Vận động như thế nào để có lợi cho sức khoẻ ?
Sự sống là vận
động, cơ thể con người dù ở bất cứ trạng thái nào cũng luôn luôn vận động. Nước
chảy thì không hôi thối, trục cánh cửa quay thì không han gỉ, cơ thể con người
thường xuyên vận động thì mạnh khoẻ, ít bệnh tật và sống lâu. Các nhà động vật
học phát hiện rằng : mọi động vật ở trong môi trường hoang dã bao giờ cũng sống
lâu hơn khi bị nuôi nhốt trong vườn bách thú. Ví như, thỏ hoang sống trung bình
15 năm, còn thỏ nuôi nhốt trong chuồng dù tốt mấy cũng chỉ sống được 4 - 5 năm
; lợn rừng sống lâu gấp đôi lợn nhà,...Nguyên nhân chủ yếu là động vật hoang dã
phải vận động nhiều hơn động vật nuôi nhốt. Với con người cũng vậy, vận động là
cái gốc của sự mạnh khoẻ sống lâu. Nhưng, vấn đề là ở chỗ : vận động như thế
nào để có lợi nhất cho sức khoẻ ?
Có người, dù
tuổi đã cao nhưng vẫn thích những loại hình vận động hùng hục, tốn kém nhiều
sức lực chẳng kém gì thanh niên. Ngược lại, có người dẫu đang ở tuổi thanh xuân
nhưng suốt ngày giam mình trong buồng vi tính, nếu có vận động thì cũng chỉ làm
vài động tác khoa chân, múa tay cho phải phép. Điều đó hoàn toàn đi ngược lại
với qua điểm của các nhà dưỡng sinh y học cổ truyền. Theo họ, nguyên tắc dưỡng
sinh vận động cụ thể là :
- Chọn hình thức luyện tập
hợp lý : nghĩa là, hạng mục tập luyện phải phù hợp với sở thích, tuổi tác,
nghề nghiệp, điều kiện sức khoẻ. Ví như, với người có tuổi, do sức lực cơ bắp
suy giảm, phản ứng thần kinh chậm chạp, khả năng phối hợp kém kinh hoạt, thì
nên chọn những những phương thức tập luyện nhẹ nhàng, mềm mại như đi bộ , thái
cự quyền, dưỡng sinh, yoga... ; với thanh niên trai tráng thì nên chọn những
hình thức tập luyện vân động đòi hỏi sức lực nhiều như chạy xa, bóng rổ, bóng
đá... ; với những nhân viên bán hàng, đầu bếp...vốn phải đứng lâu, tĩnh mạch
chi dưới dễ bị giãn thì khi vận động không nên chạy nhảy nhiều mà nên chọn các
bài tập ở tư thế nằm ngửa, giơ cao
chân...
- Kết hợp hài hoà giữa động
và tĩnh : nghĩa là, khi vận động nhất thiết cả thần lẫn hình, cả trong lẫn
ngoài phải đảm bảo “trong tĩnh có động”, “trong động có tĩnh”, “lấy động chế
tĩnh”, “lấy tĩnh chế động”, động ở ngoài mà tĩnh ở trong, động chủ luyện tập mà
tĩnh chủ dưỡng thần, tuyệt đối không thiên lệch.
- Phải hết sức kiên trì và
đều đặn : cổ nhân có câu : “Băng dày ba thước, đâu phải do lạnh một ngày”,
ý nói không thể một sớm một chiều đã nên chuyện. Vậy nên, việc luyện tập phải
thường xuyên, không gián đoạn, nếu chỉ vì cao hứng mà bữa đực bữa cái thì chẳng
nên cơm cháo gì mà nhiều khi lại mang hoạ vào thân.
- Vận động phải vừa sức,
không nên thái quá mà bất cập : nghĩa là, việc tập luyện phải vừa sức đúng
như y thư cổ Thiêm kim yếu phương của danh y Tôn Tư Mạo đã viết : “Theo
đạo dưỡng sinh, cần thường xuyên luyện tập, nhưng chớ tập đến mức quá mệt, chớ
tập quá sức”. Vậy thế nào là tập vừa sức ? Đại khái, nếu sau mỗi lần tập luyện
mà cơ thể cảm thấy thoải mái, tinh thần sảng khoái, huyết áp, tần số mạch dao
động không quá mức là được.
- Vận động phải tuần tự, thư
thái tự nhiên : nghĩa là, việc tập luyện phải từ từ, tiệm tiến, đi từ dễ
đến khó, từ nặng đến nhẹ, từ đơn giản đến phức tạp. Tuyệt đối không được “đốt
cháy gia đoạn”. Ví như, việc chạy chậm phải đi từ cự ly ngắn đến dài, từ tốc độ
rất chậm nhanh dần đến tốc độ vừa phải.
- Phải lựa chọn vận động vào
thời gian thích hợp : nhìn chung, tập vào sáng sớm là rất tốt vì khi đó
không khí tương đối trong lành, nồng độ dưỡng khí nhiều, lượng khí cacbonic
thấp. Tập vào buổi chiều hoặc buổi tối cũng được vì sẽ giúp cho cơ thể giải toả
mọi căng thẳng sau một ngày làm việc vất vả, tuy nhiên không nên tập quá nhiều
vì sẽ khiến cho hệ thần kinh bị hưng phấn làm ảnh hưởng tới giấc ngủ. Việc tập
luyện cũng nên tránh xa bữa ăn vì nếu tập ngay sau bữa ăn thì sẽ ảnh hưởng
không tới hoạt động hấp thu và chuyển hoá của tỳ vị, thậm chí có thể đưa đến
những tai biến không đáng có.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét