Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Quy kinh dược vật

PHƯƠNG PHÁP QUY KINH DƯỢC VẬT


     Quy kinh dược vật là một trong những bộ phận trọng yếu của lý luận dược tính của thuốc y học cổ truyền. Có thể coi đó là một học thuyết nghiên cứu về tác dụng mang tính chọn lọc của thuốc đối với các kinh lạc để nhằm quy nạp tính năng dược vật. Tuy nhiên, nhận thức về quy kinh không phải chỉ giản đơn là xem xét dược vật quy nhập vào đường kinh nào mà còn bao gồm cả các tạng phủ, cơ quan trong một chỉnh thể thống nhất. Ví như ma hoàng có công năng sơ điều bì mao tấu lý, phát tán biểu tà, lại có khả năng tuyên phế bình suyễn, khai thông tỵ khiếu, tác dụng mang tính chỉnh thể đối với phế hệ nên quy nhập vào kinh phế. Thực chất của quy kinh bao gồm hai phương diện quy thuộc (định vị) và chiều hướng (định hướng). Kinh lạc là chỗ dựa để phân biệt bộ vị bệnh tật sở tại lại vừa là con đường dược vật quy tụ tới.
     Quy kinh dược vật là sự tổng kết kinh nghiệm dùng thuốc của cổ nhân từ hàng ngàn đời nay, chủ yếu có ba phương pháp : quy kinh theo lý luận ngũ hành, quy kinh theo đặc điểm của dược vật và quy kinh theo thực tiễn lâm sàng.

   1.1 Quy kinh theo lý luận ngũ hành
     Rất nhiều dược vật được quy kinh thông qua ngũ sắc, ngũ vị, ngũ hành sở thuộc của bản thân dược vật. Thiên Cửu châm luận sách Linh khu viết : “Ngũ vị sở nhập, toan nhập can, tân nhập phế, khổ nhập tâm, cam nhập tỳ, hàm nhập thận”. Ví như, thanh bì sắc xanh, toan táo nhân vị chua, ngũ hành đều thuộc mộc, quy nhập hai kinh can và đởm ; xích tiểu đậu sắc đỏ, khổ sâm vị đắng, ngũ hành đều thuộc hoả, quy nhập hai kinh tâm và tiểu trường ; sinh khương sắc vàng, cam thảo vị ngọt, ngũ hành đều thuộc thổ, quy nhập hai kinh tỳ và vị ; hạnh nhân sắc trắng, mộc hương vị cay, ngũ hành đều thuộc kim, quy nhập hai kinh phế và đại trường ; khương hoạt sắc đen, tri mẫu sao muối vị mặn, ngũ hành đều thuộc thuỷ, quy nhập hai kinh thận và bàng quang...
     Đương nhiên, quy kinh theo lý luận ngũ hành không phải là tuyệt đối. Ví như, ma hoàng sắc vàng nhưng không nhập kinh tỳ mà lại lấy vị cay để quy thuộc kinh phế ; bạch chỉ sắc trắng không nhập kinh phế mà lại lấy vị ngọt để quy nhập kinh tỳ ; bạch cập vị đắng không nhập kinh tâm mà lại lấy sắc trắng để quy nhập kinh phế ; lonh đởm thảo vị đắng không nhập kinh tâm mà lại lấy công năng tả hoả ở can đởm để quy nhập kinh can và đởm...Thiên Tạng khí pháp thời luận sách Tố vấn viết : “Can khổ cấp, cấp thực cam dĩ hoãn chi”, “can dục tán, cấp thực tân dĩ tán chi”. Theo ngũ hành phân thuộc, vị ngọt chủ yếu nhập tỳ, nhưng vì dược vật vị ngọt có tác dụng hoãn giải các cơn co giật nên chứng can kinh cũng có thể dùng thuốc vị ngọt để hoãn giải ; vị cay chủ yếu nhập phế nhưng vì dược vật vị cay lại có tác dụng phát tán nên chứng can khí uất trệ cũng có thể dùng thuốc vị cay để tân tán. Như vậy, dược vật nhập kinh can không chỉ bó hẹp ở những loại có vị chua mà nhiều loại vị ngọt và cay cũng có thể quy nhập kinh can. Thiên Chí chân yếu đại luận sách Tố vấn đã viết : “Toan tiên nhập can, khổ tiên nhập tâm, cam tiên nhập tỳ, tân tiên nhập phế, hàm tiên nhập thận”. Trước tiên, đầu tiên, chủ yếu quy nhập vào kinh này nhưng không có nghĩa là loại trừ sự quy nhập các kinh khác.

   1.2 Quy kinh theo đặc điểm dược vật
     Để quy kinh dược vật cổ nhân còn dựa vào những đặc điểm của chính những dược vật đó. Ví như, liên kiều có hình dáng giống như tạng tâm nên quy nhập vào kinh tâm ; đăng tâm thảo thể chất nhẹ nổi nên quy nhập vào hai kinh tâm và phế ở thượng tiêu ; từ thạch trầm nặng nên quy vào hai kinh can và thận ở hạ tiêu. Đương nhiên phương pháp quy kinh này cũng không phải là tuyệt đối, ví như biển đậu hình dáng rất giống tạng thận nhưng lại quy nhập vào kinh tỳ ; tô tử thể chất trầm nặng nhưng lại quy nhập vào kinh phế ở thượng tiêu.

   1.3 Quy kinh theo thực tiễn lâm sàng
     Đây là phương pháp quy kinh thường dùng nhất và khoa học nhất, khắc phục được những bất cập của hai phương pháp quy kinh nên trên. Ví như, hạnh nhân, cát cánh có công năng chỉ khái bình suyễn nên quy nhập vào kinh phế ; sài hồ, thanh bì có công năng sơ can lý khí nên quy nhập vào kinh can ; sinh khương và bán hạ có công năng giáng nghịch chỉ ẩu nên quy nhập vào kinh vị ; chu sa và táo nhân có công năng an thần định chí nên quy nhập vào kinh tâm ; ma hoàng và quế chi có công năng phát biểu ở thái dương nên quy nhập vào kinh thái dương ; thạch cao và tri mẫu có công năng thanh nhiệt ở dương kinh nên quy nhập vào kinh dương minh...Đó là phương thức quy kinh trực tiếp căn cứ vào công năng của dược vật. Bổ cốt chi có công năng trị liệu chứng cửu tiết do tỳ dương bất túc và mệnh môn hoả suy, bệnh tuy ở đại tràng nhưng bệnh nguyên ở tỳ và thận nên quy nhập vào kinh tỳ và thận ; phúc bồn tử có công năng trị liệu chứng di niệu do thận khí bất túc, bệnh tại bàng quang  nhưng bệnh nguyên tại thận nên quy vào kinh thận...Đó là phương thức quy kinh gián tiếp căn cứ vào công năng của dược vật. Tục đoạn có công năng tiếp cốt liên cân, cân cốt là do can và thận làm chủ nên quy nhập vào hai kinh can và thận ; thuốc khu trùng phần lớn quy vào kinh tỳ, vì tỳ chủ thấp, bệnh trùng đa phần do thấp sinh, vả lại “chư thống dương sang, giai thuộc vu tâm”. Đó là phương pháp quy kinh dựa vào tương quan tác dụng của dược vật. Ngoài ra, còn có phương pháp quy kinh dựa vào định hướng chọn lọc đặc thù của dược vật đối với mỗi kinh kạc, tạng phủ.

                                                                                  Hoàng Khánh Toàn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét