Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Người bình thường có nên dùng thuốc bổ đông y

NGƯỜI BÌNH THƯỜNG CÓ NÊN DÙNG THUỐC BỔ ĐÔNG Y ?



    Thông thường mà nói, khi cơ thể suy nhược vì đau ốm thì người ta mới tìm đến các thầy lang để cắt thuốc bồi bổ nhằm mục đích phục hồi sức khoẻ cho cơ thể. Vậy thì, những người vô bệnh tật có nên dùng thuốc bổ của y học cổ truyền không? Câu trả lời cần khẳng định là có, vì theo quan niệm của y học cổ truyền, “ bổ” có nghĩa là bù đắp, bổ sung những cái mà cơ thể đang thiếu. Âm hư thì bổ âm, dương hư thì bổ dương, tâm huyết hư thì bổ tâm huyết, tỳ khí hư thì bổ tỳ khí…nghĩa là phần nào, bộ phận nào của cơ thể hư thiếu, sút kém thì phải bằng mọi cách bồi phụ cho đầy đủ để nhằm mục đích lập lại và duy trì thế cân bằng động cho cơ thể. Với cách hiểu này thì người vô bệnh cũng thường xuyên ở trạng thái thiếu bởi nhiều nguyên nhân khác nhau:
      * Do bẩm thụ tiên thiên bất túc, nghĩa là từ nhỏ cơ thể vốn đã hư yếu toàn thân hoặc một bộ phận nào đó, khi trưởng thành mặc dù không có bệnh tật cụ thể nhưng vẫn rất cần bồi bổ thường xuyên. Vả lại, con người ta sinh ra, thể chất và khí chất thường thiên lệch về một mặt nào đó, có người thiên âm hoặc thiên dương, có người thiên  hàn hoặc thiên nhiệt…, mà sự thiên lệch có thể thuộc hư hoặc thuộc thực, hư thì phải bồi bổ cho đầy đủ, thực thì phải bỏ bớt đi để tránh thái quá. Bởi thế, mặc dù vô bệnh nhưng những người thiên hư vẫn cần phải bồi bổ cho hợp lý.
       * Do sự tiêu hao không ngừng để duy trì hoạt động sống của cơ thể. Quá trình này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng dinh dưỡng, điều kiện sống, khí hậu, môi trường…Tuỳ theo đặc điểm của từng yếu tố mà sự tiêu hao mang tính chất khác nhau. Theo quan niệm của y học cổ truyền, từ 40 tuổi trở đi âm khí trong cơ thể con người đã hao đi một nửa; nữ giới phần huyết dễ hư, nam giới phần khí dễ hư ; người béo bệu dương khí dễ hư, người gầy khô âm huyết dễ hư ; người sống ở xứ nóng dễ hao tổn phần âm, người sống ở xứ lạnh dễ hao tổn phần dương; “xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”, nghĩa là mùa xuân và mùa hạ cần chú ý bổ dưỡng phần dương, mùa thu và mùa đông cần chú ý bổ dưỡng phần âm…
       * Do nhu cầu phải thường xuyên nâng cao sức đề kháng để phòng chống bệnh tật, y học cổ truyền gọi là bồi bổ chính khí. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, người già, phụ nữ sau khi sinh con, người mới ốm dậy. Những đối tượng này tuy vô bệnh nhưng cân bằng âm dương, khí huyết dễ bị rối loạn, khả năng chống đỡ bệnh tật hạn chế, rất cần phải bồi bổ để nâng cao chính khí nhằm đạt mục đích “ chính khí tồn nội, tà bất khả can”, nghĩa là sức đề kháng của cơ thể luôn luôn sung mãn thì các tác nhân gây bệnh không thể xâm nhập và phát huy tác hại được.
      * Do phải đáp ứng thường xuyên cho nhu cầu phát triển của cơ thể. Điều này đặc biệt quan trọng đối với lứa tuổi vị thành niên, phụ nữ có thai và đang cho con bú. Những đối tượng này rất cần phải bồi bổ một cách toàn diện và liên tục nhằm cung cấp đầy đủ và kịp thời các yếu tố cần thiết cho sự phát triển và hoàn thiện cơ thể.
      * Do phải đáp ứng các nhu cầu đặc biệt khác như nâng cao hiệu suất công tác, cải thiện khả năng sinh lý, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhu cầu thẩm mỹ…
     Như vậy, xét cho cùng, theo quan niệm của y học cổ truyền, con người ta không khi nào là không phải tiến hành bồi bổ. Mỗi ngày ăn cơm ba bữa chẳng phải cũng chính là phương thức bồi bổ cơ bản nhất hay sao ? Tuy nhiên, điều quan trọng là nên lựa chọn cách thức bồi bổ như thế nào cho có hiệu quả nhất, vấn đề này xin được bàn đến cùng độc giả trong bài viết tiếp theo.


                                                                                 Hoàng Khánh Toàn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét