LÀM ĐẸP DA MẶT BẰNG DIỆN PHU LIỆU PHÁP
Xuân sang đất trời thay da đổi thịt, con
người cũng muốn đẹp hơn. Phương ngôn có câu : “Hiền đức toạ tâm, anh hoa toạ
diện”, nghĩa là cái đức luôn ở trong tâm mỗi người, còn cái đẹp và sự tinh
anh thường hiện lên ở khuôn mặt. Lại có câu : “Nhất dáng nhì da”, đủ nói
lên làn da của cơ thể nói chung và của khuôn mặt nói riêng có ý nghĩa rất lớn đối
với sắc đẹp của con người, nhất là đối với phụ nữ. Vả lại, sự cân đối và hài
hoà của khuôn mặt là do tạo hoá quyết định, không dễ gì thay đổi, duy chỉ có
làn da là có thể cải thiện được mà thôi. Bởi vậy, từ xưa đến nay, y học thẩm mỹ
phương Đông hay phương Tây đều rất chú trọng đến việc làm cho da mặt thêm khoẻ
mạnh và tươi đẹp.
Y học thẩm mỹ phương Đông làm đẹp da mặt bằng
nhiều cách như dùng thuốc (uống, rửa, xông, xoa...), châm cứu, xoa bóp bấm huyệt,
tập luyện dưỡng sinh, ẩm thực thẩm mỹ..., trong đó có một phương pháp rất độc đáo
được gọi là Diện phu liệu pháp (DPLP), tạm gọi là liệu pháp xoa đắp mặt.
Từ xa xưa, ở phương Đông, cách làm đẹp da mặt này đã được sử dụng rất rộng rãi
từ nơi thôn quê dân dã cho đến chốn cung đình quyền quý. Nhiều mỹ nhân nổi tiếng
trong lịch sử như Dương Quý Phi, Từ Hy Thái Hậu... cũng đã rất say mê làm đẹp bằng
DPLP với những phương thuốc bí truyền.
Dương Quý Phi, tên gọi Ngọc Hoàn, là người
Vĩnh Lạc, Bồ Châu (nay là huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Nàng nổi tiếng
bởi sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành lại hát hay, đàn giỏi, thông hiểu âm luật
nên được Hoàng Đế đương triều Đường Huyền Tông vô cùng sủng ái. Vẻ đẹp của nàng
tuy do trời phú nhưng cũng có liên quan đến cách thức làm đẹp rất riêng của
nàng với phương thuốc bí truyền dùng hạnh nhân (bỏ vỏ), hoạt thạch và bột nhẹ lượng
bằng nhau, ba vị đem tán thành bột mịn, chưng qua, cho thêm một ít long não và
xạ hương ròi hoà với lòng trắng trứng để thoa mặt hàng ngày.
Từ Hy Thái Hậu là người có quyền lực vô
biên vào cuối đời nhà Thanh (Trung Quốc). Bà không chỉ giỏi về mưu sâu kế cao
thống trị thiên hạ mà còn rất xuất sắc trong thuật làm đẹp và có những bí quyết
hết sức độc đáo. Tương truyền rằng, mỗi đêm trước khi đi ngủ, bà thường dùng
lòng trắng trứng để thoa mặt rồi dùng nước ấm rửa sạch, sau đó lại dùng nước sắc
đặc của kim ngân hoa xoa đều thành một màng mỏng. Sáng sớm hôm sau, sau khi rửa
mặt bà lại dùng loại mỡ đặc biệt chế từ một loại hoa để xoa mặt trước khi tô
son đánh phấn trang điểm. Từ Hy Thái Hậu còn thường dùng bột trân châu để thoa
mặt khiến cho da dẻ luôn luôn mịn màng tươi tắn. Bởi thế, cho đến lúc có tuổi
bà vẫn giữ được vẻ đẹp trẻ trung cho khuôn mặt như thời còn thanh xuân.
Vậy, DPLP là gì ? Công dụng và cách dùng cụ
thể ra sao ?...Bài viết này xin được giới thiệu một số nét cơ bản để bạn đọc có
thể tham khảo và vận dụng.
@ Diện phu liệu pháp là gì ?
Có thể hiểu đơn giản DPLP là phương pháp
dùng dược vật hoặc thực phẩm dưới các dạng khác nhau để bôi, xoa, đắp trực tiếp
lên da mặt nhằm mục đích phòng chống bệnh tật và làm đẹp. Dược vật xoa đắp là
những dược liệu được dùng dưới dạng còn tươi giã nát, dịch chiết, cao thuốc hoặc
bột thuốc hoà với nước, rượu, dấm, sữa tươi, mật ong hay dầu thực vật. Thực phẩm
xoa đắp có thể là bột gạo, cám gạo, trứng gà, sữa tươi, các loại rau quả như
chuối tiêu, dưa chuột, mướp, dưa hấu, cà chua, củ cải, cà rốt, chanh, nho, dứa...Diện
phu liệu pháp thuộc phạm vi ngoại trị pháp của y học cổ truyền.
@ Diện phu liệu pháp có từ bao giờ ?
Trong lịch sử y học cổ truyền phương Đông,
DPLP đã được biết đến từ rất sớm. Theo ghi chép của các thư tịch cổ, vào thời kỳ
Thương Chu (Trung Quốc), trong giáp cốt văn đã xuất hiện chữ “mạt”, sách Thuyết
văn giải tự chú thích là : “Mạt, chính là rửa mặt vậy”. Thần nông bản thảo
kinh, bộ sách dược học đầu tiên của y học cổ truyền, đã ghi chép cả thảy
365 vị thuốc, trong đó có mấy chục loại làm đẹp da mặt như bí đao, bạch chỉ, bạch
cương tàm...Rồi lần lượt các y thư cổ khác như Hoàng đế nội kinh, Thương hàn
luận, Chẩn hậu bách nhất phương, Bị cấp thiên kim yếu phương, Thiên kim dực phương,
Ngoại đài bí yếu, Phổ tế phương, Bản thảo cương mục...đều đã bàn đến DPLP với
những kiến giải rất sâu sắc. Trong các trước tác của mình, tuy không có chương
mục riêng bàn về DPLP nhưng hai vị danh y nước ta Lê Hữu Trác và Tuệ Tĩnh cũng đã
ghi lại khá nhiều bài thuốc dùng để xoa đắp mặt chữa các chứng bệnh ngoài da
nói chung và da mặt nói riêng.
@ Cơ chế tác dụng của DPLP như thế nào ?
Theo y học cổ truyền, tuỳ vào công năng của
từng loại dược vật được dùng mà DPLP có tác dụng hoặc tư âm bổ huyết, kiện tỳ
ích khí hoặc thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết hoá ứ, lợi thuỷ tiêu thũng..., chất
thuốc trực tiếp thẩm thấu qua da hoặc tác động lên các huyệt vị châm cứu ở mặt
làm cho khí huyết lưu thông, công năng các tạng phủ được điều hoà, từ đó mà đạt
được mục đích nhuận phu (làm mềm da và chống khô da), tăng bạch (làm
sáng và trắng da), duyệt dung hồng nhan (làm cho da tươi hồng), khứ
trâu trừ ban (làm hết vết nhăn và vết thâm trên da)...
Kết quả nghiên
cứu hiện đại cho thấy, DPLP có tác dụng chống viêm, làm sạch da, tăng cường lưu
lượng tuần hoàn tại chỗ, kích thích tế bào da phát triển, cải thiện sức chịu đựng
của da trước các tác nhân bất lợi bên ngoài, làm chậm quá trình lão hoá của
da..., từ đó làm cho da khoẻ mạnh và sáng đẹp.
@ Một số công thức DPLP điển hình
* Công thức 1 : Bạch chỉ 30g, bạch liễm 30g, bạch truật 30g,
bạch cập 15g, bạch phụ tử 9g, bạch linh (bỏ vỏ) 9g, bạch tế tân 9g. Các vị sấy
khô, tán thành bột mịn, đem hoà với lòng trắng trứng gà rồi nặn thành viên to bằng
đầu ngón tay út, đựng trong lọ sứ dùng dần. Mỗi tối sau khi rửa mặt dùng nước ấm
hoà với thuốc thành chất lỏng sệt bôi lên mặt thành một lớp mỏng, để chừng 60
phút rồi rửa sạch. Công dụng : Khu phong hoạt huyết , làm mềm và trắng da,
phòng chống các vết nhăn trên da mặt.
* Công thức 2 : Hoa đào, hoa sen và hoa phù dung lượng bằng
nhau. Mùa xuân lấy hoa đào, mùa hè lấy hoa sen, mùa thu lấy hoa phù dung, ba thứ
rửa sạch, phơi hoặc sấy khô rồi đem tán thành bột thật mịn, đựng trong lọ kín để
dùng dần. Mỗi tối, trước khi đi ngủ lấy lượng bột thuốc vừa đủ hoà với mật ong
thành chất lỏng sền sệt rồi thoa đều lên da mặt thành một màng mỏng, để chừng
60 phút rồi dùng nước ấm rửa sạch. Công dụng : Thanh nhiệt tiêu viêm, hoạt huyết
hoá ứ, làm cho da trắng mềm và ẩm, làm chậm quá trình lão hoá da và phòng chống
các vết nhăn.
* Công thức 3 : Sừng hươu dạng kem 60g, sữa bò tươi 75g, bạch
liễm 39g, xuyên khung 30g, thiên môn (bỏ ruột, nướng) 45g, bơ 90g, bạch chỉ
30g, bạch phụ tử 30g, bạch truật 30g, hạnh nhân 30g (ngâm nước, bỏ vỏ và hạt,
nghiền nát thành dạng cao). Các vị thuốc sấy khô, tán bột, trộn với cao hạnh
nhân rồi cho vào nồi nấu cùng bơ và sữa bò thành dạng cao thuốc. Mỗi tối, trước
khi đi ngủ dùng cao thuốc bôi đều lên da mặt thành một màng mỏng, sáng hôm sau
dùng nước ấm rửa sạch. Công dụng : Khu
phong hoạt huyết, nhuận da dưỡng da, phòng trừ vết nhăn và vết nám trên da mặt.
* Công thức 4 : Bạch phục
linh lượng vừa đủ, sấy khô, nghiền thành bột thật mịn. Mỗi tối, trước khi đi ngủ
lấy một lượng bột thuốc vừa đủ hoà đều với lòng trắng trừng gà thành dạng hồ rồi
thoa đều lên mặt thành một màng mỏng, sáng hôm sau rửa sạch bằng nước ấm. Cũng
có thể dùng mật ong để thay lòng trắng trứng. Công dụng : Dưỡng da và làm trắng da, chủ trị chứng nám mặt
và tàn nhang. Đây là mộổctng những phương thuốc làm đẹp da mặt rất đơn giản, dễ
làm và hiệu nghiệm được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và đã được ghi lại
trong nhiều sách thuốc cổ.
* Công thức 5 : Hạnh nhân lượng
vừa đủ, bỏ vỏ, giã hoặc xay thật nhuyễn rồi trộn đều với lòng trắng trứng gà
thành dạng cao lỏng. Mỗi tối, dùng cao thuốc này thoa đều lên mặt thành một
màng mỏng, sau chừng 2 - 3 giờ thì dùng nước ấm rửa sạch. Công dụng : Hoạt huyết
hóa ứ, nhuận da, làm da trắng mịn, phòng chống tàn nhang và trứng cá. Đây là một
nghiệm phương cổ đã được ghi lại trong nhiều cuốn sách bàn về DPLP. Để nâng cao
hiệu quả có thể gia thêm hoạt thạch lượng bằng hạnh nhân, một chút long não và
xạ hương.
* Công thức 6 : Bí đao (đông
qua) 1 quả, dùng dao bằng tre gọt bỏ vỏ xanh, thái mỏng rồi nấu với 1500 ml rượu
và 1000 ml nước cho thật nhừ. Tiếp đó, dùng vải lọc bỏ bã, nấu cô thành dạng
cao rồi cho thêm 600 ml mật ong, lại cô tiếp bằng lửa nhỏ cho đến khi tạo thành
dạng cao đặc sệt vừa phải là được, đựng vào lọ sành, bịt kín miệng để dùng dần.
Mỗi tối, trước khi đi ngủ, lấy một lượng cao thuốc vừa đủ thoa đều lên mặt
thành một màng mỏng, sáng hôm sau rửa sạch bằng nước ấm. Công dụng : Thanh nhiệt
nhuận da, trừ ban chống nám, làm cho da khoẻ và đẹp.
* Công thức 7 : Trứng gà 1
quả, mật ong 1 thìa, đập vỡ trứng vào bát đánh cho sủi bọt rồi cho mật ong vào
quấy đều. Dùng nước ấm rửa mặt rồi lấy dịch thuốc thoa đều thành một màng mỏng,
chờ cho khô (chừng 60 phút) thì dùng nước rửa sạch, mỗi tuần làm 2 lần. Công dụng
: Dưỡng da, nhuận da. Nếu da dầu có thể cho thêm 1 thìa nước chanh. Sách Bách
bệnh tự liệu diệu phương dùng bài này gia thêm 3 thìa sữa chua. Cũng có người
dùng trứng gà, mật ong, bột mì và dầu thực vật làm thành bột thuốc nhão để đắp
mặt dưới dạng mặt nạ.
* Công thức 8 : Bạch cúc hoa
30, bạch quả 30g, mật ong 30g, nước lê, sữa tươi và rượu nếp mỗi thứ nửa cốc.
Trước tiên, cho cúc hoa vào nước lê và rượu nếp chưng lấy nước đặc, Tiếp đó,
giã nát bạch quả rồi hoà với dịch thuốc, mật ong và sữa tươi thành dạng cao lỏng.
Mỗi tối, dùng cao thuốc xoa đều lên mặt, sau chừng 60 phút thì dùng nước ấm rửa
sạch. Công dụng : Thanh nhiệt giải độc, làm sạch da và dưỡng da.
* Công thức 9 : Bạch đinh hương, bạch cương tàm, bạch khiên
ngưu, bạch tật lê, bạch cập, mỗi loại 110g, bạch chỉ 75g, bạch phụ tử 18g, bạch
linh 18g, tạo giác 50g, một ít bột đậu xanh. Tạo giác bỏ vỏ, tước xơ rồi đem sấy
khô cùng các vị thuốc khác, tất cả tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần.
Mỗi tối, lấy một lượng thuốc vừa đủ hoà với nước ấm rồi thoa đều lên mặt thành
một màng mỏng, sau chừng 30 phút thì rửa sạch. Công dụng : Làm cho da sáng mịn và mềm mại, phòng chống vết
nhăn, tàn nhang và trứng cá.
@ Những điều cần chú ý
Có thể nói, DPLP là một phương pháp khá đơn
giản, dễ học, dễ làm và ít tốn kém. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn
cần chú ý lựa chọn dược liệu và thực phẩm cho chuẩn xác và có chất lượng. Các vị
thuốc nên tìm mua tại các cơ sở đông dược có đăng ký và có uy tín để tránh thuốc
giả và kém phẩm chất. Thêm nữa, khi dùng phải đúng cách và hết sức kiên trì,
không nên dùng kết hợp với các mỹ phẩm hiện đại. Các vị thuốc tuy không hoặc rất
ít độc hại và đã được kinh nghiệm của người xưa kiểm chứng trên thực tế hàng trăm
năm nhưng vẫn rất cần phải thận trọng, khi dùng nếu thấy hiện tượng dị ứng thì
phải ngừng ngay và được tư vấn bởi các thầy thuốc chuyên khoa.
Hoàng Khánh Toàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét