Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

ĐÔNG DƯỢC ÍCH THỌ CÓ NHẤT THIẾT PHẢI LÀ THUỐC BÔ

ĐÔNG DƯỢC ÍCH THỌ CÓ NHẤT ĐỊNH PHẢI LÀ THUỐC BỔ ?


     Tự cổ chí kim, đã không có ít truyền thuyết kể về việc con người không quản nhọc nhằn đi tìm linh đan diệu dược để cầu mong đạt được sự trường sinh bất lão. Trong y giới cũng đã có không ít những phương dược được xây dựng và khảo nghiệm về khả năng bổ dưỡng và kéo dài tuổi thọ. Sách Thần nông bản thảo kinh đã viết : “ Thượng dược 120 chủng vi quân, chủ dưỡng mệnh dĩ ứng thiên, vô độc, đa phục cửu phục bất thương nhân, dục khinh thân ích khí, bất lão diên niên giả bản thượng kinh”. Trong thực tế cuộc sống, người ta thường dùng nhân sâm, đương quy, sinh địa, đại táo...làm thuốc bổ dưỡng nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ. Do những tư duy định kiến truyền thống, lại thêm tác động của  tuyên truyền quảng cáo, không ít người có quan điểm cho rằng đông dược ích thọ diên niên nhất định phải là những vị thuốc có tác dụng bổ dưỡng.
     Nói cho đúng thì những vị thuốc bổ dưỡng thường có tác dụng bổ sung những chất dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể, điều tiết hoặc cải thiện công năng sinh lý của các tạng phủ, nâng cao năng lực đề kháng, hạn chế sự phát sinh và phát triển của bệnh tật, từ đó mà đạt được mục đích củng cố và nâng cao sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ. Nhưng, theo quan niệm của y học cổ truyền, cơ chế của quá trình suy lão là hết sức phức tạp, vì hư mà có thể dẫn đến suy, vì thực mà có thể dẫn tới lão. Ngoài tình trạng suy thoái công năng các tạng phủ và bất túc của âm dương khí huyết, quá trình dẫn đến lão suy còn thường được gây nên bởi các yếu tố có tính “thực” như ứ huyết, đàm trọc, thuỷ ẩm...Bởi vậy, nếu chỉ sử dụng đơn thuần các vị thuốc bổ dưỡng thì khó có thể đạt được mục tiêu phòng chống quá trình lão suy, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
     Vả lại, khi đã có tuổi, không ít người thường lâm vào tình trạng tỳ vị hư nhược, biểu hiện bằng các triệu chứng như chán ăn, đầy bụng, chậm tiêu, đại tiện lỏng nát...Trong khi đó, đa số các vị thuốc bổ đông y lại thường có tính nê trệ, khó tiêu, nếu dùng cho những người tỳ vị hư yếu thì chẳng những không đạt được mục đích cường thân ích thọ mà nhiều khi còn tạo ra gánh nặng cho hệ thống tiêu hoá, ảnh hưởng không tốt đến quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng, khiến cho cơ thể đã suy lại càng suy, đúng như cổ nhân đã nói  “ hư bất thụ bổ”.
     Bởi vậy, theo quan niệm của y học cổ truyền, đông dược ích thọ không có nghĩa chỉ là những vị thuốc bổ có công dụng bồi đắp âm dương, ích khí dưỡng huyết, cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết mà còn bao gồm cả một số những vị thuốc bệnh có tính công phạt, trừ bỏ các nhân tố gây bệnh, thúc đẩy công năng các tạng phủ, điều tiết năng lực miễn dịch...qua đó gián tiếp mà có được tác dụng ích thọ diên niên, điều mà cổ nhân gọi là “dĩ công vi bổ” (lấy công phạt để bổ dưỡng). Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, các vị thuốc như đại hoàng, đan sâm, viễn trí, trạch tả, xương bồ...đều có tác dụng phòng chống lão hoá ở một mức độ nhất định. Các vị thuốc này hoặc thông qua ảnh hưởng đối với hệ thống tim mạch, cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim, dự phòng và khống chế sự phát sinh và phát triển của các bệnh lý tim mạch ; hoặc thông qua tác dụng điều tiết hệ thống miễn dịch, nâng cao năng lực đề kháng của cơ thể ; hoặc có khả năng điều chỉnh rối loạn lipid máu, hạ đường huyết, hạ huyết áp ; hoặc ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ..., qua đó làm cho chất lượng cuộc sống được nâng cao, tuổi thọ được kéo dài. Như vậy, có thể nói, đông dược ích thọ không nhất định phải là các vị thuốc bổ.

                                                                                 Hoàng Khánh Toàn
    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét