Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

 GIÁ TRỊ THỰC DỤNG CỦA QUY KINH DƯỢC VẬT


     Lý luận quy kinh dược vật đã gắn chặt học thuyết kinh lạc với thuốc y học cổ truyền, góp phần phát triển cơ sở lý luận của dược vật và kinh lạc, mở rộng phạm vi ứng dụng của thuốc và kinh lạc trên lâm sàng, thể hiện quy luật khách quan về tác dụng mang tính chọn lọc của dược vật đối với kinh lạc và tạng phủ. Đúng như sách Y học nguyên lưu luận đã viết : “Trị bệnh giả, tất tiên phân kinh lạc, tạng phủ chi sở tại...nhiên hậu tuyển hà kinh, hà tạng đối bệnh chi dược nhi trị chi, tự nhiên kiến hiệu hĩ...bất tri kinh lạc nhi dụng dược, tất vô tiệp hiệu”.
   2.1 Phát triển cơ sở lý luận dược vật học
     Trước khi có lý luận quy kinh, dược vật chỉ phân tứ khí, ngũ vị. Tứ khí chỉ có thể biểu thị đại thể thuộc tính âm dương của dược vật, ngũ vị chỉ có thể biểu thị đại thể công dụng và phân biệt vị khác nhau của dược vật, chứ không thể nói rõ quan hệ giữa tính năng và các tạng phủ, kinh lạc. Ví như, hoàng cầm, hoàng liên, tri mẫu, mộc thông...đều là những dược vật khổ hàn, có công năng thanh nhiệt tả hoả, nhưng để biết hoàng cầm thanh hoả ở phế và đại tràng, hoàng liên thanh hoả ở tâm và vị, tri mẫu tả hoả ở phế và thận, mộc thông tả hoả ở tâm và tiểu trường, nếu chỉ dùng lý luận tứ khí, ngũ vị thì không thể giải quyết được vấn đề mà phải dùng đến lý luận quy kinh dược vật.
   2.2 Chỉ đạo bào chế dược vật
     Bào chế thuốc là một trong những nội dung trọng yếu của dược vật học cổ truyền. Lý luận quy kinh dược vật cũng góp phần chỉ đạo và nâng cao hiệu quả của công tác bào chế. Ví như, hương phụ quy nhập kinh can, để nâng cao hiệu quả sơ can lý khí nên sao với dấm ; cam thảo quy nhập kinh tỳ, để nâng cao hiệu quả kiện tỳ, bổ trung ích khí nên sao với mật ; đỗ trọng, trạch tả và hoàng bá quy nhập kinh thận, để nâng cao hiệu quả trị liệu nên sao với muối...
   2.3 Căn cứ để lựa chọn dược vật trong trị liệu
     Vì dược vật tác động vào tạng phủ và kinh lạc có tính chọn lọc nên đó cũng là căn cứ để nâng cao hiệu quả trị liệu của dược vật. Ví như, bạch chỉ, khương hoạt, sài hồ và ngô thù du đều có tác dụng trị liệu đầu thống, nhưng bạch chỉ quy nhập kinh dương minh nên đầu thống dương minh nên chọn bạch chỉ ; khương hoạt quy nhập kinh thái dương nên đầu thông thái dương nên chọn khương hoạt ; sài hồ quy nhập kinh thiếu dương nên đầu thông thiếu dương nên chọn sài hồ ; ngô thù du quy nhập kinh quyết âm nên đầu thống quyết âm nên chọn ngô thù du. Lại như, thuốc hàn lương đều có tác dụng thanh nhiệt, nhưng do các vị thuốc quy kinh khác nhau nên khả năng thanh phế nhiệt, thanh vị nhiệt, thanh tâm nhiệt, thanh can nhiệt...cũng không giống nhau. Thạch cao quy nhập hai kinh phế và vị nên có sở trường thanh phế và vị nhiệt ; liên tử quy nhập kinh tâm nên có sở trường thanh tâm nhiệt ; long đởm thảo quy nhập kinh can nên có sở trường thanh can nhiệt...Trên thực tế lâm sàng, có thể vận dụng nguyên tắc đồng bệnh dị trị hoặc dị bệnh đồng trị nhưng khi thực hành cũng không thể bỏ qua lý luận quy kinh dược vật. Ví như, trong đồng bệnh dị trị, với chứng suyễn thuộc phế thực thì phải chọn những vị thuốc quy nhập kinh phế như ma hoàng, hạnh nhân...để tuyên phế, giáng khí, bình suyễn ; nếu thuộc thận hư thì phải chọn những vị thuốc quy nhập kinh thận như cáp giới, đông trùng hạ thảo...để bổ thận, nạp khí, bình suyễn. Với bệnh thủy thũng, nếu vì tỳ dương bất túc thì phải chọn bạch truật quy nạp kinh tỳ để kiện vận tỳ dương ; nếu vì nhiệt kết bàng quang, khí hóa bất lợi thì phải chọn trư linh quy nhập kinh bàng quang để thanh nhiệt lợi thấp ; nếu vì phế nhiệt ủng trệ, thủy đạo bất thông thì phải chọn thông thảo quy nhập kinh phế để dẫn nhiệt hạ hành. Trong dị bệnh đồng trị, với chứng thoát giang do cửu tả cửu lỵ, âm đĩnh do khí hư hạ hãm, di niệu do trung khí bất túc, băng huyết do tỳ bất thống huyết...đều phải chọn những vị thuốc quy nhập tỳ kinh như nhân sâm, hoàng kỳ, bạch linh, bạch truật, biển đậu, đại táo, thăng ma...để bổ trung ích khí, thăng dương cử hãm. 
   2.4 Chỉ đạo việc cấu tạo phương tễ
     Phương tễ do các vị thuốc hợp thành, là biểu hiện cụ thể của phép biện chứng dụng dược. Mỗi bệnh chứng của kinh lạc, tạng phủ đều phải có chủ phương, ví như Quế chi thang trong Thương hàn Thái dương bệnh, Lý trung thang trong Thái âm bệnh, Tứ nghịch tán trong phép sơ can lý khí, Lục vị địa hoàng hoàn trong phép tư âm bổ thận...Mỗi phương tễ lại có quân, thần, tá và sứ, trong đó quân dược phải có tác dụng sở tại, hay nói cách khác là phải quy nhập vào kinh lạc tạng phủ bị bệnh. Ví như, ma hoàng trong Ma hoàng thang, quế chi trong Quế chi thang đều quy nhập kinh phế và bàng quang, là chủ dược giải biểu. Lại như, Tả kim hoàn do hoàng liên và ngô thù du hợp thành, hoàng liên khổ hàn, ngô thù tân ôn, dược tính của hai vị bất đồng nhưng vì hoàng liên quy nhập hai kinh tâm và vị mà tả hỏa, giáng nghịch chỉ ẩu, ngô thù quy nhập hai kinh can và tỳ mà tán kết, hạ khí giáng nghịch nên hai vị phối hợp với nhau mà đạt hiệu quả tân khai khổ giáng, sơ can hòa vị rất tốt trong trị liệu chứng can khí uất kết, hoành phạm tỳ vị. Như vậy, nếu từ phương diện dược tính mà xét thì rất khó lý giải, nhưng vận dụng quy kinh dược vật để phân tích thì mọi việc trở nên rõ ràng.
     Trong cấu trúc phương tễ thường có những vị thuốc có tác dụng dẫn các vị thuốc khác đến vị trí bị bệnh (dẫn kinh phục sứ), được gọi là “sứ dược”. Nếu chữa bệnh ở phần trên cơ thể thì trong đơn kê phải có vị thuốc có tác dụng dẫn thuốc thượng hành. Ví như, khương hoạt quy nhập kinh thái dương, bạch chỉ quy nhập kinh dương minh, sài hồ quy nhập kinh thiếu dương...Bởi vậy, khi lập phương, các “sứ dược”, hay còn gọi là “dẫn kinh dược”, “hướng đạo dược” cũng phải là những vị thuốc được lựa chọn đầu tiên. Ví như, trong Thương hàn luận, Trương Trọng Cảnh rất thích dùng ma hoàng, thông bạch làm thuốc dẫn trong các phương tễ tân ôn giải biểu, và đó cũng là những chủ dược và vị thuốc được chọn lựa trước tiên. Về vấn đề này, Lý Đông Viên cũng có những kinh nghiệm rất quý báu.
     Ví như, với thái dương kinh chứng, trên lấy khương hoạt làm chủ, dưới dùng hoàng bá ; với dương minh kinh chứng, trên lấy bạch chỉ, thăng ma làm chủ, dưới dùng thạch cao ; với thiếu dương kinh chứng, trên lấy sài hồ làm chủ, dưới dùng thanh bì ; với thái âm kinh chứng, trên lấy cát cánh làm chủ, dưới dùng bạch thược ; với thiếu âm kinh chứng, trên lấy độc hoạt làm chủ, dưới dùng tri mẫu ; với quyết âm kinh chứng, trên lấy sài hồ hoặc xuyên khung làm chủ, dưới dùng thanh bì hoặc ngô thù du. Trong Thang dịch bản thảo, Lý Đông Viên cũng đã ghi lại nhiều kinh nghiệm dùng thuốc dẫn. Ví như, đau đầu trước hết phải dùng xuyên khung, nếu không đỡ thì thái dương dùng mạn kinh tử, dương minh dùng bạch chỉ, thiếu dương dùng sài hồ, thái âm dùng thương truật, thiếu âm dùng tế tân, quyết âm dùng ngô thù du. Trong Thanh vị tán trị liệu chảy máu chân răng, Ông lấy hoàng liên, sinh địa, đan bì để thanh vị nhiệt, lấy thăng ma làm dẫn kinh dược. Trong Phổ tế tiêu độc ẩm trị liệu chứng đại đầu ôn, Ông lấy hoàng cầm, hoàng liên khổ hàn thông giáng, lấy thăng ma, sài hồ làm dẫn kinh dược.
     Ngoài ra, trong trị liệu phong thấp tý thống ở tứ chi, trên nguyên tắc khứ phong trừ thấp, thông lợi kinh lạc, Lý Đông Viên cũng căn cứ vào vị trí kinh lạc tạng phủ bị bệnh khác nhau mà lựa chọn các dẫn dược cho phù hợp. Nếu thuộc kinh dương minh thì lấy thăng ma, bạch chỉ, cát căn để dẫn ; nếu thuộc kinh thái dương thì lấy cảo bản, khương hoạt để dẫn ; nếu thuộc kinh thiếu dương thì lấy sài hồ để dẫn ; nếu thuộc kinh thái âm thì lấy thăng ma, bạch chỉ, thông bạch để dẫn ; nếu thuộc kinh thiếu âm thì lấy tế tân, độc hoạt để dẫn ; nếu thuộc kinh quyết âm thì lấy sài hồ, thanh bì để dẫn.
   2.5 Mở rộng phạm vi trị liệu của dược vật
     Thuốc uống trong vừa trị bệnh nội tạng lại vừa có thể chữa bệnh ở thể biểu là nhờ ở công năng dẫn truyền dược vật của kinh lạc thông qua các dẫn dược. Với lý luận quy kinh dược vật, phạm vi trị liệu của không ít bài thuốc, vị thuốc đã được mở rộng. Ví như, theo y văn kinh điển, sài hồ chưa bao giờ được dùng để trị liệu chứng nhãn khẩu oa tà, nhưng hiện nay trên lâm sàng đã dùng có hiệu quả chính là dựa trên cơ sở sài hồ quy nhập kinh can, mà kinh can lại có nhánh đi từ tổ chức mạch quanh mắt xuống má rồi vòng vào trong môi. Lục vị địa hoàng hoàn là phương tễ thường dùng để tư bổ thận âm, nhưng hiện nay còn được dùng để chữa chứng đau nhức gót chân và mắt cá do thoái hoá mọc gai xương có hiệu quả là vì kinh thận bắt đầu từ mặt dưới ngón chân út đi vào lòng bàn chân, dọc dưới xương thuyền phía trong bàn chân, đi sau mắt cá trong, vòng xuống gót rồi ngược lên bắp chân.
     Lý luận quy kinh dược vật được dùng để chỉ thế mạnh của mỗi vị thuốc ở một phương diện nào đó, ngoài phương diện đó ra thuốc còn có những tác dụng trị liệu khác. Trong thời đại hiện nay, dưới ánh sáng của khoa học hiện đại, nhiều công dụng mới của thuốc được phát hiện như chống viêm, giảm đau, giải mẫn cảm, sát trùng, cải thiện miễn dịch, hạ áp, kháng ung...nên việc nghiên cứu dùng lý luận quy kinh để làm rõ mọi vấn đề là rất khó và cũng rất cần thiết.

                                                                                   Hoàng Khánh Toàn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét