Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

DỨA DẠI CÓ CÔNG DỤNG GÌ ?

DỨA DẠI CÓ CÔNG DỤNG GÌ ?



    Gần đây, trong dân gian người ta nói nhiều đến cây dứa dại với các bộ phận của nó như hoa, quả, lá non và rễ để làm thuốc. Những ai đi tham quan Yên tử, Hương tích…thường không quên mua về một ít quả dứa dại khô nghe nói là có thể chữa được các bệnh viêm gan, sỏi thận, phù thũng, tiểu buốt...Vậy, dứa dại là gì và trong y học cổ truyền nó được sử dụng làm thuốc ra sao ? Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có thêm hiểu biết về vấn đề này.
    Dứa dại, tên khoa học là Pandanus tectorius Sol., trong dân gian còn gọi là dứa gai, dứa gỗ, lộ đâu lặc, lâm trà, lục cổ, cò len (Thái), pán tày (Tày)..., là một loại cây thảo phân nhánh ở ngọn, cao 1- 2 m, có rất nhiều rễ phụ thả xuống đất. Lá mọc ở đầu nhánh thành chùm, hình bản dài 30- 80 cm, gân giữa và mép có gai sắc. Cụm hoa có mo bao bọc, mo ngoài dạng lá nhưng ngắn hơn nhiều. Quả phức, đơn độc, gồm khoảng 80 quả hạch mang vòi nhuỵ tồn tại. Cây mọc hoang hoặc được trồng ở nhiều nơi để làm hàng rào. Trong y học cổ truyền, lá non, hoa, quả và rễ dứa dại được dùng làm thuốc.
      @ Lá non (đọt non) : Theo các y thư cổ như Bản thảo cầu nguyên, Sinh thảo dược tính bị yếu..., đọt non dứa dại vị ngọt, tính lạnh ; có công dụng thanh phong, tán nhiệt độc, lương huyết, cầm máu, sinh cơ ; được dùng để chữa các chứng bệnh như sởi, ban chẩn, đơn độc, thử nhiệt, chảy máu chân răng, mụn nhọt độc lở loét máu mủ đầm đìa...Ví dụ, để chữa viêm loét cẳng chân kinh niên, sách Lĩnh nam thái dược lục dùng đọt non dứa dại và đậu tương giã nát, đắp vào tổn thương ; với các vết loét sâu gây thối xương dùng đọt non dứa dại giã đắp để hút mủ ; để thanh tâm giải nhiệt, làm hết tình trạng trong ngực nóng nẩy, bồn chồn, tay chân vật vã không yên, sách Lục xuyên bản thảo dùng đọt non dứa dại 2 lạng ta, xích tiểu đậu 1 lạng ta, đăng tâm thảo 3 con, búp tre 15 cái, sắc uống. Kinh nghiệm dân gian còn dùng đọt non dứa dại 15 - 20g sắc uống để chữa đái rắt, đái buốt, đái ra máu, đái ra sỏi và thủy thũng hoặc giã nát đắp đầu đinh, bó gãy xương, chữa lòi dom...
      @ Hoa :  Thường được thu hái vào mùa hè, mùi khá thơm, có chứa nhiều tinh dầu với thành phần gồm Methyl phenylethyl ether 65,97%, Dipentene 8,31%, d-Linalool 18,71%, Phenylethyl acetate 3,48%, Citral 1,82 %. Ngoài ra, còn chứa Stearoptene, ester of phthalic acid...Theo y học cổ truyền, hoa dứa dại vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, lợi thủy, trừ thấp nhiệt, chỉ nhiệt tả, được dùng để chữa các chứng bệnh như sán khí (thoát vị bẹn hoặc thoát vị bìu, đau từ bìu dái lan lên bụng dưới), lâm trọc (đái buốt, đái đục), tiểu tiện không thông, đối khẩu sang (nhọt mọc ở gáy chỗ ngang với miệng), cảm mạo khái thấu...Ví dụ, để chữa ho do cảm mạo, sách Quảng đông trung thảo dược dùng hoa dứa dại 4 - 12g sắc uống. Thông thường liều dùng uống trong từ 10 - 30g, dùng ngoài thì tán thành bột rắc lên tổn thương.
      @ Quả :  Thường thu hoạch vào mùa thu, tách riêng các quả hạch sấy hoặc phơi khô dùng dần. Theo sách Cương mục thập di, quả dứa dại có công dụng bổ tỳ vị, cố nguyên khí, chế phục cang dương (khí dương không có khí âm điều hòa, bốc mạnh lên mà sinh bệnh), làm mạnh tinh thần, ích huyết, khoan bĩ (làm hết bế tắc), tiêu đàm, giải ngộ độc rượu, làm nhẹ đầu sáng mắt, khai tâm ích trí...; được dùng để chữa nhiều chứng bệnh như sán khí, tiểu tiện bất lợi, đái đường, bệnh lỵ, trúng nắng, mắt mờ, mắt hoa...Ví dụ, để chữa bệnh lỵ dùng quả dứa dại 30 - 60g sắc uống ; để chữa chứng mờ mắt, nhặm mắt sách Bản thảo thập di dùng quả dứa dại ngâm mật ong uống liền trong một tháng ; để chữa trúng nắng sách Lĩnh nam thái dược lục dùng hoa hoặc quả dứa dại sắc uống ; để chữa đái buốt, đái rắt, đái đục...kinh nghiệm dân gian dùng quả dứa dại khô 20 - 30g thái vụn hãm uống thay trà trong ngày. Có nơi còn dùng quả dứa dại ngâm rượu uống để bồi bổ cơ thể.
      @ Rễ :  Còn gọi là lộ đâu lặc cương, lặc giác cương, lộ đâu căn..., được thu hái quanh năm, rửa sạch, thái phiến, phơi hoặc sấy khô dùng dần, trong thành phần có chứa Carbohydrate, Phenols, Amino acid...Theo y học cổ truyền, rễ dứa dại vị ngọt đạm, tính mát, có công dụng phát hãn (làm ra mồ hôi), giải nhiệt (hạ sốt), lợi thủy hóa thấp ; được dùng để chữa các chứng bệnh như cảm mạo, sốt dịch, viêm gan, viêm thận, viêm đường tiết niệu, phù thũng, đau mắt đỏ, thương tổn do trật đả...Ví dụ, để chữa phù thũng, xơ gan cổ trướng, kinh nghiệm dân gian thường dùng rễ dứa dại 30 - 40g phối hợp với rễ cỏ xước 20 - 30g, cỏ lưỡi mèo 20 - 30g sắc uống ; để chứa thương tổn do trật đả dùng rễ dứa dại tươi không kể liều lượng, giã nát đắp. Có người cho rằng dùng rễ non chưa bám đất thì tốt hơn.

                                                                                  ThS Hoàng Khánh Toàn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét