Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Thiên ma câu đằng ẩm

“Thiên ma câu đằng ẩm”, phương thuốc phòng chống rối loạn tiền đình


     Kết hợp kiến thức Tây y, Đông y và kinh nghiệm đúc kết sau gần 30 năm trong nghề, ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền BV TƯ quân đội 108 đã chữa khỏi cho nhiều người bị   rối loạn tiền đình  (RLTĐ) chỉ sau 5 - 10 ngày xoa bóp bấm huyệt và uống thuốc.

Nằm nhắm mắt cũng không yên
     Chị Ngô Thị Liên, 32 tuổi, ở Khu tập thể Kim liên, Hà nội, tháng 12/2013 bị với các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, có cảm giác các vật quay xung quanh người, kém theo buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, tim đập nhanh…Chị mời bác sĩ đến nhà truyền dịch và uống thuốc liên tục 3 ngày mà bệnh vẫn chưa thuyên giảm, phải nhắm nghiền mắt, chẳng dám quay đầu và không ngồi dậy được. Sau ngày đầu tiên được ThS Toàn châm cứu ở đầu mặt, tay và chân kết hợp với day bấm huyệt, chị Liên đã mở mắt, quay cổ được mà không bị chóng mặt. Tiếp tục xoa bóp bấm huyệt kết hợp uống thuốc theo đơn mỗi ngày 1 thang, sau 5 ngày thì bệnh của chị đã khỏi về cơ bản . Chị tiếp tục uống 10 thang thuốc củng cố và bệnh ổn định cho đến nay.
Theo ThS Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, RLTĐ là một hội chứng bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân gây nên và được chia làm hai loại: hội chứng tiền đình ngoại vi và hội chứng tiền đình trung ương. Trong đông y, bệnh thuộc phạm vi chứng “Huyễn vựng”, biểu hiện bằng các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng như say sóng, hoa mắt, nhìn không rõ, mắt tối sầm xây xẩm, ngã nhào, nôn…Bệnh thường gặp ở người trung niên và có tuổi nhưng hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa ngay cả với lưa tuổi đôi mươi. Điều nguy hại của  RLTĐ  là ở những bệnh nhân có bệnh lý đi kèm như thiếu máu não hoặc tăng huyết áp sẽ có nguy cơ đột quỵ dẫn đến tử vong. Bệnh thường hay tái phát, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống nên sau khi khỏi bệnh uống thuốc củng cố rất ý nghĩa để tránh tái phát. Thực tế có rất nhiều bệnh nhân nhờ điều trị triệt để sau hàng chục năm vẫn không bị lại.

Quan trọng là chẩn đoán chính xác bệnh
     ThS Toàn nhấn mạnh,  RLTĐ là trạng thái tổn thương hệ thần kinh có liên quan đến mạch máu nuôi não, hay gặp ở những người bị xơ vữa động mạch hoặc hư xương sụn cột sống cổ…nên bệnh nhân phải được khám cả bằng tây y để xác định chẩn đoán chính xác. Trong nhiều trường hợp bệnh nặng, nguy hiểm tính mạng phải kết hợp cả đông y và tây y, thậm chí có khi phải điều trị tây  y trước rồi sau đó mới dùng đông y để củng cố.
Trong Đông y, huyễn vựng gây nên bởi nhiều nguyên nhân như khí hư hoặc huyết hư, hoặc cả khí huyết đều hư (suy nhược cơ thể); do chữa nhầm thuốc; sinh hoạt tình dục quá độ; say rượu kéo dài làm tổn thương tinh huyết; do bị ngoại cảm, cảm nhiễm tà khí (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa); do bị chấn thương, mất máu quá nhiều, chấn động não bộ…Vì vậy, tìm ra căn nguyên gây bệnh trên cơ sở đó trị bệnh tận gốc và bồi bổ các cơ quan liên quan mạnh lên thì mới khỏi được bệnh. Điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm và kỹ năng chẩn trị, gia giảm thuốc của bác sĩ trên mỗi cơ thể người bệnh.Với ThS Toàn, ông đã vận dụng cả kiến thức tây y trong nhiều năm học hỏi kết hợp kiến thức Đông y của người xưa được đúc kết trong dân gian, sách thuốc cổ và kết quả nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, đặc biệt là Trung Quốc, cộng với kinh nghiệm thực tiễn trong chuyên ngành Đông y gần 30 năm đã áp dụng trị liệu bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó chủ yếu là châm cứu bấm huyệt và uống thuốc theo đơn
ThS Toàn cho biết, tùy theo bệnh tình và từng thể bệnh khác nhau, các huyệt vị như bách hội, thái dương, ấn đường, phong trì, nội quan, hợp cốc thường được trọng dụng với hình thức thể châm kết hợp với day bấm các huyệt và xoa bóp vùng đầu, cổ và gáy. Về thuốc, tốt nhất là được kê đơn thuốc sắc theo nguyên tắc “biện chứng luận trị” – tùy theo bệnh mà có thuốc trị. Tuy nhiên, đơn giản nhưng hữu hiệu là chọn lấy một bài thuốc làm hạt nhân rồi trên cơ sở đó tùy theo bệnh trạng cụ thể mà gia giảm các vị thuốc cho phù hợp. Kinh nghiệm cho thấy, “Thiên ma câu đằng ẩm” (thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh,  chi tử, hoàng cầm, ngưu tất , ích mẫu, tang ký sinh, dạ đằng giao, bạch linh) là bài thuốc cổ thường được lựa chọn hơn cả. Nếu có đau đầu, buồn nôn gia thêm trần bì, bán hạ chế, bạch chỉ; nếu vã mồ hôi lạnh, sợ lạnh gia phòng phong; nếu khí hư gia đẳng sâm, bạch truật, hoàng kỳ; nếu huyết hư gia đương quy, hà thủ ô; nếu âm hư gia thục địa, kỷ tử ; nếu dương hư gia ba kích, nhục dung…Thông thường bệnh nhân chỉ điều trị từ 5 – 10 thang là có chuyển biến rõ rệt.
     Box: Để phòng bệnh cách tốt nhất là thường xuyên tập thể dục thể thao. Đối với người làm việc văn phòng cần tránh ngồi quá lâu trước máy vi tính. Thường xuyên thực hiện các bài tập vận động vùng đầu, cổ gáy. Tập đẩy hơi vào 2 tai bằng cách dùng 2 bàn tay áp vào 2 bên tai mỗi ngày 50 - 100 lần. Uống nước thường xuyên khoảng 2 lít/ngày. Khi bị bệnh cần phải cẩn trọng trong tư thế sinh hoạt, không nên quay cổ một cách đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh…


Thúy Nga (Báo Khoa học và Đời sống)

1 nhận xét: