Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Ăn gì để tư âm bổ thận

ĂN GÌ ĐỂ TƯ ÂM BỔ THẬN ?


     Theo y học cổ truyền, cơ thể con người muốn khỏe mạnh thì nhất thiết phải giữ được cân bằng âm dương. Tuy nhiên, âm dương luôn luôn biến hóa và thể chất mỗi người có thể thiên về âm hoặc thiên về dương, nghĩa là có người thiên về âm hư, có người thiên về dương hư. Khi bị bệnh, mặc dù cùng mắc một căn bệnh giống nhau nhưng có người thuộc thể âm hư, có người thuộc thể dương hư. Âm hư do nhiều nguyên nhân gây nên như bị tà khí nhiệt táo xâm nhập, ăn uống quá nhiều đồ cay nóng, rối loạn tình chí, phòng sự quá độ, lạm dụng các thuốc táo nhiệt...khiến cho tân dịch hao tổn, âm dịch hư suy. Biểu hiện của chứng âm hư thường là người gầy, da khô, dung nhan tiều tụy, miệng khô họng khát, thích uống nước lạnh, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, vã mồ hôi trộm, đầu choáng mắt hoa, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo kết, chất lưỡi đỏ khô, ít hoặc không có rêu lưỡi...
     Khi thể chất hoặc không may mắc bệnh thuộc thể âm hư, dinh dưỡng học cổ truyền khuyên nên trọng dụng các đồ ăn thức uống thanh bổ, ngọt mát nhu nhuận, sinh tân dưỡng âm bổ thận, trong đó đặc biệt lưu ý các thực phẩm sau đây :
* Thịt vịt : tính bình, vị ngọt mặn, có công dụng tư âm dưỡng vị, bổ thận. Sách “Tùy tức cư ẩm thực phổ” viết rằng : thịt vịt có khả năng “tư ngũ tạng chi âm, thanh hư lao chi nhiệt, dưỡng vị sinh tân bổ thận” (bổ phần âm của năm tạng, thanh hư nhiệt, bổ vị và thận, làm tăng tân dịch). Dân gian thường coi thịt vịt trắng là bổ âm tốt nhất.
* Thịt lợn : tính bình, vị ngọt mặn, có công dụng tư âm và nhuận táo. Danh y đời Thanh (Trung Quốc), Vương Mạnh Anh viết : “Trư nhục bổ thận dịch, sung vị chấp, tư can âm, nhuận cơ phu, chỉ tiêu khát” (thịt lơn bổ thận, vị và can âm, làm nhuận da thịt, hết đái đường). Sách “Bản thảo bị yếu” cũng viết : “Trư nhục, thực chi nhuận tràng vị, sinh tinh dịch, trạch bì phu”
* Trứng gà : tính bình, vị ngọt, không những có công dụng ích khí dưỡng huyết mà bất luận lòng trắng hay lòng đỏ cũng đều có khả năng tư âm nhuận táo. Dân gian Trung quốc thường nấu trứng gà với đậu đen hoặc đậu tương để bổ thận tư âm.
* Sữa bò : tính bình, vị ngọt, rất giàu chất dinh dưỡng, có công dụngn tư âm dưỡng dịch, sinh tân nhuận táo. Các y gia đời xưa thường gọi công dụng tư âm của sữa bò với nhiều cách khác nhau như “nhuận cơ chỉ khát”, “nhuận bì phu”, “nhuận đại tràng”, “tư nhuận ngũ tạng”, “tư nhuận bổ dịch”.
* Ba ba : tính bình, vị ngọt, có công dụng tư âm bổ thận, lương huyết, là loại thực phẩm thanh bổ tuyệt vời cho người bị âm hư. Sách “Tùy tức cư ẩm thực phổ” cho rằng ba ba có khả năng “tư can thận chi âm, thanh hư lao chi nhiệt”, sách “Bản thảo bị yếu”  cũng viết : “Giáp ngư lương huyết tư âm”.
* Rùa : tính bình, vị ngọt mặn, có công dụng tư âm bổ thận dưỡng huyết. Sách “Y lâm bị yếu” cho rằng rùa có khả năng “trị cốt chứng lao nhiệt, âm hư huyết nhiệt chi chứng” (chữa chứng đau nhức trong xương do hư nhiệt và các chứng âm hư huyết nhiệt).
* Hến : tính bình, vị ngọt mặn, có công dụng tư âm bổ thận. Sách “Bản thảo cầu nguyên” cho rằng hến có khả năng “tư chân âm”, sách “Bản thảo tùng tân” viết hến là một trong những thực phẩm có tác dụng “liệu tiêu khát” (chữa đái đường).
* Hải sâm : có công dụng tư âm, bổ huyết, ích tinh, nhuận táo. Sách “Dược tính khảo” cho rằng hải sâm có khả năng “giáng hỏa tư thận”. Sách “Thực vật nghi kỵ” cũng viết : “Hải sâm bổ thận tinh, ích tinh tủy”. Danh y Vương Mạnh Anh (đời Thanh, Trung Quốc) cũng nói : “Hải sâm tư âm, bổ huyết, nhuận táo”. Có thể nói, hải sâm là một loại thực phẩm điển hình có công dụng tư âm bổ thận.
* Sò : tính lạnh, vị mặn, có công dụng tư âm, hóa đàm, nhuyễn kiên. Y thư cổ đều cho rằng sò là thứ không chỉ tư âm bổ thận mà còn nhuận táo,m nhuận ngũ tạng, chỉ tiêu khát.
* Trai : chứa rất nhiều đạm và vitamin, có công dụng tư âm bổ thận, thanh nhiệt, làm sáng mắt. Danh y Vương Mạnh Anh cho rằng trai có khả năng “thanh nhiệt tư âm, dưỡng can lương huyết. Đây là một trong những thực phẩm lý tưởng cho người mắc chứng âm hư.
* Mực : tính bình, vị mặn, có công dụng bổ huyết tư âm, dưỡng thận. Các nhà dinh dưỡng học cổ truyền phương Đông đều cho rằng mực là một trong những loại thực phẩm có khả năng “đại năng dưỡng huyết tư âm”, rất cóm lợi cho những người mắc các chứng bệnh bệnh thuộc thể can thận âm hư.
* Bào ngư : còn gọi là thạch quyết minh nhục, có công dụng tư âm thanh nhiệt, ích tinh minh mục. Danh y Vương Mạnh Anh cho rằng bào ngư cóm khả năng “bổ tâm noãn can, tư âm minh mục”. Bào ngư cũng là một trong những loại thực phẩm điển hình có tác dụng tư âm bổ thận. Hiện nay, có rất nhiều các loại thực phẩm chức năng dùng bào ngư để bồi bổ cho những người bị yếu sinh lý.
* Lê : có công dụng sinh tân, nhuận táo, rất thích hợp cho những người mắc các bệnh lý có sốt gây tổn thương âm dịch. Sách “Bản thảo thông huyền” cho rằng lê có khả năng “nhiệt chư tư ngũ tạng chi âm”, sách “Trùng khánh đường tùy bút” cũng viết : “Lê, ôn nhiệt táo bệnh, cập âm hư hỏa tích, tân dịch hư tổn, chấp ẩm chi kỳ hiệu”.
* Tang thầm : là quả dâu chín, tính lạnh, vị ngọt, có công dụng tư âm bổ huyết, ích thận. Sách “Bản thảo cầu tân” viết : “Tang thầm ích âm khí, ích âm huyết”, sách “Bản thảo kinh sơ cũng viết : “Tang thầm vi lương huyết bổ huyết ích âm chi dược” và “tiêu khát do vu nội nhiệt, tân dịch bất túc, sinh dịch cố chỉ khát, ngũ tạng giai thuộc âm, ích âm cố lợi ngũ tạng”. Quả dâu chín rất có lợi cho người mắc chứng thận âm hư gây tai ù, tai điếc, tiêu khát (đái đường).
* Kỷ tử : tính bình vị ngọt, có công dụng tư âm bổ thận ích thọ, là thứ quả cực kỳ hữu ích cho những người mắc chứng thận âm hư gây đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, lưng gối đau mỏi..., đặc biệt tốt để trị liệu lao phổi, đái đường, hư lao...
* Tổ yến : tính bình, vị ngọt có công dụng bổ thận dưỡng âm, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp như lao phổi, giãn phế quản, viêm phế quản mạn tính...thuộc thể phế thận âm hư.
* Ngân nhĩ : còn gọi là mộc nhĩ trắng, tính bình, vị đạm ngọt, có dông dụng tư âm dưỡng vị, sinh tân nhuận táo. Ngân nhĩ rất giàu chất dinh dưỡng, trong đó có nhiều vitamin và 17 loại acid amin cần thiết cho cơ thể, rất có lợi cho những người thể chất âm hư hoặc mắc các chứng bệnh thuộc thể âm hư.
* Tây dương sâm : còn gọi là sâm Mỹ, tính mát, vị ngọt hơi đắng, có công dụng ích khí dưỡng âm, bổ thận. Các sách thuốc cổ như “Bản thảo tùng tân”, “Dược tính khảo”...đều cho rắng tây dương sâm có khả năng “tư âm giáng hỏa”. Với chứng âm hư không nên dùng nhân sâm, nhưng với tây dương sâm thì lại là một vị thuốc rất thích hợp.
     Ngoài ra, để tư âm bổ thận còn nên trọng dụng a giao, mẫu lệ nhục, cá trạch, sữa ngựa, sữa dê, củ mài, mật ong, sữa ong chúa, vừng đen, nấm đông cô, nấm kim châm, cà chua, giá đỗ các loại...và nên kiêng kị thịt chó, thịt dê, thịt chim sẻ, hải mã, hải long, thịt hoẵng, lạc rang, vải, long nhãn, ô mai, tỏi, rau hẹ, hạt tiêu, ớt, gừng, nhục quế, tiểu hồi, đại hồi, rượu trắng, hồng sâm, nhục thung dung, tỏa dương...

                                                                                   Hoàng Khánh Toàn

1 nhận xét:

  1. Bác Toàn ơi, yếu sinh lý do dương thịnh âm hư có thể dùng bài thuốc ngâm ở dưới được không ạ? Bài này có vẻ dành cho thận dương hư vì có nhục quế.
    Cám ơn bác
    Minh

    Trong y học cổ truyền, liệt dương được gọi là chứng dương nuy do nhiều nguyên nhân gây ra và được trị liệu bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có biện pháp ngâm thuốc.

    Xin được giới thiệu một bài thuốc đơn giản mà có hiệu quả để bạn đọc tham khảo và áp dụng:

    Công thức: Sà sàng tử 30g, hoắc hương 30g, lộ phòng phong (tổ ong) 15g, đinh hương 10g, nhục quế 15g.

    Cách chế: Tất cả các vị thuốc đem sấy khô, tán vụn, đựng trong túi vải buộc kín miệng rồi đem sắc cùng với 3.500ml nước trong 60 phút, trước sắc vũ hoả (lửa to), sau sắc văn hoả (lửa nhỏ) cho đến khi còn 2.500ml là được.

    Cách dùng: Đổ dịch thuốc ra chậu và xông hạ bộ cho đến khi nước nguội dần rồi tiếp tục ngâm bộ phận sinh dục (dương vật và tinh hoàn) cho đến khi nước thuốc nguội hẳn. Mỗi ngày làm 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Mỗi thang dùng 5 ngày vào mùa đông và 3 lần vào mùa hạ. Mỗi liệu trình là 15 ngày, giữa các liệu trình nghỉ 3 ngày. Bệnh nhẹ chừng 1 liệu trình, bệnh nặng chừng 2 - 3 liệu trình là khỏi, sau khi khỏi nên duy trì ngâm thuốc cách nhật để củng cố.

    Theo y học cổ truyền, thông thường, liệt dương là do mệnh môn hỏa suy. Trong bài, các vị thuốc như sà sàng tử, nhục quế, lộ phòng phong, đinh hương đều có công năng trợ mệnh môn hỏa, hưng dương khởi nuy và cũng là những vị thuốc thường có mặt trong thành phần của các phương thuốc uống trong để chữa bệnh liệt dương. Bài thuốc đạt được hiệu quả trị liệu thông qua yếu tố nhiệt và chất thuốc thẩm thấu qua da tác động trực tiếp tại chỗ làm lưu thông khí huyết và kích thích các huyệt vị có công dụng bổ dương như hội âm, trường cường, thúc cốt, khí hải, quan nguyên...
    Bài thuốc này đã được các nhà y học cổ truyền Trung Quốc nghiên cứu trên lâm sàng đạt kết quả 55% khỏi, 40% đỡ nhiều và chỉ có 5% thât bại, đạt hiệu quả 95%.

    ThS. Hoàng Khánh Toàn

    Trả lờiXóa