Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

ĐÔNG Y VÀ SA SÚT TRÍ TUỆ

ĐÔNG Y VÀ TÌNH TRẠNG SA SÚT TRÍ TUỆ NGƯỜI GIÀ


     Sa sút trí tuệ là một trong những tình trạng rối loạn tâm thần thường gặp và gây ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng cuộc song của người có tuổi. Đời sống ngày càng được cải thiện, tuổi thọ cũng ngày càng được nâng cao, nhưng thật đáng tiếc tỷ lệ mất trí tuổi già cũng không ngừng gia tăng. Theo thống kê của các nhà khoa học, tính đến năm 1980, tỷ lệ những người bị sa sút trí tuệ ở tuổi 65 trở lên tăng gấp 8 lần so với năm 1940. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng cho thấy có đến 10% những người trên 65 tuổi có biểu hiện rối loạn trí lực ở các mức độ khác nhau, trong đó một nửa lâm vào tình trạng sa sút trí tuệ và cho rằng vấn đề này sẽ trở thành tai họa cho loài người trong thế kỷ thứ 21.
     Trong Đông y không coa bệnh danh “sa sút trí tuệ”, nhưng căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng có thể thấy tình trạng này thuộc phạm vi các chứng như “ngốc bệnh”, “kiện vong”, “điên chứng”, “thiện vong”, “lão suy”…Hồng Mai, y gia trứ danh đời Tống (Trung Quốc) trong sách “Di kiên trí” đã ghi lại những biểu hiện của căn bệnh này như sau : “Mộ niên hốt bệnh vong, thế gian bách vật giai bất năng biện, dữ tân khách cố cự đối diện bất tương thức…duyệt tam niên nãi tốt”. Còn Vương Thanh Nhậm , y gia lỗi lạc đời Thanh trong sách “Y lâm cải thác” cũng đã bàn đến cơ chế bệnh sinh của căn bệnh này và cho rằng : “Linh cơ ký ức tại não bất tại tâm”, “cao niên vô ký tính giả, não tủy tiệm không” (tinh thần, trí nhớ ở não chứ không phải ở tâm, ở người già mất trí não tủy dần dần trống rỗng).
     Cho đến nay, về cơ chế bệnh sinh của căn bệnh này các nhà Đông y đều thống nhất cho rằng vị trí của bệnh là ở não nhưng có liên quan mật thiết với các tạng phủ khác như tâm, tỳ, can và đặc biệt là thận. Y thư cổ viết : “Não là bể của tủy, thận chủ cốt sinh tủy, thận khí thông với não”. Bởi vậy, giữa não và thận có mối quan hệ đặc biệt mật thiết. Trên thực nghiệm các nhà Đông y đã chứng minh các thuốc bổ thận đều có tác dụng điều tiết rõ rệt công năng của hệ trục não-tuyến yên-tuyến thượng thận. Mặt khác, trên lâm sàng hầu hết các bệnh nhân bị sa sút trí tuệ đều có biểu hiện của hội chứng thận hư theo quan niệm của Đông y. Vì vậy, thận hư là vấn đề trọng yếu và bổ thận là một trong những khâu không thể thiếu được trong phác đồ điều trị.
     Thêm nữa, y thư cổ cũng viết : “Tâm chủ thần minh”, “tâm tri tương lai thận tàng dĩ vãng”, “tỳ hư sinh đàm, đàm uất lâu ngày hóa hỏa, đàm nhiệt làm hại thần minh”. Vì vậy, vai trò của tâm và tỳ đối với đời sống tinh thần cũng có một ý nghĩa rất quan trọng. Như vậy, cái “gốc” của căn bệnh này chính là sự suy yếu của các tạng phủ, trong đó não và thận là khâu trọng yếu ; cái “ngọn” của bệnh là các chứng trạng bệnh lý do đàm trệ, huyết ứ, khí uất…gây ra. Trong Đông y, cơ chế bệnh sinh này được gọi là “bản hư tiêu thực”
     Phương pháp trị liệu của Đông y đối với căn bệnh này là hết sức phong phú, có thể chia thành 2 nhóm chính : dùng thuốc và không dùng thuốc. Nhưng tất cả đều phải tuân thủ nguyên tắc chung là lấy việc kiện tỳ, bổ thận, hoạt huyết làm căn bản, trên cơ sở đó mà gia giảm các vị thuốc hoặc huyệt vị châm cứu cho phù hợp. Nhiều tác giả chủ trương phân chia sa sút trí tuệ người già thành 6 loại hình khác nhau và sử dụng các bài thuốc cổ tương ứng để trị liệu : thể Tâm thận bất giao dùng Lục vị địa hoàng hoàn gia giảm, thể Đàm ứ tương kết dùng Thọ tinh hoàn gia giảm, thể Đàm nhiệt nhiễu tâm dùng Xương bồ uất kim thang gia giảm, thể Can thận bất túc dùng Kỷ cúc địa hoàng hoàn gia giảm, thể Tỳ thận lưỡng hư dùng Hoàn thiếu đan gia giảm và thể Tủy hải không hư dùng Hà sa đại tạo hoàn gia giảm.
     Cũng có tác giả chủ trương sử dụng một bài thuốc làm hạt nhân rồi trên cơ sở đó gia giảm tùy theo tình trạng bệnh lý cụ thể. Bài thuốc này gồm các vị : đẳng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, xương bồ, bán hạ chế, ích trí nhân, hoài sơn, tiên linh tỳ. Nếu tỳ thận dương hư gia them phụ tử chế, can khương, thỏ ty tử, đỗ trọng ; nếu khí trệ huyết ứ gia them đào nhân, đan sâm, xuyên khung, ngô công ; nếu đàm trọc ứ trở gia thêm nam tinh, hậu phác, trần bì, viễn trí…
     Kết hợp với biện pháp dùng thuốc người ta rất chú trọng sử dụng châm cứu, bấm huyệt, tập luyện khí công dưỡng sinh và tâm lý liệu pháp để nâng cao hiệu quả trị liệu. Ngoài ra, ẩm thực liệu pháp cũng được người xưa coi trọng. Ví như, sử dụng các món ăn-bài thuốc : Hà thủ ô trắng 30g, hồng táo 10 quả, đại mạch 200g, nấu thành cháo ăn hàng ngày ; Bách hợp 30g, mộc nhĩ đen 15g nấu canh ăn ; Óc dê 1 bộ, long nhãn 15g nấu chín ăn mỗi tuần 1 lần ; Óc lợn 2 bộ, mộc nhĩ trắng 6g, mộc nhĩ đen 6g và nấm hương 6g rửa sạch thái chỉ, trứng chim cút 3 quả luộc chín bỏ vỏ, tất cả đem hấp chín ăn mỗi tuần 1 lần ; Thịt dê 125g rửa sạch thái miếng, kỷ tử 10g, đào nhân 15g, gừng tươi 3 lát, tất cả đem hầm nhừ, chế them hành hoa, gia vị vừa đủ, ăn nóng mỗi tuần 2 lần ; Trứng gà vài quả luộc chín, bóc bỏ vỏ, đem nấu với tiểu hồi hương 9g, quất bì 12g và trà xanh 15g, mỗi ngày ăn 1 quả ; Thịt gà chỗ ức 150g bỏ da chặt miếng, nhúng vào hỗn dịch gồm lòng trắng trứng, tinh bột và gia vị rồi rán vàng, đào nhân 50g ngâm nước sôi, bóc bỏ vỏ, đậu hòa lan 30g, tất cả đem nấu thành canh với tỏi, gừng tươi và một chút rượu vang, ăn hàng ngày ; Long nhãn 60g nấu với đường đỏ, sau đó đập 1 quả trứng gà vào, đun sôi vài phút là được, ăn nóng hàng ngày ; Viễn trí, thỏ ty tử, thục địa và ngũ vị tử mỗi vị 18g, thạch xương bồ 12g, xuyên khung 12g và địa cốt bì 12g, tất cả đem ngâm với 600 ml rượu trắng trong 7 ngày rồi bỏ bã, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10 ml ; Mạch môn 60g, bá tử nhân 30g, phục linh 30g, quy đầu 30g, long nhãn 30g và sinh địa 45, tất cả ngâm với 3000 ml rượu trong 7 ngày, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10 ml.


                                                                                  Hoàng Khánh Toàn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét