Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

NGHIÊN CỨU HIỆN ĐẠI VỀ BẢN CHẤT CỦA QUY KINH DƯỢC VẬT


1. Phương pháp nghiên cứu quy kinh
     Hiện nay, có hai phương pháp cơ bản nghiên cứu bản chất của quy kinh : thứ nhất là đi từ sự phân bố của dược vật (thành phần hoá học) trong cơ thể để phát hiện mối quan hệ giữa quy kinh và các bộ phận, cơ quan trong cơ thể, được gọi là Thể nội phân bố pháp ; thứ hai là đi từ tác dụng dược lý của dược vật, được gọi là Dược lý pháp.
     Phương pháp thứ nhất thường sử dụng các đồng vị phóng xạ đánh dấu mỗi thành phần hữu hiệu của dược vật, sau đó tiến hành thăm dò sự phân bố của chúng trong cơ thể, phân tích những nơi tập trung nhiều nhất, từ đó tìm ra sự tương hợp với lý luận quy kinh truyền thống. Ví như, một nghiên cứu thăm dò sự phân bố của Tetramethyl pyrazine (được đánh dấu bằng đồng vị phóng xạ) chứa trong xuyên khung trên động vật thí nghiệm, phát hiện thấy chất này tập trung nhiều nhất ở gan và túi mật, từ đó kết luận dược học cổ truyền quy nhập xuyên khung và hai kinh can và đởm là có cơ sở.
     Nhưng phương pháp này còn tồn tại hai vấn đề : (1) Đánh đồng hai khái niệm “tạng phủ” của y học cổ truyền và “cơ quan” của y học hiện đại mà trên thực thực tế còn chứa đựng nhiều điểm khác biệt, ví như tạng can của y học truyền và gan của y học hiện đại ; (2) Thông thường mà nói, dược vật có thể tập trung nhiều ở cơ quan này, nhưng đó chưa hẳn đã là cơ quan đích mà nó phát huy tác dụng dược lý. Ví như, cơ quan đích của thuốc cường tim là tim, nhưng thực tế Digitalis lại tập trung nhiều nhất ở gan.
     Phương pháp thứ hai thường phân tích dựa trên tác dụng dược lý của thuốc, rồi từ đó căn cứ vào công năng của các tạng phủ theo quan niệm của y học cổ truyền để lý giải và tìm ra mối quan hệ tương ứng. Ví như, toan táo nhân và hổ phách có tác dụng trấn tĩnh, gây ngủ, trên lâm sàng có thể dùng làm thuốc an thần, theo lý luận của y học cổ truyền trấn tĩnh và an thần có mối quan hệ chặt chẽ với tạng tâm, vậy có thể coi việc quy nạp hai vị thuốc này vào kinh tâm là có cơ sở. Hiện tại, phương pháp này được dùng nhiều nhất.
2. Mối quan hệ giữa tác dụng dược lý và quy kinh
   a) Dựa vào tác dụng dược lý của dược vật để nghiên cứu lý luận quy kinh
     Lý luận quy kinh nói riêng và các lý luận khác của y học cổ truyền nói chung đều được đúc kết từ thực tiễn phòng chống bệnh tật từ cách đây hàng ngàn năm. Căn cứ vào hiệu quả lâm sàng của dược vật kết hợp với sự lý giải về công năng các tạng phủ, cổ nhân đã khái quát thành lý luận quy kinh. Tuy nhiên, những ghi chép về quy kinh dược vật trong các sách thuốc cổ cũng có khi không giống nhau, bởi lẽ tuyệt đại đa số các tác phẩm này đều do các thầy thuốc đời xưa soạn thảo và trong quá trình đó không thể tránh khỏi những dấu ấn kinh nghiệm lâm sàng mang tính cá nhân. Hơn nữa, có những vị thuốc được di thực từ nơi khác đến nên ít nhiều có những thay đổi đáng kể, trong đó có vấn đề quy kinh. Như vậy, có thể thấy, hiệu ứng lâm sàng của dược vật chính là cơ sở của lý luận quy kinh, mà hiệu ứng lâm sàng cũng chính là khởi nguồn của tác dụng dược lý của dược vật.
   b) Tương quan giữa tác dụng dược lý và quy kinh của dược vật
     Để khảo sát vấn đề này, các nhà y học cổ truyền Trung Quốc đã tiến hành một nghiên thống kê : trong số 429 vị thuốc đã quy kinh được ghi trong sách Trung dược học, căn cứ vào tác dụng dược lý thực nghiệm hiện đại và tác dụng lâm sàng y học cổ truyền, họ chọn ra những vị thuốc có tác dụng chống kinh quyết, tả hạ, chỉ huyết, chỉ khái, trừ đàm, bình suyễn, lợi niệu và phân thành từng nhóm riêng biệt có cùng tác dụng, gọi là nhóm nghiên cứu, các vị thuốc còn lại không cùng tác dụng được gọi là nhóm đối chứng. Tiến hành thống kê tần số quy kinh của từng nhóm rồi so sánh giữa hai nhóm với nhau để phát hiện mối tương quan. Kết quả nghiên cứu cho thấy, về cơ bản, tác dụng dược lý của dược vật và sự quy kinh của cổ nhân là thống nhất với nhau. Ví như, phân tích tần số quy kinh của 22 vị thuốc thuộc nhóm có tác dụng chống kinh quyết là câu đằng, kinh giới, phòng phong, thuyền thoái, tê giác, tảo hưu, long đởm thảo, bạch hoa xà, thiên trúc hoàng, từ thạch, long cốt, linh dương giác, thiên ma, toàn yết, ngô công, cương tàm, địa long, ngưu giác, thiên nam tinh, mông thạch và hùng đởm, nhận thấy tần số quy nhập vào kinh can và tần số quy kinh cao nhất  là tương đương, biểu thị 100% đều quy nhập kinh can. Đồng thời, so sánh với tần số quy nhập kinh can của 407 vị của nhóm đối chứng(42,9%) thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P< 0,001), chứng tỏ tác dụng chống kinh quyết và sự quy nhập kinh can của dược vật có mối tương quan rõ rệt, phù hợp với quan niệm “can chủ cân”, “chư phong điệu huyền, giai thuộc vu can” của y học cổ truyền.
     Tương tự như vậy, tần số quy nhập kinh đại trường của 18 vị thuộc nhóm có tác dụng tả hạ (đại hoàng, mang tiêu, lô hội, hoả ma nhân...) đạt 100%, phù hợp với lý luận “đại trường đạo dẫn chi phủ” ; tần số quy nhập kinh can của 21 vị thuộc nhóm chỉ huyết (đại hoàng, tiên hạc thảo, bạch cập, tam thất...) đạt 85,3%, phù hợp với lý luận “can tàng huyết” ; tấn số quy nhập kinh phế của 18 vị thuộc nhóm chỉ khái (hạnh nhân, bách bộ, bối mẫu...), 23 vị thuộc nhóm trừ đàm (cát cánh, tiền hồ, viễn trí...) và 13 vị thuộc nhóm bình suyễn (ma hoàng, địa long...) cũng đạt 100%, 100% và 95 %, so sánh với nhóm đối chứng cũng có sự khác biệt rõ rệt, phù hợp với lý luận “phế chủ hô hấp, vi trữ đàm chi quan” của y học cổ truyền. Có thể thấy, học thuyết quy kinh chính là cơ sở quan trọng để nhận biết công năng của lục phủ ngũ tạng, nói rõ phương pháp quy nạp tác dụng theo bộ vị của dược vật.
     Phân tích từng vị cũng cho thấy, ví như ma hoàng quy nhập kinh phế và bàng quang, nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh : ma hoàng có tác dụng bình suyễn, phát hãn, ức chế vi rút (phù hợp với quy kinh phế) và lợi niệu (phù hợp với quy kinh bàng quang) ; thiên ma có tác dụng trấn tĩnh, giáng áp, chống co giật, mà cao huyết áp sẽ gây ra đau đầu, hoa mắt, chóng mặt...thuộc can dương thượng cang, co giật thuộc can phong nội động, như vậy thiên ma quy kinh can là phù hợp ; các vị ôn thận trợ dương như nhung hươu, dâm dương hoắc, đông trùng hạ thảo...đều có tác dụng nâng cao năng lực hoạt động của tuyến sinh dục và vỏ thượng thận, quy nhập kinh thận là phù hợp.
     Điều cần lưu ý là, nhận thức về công dụng của dược vật không ngừng phát triển thì việc quy kinh dược vật cũng không phải là bất biến. Ví như, theo cổ nhân, phan tả diệp có công dụng tả nhiệt đạo trệ nên quy nhập kinh đại trường, nhưng lâm sàng hiện đại cho thấy vị thuốc này còn có khả năng trị liệu viêm tụy cấp tính, viêm túi mật, sỏi mật, viêm loét dạ dày tá tràng nên còn có thể quy nhập thêm vào kinh can, tỳ và vị. Bằng kỹ thuật siêu âm kiểm tra túi mật ở người bình thường sau khi cho uống nước sắc râu ngô, người ta nhận thấy: túi mật giãn to ra và tăng co bóp, chứng tỏ râu ngô có tác dụng làm tăng tiết dịch mật, bởi vậy, vị thuốc này nên quy nhập thêm vào hai kinh can và đởm.

                                                                                      Hoàng Khánh Toàn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét