Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

DƯỢC BỔ CÓ BÀNG THỰC BỔ

DƯỢC BỔ CÓ BẰNG THỰC BỔ HAY KHÔNG ?



     Trong y học cổ truyền, thực bổ (bồi bổ bằng ăn uống) và dược bổ (bồi bổ bằng thuốc) là hai phương thức bổ dưỡng có chung một mục đích nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Dược bổ lấy trị bệnh là chủ, bổ dưỡng là phụ ; thực bổ lấy bổ dưỡng là chủ, trị bệnh là phụ. Phương tiện của dược bổ là thuốc, bởi vậy, theo quan niệm của y học cổ truyền, tất yếu cần phải nhận rõ sự khác biệt giữa hư, thực, hàn nhiệt và âm, dương, khí, huyết của từng cá thể để rồi trên cơ sở đó tiến hành lựa chọn các vị thuốc, bài thuốc có tính ôn (ấm), nhiệt (nóng), hàn (lạnh), lương (mát) và có tác dụng bổ khí, bổ huyết, bổ âm, bổ dương cho phù hợp, đông y gọi đó là phép biện chứng luận trị. Nếu không chú ý biện chứng chính xác thì chẳng những hiệu quả bồi bổ không đạt được mà thậm chí còn có thể gây nên các tai biến không đáng có. Thực bổ, đương nhiên cũng cần tiến hành biện chứng nhưng có điểm khác so với dược bổ là phương tiện của nó là những thực phẩm thường ăn hàng ngày nên chúng hầu như không độc, sử dụng tương đối an toàn, không làm thương tổn các tạng phủ, dễ ăn, dễ uống, dễ được người dùng chấp nhận. Các thầy thuốc thời xưa thường nói : "Dược vật đa dụng vu công bệnh, thực vật đa dụng vu điều bổ" (dược phẩm thường dùng để chữa bệnh, thực phẩm thường dùng để bồi bổ). Danh y đời Đường (Trung Quốc) Tôn Tư Mạo đã viết : "Vi y giả, đương tu động hiểu bệnh nguyên, tri kỳ sở phạm, dĩ thực trị chi, thực liệu bất dụ, nhiên hậu mệnh dược" (người thầy thuốc cần phải hiểu được nguyên nhân gây bệnh, biết được chỗ bị bệnh rồi dùng ăn uống mà chữa, nếu ẩm thực trị liệu không có hiệu quả thì mới dùng đến thuốc). Điều này nói rõ vai trò quan trọng của liệu pháp chữa bệnh và bồi bổ bằng ăn uống. Cũng vì thế mà tự cổ chí kim người ta thường nói : "Dược bổ không bằng thực bổ".
     Tuy nhiên, cũng phải thấy một điều là mặc dù thực bổ có vai trò rất to lớn nhưng không vì thế mà có thể thay thế hoàn toàn dược bổ. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp tất yếu phải dùng dược phẩm bồi bổ thì mới mong đạt được hiệu quả như ước muốn. Vậy thì, những người nào cần thiết phải dùng thuốc bổ ?
     Theo quan điểm của y học cổ truyền, xét về mặt tuổi tác, nhìn chung những người trẻ tuổi không cần dùng thuốc bổ. Tục ngữ có câu : " Đồng bất phục nhung, thiếu bất dụng sâm" (con trẻ không nên dùng nhung, tuổi trẻ không nên dùng sâm). Điều này nói rõ các loại thuốc có công dụng bồi bổ như nhung hươu, nhân sâm...chỉ thích hợp với lứa tuổi trung lão niên. Các dược phẩm này, theo y học cổ truyền, thường có tác dụng bổ hư tráng dương ; theo y học hiện đại, thường có công dụng làm hưng phấn các trung khu thần kinh, cải thiện công năng miễn dịch, thúc đẩy quá trình tạo huyết và chức năng tiêu hoá, nâng cao năng lực phòng chống bệnh tật và làm chậm quá trình lão hoá.
     Khi sử dụng các vị thuốc, bài thuốc có công dụng bồi bổ, cổ nhân cho rằng nhất thiết phải biện chứng thi trị. Sách Y học chính truyền đã viết : "Hư giả, chính khí hư dã". Những người có tuổi khí huyết thường suy nhược, sức đề kháng tật bệnh suy giảm, âm dương dễ rối loạn nên rất cần thiết phải bồi bổ. Nếu cơ thể suy nhược do bệnh tật gây nên thì trước hết phải trị bệnh rồi mới bồi bổ hoặc tiến hành công bổ song hành. Những người có tuổi nếu qua kiểm tra sức khoẻ không phát hiện thấy các biến đổi bệnh lý thực thể nhưng toàn thân cảm thấy mệt mỏi, tinh thần suy nhược, ăn kém, mất ngủ, hay quên... thì đó cũng là những biểu hiện của hư chứng và rất cần phải tiến hành bồi bổ. Tóm lại, trước khi sử dụng liệu pháp bồi bổ bằng thuốc, nhất thiết phải xem xét toàn bộ tình trạng cơ thể, lựa chọn kỹ lưỡng các vị thuốc, bài thuốc rồi mới bắt đầu tiến hành bồi bổ một cách thận trọng và chuẩn xác.


                                                                                Hoàng Khánh Toàn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét