VÀI ĐIỀU VỀ YOGA
Trong mươi năm gần đây, luyện tập yoga đã
trở thành một phong trào khá phổ biến, nhất là ở các thành phố. Nhiều nơi, câu
lạc bộ yoga, trung tâm huấn luyện yoga...mọc lên như nấm ! Đó là điều đáng
mừng, tuy nhiên, không ít người theo học yoga chỉ là vì “mốt” thời thượng hoặc
giả bởi sự dẫn dụ khôn khéo của các cơ sở yoga nặng về “kinh doanh hoá” mà thực
chất những điều họ hiểu về phương pháp này không được bao nhiêu. Vậy, nên hiểu
về yoga như thế nào cho phải lẽ ?
@ Yoga là gì ?
Yoga
là một phương pháp tu luyện, nghĩa là tìm cách cải tạo toàn bộ con người, trong
đó cải tạo phần tâm tư, tình cảm, tư tưởng, nhãn quan là chính. Ở đây cần phân
biệt giữa các khái niệm tập luyện, rèn luyện và tu luyện. Nói đến tu luyện là
nói đến đạo lý, tức là quan niệm làm nền tảng cho phép tu luyện ấy. Đã là đạo
lý, dĩ nhiên là có những điều thần bí duy tâm mà chúng ta không hoặc chưa thể
chấp nhận được.
Thuyết yoga ra đời ở Ấn Độ dựa trên một
quan niệm đặc biệt về con người và vũ trụ. Theo quan niệm này, con người gồm có
ba phần : thể xác, tinh thần và linh hồn. Thể xác và tinh thần kết hợp thành
những cá nhân riêng biệt và đối lập với vũ trụ, còn linh hồn là một thể gắn
liền với vũ trụ, không có tính chất riêng biệt. Người ta ví con người như là
một cỗ xe do những con ngựa kéo, trong đó người cầm lái chính là phần tinh thần
(tâm ý) và những con ngựa chính là thể xác, còn linh hồn như một người khách lỡ
trèo lên xe cứ bị chở đi mà không sao tìm cách xuống xe được hoặc giả như một
con chim bị sa vào lưới, nay phải tìm cách cắt đứt mạng lưới ràng buộc mình mà
thoát ra ngoài.
Yoga là phương pháp để thực hiện việc giải
thoát, buộc xe phải ngừng lại, cắt đứt lưới để cho linh hồn trở về với vũ trụ.
Lúc đó, giữa ta và vũ trụ xung quanh không còn cách biệt, không còn đối lập, ý
thức cá nhân hoà nhập vào vũ trụ, cái hữu hạn hoà nhập với cái vô hạn. Từ
“yoga” có nguồn gốc từ tiếng Phạn là yuj, có nghĩa là “hợp nhất lại”
hoặc “kết nối lại”, nhưng cũng có nguồn gốc từ chữ yog, có nghĩa là “cái
ách”, tượng trưng cho sự nô lệ, cho mọi sự khổ trong đời người. Bởi vậy, thuật
ngữ yoga có nghĩa là sự thống nhất và hoà nhập, sự cởi bỏ và giải thoát.
@ Yoga có tự bao giờ ?
Thuật yoga ra đời ở Ấn Độ cách đây hơn
2000 năm và có quan hệ mật thiết với hệ thống Brahmanism (đạo Bà la môn). Yoga
được trình bày và phân tích trong rất nhiều thư tịch cổ, hầu như mỗi bộ kinh
điển đều có khá nhiều chương mục truyền thụ tri thức yoga. Sau này, Phật giáo
được sinh ra trong hệ thống Brahmanism, triết học yoga vẫn được thể hiện trong
kinh văn như cũ, cho tới ngày nay, rất nhiều phương pháp tu hành trong Phật
giáo được phát triển trên cơ sở của yoga.
Yoga là một trong những thuật rèn luyện
sức khoẻ cổ nhất ở phương Đông. Lúc đầu chỉ có một số ít người tập luyện yoga, thường
là trong các chùa chiền, các am nhỏ trong làng, trong các hang động trên dãy
núi Himalây hoặc giữa rừng sâu rậm rạp và do các thày dạy yoga truyền thụ cho
các môn đồ tự nguyện. Về sau, yoga đã dần dần được lưu truyền trong các tầng
lớp nhân dân Ấn Độ và ngày nay được lưu hành khắp thế giới.
@ Yoga có lợi cho sức khoẻ như
thế nào ?
Đứng về mặt khoa học, nhiều điều trong đạo
lý yoga chúng ta không thể chấp nhận vì nó phủ định giá trị của cuộc sống, đặt
con người ra ngoài lịch sử xã hội và lịch sử loài người. Nhưng, nếu phủ định
sạch trơn thì quá đơn giản và sai lầm, bởi lẽ bao nhiêu thành tựu của loài
người từ trước đến nay, không nhiều thì ít, đều gắn với một đạo giáo hoặc một
học thuyết duy tâm nào đó. Vả lại, đã có không ít những điều, đứng về mặt sinh
lý, buộc người ta phải quan tâm nghiên cứu. Ví như : (1) Tại sao có những người
luyện yoga có thể chôn sống nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày mà đào lên vẫn sống
như thường ? (2) Tại sao nhiều người tập yoga có khả năng điều khiển nhịp tim
nhanh chậm hoặc khi ngồi lên chậu nước lại có thể tự hút nước vào trực tràng
qua đường hậu môn ? (3) Tại sao sức thở của nhiều thầy tu Ấn Độ trông không có
gì khoẻ mạnh lắm lại hơn những lực sĩ Âu châu lúc trèo lên núi Himalaya ? (4)
Tại sao có những người ngồi tập trung ý nghĩ có khả năng mất cảm giác lạnh hay
đau, có thể ở trần ngồi giữa tuyết ?...
Qua hơn nửa thế kỷ nghiên cứu trên mọi
phương diện, các nhà khoa học nhận thấy phương pháp tập luyện yoga có những tác
dụng hữu ích cho sức khoẻ như sau :
- Với hệ hô hấp,
làm hưng phấn trung khu hô hấp, tăng thông khí phổi, giảm lượng khí cặn, cải
thiện tuần hoàn phổi, tăng cường quá trình trao đổi khí ở phế nang, tăng sự hấp
thu ôxy từ 10% đến 70% tuỳ theo từng thế tập (asana), làm giảm lượng ôxy tiêu
thụ, chỉ số thông khí/phút giảm 12 đến 18%.
- Với hệ tuần hoàn,
yoga có khả năng điều chỉnh nhịp tim và huyết áp, tăng cường lưu lượng tuần
hoàn vành, cải thiện sức co bóp cơ tim, nâng cao sức chịu đựng của cơ tim trong
điều kiện thiếu ôxy, tập luyện đều đặn sẽ làm nhịp tim giảm khoảng 10%, huyết
áp giảm từ 15 đến 25%, phòng ngừa tích cực bệnh cao huyết áp.
- Tăng cường năng
lực của hệ thống miễn dịch, ức chế sự phát triển của các tế bào ác tính, kéo
dài và cải thiện cuộc sống cho các bệnh nhân bị bệnh ung thư.
- Nâng cao năng lực
hoạt động của hệ thống nội tiết.
- Làm giảm đường
máu và điều chỉnh rối loạn lipid máu.
- Với hệ tiêu hoá,
yoga góp phần xoa bóp các nội tạng, cải thiện công năng tiêu hoá, kích thích
cảm giác ngon miệng, điều chỉnh công năng co bóp, tiết dịch và hấp thu của dạ
dày ruột, cải thiện năng lực hoạt động của hệ tiêu hoá.
- Tăng cường tính
linh hoạt, khả năng co giãn của dây chằng, giúp cho các khớp hoạt động dẻo dai,
đặc biệt là các khớp cột sống.
- Với hệ thống thần kinh, yoga có tác dụng duy trì cân
bằng giữa hưng phấn và ức chế, nâng cao khả năng kiểm soát của vỏ não, tăng
cường lưu lượng tuần hoàn não, cải thiện trí nhớ và sức chú ý, phát triển phản
xạ có điều kiện, khơi dậy những tiềm năng trí tuệ vốn có, kiểm soát được phương
hướng, làm giảm căng thẳng, phòng chống tác hại của stress và ngăn ngừa chứng
mất trí nhớ.
- Cải thiện chức năng giải độc của cơ thể.
- Tiêu mỡ làm đẹp, cải tạo vóc dáng và khả năng dẻo
dai của cơ thể, chống lão hoá
- Tăng cường khả năng thích nghi của cơ thể trước mọi
biến đổi của môi trường tự nhiên và xã hội, giúp con người trở nên kiên nhẫn,
suy nghĩ sâu sắc, dễ khép mình vào kỷ luật và giàu tính tự tin.
@ Yoga có những đặc trưng gì ?
Trước hết, khác với thể dục hiện đại, yoga
thiếu mặt vận động, không có chạy, nhảy, bơi lội, đấu đá... mà chủ yếu vạch ra
con đường tập luyện phần nội, mặt tĩnh của con người. Nhưng thực ra, trong tĩnh
có động, tĩnh có tốt thì động mới có hiệu quả cao. Yoga không làm cho người ta
phát triển về cơ bắp, vai to, ngực nở... mà cái chính là làm khoẻ về tinh thần
và trí tuệ, nhưng cũng không vì thế mà cơ bắp kém dẻo dai.
Thứ hai, yoga lấy tập thở là chủ yếu và
quan trọng. Người ta thường nghĩ là các thế tập (asana) là đặc trưng của yoga,
nhưng đó là một sai lầm đáng tiếc. Nhiều người thường hay phô trương rằng mình
tập được các động tác khó này, các thế đặc biệt nọ, nhưng thực ra, cũng như khí
công dưỡng sinh, phép luyện thở hay luyện khí, còn gọi là prana-yama, là quan
trọng hơn cả. Làm chủ hơi thở đi đôi với tập trung ý nghĩ là chủ yếu, tư thế là
cần thiết nhưng không phải là trọng tâm.
Thứ ba, yoga là một phương pháp toàn diện,
huy động toàn bộ con người, cả về sinh lý và tâm lý, làm cho con người ổn định
cả hai mặt.
Cuối cùng, yoga không đồng nghĩa với sự
tiếp thu và thể hiện sức mạnh siêu nhân. Người ta thường quen nhìn nhận yoga
như một thuật lạ xa xưa, kết hợp một lô tín điều tôn giáo với một quy tắc thực
hành kỳ bí lạ lùng. Nhiều người còn cho rằng yoga không phải dành cho người
thường, rằng chỉ có ai dám ròng rã nhiều năm lánh đời xuất thế, xa rời thế sự
và dụng công khổ luyện cả về thể xác và trí óc mới mong “đắc đạo”. Thực chất,
điều đó đã làm mất đi tính thực tiễn và khoa học của yoga.
@ Khi tập yoga cần chú ý điều gì ?
Trước hết, cũng như tập luyện khí công
dưỡng sinh, yoga đòi hỏi người tập phải kiên trì và nhẫn nại. Yoga không có
hiệu quả, thậm chí là phản tác dụng với những ai “ăn sổi ở thì”, phàm tục và
lười biếng. Tập luyện yoga không phải là một trò chơi trong phòng khách hay một
trào lưu nhất thời, nó đòi hỏi người tập phải tự nguyện lựa chọn và có ý chí
quyết tâm đi tới cùng.
Thứ hai, phải tập luyện đúng phương pháp
và kỹ thuật, đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, mỗi động tác phải phân
chia ra nhiều bước với thời gian thích hợp, tốt nhất là phải có thầy chính danh
hướng dẫn một cách chu đáo và tỉ mỉ. Nếu không thực hiện chuẩn xác, yoga có thể
đem lại những tai biến không đáng có về xương khớp, tiềm thức, hệ thần kinh, hệ
tuần hoàn...Ví như, tập luyện sai sẽ dẫn đến trầm cảm, ám ảnh, tẩu hoả nhập ma
hoặc rơi vào trạng thái phấn khích quá đà dẫn đến mất ngủ, tâm trạng bồn chồn,
thay đổi tính nết...
Cuối cùng, khi tập luyện yoga phải thực
hiện tốt 4 không : không vội vã (từ từ, thận trong và tiệm tiến), không kỷ lục
(không nên bị thúc ép hoặc gắng gượng), không quá sức (biết dừng lại ở khả năng
vốn có của mình mà cố gắng) và không phân tán (tập trung cao độ và biết cách
thư giãn)
Hoàng Khánh Toàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét