Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Hai cổ phương chữa viêm loét dạ dày tá tràng

Hai phương thuốc hữu hiệu chữa viêm loét dạ dày

    
     Bà Nguyễn Thị Nguyên, 75 tuổi, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bị bệnh viêm loét dạ dày từ hơn 30 chục năm nay. Biểu hiện chủ yếu là đau vùng thượng vị với tính chất âm ỉ, tăng lên khi ăn đồ cay chua và lúc thời tiết thay đổi, kèm theo ợ hơi, có lúc buồn nôn nhưng không nôn, đại tiện táo lỏng thất thường…Bà đã đi khám ở nhiều cơ sở tây y, được dùng nhiều loại thuốc khác nhau nhưng bệnh chỉ ổn định hoặc thuyên giảm mà không khỏi hẳn, thậm chí có giai đoạn bệnh không hề biến chuyển chút nào. Năm 2005, bà đã được bác sĩ chỉ định dùng phác đồ 3 thuốc (omeprazol, amoxilin, metronidazol) với chẩn đoán viêm loét hang vị nhưng bệnh cũng chỉ ổn định trong vài tháng. Năm 2012, khi xuất hiện thêm triệu chứng nóng rát sau xương ức, kèm theo cảm giác khó chịu vùng hầu họng, bà đến khám tại một bệnh viện lớn, kết quả nội soi cho thấy có hình ảnh viêm trợt rải rác hang vị và trào ngược thực quản, test vi khuẩn Hp (+), được chỉ định dùng các thuốc như pariet, ospamox, clacid, motulium, dogmatic…trong 1 tháng, bệnh ổn định, test Hp (-) nhưng chỉ sau chừng nửa năm các triệu chứng lại tái diễn tuy mức độ không trầm trọng như trước.
     Buồn phiền quá, bà Nguyên tìm đến đông y bắt mạch kê đơn những mong bệnh ổn định lâu dài. Thật may mắn, sau khi thầy thuốc khám và chẩn đoán là mắc chứng Vị quản thống thể tỳ vị hư nhược, được kê 5 thang thuốc, sắc uống mỗi ngày 1 thang, bà Nguyên cảm thấy bụng đỡ đau, dễ chịu, hết cảm giác buồn nôn, thèm ăn và đại tiện trở lại bình thường. Uống tiếp 10 thang nữa, các triệu chứng hầu như đã hết, uống trọn 30 thang bệnh ổn định hoàn toàn. Sau đó, cứ mỗi tháng bà uống duy trì 5 thang, kéo dài trong nửa năm, cho đến nay bà Nguyên không còn phải chịu nỗi khổ sở vì căn bệnh dạ dày nữa.  
     Theo ThS Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, viêm loét dạ dày tá tràng là một bệnh thường gặp và đã được y học cổ truyền đề cập đến từ hàng ngàn năm nay trong các chứng Vị thống, Vị quản thống, Tào tạp, Bĩ mãn…do nhiều nguyên nhân gây ra như tiên thiên bất túc (di truyền), thất tình (rối loạn tâm thần kinh), ẩm thực bất điều (ăn uống không hợp lý), ngoại cảm tà khí (nhiễm trùng, nhiễm độc), rối loạn công năng các tạng phủ, lạm dụng các thuốc cay nóng và có sức công phá mãnh liêt…Bệnh được chia làm nhiều thể khác nhau như Can khí phạm vị, Tỳ vị hư nhược, Tỳ hư vị nhiệt, Vị âm bất túc, Vị lạc ứ trở…Bệnh thường hay tái phát, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống nên sau khi khỏi bệnh việc uống thuốc củng cố là rất cần thiết để tránh tái phát. Thực tế có rất nhiều bệnh nhân nhờ điều trị triệt để sau hàng chục năm vẫn không bị lại.
     ThS Toàn nhấn mạnh, việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh trên cơ sở đó trị bệnh tận gốc và bồi bổ các cơ quan liên quan mạnh lên thì mới khỏi được bệnh. Điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm và kỹ năng chẩn trị, gia giảm thuốc của bác sĩ trên mỗi cơ thể người bệnh.Với ThS Toàn, ông đã vận dụng cả kiến thức tây y trong nhiều năm học hỏi kết hợp kiến thức Đông y của người xưa được đúc kết trong dân gian, sách thuốc cổ và kết quả nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, đặc biệt là Trung Quốc, cộng với kinh nghiệm thực tiễn trong chuyên ngành Đông y gần 30 năm đã áp dụng trị liệu bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó chủ yếu là uống thuốc theo đơn và kết hợp châm cứu, bấm huyệt, cấy chỉ cát gút khi cần thiết.
     ThS Toàn cho biết, về thuốc, tốt nhất là được kê đơn thuốc sắc theo nguyên tắc “biện chứng luận trị”, nghĩa là, tùy theo thể bệnh mà kê đơn cho phù hợp. Tuy nhiên, đơn giản nhưng hữu hiệu là chọn lấy một bài thuốc làm hạt nhân rồi trên cơ sở đó tùy theo bệnh trạng cụ thể mà gia giảm các vị thuốc cho chuẩn xác. Kinh nghiệm cho thấy, hai cổ phương “Hương sa lục quân tử thang” (mộc hương, sa nhân, nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo, trần bì, bán hạ chế) và “Sâm linh bạch truật tán” (nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo, liên nhục, ý dĩ, sa nhân, cát cánh, biển đậu, hoài sơn) là những bài thuốc thường được lựa chọn hơn cả, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với nhau. Nếu nhiệt thịnh gia hoàng cầm, bồ công anh ; nếu hàn thịnh, đại tiện lỏng gia can khương, ngô thù, nhục đậu khấu ; nếu đau bụng nhiều gia xuyên luyện tử, huyến hồ sách ; nếu mệt mỏi nhiều gia hoàng kỳ ; nếu ăn kém, đầy bụng gia thần khúc, mạch nha, sơn tra, kê nội kim ; nếu ợ chua nhiều gia ô tặc cốt, mẫu lệ ; nếu nhiệt miệng, táo bón gia cát căn, mạch môn, chỉ xác…Thông thường bệnh nhân uống chừng mươi thang là có chuyển biến rõ rệt.
     Box: Để phòng bệnh, cách tốt nhất là chú ý tạo được một đời sống tinh thần cân bằng, thư thái, tránh căng thẳng, nghỉ ngơi đầy đủ, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao hoặc các môn tập của y học cổ truyền như dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền, cân ma đạt kinh, ngồi thiền…Chế độ ăn cần khoa học và hợp lý, tránh các đồ ăn thức uống quá nóng lạnh, quá cay chua, khó tiêu và có tính chất kích thích. Nên trọng dụng nghệ tron g việc chế biến các món ăn. Hạn chế bia rượu, bỏ thuốc lá, thuốc lào, cà phê và trà quá đặc. Mỗi ngày nên xoa bóp bụng theo chiều kim đồng hồ 2 lần, mỗi lần chừng 100 vòng. Định kỳ thăm khám sức khỏe để phát hiện và trị liệu bệnh sớm, dùng thuốc củng cố theo đúng hường dẫn để phòng chống tái phát.


1 nhận xét: