Sách Thần cứu kinh luân thì cho rằng, nếu bị ho do phong hàn thì nên cứu các huyệt Phế du, Cao hoang, Linh đài, Chí dương, Hợp cốc, Liệt khuyết, Thiên đột và Tam lý.
      Kinh nghiệm hiện nay thường dùng Cao hoang phối hợp với Phế du và Thận du để trị lao phổi; với Thiên đột, Đại chuỳ và Suyễn tức để trị hen suyễn. Một số tác giả Trung quốc như Chu Sơ Kiện (1989), Lý Chí Minh (1982), Châu Thụ Yến (1987)…đã có những công trình nghiên cứu dùng huyệt Cao hoang phối hợp với các huyệt vị khác để điều trị viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, lao phổi…Ví như, Sử Quảng Vũ (1983) đã tiến hành cứu các huyệt Xích trạch, Phế du, Cao hoang, Đại chuỳ, Tam âm giao và Thái uyên để điều trị lao phổi thể âm hư hoả vượng theo phương thức : ôn cứu mỗi ngày 1 lần, mỗi huyệt cứu 15 phút, 10 lần là 1 liệu trình, giữa các liệu trình nghỉ 3 ngày. Đã khảo sát trên 30 bệnh nhân, kết quả sau điều trị 3 liệu trình 18 ca có chuyển biến tốt, 10 ca có chuyển biến khá, 2 ca không có kết quả
     Thứ hai, Nguyễn Đại Năng cho rằng Cao hoang có thể dùng để điều trị chứng hư lao (suy nhược cơ thể) biểu hiện bằng các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, dễ ẩu thổ, gầy mòn, da vàng nhợt…Ông viết:

“ Hoặc người bẩm khí bạc suy,
                              Mong manh sức cốt thường khi yếu liền.
Khí suy huyết thiểu thực song,
                              Chưa hè đã quạt, chưa đông đã vầy”

“ Da vàng mái mái chẳng tươi
                               Biếng ăn cơm gạo, muốn say mận đào.”

                                  " Bụng thì khi đói khi đầy,
Mặt xem bỗng tái, bỗng hây đỏ hồng.
     Khí thăng ưng ực nương long,
Ủa lên máy miệng phán dông phán dài."

      Kiến giải này của Nguyễn Đại Năng cũng hoàn toàn phù hợp với quan niệm của các y gia tiên liệt. Theo đó huyệt vị này có tác dụng nâng cao chính khí và đề phòng bệnh tật. Tuy nhiên, Cao hoang bổ hư ích tổn nhưng chủ yếu là thanh nhiệt dưỡng âm, bổ nguyên điền tinh. Bởi vậy, cổ nhân thường cứu huyệt này cùng với Túc tam lý và Quan nguyên để tăng cường tác dụng hoặc phối hợp với Đào đạo, Thân trụ và Phế du để trị suy nhược do ngũ lao thất thương. Sách Châm cứu đại thành viết: " Cao hoang chủ trị các chứng bệnh ngoan cố, gầy gò, suy nhược, nóng trong xương". Sách Y tông kim giám viết: " Chủ trị chư hư bách tổn, ngũ lao thất thương, thân hình luy thụ". Sách Châm cứu ca phú tuyển giải cho rằng: " Uông Tỉnh Chi cho Cao hoang là chỗ ở của thần minh, tà khí phạm vào, đương sự sẽ yếu mệt, ốm gầy. Đến đây nếu được minh sư cứu cho ở đó tức bệnh nhân sẽ được khỏe mạnh và an nhiên vô sự". Sách Thần cứu kinh luân cũng ghi rằng: " Các hư lao nhiệt, Khí hải, Quan nguyên, Cao hoang, Túc tam lý, Nội quan trị lao nhiệt tốt", nghĩa là để chữa chứng lao tổn hư nhiệt biểu hiện bằng các triệu chứng lúc sốt lúc không, thường cảm thấy nóng lòng bàn tay bàn chân, kèm theo váng đầu, tinh thần mỏi mệt, gầy yếu, nóng trong xương, hay quên, ăn kém, đổ mồ hôi trộm, mạch hư vô lực thì phải chọn phương huyệt này, trong đó Khí hải, Cao hoang và Quan nguyên là tam huyệt đại bổ nguyên khí, điền bổ âm tinh.
     Liên hệ với bệnh danh của y học hiện đại, chứng hư lao mà huyệt Cao hoang có khả năng chữa trị nằm trong phạm vi các bệnh như suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, thiếu máu, viêm thận mạn tính, lao phổi, lao xương…Kinh nghiệm hiện nay thường phối hợp dùng Cao hoang với Quan nguyên và Túc tam lý để chữa suy nhược cơ thể do các bệnh mạn tính gây nên ; phối hợp với Túc tam lý và Cách du để trị nóng âm ỉ trong xương. Một số tác giả Trung quốc như Vương Lập Tảo, Lý Vinh Phiên, Du Phương… đã dùng Cao hoang trong phác đồ chung để điều trị suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, thiếu máu, chứng giảm thiểu bạch cầu…đạt hiệu quả khá tốt.
      Thứ ba, Nguyễn Đại Năng nhận thấy huyệt Cao hoang còn có tác dụng trị liệu chứng di mộng tinh. Trong Châm cứu tiệp hiệu diễn ca, Ông viết:

" Kìa ai nằm thường chiêm bao,
                           Đêm đêm nhấp thấy qủy giao dâm cùng.
   Ăn ở như hình vợ chồng,
                            Khiến tinh bất cấm làm song những là.
   Cứu huyệt Cao hoang trừ tà,
                           Cùng Qủy nhãn huyệt vậy hòa phải thay."

      Sách Loại kinh đồ dực viết: " Mộng di tinh qủy giao, Tâm du cứu không nên nhiều, Cao hoang , Thận du cứu tùy tuổi, thấy ngay hiệu quả" và cũng đã cấu tạo nên " Cố tinh phương" chuyên sáp tinh chỉ di, gồm các huyệt Tâm du, Cao hoang, Thận du, Mệnh môn, Bạch hoàn du, Trung cực, Tam âm giao, Trung phong và Nhiên cốc ; có công dụng thanh tâm bổ thận, ích khí cố tinh ; chủ trị di mộng tinh kèm theo hoa mắt chóng mặt, ù tai, tinh thần không phấn chấn, mỏi lưng, yếu sức, chân tay uể oải, lưỡi nhạt rêu trắng, mạch tế nhược. Sách Châm cứu tư sinh kinh cho rằng: " Đàn ông mộng tinh tiết cứu Tam âm giao 50 mồi, Cao hoang du cứu mộng thất tinh, Chí âm, Khúc tuyền, Trung cực chữa thất tinh". Như vậy có thể thấy, kinh nghiệm dùng Cao hoang chữa di mộng tinh của Nguyễn Đại Năng cũng hoàn toàn phù hợp với nhận định của nhiều y gia khác.
      Thứ tư, Nguyễn Đại Năng cho rằng Cao hoang còn có tác dụng chữa đau vai, đau lưng ngực. Ông đã viết:

" Có khi trên ức đầy đầy,
                           Sái vai mỏi cổ lại hay ngáp dài."

      Sách Đông y bảo giám ghi rằng: " Đau vai do suy nhược, đau vai do nghề nghiệp, suy nhược do nữ sắc, cứu Cao hoang rất hay". Kinh nghiệm hiện nay cũng thường dùng Cao hoang chữa đau vai và đau lưng ngực, tuy nhiên rất tiếc là hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào khảo sát vấn đề này.
      Cuối cùng, Nguyễn Đại Năng còn phát hiện tác dụng chữa phụ nữ sau đẻ máu hôi ra không dứt và chữa phụ nữ kinh nguyệt không đều, ngủ thấy chiêm bao mê mộng, đẻ con khó nuôi của huyệt Cao hoang. Trong Châm cứu tiệp hiệu diễn ca, Ông đã viết:

" Kìa ai sản hậu làm xong,
                          Ác lộ bất chỉ trong lòng đau thay.
Đẻ được một tháng bằng nay,
                           Hoặc hai ba tháng máu rày thường ra.
Cứu huyệt Thủy phân chớ qua,
                           Cùng Quan nguyên huyệt vậy hòa cho hay.
Cứu Cao hoang huyệt bằng nay,
                           Tam âm giao huyệt ấy rày làm song."

"Kìa ai phải chứng qủy tà,
                           Bị mười lăm giống qủy ma luân hồi.
Có đẻ mà chẳng có nuôi,
                           Lại thêm mộng tưởng kìa ơi ngày rày.
Thoạt nhấp thấy chiêm bao nay,
                           Hình như rắn đỉa thuở rày vào ra.
Ta cứu Cao hoang trừ tà,
                           Cùng Giản sử huyệt vậy hòa ở đâu?".

      Có thể nói đây là vấn đề rất lý thú, cần phải lưu ý tìm hiểu và khảo sát. Sách Châm cứu tứ thư viết: " Cao sinh vu tỳ, Hoang căn vu thận", huyệt Cao hoang lại nằm ở vùng lưng, cho nên trong trị liệu những bệnh liên quan đến tỳ, thận, phế nói chung và các bệnh sản phụ khoa nói riêng vai trò của huyệt vị này chắc hẳn là không nhỏ.

   @ - Về cách lấy huyệt

      Vấn đề xác định vị trí huyệt Cao hoang đã được Nguyễn Đại Năng chú ý diễn giải khá dài và rất cụ thể bằng 19 câu ca nôm. Kế đó, Ông lại tóm lược bằng mấy câu thơ:

" Lưỡng thủ tất vi linh chính tọa,
Song kiên giáp cốt sử khai ly.
Tam thiểu phân trừ tu bút ký,
Lưỡng tam bàng khứ huyệt tương kỳ.
Chân hạ phân minh u hữu tứ,
Châm câu tuy ngũ pháp vô nghi."

      (Bảo người bệnh ngồi hai tay bó gối, sao cho hai xương bả vai mở rộng ra. Lấy mốc vào khoảng 1/3 dưới đốt xương sống thứ 4, 2/3 trên đốt xương sống thứ 5, ngang thẳng ra hai bên, mỗi bên cách 3 thốn đồng thân, là huyệt).
        Theo sách Châm cứu đại thành, huyệt Cao hoang nằm ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 4 ngang ra 3 tấc. Hiện nay, các nhà châm cứu ở nước ta và Trung quốc đều lấy huyệt Cao hoang ở điểm gặp nhau của đường ngang qua đầu mỏm gai đốt sống lưng 4 và đường thẳng đứng ngoài mạch Đốc 3 tấc ( tay nọ ôm tay kia để xương bả vai kéo ra ngoài, cho huyệt lộ ra)
      Cho đến nay, có thể nói: Ở nước ta, Nguyễn Đại Năng là nhà châm cứu xưa nhất và duy nhất bàn luận sâu sắc và thực hành sáng tạo về huyệt Cao hoang. Ông thực sự yêu qúy và tâm đắc với huyệt vị này mà thể hiện qua mấy vần thơ khiến chúng ta ngày nay phải thực tâm suy ngẫm:

" Nếu mà cứu được huyệt này,
                            Như chim phá tổ, rắn nay dập đầu.
   Như thiên vạn qủy âu sầu,
                            Lục phủ ngũ tạng mấy hầu bổ nguyên.
   Bách bệnh chủ trị vi tiên,
                            Thượng cổ thánh hiền đã truyền Nội kinh."

" Tuy nhiều pho nọ sách kia,
                            Tiên hiền di bút người thì dấu ai.
    Bởi ta sức học vắn dài,
                           Chữ đen đã thấu nghĩa vai còn ngờ.
  Nghe hơi bắt chước tình cờ,
                           Khổ dê ỷ núi bây giờ chan chan.
  Cậy rằng đắc thế làm càn,
                           Chẳng nề kinh chỉ, chẳng toan đắc truyền."

                                                                              Hoàng Khánh Toàn



2 nhận xét: