Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

HOA XUÂN LÀM ĐẸP


HOA XUÂN LÀM ĐẸP


     Nói đến mùa xuân là nói đến hoa, có lẽ không có thời khoảng nào trong năm mà hoa lại rực rỡ và phong phú như mùa xuân vậy. Tự cổ chí kim, con người vốn dĩ yêu hoa say đắm, có biết bao thi nhân mặc khách đã vì hoa mà chấp bút và cũng có biết bao tài tử gia nhân đã mượn hoa để gửi gắm lòng mình. Cổ nhân yêu hoa xuân không phải chỉ vì hương thơm sắc đẹp có lợi cho cuộc sống tinh thần mà còn vì công dụng dưỡng sinh phục hồi sức khoẻ, phòng chống bệnh tật nói chung và làm đẹp nói riêng của chúng.
     Từ xa xưa, với quan điểm "thiên nhân hợp nhất" (thiên nhiên và con người là một) và "quan thiên chi đạo, chấp thiên chi hành, tận hĩ" (trông trời đất mà làm theo trời đất), thẩm mỹ học cổ truyền phương Đông cho rằng, có thể lấy cái tươi tắn và đẹp đẽ, cái sinh khí tràn trề và mãnh liệt của cỏ cây hoa lá mùa xuân để làm đẹp cho làn da và cơ thể con người. Bởi vậy, trong nghệ thuật mỹ dung, rất nhiều loại hoa xuân đã được cổ nhân trọng dụng với nhiều phương thức chế biến khác nhau như hoa đào, hoa hạnh, hoa lê, hoa phù dung, hoa hồng, hoa lan, hoa bách hợp, hoa chanh, hoa bưởi, hoa đinh hương...Có thể dẫn ra một số ví dụ cụ thể như sau :

@ Hoa đào
   * Rượu hoa đào :  lấy 150g hoa đào khô (thu hái hoa đào mới nở rồi phơi khô trong bóng râm) đem ngâm với 1500 ml rượu trắng, bịt kín miệng, sau 15 ngày có thể dùng được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10 - 20 ml, đồng thời lấy một chút rượu thoa đều lên da mặt. Công dụng : hoạt huyết, nhuận da và mỹ dung ; dùng cho trường hợp da dẻ nhiều nếp nhăn và kém tươi sáng.
   * Trà hoa đào :  lấy 10g hoa đào và 15g hoa sen đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : hoạt huyết tán phong, trừ thấp nhuận da ; dùng cho trường hợp da măt có nhiều vết rám và tàn nhang.
   * Bột thuốc hoa đào :  (1) Hoa đào 30g, bạch dương bì 30g, đông qua nhân (nhân hạt bí đao) 40g, tất cả sấy khô, tán mịn, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3g với rượu nhạt. Công dụng : làm nhuận và sáng da, phòng chống vết nhăn trên da mặt (lệnh nhân duyệt trạch hảo nhan sắc). (2) Hoa đào 300g hái vào ngày mùng ba, tháng ba âm lịch, phơi khô trong bóng râm rồi tán thành bột mịn, đựng trong bình kín, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3g. Công dụng : giảm béo, làm cho da mặt hồng hào, tươi tắn.
   * Thuốc thoa mặt hoa đào :  hái hoa đào tươi vào ngày mùng ba, tháng ba âm lịch đem phơi khô trong bóng râm rồi tán thành bột mịn. Sau đó, vào ngày mùng bảy, tháng bảy lấy lượng máu gà ác vừa phải hoà đều với bột hoa đào thành thuốc thoa một lớp mỏng lên da mặt. Công dụng : làm cho da dẻ mịn màng tươi sáng. Đây là phương thuốc làm đẹp bí truyền của cung đình đời Đường (Trung Quốc).
   * Món ăn hoa đào :  (1) Hoa đào 20 bông, tôm nõn 300g, củ cải 150g, hành tây 75g, tương cà chua 50g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Hoa đào lấy cánh hoa rửa sạch, củ cải và hành tây rửa sạch thái mỏng, đổ dầu vào chảo, phi hành cho thơm rồi cho tôm, củ cải và hành tây vào xào to lửa, khi chín cho tương cà chua và gia vị vừa đủ, đổ ra đĩa, rắc cánh hoa đào lên trên, ăn nóng. Công dụng : tư âm bổ thận, nhuận da và dưỡng nhan sắc.
@ Hoa phù dung
   * Thuốc xoa mặt phù dung hoa :  lấy hoa phù dung tươi lượng vừa đủ, rửa sạch, nghiền nát rồi trộn đều với một chút glycerin, hàng ngày rửa mặt thật sạch rồi thoa một lớp thuốc mỏng lên da mặt. Công dụng : thanh phế lương huyết, trừ thấp hoá đàm, làm sáng da và phòng chống rám da, tàn nhang.
   * Thuốc xoa mặt tam hoa :  hoa phù dung, hoa đào và hoa sen lượng bằng nhau. Ba thứ rửa sạch, phơi hoặc sấy khô rồi đem tán thành bột thật mịn, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi tối trước khi đi ngủ, lấy một lượng bột thuốc vừa phải hoà với mật ong thành chất lỏng sền sệt rồi thoa đều lên da mặt thành một màng mỏng, để chứng 60 phút rồi dùng nước ấm rửa sạch. Công dụng : thanh nhiệt tiêu viêm, hoạt huyết hoá ứ, làm cho da trắng mềm và ẩm, làm chậm quá trình lão hoá da và phòng chống các vết nhăn.
@ Hoa cam
     Hoa cam (hoặc hoa chanh, hoa quất, hoa quít) 10 bông, củ ấu (Trapa bicornis L.) 500g, hủ trúc (sợi đậu phụ khô) 150, hành tây 30g, măng củ 150g, cà rốt 20g, tương cà chua, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Hoa cam rửa sạch lấy cánh hoa ; măng, cà rốt và hành tây thái chỉ, xào qua ; củ ấu rửa sạch, bỏ vỏ và áo trong, thái miếng, đem xào qua với dầu thực vật rồi chế nước nấu chín, khi gần được cho măng, cà rốt, hành tây và hủ trúc vào, nêm đủ gia vị, múc ra bát và rắc những cánh hoa cam lên trên, ăn nóng. Công dụng : tiêu tích hoá đàm, làm giảm mỡ máu, phòng chống béo phì, nhuận da và dưỡng da.
@ Hoa hồng
     Hoa hồng 5g, hoa sen 10g, trà búp 15g. Ba thứ đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 - 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : thanh nhiệt lợi thấp, hoạt huyết tán phong, phòng chống rám da và tàn nhang.
@ Hoa bách hợp
   * Hoa bách hợp tươi 35g, trứng gà 4 quả, hành tây 35g, dầu thực vật avf gia vị vừa đủ. Hoa bách hợp rửa sạch, chần qua nước sôi, để ráo nước, thái chỉ ; trứng gà đập vào bát, đánh đều, chế đủ gia vị ; hành tây rửa sạch thái vụn. Cho dầu vào chảo đun to lửa, đổ hoa bách hợp vào xào qua rồi cho trứng và hành tây vào, đun nhỏ lửa cho chín, ăn nóng. Công dụng : thanh phế chỉ khái, nhuận da và dưỡng da.
   * Hoa bách hợp tươi 25g, mộc nhĩ trắng 25g, mộc nhĩ đen 25g. rau chân vịt 25g, trứng gà 4 quả, dầu thực vật, nước dùng và gia vị vừa đủ. Hoa bách hợp rửa sạch, chần qua nước sôi, để ráo nước ; mộc nhĩ rửa sạch, thái nhỏ ; trứng gà đập ra bát, phân riêng lòng trắng và lòng đỏ, chế đủ gia vị, đánh đều. Đổ nước sạch vào nồi, đun sôi rồi lần lượt cho lòng trắng và lòng đỏ trứng gà vào, khi chín nổi lên thì vớt ra, thái chỉ. Phi hành tỏi cho thơm rồi đổ nước dùng, hoa bách hợp và mộc nhĩ vào đun sôi, tiếp tục cho rau chân vịt, lòng trắng và lòng đỏ trứng gà vào, đun thêm một lát rồi chế đủ gia vị là được. Công dụng : thanh nhiệt lợi thấp, nhuận táo bổ âm, dưỡng da và nhuận da.
@ Hồng hoa
   * Cháo hồng hoa :  Hồng hoa 10g, đương quy 10g, đan sâm 15g, gạo nếp 100g. Sắc kỹ các vị thuốc rồi bỏ bã lấy nước nấu với gạo nếp thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng : hoạt huyết bổ huyết, kiện tỳ dưỡng can, nhuận da, dùng cho người da mặt kém tươi, khô và có tàn nhang.
   * Thuốc sắc hồng hoa :  Hồng hoa 10g, sinh địa 12g, thục địa 12g, đương quy 12g, thiên môn 15g, mạch môn 15g, đào nhân 8g, hoàng cầm 12g, thiên hoa phấn 12g, thăng ma 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang. Công dụng : bổ âm dưỡng huyết, nhuận táo chỉ ngứa, dưỡng da và nhuận da, thường dùng cho những người sắc mặt kém tươi, da khô xạm, thô ráp, hay bị ngứa ngáy.
@ Hoa đinh hương
   * Thuốc rửa mặt đinh hương:  Bạch đinh hương 110g, bạch cương tàm 110g, bạch khiên ngưu 110g, bạch tật lê 110g, bạch cập 110g, bạch chỉ 75g, bạch phụ tử 18g, bạch phục linh 18g, tạo giác 50g, đậu xanh một ít. Tất cả sấy khô rồi nghiền thành bột thật mịn, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày lấy một ít bột thuốc hoà với nước sạch để rửa mặt. Công dụng : làm sạch da mặt, dưỡng da, trừ các vết rám da và tàn nhang.
   * Đinh hương đậu phụ :  Bột đinh hương 1g, đậu phụ 200g, giá đỗ 100g, tôm rảo 10g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Đậu phụ xắt miếng nhỏ, rán vàng ; giá đỗ và tôm rửa sạch ; cho dầu vào chảo, phi hành tỏi cho thơm rồi bỏ giá đỗ và tôm vào xào to lửa, khi gần được cho tiếp đậu phụ, bột đinh hương và gia vị vừa đủ, ăn nóng. Công dụng : thanh nhiệt giải độc, lợi thuỷ tiêu thũng, giảm béo và phòng chống rám da, tàn nhang.
   * Đinh hương chân giò :  Đinh hương 3g, thịt chân giò lợn 1000g, hành, gừng tươi, hạt tiêu, rượu vang và gia vị vừa đủ. Thịt chân giò rửa sạch, thái miếng, ướp nước gừng, bột đinh hương và gia vị ; cho dầu ăn vào chảo, phi hành tỏi cho thơm rồi bỏ thịt chân giò vào đảo qua, sau đó đổ nước vừa đủ, hầm thật nhừ, chế thêm một chút rượu vang là được. Công dụng : khai vị bổ hư, nhuận da và dưỡng da.
@ Hoa mận
     Hoa mận 18g, hoa lê 18g, hoa sen trắng 18g, hoa sen đỏ 18g, hoa đào 9g, hoa đu đủ 9g, đinh hương 9g, trầm hương 9g, mộc hương 9g, bột trân châu 6g, hoạt thạch 9g, bột đâu nành 35g. Tất cả sấy khô, tán thành bột thật mịn, đựng trong lọ kín dùng dần. Hàng ngày lấy một ít bột thuốc hoà vào nước để rửa mặt. Công dụng : nhuận da và dưỡng da, phòng chống rám da, tàn nhang và các vết nhăn.
     Ngoài ra, còn nhiều loại hoa xuân khác đã được người xưa sử dụng để bổ dưỡng sắc đẹp như hoa thuỷ tiên, hoa cúc trắng, hoa hải đường, hoa hạnh, hoa trường xuân...Hoa xuân làm đẹp mùa xuân và làm đẹp cả con người trong thời khoảng "tam dương khai thái" của trời đất, liệu pháp mỹ dung bằng hoa vừa giản dị, vừa tự nhiên mà lại thật độc đáo !


Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

GÀ ÁC CÓ CÔNG DỤNG GÌ ?


GÀ ÁC CÓ CÔNG DỤNG GÌ ?


     Gà ác, còn được gọi là ô cốt kê, ô kê (gà đen), dược kê, vũ dương kê, dương mao kê, hắc cước kê (gà chân chì), trúc ty kê..., có tên khoa học là Gallus gallus domesticus Brisson, thuộc họ Trĩ - Phasianidae. Đây là loại gà cỡ nhỏ đặc biệt được thuần hoá và nuôi dưỡng như các giống gà khác, có đặc trưng bởi bộ lông trắng không mượt, nhưng toàn bộ da, mắt, thịt và xương đều đen, chân đen có 5 ngón.
     Theo dinh dưỡng học cổ truyền, gà ác vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ can thận, ích khí huyết, dưỡng âm thoái nhiệt, thường được dùng để chữa các chứng bệnh hư nhược, tiêu khát (đái đường), đi tả lâu ngày do tỳ hư, lỵ lâu ngày, chán ăn, đới hạ (khí hư), di tinh, hoạt tinh, cốt chưng (nóng âm ỉ trong xương), đạo hãn (ra mồ hôi trộm), kinh nguyệt không đều...Các y thư cổ như Bản thảo cương mục, Bản thảo kinh sơ, Bản thảo tái tân, Trấn nam bản thảo, Y lâm cải yếu, Thực liệu bảo điển...đều có ghi lại công dụng và những phương thuốc bồi bổ có dùng đến gà ác với những kiến giải rất đặc sắc. Trong Lĩnh nam bản thảo, đại danh y Hải Thượng Lãn Ông cũng đã viết :
                                 " Ô kê cốt là con gà ác
                                  Ngọt bình không độc, bổ lao kèm.
                                  Đàn bà huyết trệ, tim đau nhức
                                  Chữa lỵ cấm khẩu của trẻ em."
     Theo dinh dưỡng học hiện đại, thịt gà ác ít lipid, rất giàu protid, có chừng 18 loại acide amin, nhiều vitamine như A, B1, B2, B6, B12, E, PP... và các nguyên tố vi lượng như K, Na, Ca, Fe, Mg, Mn, Cu...Cứ trong 100g thịt gà ác có chừng 22,3g protid (thịt gà ta chỉ số này là 18,2 - 20,3g), 2,3g lipid (thịt gà ta chỉ số này là 7,5 - 10,5g), 17 mg Ca, 2,3 mg Fe, 210 mg P...Kết quả nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng Trung Quốc cho thấy, thịt gà ác có tác dụng phòng chống mệt mỏi, tăng cường khả năng chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu dưỡng khí, cải thiện công năng miễn dịch, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống võng mạc nội mô, tăng cường khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể...
     Trên thực tế, để nâng cao công dụng của gà ác, người xưa thường phối hợp thứ thực phẩm quý giá này với một số dược liệu và chế biến thành những món ăn - bài thuốc (dược thiện) vừa dễ dùng lại vừa phát huy triệt để công dụng của gà ác. Dưới đây, xin được giới thiệu một số công thức cụ thể để bạn đọc có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.
   * Công thức 1 :  Thịt gà ác 100g, đông trùng hạ thảo 10g, hoài sơn 30g. Cách chế : Thịt gà ác rửa sạch, chặt miếng, cho vào nồi hầm cùng với đông trùng hạ thảo và hoài sơn cho thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng : Bổ tinh khí, cường gân cốt, chuyên dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược, gầy còm, ốm yếu.
   * Công thức 2 :  Thịt gà ác 50g, kỷ tử 10g, gừng tươi vài lát. Cách chế : Thịt gà rửa sạch, chặt miếng, cho vào nồi nầm cùng kỷ tử và gừng tươi cho thật nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng : Bổ can thận, ích tinh huyết, thường dùng cho những trường hợp đau đầu, hoa mắt chóng mặt , ù tai, đau lưng do can thận âm hư.
   * Công thức 3 :  Ô cốt kê 1 con, đương quy 10g, thục địa 10g, bạch thược 10g, tri mẫu 10g, địa cốt bì 10g. Cách chế : Gà làm thịt, bỏ lông và nội tạng, chặt miếng ; các vị thuốc rửa sạch ; tất cả cho vào nồi hầm thật nhừ, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng : Bổ huyết điều kinh, thường dùng cho những phụ nữ kinh nguyệt không đều.
   * Công thức 4 :  Gà ác trống 1 con, tam thất 5g, rượu vang và gia vị vừa đủ. Cách chế : Gà ác làm thịt, bỏ lông và nội tạng ; tam thất thái phiến, cho vào trong bụng gà cùng với một chút rượu vang và gia vị ; tất cả đem hầm cách thuỷ cho chín rồi ăn. Công dụng : Bổ khí huyết, cường gân cốt, thường dùng cho những người bị gãy xương.
   * Công thức 5 :  Ô cốt kê 1 con, hạt sen trắng 15g, khiếm thực 15g, gạo nếp 150g. cách chế : Gà làm thịt, bỏ lông và nội tạng, chặt miếng ; hạt sen bỏ lõi ; khiếm thực và gạo nếp rửa sạch ; tất cả cho vào nồi nấu thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng : Bổ tỳ thận, cố tinh chỉ đới, thương dùng cho những nam giới bị di tinh, phụ nữ khí hư có màu trắng đục.
   * Công thức 6 :  Ô cốt kê 1 con, hoàng kỳ 100g. Cách chế : Gà ác làm thịt, bỏ lông và nội tạng, chặt miếng ; hoàng kỳ rửa sạch, cắt đoạn ; tất cả cho vào nồi hầm thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng : Bổ huyết điều kinh, thường dùng cho phụ nữ thống kinh, trước kỳ kinh 3 ngày nên dùng liên tục trong 5 ngày.
   * Công thức 7 :  Ô cốt kê 1 con, ngải cứu 20g, hoàng tửu 30 ml. Cách chế : Gà ác làm thịt, bỏ lông và nội tạng, chặt miếng ; ngải cứu rửa sạch, cắt đoạn ; tất cả đem hấp cách thuỷ, ăn nóng. Công dụng : Bổ hư ôn trung, thường dùng cho những trường hợp tử cung xuất huyết.
   * Công thức 8 :  Gà ác 1 con, đương quy 20g, hoài sơn 20g, hạt sen 50g. Cách chế : Gà ác làm thịt (bóp chết không cắt tiết), bỏ lông và nội tạng, chặt miếng ; các vị thuốc rửa sạch rồi cho vào bụng gà, khâu kín. Tất cả đem hầm thật nhừ, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng : Bổ can thận, ích khí huyết, thường dùng cho những người bị suy nhược cơ thể, phụ nữ sau khi sinh con, người mới ốm dậy...
   * Công thức 9 :  Gà ác trống 1 con, nhân sâm 15g, hoàng kỳ 15g, đương quy 15g, thục địa 15g, bạch thược 15g, ngũ vị tử 15g, bạch truật 15g, bạch linh 15g, xuyên khung 15g, sài hồ 15g, tiền hồ 15g, hoàng liên 15g, hoàng bá 15g, tri mẫu 15g, bối mẫu 15g, sinh địa 15g. Cách chế : Gà làm sạch, chặt miếng ; các vị thuốc rửa sạch, cho vào trong bụng gà rồi đem hầm thật nhừ, tiếp đó lấy gà và các vị thuốc ra, sấy khô, tán thành bột mịn, dùng nước cốt hầm và một ít bột mì trộn đều với bột thuốc và vê thành những viên hoàn nặng chừng 10g, sấy khô, đựng trong lọ kín để dùng dần, mỗi ngày uống 1 viên với nước cơm hoặc nước đun sôu để nguội. Công dụng : Bổ khí ích tỳ, tư âm thanh nhiệt,  thường dùng cho những người bị bệnh lâu ngày, có biểu hiện của chứng can thận âm hư như có cảm giác sốt về chiều, lòng bàn tay bàn chân nóng, ngực bụng buồn bực không yên, vã mồ hôi trộm, lưng đau gối mỏi, môi khô họng khát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ...
   Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, người ta còn dùng thịt gà ác tẩm mật ong, nướng qua rồi đem sấy khô giòn, tán thành bột mịn (ô kê tán) hoặc làm thành viên hoàn (ô kê hoàn) hoặc đem ngâm với rượu uống để bồi bổ sức khoẻ. Cũng có nơi còn dùng xương gà ác nấu thành cao, gọi là tinh gà đen, uống để chữa chứng hư nhược, chán ăn, mệt mỏi, đau lưng, mất ngủ, yếu sinh lý, băng đới...


Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

KINH NGHIỆM DÂN GIAN CHỮA HO TRẺ EM


CHỮA HO TRẺ EM BẰNG KINH NGHIỆM DÂN GIAN


     Ho là một trong những triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em trong nhiều căn bệnh như viêm họng, viêm amydal, viêm phế quản, viêm phế quản phổi, ho gà, hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm xoang…với nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở điều kiện sinh lý bình thường, ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể. Chính nhờ các phản xạ ho, bằng sự thở ra rất mạnh giúp làm sạch đường thở, tống xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt. Tuy nhiên, khi ho quá mức thì lại trở thành một trạng thái bất lợi cho cơ thể và buộc bệnh nhi phải được sử dụng các biện pháp can thiệp cần thiết.
     Trong y học cổ truyền, ho thuộc phạm vi chứng “khái thấu” và được trị liệu bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc dùng các kinh nghiệm dân gian đã có từ lâu đời. Bài viết này xin được giới thiệu một số ví dụ điển hình để độc giả tham khảo và sử dụng cho con trẻ khi cần thiết.
1. Dùng thuốc chữa ho
- Thịt ô mai (quả mơ) 3 quả, cam thảo 5 lát. Hai thứ giã nhỏ, ngậm thường xuyên, với trẻ nhỏ tuổi có thể hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, nhỏ vào họng của trẻ mỗi lần 5 giọt, mỗi ngày vài ba lần.
- Lá hẹ tươi 10 lá, đườngn phèn vừa đủ. Lá hẹ rửa sạch, thái nhỏ, đem hấp cách thủy cùng đường phèn, cho trẻ uống mỗi lần 2-3 thì cà phê, mỗi ngày 2 lần. Chuyên dùng để chữa cho trẻ khi bị cảm cúm có ho, sốt, sổ mũi.
- Tỏi lâu năm 3-4 nhánh, bóc vỏ, đập dập, cho vào cốc, đổ khoảng 100 ml nước sôi ngâm qua đêm, hôm sau lấy ra cho trẻ uống mỗi ngày 3 lần sau bữa ăn, có thể hòa thêm một chút đường cho dễ uống và làm giảm tính kích thích của tỏi.
- Bách bộ 6g, bạch tiền 6g, sa sâm 9g, xuyên bối mẫu 3g, sắc đặc, chia uống 3 lần trong ngày, dùng liên tục 5 ngày.
- Cúc vạn thọ 15 bông, sắc kỹ lấy nước, hòa thêm một chút đường đỏ, chia uống 3 lần trong ngày.
- Kinh giới, bách bộ, bạch tiền và trần bì mỗi thứ 6g, tử uyển 9g, cát cánh và cam thảo mỗi thứ 6g, sắc với 1 bát nước, cô lại còn nửa bát, chia uống vài lần trong ngày, mỗi ngày dùng 1 thang. Dùng cho tất cả các trường hợp ho.
- Rễ cây dâu 20g (cạo vỏ, tẩm mật ong, sao vàng)lá hẹ 20g, hoa đu đủ đực 20g, mạch môn 20g, tất cả đem sắc với ba bát nước, cô lại còn 1 bát, hòa thêm đường phèn,chia uống 3 lần trong ngày.
- Lá dâu tằm 20g, bạc hà 10g, rau má 20g, rễ cây chanh 10g, lá hẹ 10g, sắc kỹ lấy nước, chia uống vài lần trong ngày, có thể hòa thêm một chút đường phèn. Dùng chữa ho do cảm sốt.
- Gừng tươi 40g, củ sả 40g, đường trắng 100g. Hai thứ giã nhỏ, vắt lấy nước, hòa đường rồi cô nhỏ lửa thành dạng kẹo, mỗi lần lấy một ít ngậm dần.
- Quất hồng bì 20g, đường phèn lượng vừa đủ. Quất hồng bì rửa sạch, bỏ hạt, đem hấp cách thủy với đường phèn, mỗi ngày cho trẻ uống 2 lần, mỗi lần một thì cà phê.
- Vỏ trắng rễ cây dâu 12g (ngâm nước gạo một đêm), hoa cúc 12g, mạch môn 12g (đồ chín, rút bỏ lõi), bạc hà 8g, lá chanh 16g. Tất cả đem sắc với 500 ml nước, cô còn 200 ml, chia uống vài lần trong ngày.
2. Chữa ho không dùng thuốc
     Dùng một vài giọt dầu như: dầu sả, tinh dầu tràm, dầu hạnh nhân hoặc tinh dầu bạc hà vào lòng bàn tay, xoa đều rồi day xát nhẹ nhàng lòng bàn chân cho trẻ, bấm nhẹ điểm nối giữa 2/5 và 3/5 đường nối đầu mút ngón trỏ với điểm giữa bờ sau gót chân. Tiếp đó, cũng xoa xát vùng liên sống bả (ở giữa hai xương bả vai) cho trẻ sao nóng lên là được. Cuối cùng, tiến hành vỗ rung long đờm giảm ho bằng cách khum bàn tay lại rồi vỗ đều vào vùng lưng trẻ ở phần giữa hai bả vai ở tư thế nằm hoặc ngồi đầu hơi dốc xuống. Chú ý làm nhịp nhàng liên tục, tiến hành lúc trẻ đói, tốt nhất là buổi sáng ngủ dậy, khi chưa ăn gì.   

                                                                                  Hoàng Khánh Toàn

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

THUỐC NAM CHỮA BỆNH GAN


NHỮNG BÀI THUỐC NAM CHỮA BỆNH VIÊM GAN

 

 

     Có thể nói, trong kho tàng những bài thuốc nam được dùng để dự phòng và trị liệu viêm gan ở nước ta là hết sức phong phú. Có một số không nhiều những cây thuốc, bài thuốc đã được khảo sát nghiên cứu đầy đủ, nhưng hầu hết vẫn được sử dụng theo phương thức kinh nghiệm dân gian. Dưới đây, xin được giới thiệu một số ví dụ điển hình để độc giả tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

- Bồ công anh tươi 90-120g, rửa sạch, thái nhỏ nấu canh ăn

- Thương truật, nhân trần, trạch tả, trư linh, phục linh, mỗi vị 4,5g. Thương truật ngâm nước vo gạo, nhân trần và trạch tả tẩm nước muối sao, tất cả đem sức uống mỗi ngày 1 thang.

- Rễ cỏ tranh tươi một nắm, thịt lợn nạc 500g, hai thứ đem nấu canh ăn.

- Nhân trần 27g, đại hoàng chế 14g, chi tử 5g, sắc uống ấm, xa bữa cơm.

- Gan lợn tươi 300g, Chè xanh 300g. Chọn gan lợn sạch không rửa qua nước, lấy dao khứa nhiều rãnh nhỏ, chè xanh rửa sạch, vò dập rồi bọc lấy gan, ngoài dùng đất sét bọc kín. Đào một cái hố hình lòng chảo rồi cho củi vào đốt bọc đất sét chè xanh cho gần khô. Đổ một thùng trấu lên cho cháy âm ỉ gần hết thì lấy bọc đất sét ra, đập bỏ lấy gan đã sấy khô ra, chia ăn 2 lần sáng, chiều.

- Gan lợn 200g, nghệ tươi 100g. Tán nhỏ nghệ tươi trộn với gan lợn, xào làm thức ăn trong ngày, mười ngày là một liệu trình.

- Đu đủ 1 quả, cắt ngang 1/3 theo chiều thẳng đứng, lấy hết hạt ra, cho gan lợn vào đậy như cũ rồi chất lửa đốt cháy thành than là được. Cắt bỏ phần cháy đen, ăn gan và ruột đu đủ. Dùng 10 lần là một liệu trình.

- Nhân trần 6g, cát căn 6g, chi tử 6g, ốc nhồi 2 con. Tất cả các vị thuốc sấy khô, tán bột, giã nát thịt ốc, pha với rượu uống.

- Nhân trần 9g, chi tử sao đen 9g, trạch tả 9g, thanh bì 9g, cam thảo 3g, cúc hoa 6g. Tất cả thái vụn, hãm với nướ sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút là dùng được, uống thay trà trong ngày.

- Nhân sâm 3g, phục linh 30g, hoài sơn 30g, chu sa 1,5g, tạo giác sao qua 30g, hồng hoa tán bột 15g, bánh mỳ hấp 250g. Tất cả sấy khô, tán bột, trộn nước làm thành viên hoàn to bằng hạt đậu tương, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 9 viên (chừng 3-6g).

- Ngũ vị tử lượng vừa đủ, tán thành bột mịn, trộn với mật làm thành viên, mỗi ngày uống ba lần, mỗi lần 2g, mỗi liệu trình kéo dài một tháng. Hoặc dùng ngũ vị tử 100g, bạch cương tàm 100g, thuyền y 50g. Tất cả nghiền thành bột mịn ngày uống hai lần, mỗi lần 10g liên tục trong 30 ngày.

- Diệp hạ châu 8g, nhân trần 12g, trần bì 8g, hổ trượng căn 12g, ngũ vị tử 6g, cam thảo 4g, quả dứa dại khô 12g, tất cả đem sắc với 1000 ml nước cô còn 450 ml, chia uống 3 lần trong ngày vào lúc đói.

- Nhân trần 60g, vỏ hòe sao 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

- Nhân trần (bọc túi vải) 60g, đại táo 250g, đậu xanh 125g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

- Nhân trần 15g, chi tử 10g, long đởm thảo 6g, ngân hoa 12g, bản lam căn 12g, kim tiền thảo 15g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

- Nhân trần 30g, bạch anh 12g, chi tử sống 12g, hoàng bá 10g, kim tiền thảo 30g, uất kim 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

- Nhân trần 20g, uất kim 12g, phục linh tẩm rượu 18g, thổ phục linh 18g, hoắc hương 10g, hạnh nhân 10g, quất hồng 10g, xích thược 12g, ngó sen 18g, trạch lan 12g, xa tiền tử 18g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

-  Diệp hạ châu 30g, nhân trần 12g, sài hồ 12g, chi tử 8g, hạ khô thảo 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

- Cây chó đẻ răng cưa 20g, đường đỏ 50g. Đem chó đẻ răng cưa sắc kỹ ba lần, sau đó hòa cả ba nước lại, cho thêm 50g đường quấy cho tan rồi chia uống 3 lần sáng, trưa và chiều.

- Hậu phác 9g, chỉ xác 6g, sơn tra 9g, thần khúc 9g, trư linh 6g, trạch tả 6g, thương truật 6g, nhân trần 15g, trần bì 9g, Cát cánh 6g, bạch linh 6g, hoàng cầm 12g, cam thảo 6g, lá tre 6g, đăng tâm 6g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

- Phèn đen 500g, dầu vừng 120g, trư linh 15g, trạch tả 15g, bạch linh 15g, nhân trần 15g, đại táo 250g. Cho phèn đen và dầu vừng vào chảo đun nóng, tắt lửa rồi đổ 120g giấm để bốc hơi, nguội đổ ra đem sấy khô tán bột cùng với các vị thuốc khác. Tiếp đó đem đại táo bỏ vỏ và hột, lấy thịt nghiền nhuyễn rồi trộn với bột thuốc làm viên hoàn to bằng hạt đỗ xanh, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 20-30 viên trước bữa ăn.

- Đại hoàng 35g, kim tiền thảo 50g, nhân trần 25g, mộc hương 20g, uất kim 20g, hoàng cầm 25g, bạch thược 25g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

- Thương truật (tẩm nước gạo), bạch truật mỗi vị 75g, chích thảo 15g, hậu phác sao nước gừng 30g, trần bì 45g, hương phụ chế nước tiểu trẻ em 180g, thần khúc sao vàng 30g. Các vị thuốc sấy khô, tán thành bột mịn, trộn với hồ bột làm hoàn, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g.

 

                                                                      ThS Hoàng Khánh Toàn

 

 

 

 


Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

Công nghệ chiết xuất dược liệu


CÔNG NGHỆ CHIẾT XUẤT DƯỢC LIỆU, VẤN ĐỀ BỨC THIẾT
 CHO SỰ PHÁT TRIỂN ĐÔNG DƯỢC THÀNH PHẨM

     Có lẽ chưa bao giờ, số lượng các đông dược thành phẩm được sản xuất trong nước, kể cả thuốc và thực phẩm chức năng, lại phong phú như bây giờ. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến năm 2011  đã có tới 1086 chế phẩm thuốc đông y đang lưu hành trên thị trường. Nhưng, cũng chưa bao giờ chất lượng của những sản phẩm này lại trở thành vấn đề hết sức bức thiết như hiện nay. Bởi lẽ, ở tất cả các khâu từ trồng trọt, thu hái, bào chế, bảo quản...để đảm bảo dược liệu có đủ các tiêu chuẩn : đúng, tốt, sạch/tinh khiết và các đông dược thành phẩm đạt yêu cầu : đúng, tốt và tinh khiết đều có những điều hết sức bất cập, trong đó có vấn đề công nghệ chiết xuất dược liệu.
     Có thể nói, công nghệ chiết xuất dược liệu có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quyết định đến chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của đông dược thành phẩm. Đây là sự khác nhau giữa tân dược mà nguyên liệu được biết rõ về thành phần hóa học với đông dược có nguồn gốc cây cỏ, thành phần phức tạp và trong nhiều trường hợp còn chưa xác định được thành phần có tác dụng. Mỗi đông dược thành phẩm có đạt được những yêu cầu của tiêu chuẩn hóa hay không cũng liên quan tới việc định lượng hoạt chất hay chất đặc trưng của mỗi dược liệu. Điều này được thực hiện bằng hai cách : thiết lập những phổ hay sắc ký đồ đối chiếu của thành phẩm tiêu chuẩn để so sánh và tiến hành kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất.
     Có một nghịch lý là, trong khi kho dược liệu của nước ta hết sức phong phú với gần 4000 cây thuốc có thể trực tiếp làm thuốc hoặc để tách chiết một số hoạt chất bào chế đông dược thành phẩm, ngành dược chúng ta lại phải phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2008, thống kê của Cục Quản lý dược Việt Nam cho thấy, thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 50,18% nhu cầu sử dụng với 90% nguyên liệu sản xuất phải nhập từ nước người. Báo cáo của Bộ Y tế tại hội nghị tổng kết chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền 2003 – 2010 cũng chỉ rõ : công tác phát triển dược liệu còn mang tính tự phát, chất lượng dược liệu chưa được kiểm soát thường xuyên, hệ thống cung ứng dược liệu và thuốc thành phẩm còn nhỏ lẻ. Trung bình mỗi tỉnh sử dụng khoảng 42 tấn dược liệu/năm, trong đó nguồn dược liệu trong nước chiếm 51,56%, ngoài nước chiếm 48,44% (nhiều thời điểm trong nước dược liệu phải nhập khẩu đến 90%).
     Theo ý kiến của một số chuyên gia, tình trạng phụ thuộc này là do nước ta chưa đầu tư đúng mức vào công nghệ tách chiết tinh khiết để khai thác nguồn dược liệu quý giá sẵn có. Trên thực tế, công nghiệp chiết xuất của chúng ta chưa phát triển, hầu như chưa có các nhà máy chiết xuất lớn theo đúng nghĩa của nó. Các cơ sở thường tự xây dựng các phân xưởng chiết xuất nhỏ phục vụ cho nhu cầu của riêng mình. Phương pháp chiết xuất chủ yếu vẫn là nấu cao, cô cao trực tiếp ở áp suất thường trong không khí và điều kiện nhiệt độ không chuẩn xác. Các cơ sở chiết dược liệu ở vùng trồng (nếu có) cũng chủ yếu là cơ sở nhỏ chế biến một loại cao nhất định với các trang thiết bị khá thô sơ. Một vài doanh nghiệp nắm bắt được sự phát triển của thị trường đã bắt đầu đầu tư các nhà máy chiết xuất ở các vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, phần lớn các trang thiết bị của các nhà máy này vẫn chỉ dùng để “nấu cao” ở quy mô lớn có sự hỗ trợ của máy móc. Một số cơ sở nhỏ có thiết bị hiện đại hơn (chiết có gia nhiệt với các dung môi cồn, cồn - nước, cô thu hồi dung môi dưới áp suất giảm…) nhưng lại thiếu những quy trình chiết, các sản phẩm chiết có chất lượng cao đặc trưng cho cơ sở, có sản lượng đủ lớn cạnh tranh với nước ngoài. Việc đầu tư các thiết bị chiết xuất, các dây chuyền chiết xuất hiện đại cùng với các quy trình chiết xuất dược liệu tiên tiến, hiệu quả chỉ mới là ý tưởng hay mơ ước.
     Những người làm việc trong các doanh nghiệp dược hẳn còn nhớ câu chuyện thu tiền tỷ từ việc chiết xuất maniferin, một hợp chất có tác dụng chữa bệnh zona vào những năm 80 của thế kỷ trước và đến nay chúng ta đã có thể sản xuất nguyên liệu mangiferin đạt độ tinh khiết 98 % - 101%, xuất khẩu sang Nga cả nguyên liệu và thuốc thành phẩm với trị giá khoảng 1 triệu USD/năm. Theo nhiều nhà nghiên cứu dược liệu, trong kho tàng thực vật nước ta không chỉ có xoài mà còn hàng trăm loài dược liệu có chứa hàm lượng lớn những hoạt chất quý giá dùng để sản xuất nguyên liệu bào chế thuốc thành phẩm như Taxol trong cây thông đỏ ; Rurin và Troxerutin  trong hoa hòe dùng để sản xuất thuốc làm bền thành mạch, dự phòng và trị liệu các bệnh lý xuất huyết ; Curcumin và Quercetin trong nghệ dùng để sản xuất thuốc phòng chống khối u, hỗ trợ điều trị ung thư, viêm loét dạ dày tá tràng...; Shikimic acid trong tinh chất hoa hồi dùng để sản xuất Oseltamivir Phosphate có tác dụng phòng chống virus cúm A/H5N1 và H1N1, mối đe dọa lớn với thế giới và Việt Nam (đến nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất Oseltamivir Phosphate từ acid Shikimic, phân lập từ quả hồi trên quy mô phòng thí nghiệm), Artemisinin trong thanh hao hoa vàng phục vụ sản xuất thuốc phòng chống sốt rét, đáp ứng nhu cầu thuốc trong nước và tham gia xuất khẩu ; Vinblastin, Vincristin, Vindolin và Catharanthin từ cây dừa cạn làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị bệnh ung thư ; Sterol trong đậu tương dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng và bán tổng hợp các chất như Testosteron propionat, Ethinylestetradiol, DHEA ; Carotenoid để làm thuốc chống lão hóa, chống ung thư từ quả gấc và hoa cúc vạn thọ ; Lutein, Zeaxanthin từ hoa cúc vạn thọ để làm nguyên liệu bào chế thuốc Vicuva ; Rotundin trong củ bình vôi dùng làm thuốc an thần, trấn tĩnh ; Glycosid từ quả mướp đắng để sản xuất thức ăn chức năng làm giảm hàm lượng đường trong máu...
     Điều đó cho thấy, với một tiềm năng hết sức to lớn, nếu có một đường hướng đúng đắn và mạnh dạn, công nghệ đầu tư hiện đại và tiên tiến, đội ngũ cán bộ nhân viên có trình độ cao và chuyên nghiệp thì chúng ta có thể tạo ra một sức bật mới, một sự chuyển biến về chất cho công cuộc phát triển công nghệ chiết xuất dược liệu, có thể làm được cái gọi là may “túi ba gang” cho ngành công ngiệp dược. Điều đáng mừng là, Đề án “Phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” đã xác định : xây dựng cơ sở chiết xuất hoạt chất tinh khiết từ dược liệu để đảm bảo 20% nhu cầu hoạt chất cho sản xuất thuốc vào năm 2015 và 30% vào năm 2020. Cũng trong năm 2007, Thủ tướng đã có quyết định số 43 và 61 về phát triển công nghiệp dược, trong đó có đề cập đến các vấn đề tăng cường đầu tư phát triển các cơ sở chiết xuất tinh khiết các hoạt chất từ dược liệu với mục tiêu là : Nghiên cứu tạo ra những công nghệ có chất lượng cao ở trong nước, kết hợp với nhập khẩu, làm chủ và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của nước ngoài để sản xuất nguyên liệu hoá dược phục vụ ngành công nghiệp dược và công nghiệp bào chế thuốc chữa bệnh, tiến tới chủ động sản xuất thuốc ở trong nước ; nghiên cứu khai thác và sử dụng có hiệu quả các hoạt chất thiên nhiên chiết tách, tổng hợp hoặc bán tổng hợp được từ các nguồn dược liệu và tài nguyên thiên nhiên quý giá và thế mạnh của nước ta, phục vụ tốt công nghiệp bào chế một số loại thuốc đặc thù của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh trong nước và xuất khẩu.   
     Quán triệt tinh thần của quyết định này, mới đây một số công ty dược đã khởi công xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu công nghệ cao như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, Công ty TNHH Nam dược...và đặc biệt là nhà máy chiết xuất và tổng hợp dược liệu của Công ty cổ phần Hóa-dược phẩm Việt Nam đạt 3 tiêu chuẩn : thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO-GMP), thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP) và hệ thống an toàn chất lượng phòng thí nghiệm (GLP) đã khánh thành tại Bắc Ninh vào ngày 20/07/201 với tổng công suất đạt 500 tấn nguyên liệu thành phẩm/năm.
     Tới thăm và làm việc với Công ty cổ phần Hóa - dược phẩm Việt Nam và khánh thành nhà máy, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những quyết tâm và sáng tạo của Công ty cổ phần Hóa - dược phẩm Việt Nam trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy, đồng thời khẳng định đây là một trong những mô hình điển hình góp phần đưa công nghiệp chế biến dược liệu của Việt Nam phát triển về mặt chất lượng cũng như quy mô để đáp ứng nhu cầu hội nhập.  

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn nút khánh thành nhà máy - Ảnh: Chinhphu.vn

                                                                                              Hoàng Khánh Toàn

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

LẠC CHÂM


LẠC CHẨM, HUYỆT VỊ ĐỘC ĐÁO TRỊ LIỆU VẸO CỔ


     Một sáng nào đó khi thức dậy, bạn chợt phát hiện thấy cổ mình bị căng cứng, cử động rất khó khăn, kèm theo cảm giác đau nhức khó chịu, tăng lên khi cố làm động tác quay cổ, có khi đau lan xuống bả vai, chi trên hoặc vùng liên sống bả, khiến cho cổ bạn phải nghiêng nhiều hay ít về một bên trong tư thế rất gò bó để chống đau. Khi đó, bạn đã mắc chứng bệnh vẹo cổ mà y học cổ truyền thường gọi là Lạc chẩm hay Thất chẩm. Nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh này thường là do tư thế khi ngủ không hợp lý, đầu gối quá cao hoặc quá cứng khiến cho đầu cổ lệch về một bên, các cơ vùng cổ như cơ thang, cơ ức đòn chũm bị căng giãn kéo dài mà sinh đau. Ngoài ra, tình trạng thoái hoá cột sống cổ hoặc cổ bị lạnh cũng là những yếu tố góp phần làm bệnh phát sinh hoặc nặng thêm.
     Khi lâm vào tình trạng khó chịu này, trước tiên bạn phải hết sức bình tĩnh và sau đó lần lượt tiến hành các thao tác sau đây :
- Dùng lòng bàn tay xoa xát vùng cổ trong vài phút sao cho tại chỗ nóng lên là được, có thể thoa một chút dầu cao hoặc cồn rượu xoa bóp để làm tăng tác dụng trị liệu. Cũng có thể chườm vùng cổ vai bằng muối sao nóng hoặc muối sao với lá ngải cứu.
- Dùng các ngón tay nhẹ nhàng day ấn cổ vai để xác định các điểm đau nhiều (áp thống điểm). Sau đó, dùng ngón tay cái hoặc ngón giữa day ấn các điểm này trong vài phút. Chú ý mỗi điểm day đều với một lực vừa phải chừng 30 giây rồi ấn áp thống điểm từ nhẹ đến mạnh trong 5 giây, nghỉ 2 giây rồi lại tiếp tục ấn, tiến hành chừng 3 - 4 lần như vậy là được. Khi ấn cảm giác đau nhức thường tăng lên nhưng không vì thế mà giảm cường độ tác động.
- Dùng ngón tay trỏ hoặc đầu bút bi (không phải đầu nhọn) day ấn huyệt Lạc chẩm trong vài phút, mỗi ngày kiên trì day ấn vài lần. Vị trí huyệt Lạc chẩm : ở mu bàn tay, nằm giữa hai xương bàn tay 2 và 3, trên khớp xương bàn - ngón 0,5 thốn, khi ấn có cảm giác đau tức nhất. Huyệt vị này còn có tên gọi là Hạn cường, là kỳ huyệt, có tác dụng chữa trị các chứng bệnh như cứng gáy, đau nửa đầu, đau dạ dày, đau họng, đau vai và cánh tay...Vì là huyệt hết sức hữu hiệu trong trị liệu chứng vẹo cổ nên được gọi là huyệt Lạc chẩm. Ngoài thủ thuật day bấm, người ta còn dùng kim châm cứu châm thẳng hoặc xiên, sâu từ 0,5 - 1 thốn, tại chỗ thường có cảm giác căng tức, có khi cảm thấy như bị điện giật lan tới mút ngón tay.
     Nói chung, bạn chỉ cần áp dụng thủ pháp trị liệu như trên chừng 3 - 4 lần là có thể chữa khỏi chứng vẹo cổ hoặc ít nhất cũng giúp cho bệnh trạng thuyên giảm nhiều. Nếu hiệu quả không rõ rệt  thì cần đi khám để tìm thêm nguyên nhân và loại trừ biến chứng của các bệnh khác.

                                                                                 Hoàng Khánh Toàn



Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

ĂN MUỐI NHƯ THẾ NÀO CHO TỐT


ĂN MUỐI NHƯ THẾ NÀO LÀ TỐT NHẤT CHO SỨC KHỎE ?

 

     Muối là một loại gia vị đặc biệt, rất cần thiết cho mọi hoạt động của cơ thể con người. Tuy nhiên, việc dùng muối như thế nào để có lợi nhất cho sức khỏe cũng có khá nhiều quan điểm khác nhau tùy theo vùng miền, chủng tộc, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, thói quen, tính chất bệnh lý…Dưới đây là một số vấn đề cần biết khi dùng muối ăn

* Một ngày nên ăn muối bao nhiêu là đủ?
     Trung bình mỗi ngày cơ thể chúng ta cần từ 2- 3 lít nước để bổ sung lượng nước bị hụt thông qua các hoạt động. Nếu tính tổng thể, cơ thể con người trung bình sẽ chứa từ 7- 8 lít (nước và máu). Khối lượng này đảm bảo cho hệ tuần hoàn, bài tiết duy trì hoạt động bình thường theo đúng chức năng của chúng. Muối hay có lẽ là chất mà loài người không thể thiếu trong thức ăn hàng ngày, thậm chí đối với nhiều người, có thể thiếu thịt chứ không thể thiếu muối trong bữa ăn. Lượng muối bình quân cần thiết cho cơ thể dao động từ 4-10 gam muối NaCl/ ngày, trong đó, thành phần muối có sẵn trong các thức ăn thiên nhiên chiếm khoảng 3%, số còn lại được bổ sung trong quá trình chế biến thực phẩm. Theo chuyên gia dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng quốc gia, người bình thường không bị tăng huyết áp, không bị thừa cân, không mắc các bệnh phải kiêng mặn chỉ nên ăn từ 6 - 8g muối một ngày (bao gồm cả muối ăn, nước mắm, bột canh...).
* Ăn quá mặn có tác hại gì ?
     Thói quen ăn mặn hoặc chế biến mặn các loại thức ăn sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể sẽ có cảm giác khát, dẫn đến uống nước nhiều (quá lượng nước cho phép), tích giữ nước trong cơ thể gây tăng huyết áp. Cơ thể cũng tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác và gây “mệt mỏi” cho hệ bài tiết, làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này. Ngoài việc ăn mặn gây tăng huyết áp, dẫn đến các bệnh về tim mạch, suy tim, suy thận, loãng xương,… Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư đường tiêu hóa. Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn.
* Ăn quá nhạt có hại không ?
     Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh việc ăn mặn ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch nhưng bên cạnh đó, một chế độ ăn quá nhạt cũng không hoàn toàn tốt cho sức khỏe. Thói quen này là một sai lầm không đáng có trong ăn uống. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu ăn ít muối quá cơ thể có thể bị mệt mỏi, chán ăn, dẫn tới suy giảm các chức năng của cơ quan trong cơ thể và suy giảm sức khỏe nếu để tình trạng đó diễn ra trong thời gian dài. Trong cơ thể, muối đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì áp lực thẩm thấu, giữ cho cân bằng lượng nước bên trong, ngoài tế bào và trong lòng mạch máu. Ngoài ra, muối còn có vai trò trong việc duy trì điện thế tế bào, dẫn truyền xung động thần kinh, đảm bảo thăng bằng kiềm toan. Điều hòa natri trong cơ thể do hoóc-môn vỏ thượng thận aldosteron (tái hấp thu Na+ và thải K+, H+ qua ống thận) và hoóc-môn vasopressin (hay ADH, hoóc-môn chống bài niệu) của tuyến hậu yên. Natri máu bình thường là 135-145 mEq/l. Muối trong máu giảm khi lượng natri máu dưới 135 mEq/l.
     Một chế độ ăn ít muối là khi lượng thức ăn, nước uống trong 24 giờ đưa vào cơ thể có tổng lượng NaCl dưới 2.400mg (tương đương với khoảng 1 thìa cà phê). Nếu người bình thường chỉ sử dụng 1 - 2g muối/ngày và kéo dài thì được coi là ăn quá ít muối và có thể bị hạ natri máu. Đối với những người ăn kiêng muối quá mức, lượng natri máu giảm nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, thậm chí có thể tử vong nếu lượng natri máu xuống quá thấp. Natri máu giảm cũng làm cho nước tự do thoát ra ngoài khoảng kẽ dẫn đến hiện tượng phù tay, chân hoặc nặng hơn là gây phù toàn thân. Hạ natri máu khiến hệ cơ bị suy giảm chức năng với các biểu hiện như mỏi cơ, liệt cơ, kiến bò, chuột rút.
* Những người nào nên ăn nhạt ?
     Người bị cao huyết áp chỉ dùng 2-3 gmuối/ngày và ăn hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều muối. Nên bỏ thói quen dùng thêm bát nước mắm trong bữa ăn, kể cả chấm rau luộc. Người bị suy thận, suy tim phải thực hiện chế độ ăn nhạt tùy theo từng giai đoạn của bệnh. Ở giai đoạn nặng phải ăn nhạt hoàn toàn, tức là không được sử dụng muối và mì chính trong chế biến cũng như tại bàn ăn, không dùng các loại thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối. Người từ 45 tuổi trở lên cũng nên ăn hạn chế muối. Chỉ cung cấp cho cơ thể lượng muối theo khuyến cáo. Người béo cần kiểm soát lượng muối hấp thu hàng ngày vì nếu không sẽ dễ bị tăng huyết áp. Trẻ em từ khi bắt đầu ăn bổ sung cũng nên tập thói quen ăn nhạt, khi nấu bột có thể không cần cho thêm muối, nhất là trong những trường hợp trộn thêm sữa bột, pho mát vào bột, cháo, vì bản thân muối trong thức ăn cũng đã đủ cho nhu cầu của trẻ. Trong những trường hợp trẻ đã quen ăn muối thì cũng nên nấu nhạt hơn so với khẩu vị của người lớn. Vì chức năng thận của trẻ còn yếu nên khả năng thải muối kém, natri bị tích tụ nhiều trong cơ thể gây không tốt cho sức khỏe của trẻ.
* Làm thế nào để giảm thói quen ăn mặn ?

     Nếu đã lỡ có thói quen ăn mặn thì việc lập tức từ bỏ chúng quả là một vấn đề nan giải, vị giác của bạn sẽ không chấp nhận việc ăn nhạt trừ khi bác sỹ bắt buộc bạn phải tuân thủ theo một chế độ ăn nhất định. Nên nhớ rằng: vị mặn của thức ăn được chế biến chính là lượng muối đã nêm vào thức ăn, khi bạn nấu một món ăn và phát hiện ra mình đã “quá tay” trong nêm nếm, thì thật sự lượng muối đã rất nhiều. Tuy nhiên, cũng khá may mắn là lượng nước chấm “trực tiếp” với các thức ăn khi đưa vào cơ thể không đáng là bao và chủ yếu là do vị giác của ta ở ngay đầu lưỡi. Do vậy, hãy cố gắng tập thói quen nêm nếm vừa ăn hoặc hơi nhạt, để có thể duy trì chén nước chấm trong bữa cơm hàng ngày. Từng bước giảm dần thói quen ăn mặn cho mình và các thành viên trong gia đình. Cố gắng tập cho trẻ nhỏ đừng sử dụng nhiều nước rưới chấm trong bữa ăn, hạn chế để muối tiêu, muối ớt…trên bàn ăn. Chú ý vị giác khi nêm nếm, kiên quyết với việc tra thêm mắm , muối cho các món ăn. Nên nếm trước hoặc nhờ người thân nếm thử khi nấu ăn để ngừa việc vị giác của mình sai lệch. Đôi khi vị giác của ta bị đánh lừa vì tình trạng sức khỏe trong ngày. Hạn chế các món ăn chiên/xào cần dùng kèm với nước chấm. Nên sử dụng chén nước mắm pha loãng (cùng tỏi, ớt…) trong bữa ăn hàng ngày thay vì chén nước chấm mặn nguyên chất
* Nên dùng loại muối ăn nào ?
     Hiện nay có ba dạng muối ăn chính là muối thô, muối tinh và muối iốt. Một số người cho rằng muối thô tốt hơn cho sức khỏe vì mang tính tự nhiên với thành phần chủ yếu ngoài yếu tố Natri còn có 20 loại chất khoáng khác như I, KCl, MgCl, CaCl, FeSo, Se, Mg, P, S,…và nhiều nguyên tố vi lượng khác. Chính loại muối này có tác dụng nâng cao khả năng đào thải độc tố, đẩy mạnh quá trình trao đổi chất và lọc máu, hỗ trợ quá trình tiêu hóa (đặc biệt giúp cho việc tiêu hóa tinh bột được dễ dàng và trọn vẹn), đẩy mạnh quá trình hấp thu và kích thích các tế bào trong cơ thể, làm tăng sức dẻo dai, bền bỉ…Tuy nhiên muối thô có thể chứa không đủ lượng i-ốt cần thiết để phòng ngừa một số bệnh lý tuyến giáp.
     Muối tinh, được sử dụng rộng rãi hiện nay, chủ yếu là chứa clorua natri (NaCl). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 7% lượng muối tinh được sử dụng trong đời sống hàng ngày như là chất thêm vào thức ăn. Phần lớn muối tinh được sử dụng cho các mục đích công nghiệp, từ sản xuất bột giấy và giấy tới việc hãm màu trong công nghệ nhuộm vải hay trong sản xuất xà phòng và chất tẩy rửa và nó có một giá trị thương mại lớn. Điều đáng lo ngại là hầu hết muối ăn ngày nay là muối tinh, do đã loại hết các thành phần khoáng khác, chỉ còn lại NaCl thuần túy(99%).
     Muối iốt là muối tinh được bổ sung thêm iốt dưới dạng của một lượng nhỏ iốtua kali. Nó được sử dụng trong nấu ăn và làm gia vị. Muối ăn chứa iốt làm tăng khả năng loại trừ các bệnh có liên quan đến thiếu hụt iốt. Iốt là chất quan trọng trong việc ngăn chặn việc sản xuất không đủ của các hoóc môn tuyến giáp, thiếu iốt là nguyên nhân của bệnh bướu cổ hay chứng đần ở trẻ em và chứng phù niêm ở người lớn. Vậy nên, tùy theo vùng miền, giới tính, thể chất, tuổi tác và đặc điểm bệnh lý mà lựa chọn loại muối ăn cho phù hợp. Xem ra, loại muối tự nhiên có bổ sung thêm một lượng iốt phù hợp là nên chọn dùng hơn cả.

                                                                                    Hoàng Khánh Toàn