Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

CÁCH DÙNG NHÂN SÂM PHÒNG CHỐNG HUYẾT ÁP THẤP




     Dùng nhân sâm để phòng chống huyết áp thấp không còn là chuyện lạ, nhưng phương thức sử dụng như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất thì không phải ai ai cũng tường tận. Theo quan niệm của y học cổ truyền, huyết áp thấp đa phần là do khí huyết hư nhược, đặc biệt là sự suy yếu của khí. Nhân sâm vốn dĩ là thuốc đại bổ nguyên khí, có khả năng nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan trong nhân thể, tăng cường trương lực mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn huyết dịch và cải thiện quá trình cung cấp ôxy cho tổ chức…nên là một trong những vị thuốc đông y có tác dụng làm tăng chỉ số huyết áp. Tuy nhiên, huyết áp thấp chỉ là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây nên và chứng trạng kèm theo ở mỗi người bệnh cũng khác nhau. Bởi vậy, ngoài việc lựa chọn chủng loại, cách chế và liều lượng, người ta còn phối hợp dùng nhân sâm với một số vị thuốc khác nhằm nâng cao hiệu quả trị liệu. Dưới đây xin được giới thiệu một số cách dùng cụ thể

     * Cách 1 : Hồng sâm 5g, gà mái 1 con chừng 750g, gia vị vừa đủ. Sâm thái phiến ; gà làm sạch, bỏ phủ tạng, đem luộc trong nước sôi khoảng 3 phút rồi vớt ra cho vào nồi đất hầm cùng với nhân sâm cho thật nhừ, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần. Công dụng : Đại bổ nguyên khí, dùng thích hợp cho những người huyết áp thấp có kèm theo các triệu chứng như gầy yếu, da mặt nhợt nhạt, mệt mỏi nhiều, hay có cảm giác khó thở, chóng mặt, trí nhớ giảm sút...
     * Cách 2 : Hồng sâm 3g, đùi gà 2 cái, kỷ tử 20g, rau sống, hành, gừng tươi, rượu vang, đường trắng, bột mì vừa đủ. Hồng sâm thái phiến mỏng, đem ngâm với 150 ml rượu trắng trong 3 ngày ; đùi gà rửa sạch để ráo nước rồi rán vàng. Phi hành, gừng cho thơm, bỏ đùi gà, rượu sâm, kỷ tử và gia vị vào hầm cho thật nhừ, chế thêm một chút bột mì cho sánh rồi đổ ra đĩa, ăn nóng. Công dụng : ích khí bổ hư, dùng cho người bị huyết áp thấp có kèm theo mệt mỏi như mất sức, chân tay rã rời, chán ăn, đại tiện lỏng loãng, lưng đau gối mỏi...
     * Cách 3 : Nhân sâm 5g, long nhãn 20g, liên nhục 20g, lòng đỏ trứng gà 2 cái, đường đỏ 30g. Sâm thái phiến mỏng, đem hầm cùng long nhãn và liên nhục cho nhừ rồi cho lòng đỏ trứng gà vào đánh đều, chế đường đỏ, dùng để ăn điểm tâm. Công dụng : ích khí dưỡng huyết, bổ tâm tráng thần ; dùng cho người bị huyết áp thấp có biểu hiện hay hồi hộp đánh trống ngực, tinh thần bạc nhược, dễ lo sợ, ngủ kém hay mê mộng, chán ăn...
     * Cách 4 : Hồng sâm 3g, hoàng kỳ 9g, đương quy 9g, bạch linh 9g, trần bì 3g, chích thảo 3g. Tất cả đem sắc kỹ chừng 1 giờ rồi uống hoặc các vị tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : kiện tỳ ích khí, dưỡng huyết, bổ hư ; dùng cho người bị huyết áp thấp có kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, chân tay rã rời, sắc mặt vàng nhợt, kém ăn, đại tiện lỏng nát...
     * Cách 5 : Hồng sâm 60g, ngũ vị tử 60g, phá cố chỉ 60g, bạch truật 60g, hoài sơn 45g, bạch linh 45g, ngô thù 30g, ba kích 30g, nhục đậu khấu 30g, long côt sao 15g. Tất cả sao thơm, tán bột, đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g với nước ấm có pha một chút mật ong hoặc với rượu hâm nóng. Công dụng : ôn thận ích khí, dùng thích hợp với người huyết áp thấp có biểu hiện lưng đau gối mỏi, hay sợ lạnh, dễ vã mồ hôi, đại tiện lỏng nát hoặc hay đau bụng đi lỏng vào sáng sớm...
     * Cách 6 : Thục địa 9g, đương quy 9g, nhân sâm 6g, bạch truật 6g, chích thảo 6g, gừng tươi 3 lát, đại táo 2 quả. Các vị sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : bổ khí dưỡng huyết, dùng cho người già bị huyết áp thấp kèm theo tình trạng cơ thể suy nhược, gầy yếu, sắc mặt nhợt nhạt, hay có cảm giác khó thở, ngại nói, trí nhớ giảm sút, chán ăn...
     * Cách 7 : Nhân sâm 10g, mạch môn 15g, ngũ vị tử 10g. Các vị sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : ích khí sinh tân, liễm âm chỉ hãn ; dùng cho người bị huyết áp thấp kèm theo tình trạng mệt mỏi, môi khô miệng khát, vã mồ hôi nhiều, dễ hồi hộp, có bệnh lý hô hấp mạn tính như viêm phế quản, khí phế thũng, hen phế quản, hay ho khan, đại tiện táo...
     Trên thị trường đông dược hiện nay, các chủng loại nhân sâm rất phong phú. Để đạt được hiệu quả cải thiện huyết áp tốt nhất, nên chú ý chọn dùng loại nhân sâm có chất lượng cao. Theo kinh nghiệm và các tài liệu nghiên cứu, nhân sâm Triều tiên được xem là tốt hơn cả. Nếu sâm Nhật trong thành phần hóa học chỉ có 8 loại saponin, sâm Mỹ có 14 loại, sâm Trung quốc có 15 loại thì bạch sâm Triều tiên có 23 loại và hồng sâm Triều tiên có tới 26 loại saponin. Hồng sâm và bạch sâm đều là nhân sâm nhưng khác nhau ở cách chế và chất lượng củ sâm. Hồng sâm được chế từ những củ sâm to, nặng ít nhất 37g, còn những củ sâm không đủ tiêu chuẩn để chế hồng sâm thì chế thành bạch sâm. Hồng sâm đúng tiêu chuẩn thường được đóng vào hộp gỗ (khác với bạch sâm đóng vào hộp giấy).


                                                          Hoàng Khánh Toàn                                                                           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét