Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

RÙA VÀNG LÀM THUỐC


RÙA VÀNG CÓ CÔNG DỤNG GÌ ?


     Khi đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, việc tìm kiếm và sử dụng các cây con có tác dụng bồi bổ và nâng cao khả năng sinh lý là một lẽ thường tình. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, không ít người đã nhầm lẫn công năng của các dược liệu này và hậu quả là “lợi bất cập hại”, trong đó rùa vàng là một ví dụ điển hình. Nhiều người cho rằng, ăn thịt rùa, uống rượu pha tiết và mật rùa sẽ “bổ thận tráng dương” khiến cho dương sự được cải thiện, khả năng sinh lý được tăng cường. Vì thế, người ta thi nhau tìm kiếm rùa vàng, các nhà hàng nhân cơ hội này quảng cáo rầm rộ và nâng giá các món ăn chế từ rùa vàng lên mức cao ngất ngưởng. Vậy, thực chất của vấn đề này là như thế nào ?
     Trên thực tế, rùa vàng, còn gọi là rùa núi, rùa nây, sơn quy..., đã được coi là một trong những loại thực phẩm và vị thuốc quý từ rất lâu đời. Các bộ phận của rùa đều được dùng để làm thuốc. Thịt rùa vị ngọt mặn, tính bình, có công dụng ích âm dưỡng huyết, được dùng để chữa các chứng cốt chưng lao nhiệt (đau nóng trong xương, suy nhược cơ thể do âm hư), đau nhức các khớp, ho lâu ngảy, khái huyết, trĩ xuất huyết...Tiết rùa vị mặn, tính lạnh, có công dụng trị thoát giang (lòi dom), thương tổn do trật đả. Mật rùa vị mặn, tính lạnh, dùng để chữa sưng nề mắt sau khi bị bệnh đậu, kinh nguyệt không thông. Tinh trùng rùa dùng để trị điếc tai bằng cách đè nặng lên mu con rùa đực, đặt một cái gương trước mặt, rùa đực tưởng trước mắt mình là rùa cái nên xuất tinh, hứng lấy rồi nhỏ vào tai mỗi ngày vài lần.
     Bộ phận quý nhất là yếm rùa, còn gọi là quy bản hay quy giáp, vị ngọt mặn, tính bình, có công dụng tư âm tiềm dương, bổ thận kiện cốt, được dùng để chữa các chứng thận âm bất túc, âm hư phong động (đau đầu, hoa mắt, chóng mặt do âm hư), cốt chưng lao nhiệt, thổ huyết, chảy máu cam, ho lâu ngày, kiết lỵ lâu ngày, băng lậu, khí hư, đau lưng, yếu xương (cốt nuy), sốt rét kinh niên, trẻ em gầy yếu...dưới dạng chặt nhỏ sắc uống, làm thành viên hoàn, tán bột hoặc nấu thành cao gọi là cao quy bản.
     Ví như, để trị chứng ho lâu ngày dùng quy bản sao vàng giòn, tán nhỏ 100g, đẳng sâm 50g sao thơm tán bột, hai vị trộn đều, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2g ; để trị sốt rét lâu ngày dùng quy bản sao giòn 200g, hùng hoàng 50g, hà thủ ô sao khô, ba vị tán thành bột hoàn với mật ong thành viên 0,5g, mỗi ngày uống 9 viên, chia 3 lần ; để chữa chứng lách to do sốt rét dùng yếm rùa 4g, hạt cau già 3 hạt, thường sơn tẩm rượu sao 8g, rượu trắng 1 bát hòa với nước sắc uống ; để trị trĩ sa và rò hậu môn chảy nước dùng mai rùa, mai ba ba và phèn chua lượng bằng nhau, đốt tồn tính, tán bột rồi rắc vào tổn thương ; để chữa sâu răng, chảy máu mủ chân răng dùng quy bản 20g rang giòn, da trăn 20g đốt cháy đen, cỏ nhọ nồi sao cháy đen 20g, 1 con thằn lằn đốt thành than, phèn xanh 5 phân, tất cả tán thành bột rồi bôi vào tổn thương sau khi đã xúc miệng sạch với nước muối...
     Như vậy, công dụng của rùa vàng chủ yếu là bổ âm dưỡng huyết, bổ thận âm hay thận thủy chứ không phải là vị thuốc bổ dương, tráng dương, bổ thận dương hay thận hỏa. Bởi vậy, có thể dùng rùa vàng để dự phòng và chữa các chứng bệnh về yếu sinh lý như suy giảm ham muốn tình dục, liệt dương, di tinh, mộng tinh, xuất tinh sớm...hoặc để cải thiện khả năng “chăn gối” nhưng chỉ ở thể Thận âm hư suy hoặc Âm hư hỏa vượng biểu hiện bằng các triệu chứng như người gầy, lòng bàn tay và bàn chân nóng, hay có cảm giác sốt về chiều, ngủ kém hay mê, vã mồ hôi trộm, lưng đau gối mỏi, đầu choáng mắt hoa, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng hoặc không có rêu, mạch nhanh nhỏ...chứ không dùng được cho các thể bệnh khác như Thận dương hư suy, Tâm tỳ lưỡng hư, Tỳ thận dương hư, Khí trệ huyết ứ...và nếu dùng lầm sẽ khiến bệnh trạng không những không thuyên giảm mà còn nặng thêm. Hai trong những phương thuốc điển hình dùng rùa vàng để chữa các bệnh thuộc thể Thận âm hư suy hoặc Âm hư hỏa vượng  được ghi trong sách Đan Khê tâm pháp của Chu Đan Khê là Đại bổ hoàn gồm các vị : quy bản, hoàng bá, tri mẫu và thục địa hoặc Bổ thận hoàn gồm các vị : quy bản, hoàng bá, ngưu tất, trần bì và can khương.

                                                                                             Hoàng Khánh Toàn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét