BẠCH HOA XÀ THIỆT THẢO, MỘT CÂY THUỐC
QUÝ
Trong mươi năm trở lại đây, bạch
hoa xà thiệt thảo (BHXTT) được các thầy thuốc đông y và đông đảo bệnh nhân biết
đến và sử dụng. Phần vì nó còn là một vị thuốc còn mới đối với trong nước, phần
vì nó có mặt trong khá nhiều đơn thuốc có tác dụng điều trị các khối u lành
tính và ác tính, các bệnh lý gan mật có liên quan đến virut viêm gan B...Có người
cho rằng, BHXTT chính là cây lưỡi rắn mọc hoang khắp nơi ở nước ta và đã được sử
dụng rộng rãi trong dân gian từ lâu đời. Thậm chí có người còn nhầm lẫn giữa
BHXTT và bạch hoa xà. Vậy, BHXTT là gì ? Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
của nó ra sao ? Các nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng đã minh chứng được điều
gì ?...Đó chính là nội dung chính của bài viết này.
1. Bạch hoa xà thiệt thảo là gì ?
Bạch hoa xà thiệt thảo là một loại cỏ nhỏ
có tên khoa học là Oldenlandia diffusa (Willd).
Ở Trung Quốc, cây này mọc nhiều ở các vùng tây nam và đông nam, được thu hái
vào mùa hè và mùa thu. Nó còn có nhiều tên gọi như xà thiệt thảo, mục mục sinh
châu thảo, dương tu thảo, xà châm thảo, bạch hoa thập tự thảo, dịch kinh thảo,
nam địa châu, tán thảo, trúc diệp thảo...Tuy nhiên, ở các khu vực khác nhau ở
Trung Quốc, người ta còn dùng một số cây như thủy tiềm thảo (Oldenlandia corymbosa L.), tiêm hoa nhĩ
thảo (Oldenlandia tenelliflora EL.),
tùng diệp nhĩ thảo (Oldenlandia pinifolia
Wall) thay thế và coi như là BHXTT. Ở Việt Nam , cây lưỡi rắn còn gọi là xương
thái tô, đơn thảo, tán phòng hoa nhĩ thảo chính là Oldenlandia corymbosa L., đã được ghi lại trong sách “Những cây thuốc
và vị thuốc Việt Nam” của Đỗ Tất Lợi
2. Thành phần hóa học và tác dụng dược
lý
Trong BHXTT có chữa asperuloside,
asperulosidic acid, geniposidic acid, scandoside, scandoside methyllester,
5-0-P-hydroxycinnamoyl scandoside methyllester, 5-0-feruoyl scandoside methyllester,
2-methyl-3-hydroxyanthraquinone, 2-methyl-3hydroxy-4-methoxyanthraquinone,
urolic acid, bêta-sitosterol, hentriacontane, stigmasterol, oleanolic acid,
P-coumaric acid...
Về tác dụng dược lý, BHXTT có khả năng :
(1) Kháng khuẩn tiêu viêm, trên thực nghiệm ngoài cơ thể tác dụng không rõ
ràng, riêng với tụ cầu vàng và trực khuẩn lỵ có khả năng ức chế nhẹ nhưng với nồng
độ dịch chiết caocó thể ức chế được cả trực khuẩn mủ xanh và thương hàn. Trên
thỏ thực nghiệm gây viêm ruột thừa, BHXTT có tác dụng phát huy khả năng chống
viêm, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống võng mạc nội mô và hoạt lực của
đại thực bào. (2) Cải thiện công năng miễn dịch của cơ thể, nghiên cứu thực
nghiệm trên chuột cho thấy BHXTT có thể tăng cường năng lực hoạt động của ConA
và LPS đối với phản ứng tăng sinh của tế bào lách, nâng cao năng lực hoạt động
của tế bào lympho T và B, đặc biệt trong tình trạng tổn thương do chiếu xạ. (3)
Chống ung thư, nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy BHXTT có khả năng ức chế tế
bào ung thư, nhất là ung thư máu, nhưng trên cơ thể động vật thì tỏ ra không có
phản ứng rõ rệt. Các nhà nghiên cứu cho rằng tác dụng này của BHXTT mang tính
không đặc hiệu. (4) Ngoài ra, BHXTT còn có tác dụng chống viêm gan và công năng
tương tự như corticoid.
Oldenlandia corymbosa. Một bụi cây cỏ Lưỡi
rắn ...
3. Kinh nghiệm dùng bạch hoa xà thiệt thảo
Theo các y thư cổ, BHXTT vị đắng ngọt,
tính hàn, vào 4 đường kinh Tâm, Phế, Can và Đại tràng, có công dụng thanh nhiệt
giải độc, lợi thấp, kháng ung, thường được dùng để điều trị viêm phổi, viêm phế
quản, viêm họng, thủy thũng, lỵ, viêm ruột, viêm da do thấp nhiệt, tổn thương
do trật đả, viêm gan, viêm ruột thừa, viêm thận, viêm cổ tử cung, chữa rắn độc
cắn...Liều lượng thường dùng : uống trong 15-30g, có thể tới 60g, sắc uống ;
dùng ngoài không kể liều lượng, giã đắp. Một số kinh nghiệm cụ thể như sau :
- Viêm phối, áp xe phổi : BHXTT 30g, lô căn 30g, rau
diếp cá 30g, sắc uống
- Viêm họng, viêm amydal, viêm kết mạc : BHXTT tươi
30-60g, sắc uống.
- Trẻ em sốt cao co giật : BHXTT tươi 9-15g, giã nát.
vắt lấy nước cốt uống, có thể hòa thêm một chút mật ong.
- Viêm ruột thừa : Theo sách “Quảng Đông trung dược”
và “An Huy trung thảo dược có thể dùng BHXTT tươi 120g rửa sạch, giã nát, vắt lấy
nước cốt hòa thêm một lượng mật ong thích hợp rồi uống hoặc dùng BHXTT 30g, kim
ngân hoa 18g, bại tương thảo 18g, hồng đằng 15g, sắc uống.
- Trị rắn độc cắn : BHXTT tươi 30-60g, giã nát vắt lấy
nước cốt hoặc sắc uống.
- Mụn nhọt, lở loét, viêm tấy : BHXTT tươi 30-60g sắc
uống, bên ngoài giã nát đắp.
- Viêm đường tiết niệu : BHXTT tươi 30g, cúc hoa 30g,
kim ngân hoa 30g, thạch vi 15g, sắc uống.
- Viêm loét cổ tử cung : BHXTT tươi 30g, bạch anh 30g,
nhất chi hoàng hoa 30g, quán chúng 15g, săc uống.
- Đi lỏng cấp hoặc mạn tính : BHXTT tươi 120g sắc uống.
- Viêm túi mật cấp hoặc mạn tính, sỏi mật : BHXTTphượng
vĩ thảo 15g, tử hoa địa đinh 15g, sắc uống.
- Ung thư dạ dày, thực quản và trực tràng : BHXTT 75g,
ý dĩ 30g, hoàng dược tử 10g, ô dược 3g, ô mai 6g, long quỳ 3g, sắc uống
- Ung thư ruột và cổ tử cung : BHXTT 30-120g, bạch mao
căn 30-120g, đường đỏ 30-60g, sắc uống.
- Viêm loét dạ dày tá tràng : BHXTT 30g, ngũ vị tử 3g,
mật lợn 1,5g, an thụ diệp 9g, thiết kiến thái 9g, sắc uống.
- Tổn thương do trật đả : BHXTT tươi 120g sắc với nửa
nước, nửa rượu uống.
4. Nghiên cứu lâm sàng hiện đại
* Viêm gan cấp tính thể hoàng đản : Các nhà nghiên cứu
thuộc Viện y học Hồ Nam số 2 (Trung Quốc) đã dùng BHXTT 312,5g, hạ khô thảo
312,5g, cam thảo 156,25g chế thành 500ml siro, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần
25ml, liệu trình trị liệu 28 ngày để chữa cho 72 bệnh nhân bị viêm gan cấp tính
thể hoàng đản, đạt kết quả khỏi 45 bệnh nhân (62,5%), có hiệu quả 100%.
* Viêm ruột thừa cấp tính : Đào Dục Tu (Trung Quốc) đã
dùng BHXTT tươi 30-120g (nếu khô dùng một nửa liều) sắc uống để trị liệu 211 ca
viêm ruột thừa cấp tính, trong đó có 108 ca viêm ruột thừa đơn thuần, 18 ca
viêm hóa mủ, 45 ca có viêm phúc mạc cục bộ, kết quả : khỏi hoàn toàn 187 ca
(88,6%), khỏi cơ bản 15 ca (7,1%), không hiệu quả phải chuyển sang phẫu thuật 9
ca (4,3%), ngày điều trị trung bình là 3-7 ngày.
* Chứng sưng đau sau thủ thuật thắt ống dẫn tinh :
Phương Giác Tài (Trung Quốc) đã dùng BHXTT 30g, sắc uống để nghiên cứu trị liệu
38 ca, kết quả loại tốt 19ca, khá 12 ca, trung bình 3 ca, không kết quả 4 ca, đạt
hiệu quả 90,8 %.
Ngoài ra, các nhà y học cổ truyền Trung Quốc
còn dùng BHXTT nghiên cứu điều trị rắn độc cắn, viêm phần phụ, viêm hố chậu...đạt
kết quả khá tốt. Họ cũng đã nghiên cứu tạo ra dung dịch BHXTT tiêm bắp để điều
trị ung thư cổ tử cung, ung thư gan và dạ dày. Chế phẩm “Lợi đởm hợp tễ” của họ
được tạo ra từ BHXTT, nhân trần và kim tiền thảo để trị liệu sỏi mật, viêm gan
cũng có hiệu quả rất đáng khích lệ.
Ở ta, cây lưỡi rắn mọc hoang khá nhiều.
Tuy nhiên việc sử dụng vị thuốc này vẫn chỉ dừng ở kinh nghiệm dân gian tản mạn.
Thiết nghĩ, việc khảo sát nghiên cứu toàn diện về cây thuốc này là rất cần thiết.
Hoàng Khánh Toàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét