Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Con dê làm thuốc

NĂM MÙI, NÓI CHUYỆN CON DÊ LÀM THUỐC


     Trong mươi năm gần đây, thịt dê bỗng trở thành một thực phẩm thời thượng, đặc biệt với cánh đàn ông. Ngoài việc thưởng thức các món ăn thông dụng chế từ thịt dê như dê tái chanh, dê nướng, dê xào lăn, lẩu nầm dê…người ta còn thi nhau uống rượu tiết dê, rượu dương hoàn, rượu cao dê toàn tính…với nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc mong muốn cải thiện tình trạng "dương sự" suy yếu. Điều đó đã nói lên phần nào giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh của các sản phẩm lấy từ con dê. Tuy nhiên, trong y học cổ truyền, dê còn có nhiều công dụng hơn người ta tưởng và khi dùng cũng có một số vấn đề cần phải hết sức lưu ý thì mới mong đạt được hiệu quả như mong muốn.
      Có thể nói, việc sử dụng thịt và các sản phẩm khác lấy từ con dê để chữa bệnh và nâng cao sức khỏe đã được ghi lại khá sớm trong các y thư cổ như Bản thảo cương mục, Bản thảo tái tân, Kim qũy yếu lược, Thiên kim phương, Ngoại đài bí yếu, Biệt lục, Nhật hoa tử bản thảo…Trong sách Lĩnh nam bản thảo, đại danh y Hải Thượng Lãn Ông viết :
                               “ Dương nhục tục gọi là thịt dê

                         Nóng nhiều, ngọt đắng, ích tâm tỳ

                                  Bổ hư lao lạnh, trừ kinh giản,
                                  Phong, đầu choáng, lưng đau, dương nuy.
      Trong số những gia súc gần gũi với con người, dê được thuần hoá khá sớm vào thời kỳ Đồ đá từ hai loại dê rừng Capra aegagerus và Capra falconeri. Tuy dê rừng và dê nhà có một số đặc điểm khác nhau, nhưng trên thực tế chữa trị bệnh tật, y học cổ truyền vẫn thường sử dụng chung cả hai loại. Các bộ phận được dùng gồm có thịt dê (dương nhục), da dê (dương bì), tim dê (dương tâm), gan dê (dương can), dạ dày dê (dương đỗ), phổi dê (dương phế), thận dê (dương thận), tinh hoàn dê (dương thạch tử), tuỵ dê (dương di), não dê (dương não), bàng quang dê (dương phao), tuyến giáp trạng dê (dương diệp), thai dê (dương thai), tiết dê (dương huyết), mật dê (dương đởm), mỡ dê (dương chi), xương dê (dương cốt), sữa dê (dương nhũ)…, thậm chí râu dê (dương tu), sỏi túi mật dê (dương hoàng) cũng được dùng làm thuốc.
      1 – Thịt dê
     Vị ngọt, tính ấm có công dụng bổ huyết ích khí, ôn trung noãn thận. Được dùng để chữa các chứng thiếu máu, gầy yếu, suy nhược cơ thể, chán ăn, đau bụng do hư hàn, thận dương hư gây nên đau lưng mỏi gối, liệt dương, di tinh, di niệu…Ví như, để chữa các chứng suy nhược cơ thể, đau bụng do hư hàn…sách Kim quỹ yếu lược dùng thịt dê 250g thái miếng hầm thật nhừ với 30g đương quy và 15g sinh khương rồi chắt nước cốt uống ; để chữa chứng tỳ vị hư nhược, chán ăn, nôn và buồn nôn do hư hàn sách Ẩm thực chính yếu  dùng thịt dê 250g thái vụn rồi nấu với 180g gạo thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày ; để chữa chứng liệt dương, di tinh, di niệu, lưng đau gối mỏi do thận dương hư sách Thực y tâm kính dùng 250g thịt dê luộc chín, thái miếng, trộn dều với 15g tỏi giã nát và các gia vị khác vừa đủ rồi ăn…
       2 – Gan dê
     Vị ngọt, tính bình có công dụng bổ huyết ích can và làm sáng mắt. Được dùng để chữa các chứng thiếu máu, gầy còm, hoa mắt, suy giảm thị lực…do can hư. Ví như, để chữa chứng suy nhược cơ thể, hoa mắt chóng mặt, thanh manh, thị lực giám sút do can huyết hư, sách Bản thảo cương mục dùng gan dê 150g thái miếng  nấu với 50g gạo tẻ thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày ; để chữa chứng can hoả vượng biểu hiện bởi các triệu chứng đau đầu, hoa mắt chóng mặt, mắt đỏ…cổ nhân dùng gan dê 60g, cúc hoa 10g, cốc tinh thảo 10g, tất cả sắc kỹ, bỏ bã lấy nước, chia uống 3 lần trong ngày.
      3 - Thận dê
     Còn gọi là nội thận, vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ thận khí, ích tinh tuỷ. Được dùng dể chữa các chứng suy nhược cơ thể, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, di tinh, di niệu, liệt dương… do thận hư. Ví như, để chữa chứng liệt dương, xuất tinh sớm…cổ nhân dùng thận dê 1 đôi làm sạch thái miếng, đem hầm với nhục thung dung 12g, kỷ tử 10g, thục địa 10g và ba kích 8g được gói trong túi vải, khi chín bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, ăn nóng ; để chữa chứng gầy yếu suy nhược, tai ù tai điếc, di tinh, liệt dương, hậu sản hư lãnh, cổ nhân dùng thận dê 100g, thịt dê 100g, kỷ tử 50g, gạo tẻ 50g, gia vị vừa đủ, tất cả đem nấu thành cháo, chia ăn vài lần ; để chữa chứng đau lưng mạn tính, sách Trửu hậu bị cấp phương dùng thận dê 1 đôi thái miếng hầm với đậu đen 60g, đỗ trọng 12g, tiểu hồi hương 3g, sinh khương 3 lát, khi chín bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày.
      4 – Tinh hoàn dê
     Còn gọi là ngoại thận, vị ngọt mặn, tình bình, có công dụng bổ thận, tráng dương, ích tinh. Được dùng để chữa các chứng di tinh, liệt dương, hạ bộ hư lãnh, thiểu năng sinh dục…Ví như, để chữa các chứng đau lưng do thận hư, di tinh, liệt dương, tiêu khát (đái đường), khí hư, sa đì…cổ nhân thường dùng tinh hoàn dê nấu cháo ăn thường xuyên ; để chữa bệnh liệt dương dùng tinh hoàn dê 1 đôi và nhung hươu 3g ngâm với 500ml rượu trắng, sau nửa tháng có thể dùng được, uống mỗi ngày từ 15 - 20 ml hoặc dùng tinh hoàn dê 1 đôi làm sạch, bỏ màng, thái miếng, nấu với nước dùng xương lợn trong 5 phút, chế thêm gia vị, ăn nóng.
     5 - Dạ dày dê
     Vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ hư, kiện tỳ, ích vị. Được dùng để chữa các chứng suy nhược cơ thể, gầy mòn, đái đường, chán ăn, tự ra mồ hôi nhiều, tiểu vặt…Ví như, để chữa bệnh viêm đại tràng và dạ dày mạn tính thể tỳ vị hư hàn cổ nhân dùng dạ dày dê 1 cái hầm với gừng tươi, giềng và nhục quế (lượng vừa đủ), chia ăn vài lần trong ngày ; để kiện tỳ, cố biểu, liễm hãn dự phòng cho người dễ bị cảm mạo, hay đổ mồ hôi nhiều, cổ nhân dùng dạ dày dê 1 cái hầm với 50g đậu đên và 40g hoàng kỳ, chia ăn 2 lần trong ngày.
      6 - Phổi dê
     Vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ phế khí, điều thủy đạo. được dùng dể chữa các chứng ho suyễn, đái đường, tiểu tiện không thông hoặc đi nhiều lần.Ví như, để chữa chứng ho kéo dài do phế hư, tiểu tiện bất lợi, sách Phổ tế phương dùng phổi dê 500g thái vụn luộc kỹ lấy nước bỏ bã rồi cho thêm 150g thịt dê thái miếng và 100g gạo tẻ nấu nhừ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày ; để bổ phổi và phòng chống pôlíp mũi, sách Thiên kim dực phương dùng phổi dê 1 lá, bạch truật 120g, nhục thung dung 60g, thông thảo 60g, can khương 60g, xuyên khung 60g, tất cả sấy khô tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 5 - 10g với nước cháo.
      7 – Xương dê
     Vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận, cường gân cốt. Được dùng để chữa các chứng suy nhược cơ thể, phong thấp, lưng đau gối mỏi, tiêu khát, bệnh lỏng lỵ kéo dài…Ví như, để điều trị chứng phong thấp, gầy yếu do lao lực, đầu choáng mắt hoa, sách Thiên kim dực phương dùng xương dê 1000g hầm với 60g gạo tẻ thành cháo, chế thêm gia vị , chia ăn vài lần trong ngày ; để chữa chứng đau lưng mạn tính, sách Ẩm thực chính yếu dùng xương dê 1000g hầm với 6g trần bì, 6g giềng, 2 quả thảo quả và 30g gừng tươi, lấy nước cốt nấu cháo ăn ; để chữa trẻ em chậm phát dục, sách Thái bình thánh huệ phương dùng xương sống dê 500g hầm kỹ với 10g nhục dung và 100g hoài sơn thành dạng bột lỏng, chia ăn vài lần.
      8 – Tiết dê
     Vị mặn, tính bình, có công dụng chỉ huyết, khứ ứ. Được dùng để chữa các chứng nôn ra máu, chảy máu cam, trĩ xuất huyết, băng huyết, xuất huyết do chấn thương trật đả…Ví như, để chữa chứng thổ huyết, chảy máu cam, sách Thái bình thánh huệ phương dùng tiết dê tươi cho uống 1 – 2 chén nhỏ ; để chữa trĩ xuất huyết, sách Tiện dân thực liệu dùng tiết dê luộc chín ăn với dấm chua ; để cầm máu các vết thương, cổ nhân dùng tiết dê đốt thành than 10 phần, tóc rối đốt thành than 10 phần, bột hoàng cầm 2 phần, trộn đều rồi rắc và bó vết thương.
     Ngoài ra, các bộ phân khác của con dê cũng được cổ nhân sử dụng làm thuốc. Tim dê bổ tâm, giải uất chữa chứng đau tức, hồi hộp đánh trống ngực ; tuỵ dê nhuận phế, chỉ đới chữa ho kinh niên, khí hư ; bàng quang dê chữa di niệu ; tuyến giáp trạng dê chữa chứng khí anh ( ngực đầy tức, họng như có dị vật khạc không được nuốt không trôi) ;da dê ích khí bổ hư, làm ấm tỳ vị chữa chứng hư lao, lưng đau gối mỏi, sản hậu hư lãnh ; sữa dê nhuận táo bổ hư trị các chứng suy nhược cơ thể, đái đường, loét miệng, phản vị ; mật dê thanh hoả, minh mục, giải độc chữa đau mắt đỏ, thổ huyết do lao, viêm họng cấp tính, hoàng đản, táo bón, viêm loét da do nhiễm độc ; mỡ dê bổ hư, nhuận táo, khứ phong, hoá độc chữa hư lao, khô da, cửu lỵ, nhọt độc ;
     Tuy nhiên, theo dinh dưỡng học cổ truyền, thịt dê nói riêng và các sản phẩm lấy từ dê nói chung đều có tính ấm nóng cho nên những người thể chất thiên nhiệt và đang bị sốt do cảm mạo không nên dùng.


                                                                                                  Hoàng Khánh Toàn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét