Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

MỖI CÂY MỘT BỆNH


MỖI CÂY MỘT BỆNH
(Kỳ 4)


* Nấm linh chi phòng bệnh ung thư tiền liệt tuyến
     Nấm linh chi là một trong những thảo dược quý trong y học cổ truyền, xưa thì hiếm nay đã trở thành một thảo dược khá phổ thông. Trong thành phần có chứa triterpenes và polycaccharid với hàm lượng cao, về phương diện phòng chống ung thư nói chung và ung thư tiền liệt tuyến nói riêng có tác dụng cải thiện công năng miễn dịch, cô lập và trực tiếp tiêu diệt tế bào ung thư, thanh trừ các gốc tự do và làm giảm tác dụng không mong muốn của xạ trị và hóa trị. Để phòng ung thư tiền liệt tuyến có thể dùng (1) Nấm linh chi 5-7g tán bột hoặc thái lát rồi hãm uống hoặc sắc. (2) Nấm linh chi 100g, thái vụn đem ngâm với 1000 ml rượu trắng, sau 15 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 15 ml trong hoặc sau bữa ăn. (3) Nấm linh chi 5g, xạ đen 20g, bá bệnh 12g, sắc uống hàng ngày. (4) Nấm linh chi đã được bào chế thành dạng viên nang hoặc cao đặc, uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất. (2) Nấm linh chi 5-7g tán bột, bột nghệ vàng 3 thìa cà phê, mật ong vừa đủ, hòa uống hàng ngày sau bữa điểm tâm.
* Quả chanh hỗ trợ chữa thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm
      Chanh là một loại quả hết sức thông dụng và có nhiều công dụng trong việc phòng chống bệnh tật. Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện thấy nước cốt của loại quả này có công dụng hỗ trợ trị liệu bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm. Dịch ép quả chanh vốn là một thứ nước uống rất tốt, giàu vitmin C, B, muối khoáng và acid citric, có chứa đến 22 chất chống ung thư bao gồm limonene, citrus pectin, glycosides flavonnol, vitamin C. Theo dược học cổ truyền, chanh vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng sinh tân, chỉ khát, trừ thấp, an thai.
     Một thử nghiệm lâm sàng với các bệnh nhân nhi mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm cho thấy, nước cốt chanh có thể giảm triệu chứng đau đớn (50% khi sử dụng nước cốt chanh, so với 92,7% khi không dùng). Không những thế, loại nước này còn giảm tình trạng ốm sốt (46,6% khi sử dụng nước cốt chanh, so với 87,3% khi không dùng) và tỷ lệ phải nhập viện (3,4% khi sử dụng nước cốt chanh, so với 34.5% khi không dùng). Để hỗ trợ trị liệu căn bệnh này, có thể dùng chanh dưới dạng vắt nước cốt uống, pha nước chanh đường, ô mai chanh, chanh muối…
* Rau má chữa suy giãn tĩnh mạch
    Theo dược học cổ truyền, rau má vị ngọt tính bình, có công dụng thanh nhiệt dưỡng âm, lợi tiểu giải độc. Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, loại thảo dược này có chứa khá nhiều bêta caroten, sterol, saponin, alcaloid, vitamin và các nguyên tố vi lượng, có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn ở các tĩnh mạch, mao mạch, bảo vệ lớp áo trong của thành mạch, gia tăng tính đàn hồi của mạch máu, làm giảm cholesterol, chống phù và  giúp làm lành các vết loét nên rất thích hợp với các trường hợp bị suy giãn tĩnh mạch. Đơn giản nhất là có thể ăn rau sống hoặc nấu canh, luộc hay giã nhuyễn vắt lấy nước uống. Cũng có thể dùng máy xay chế thành nước rau má nguyên chất hoặc chế theeo sữa dừa, sữa đậu xanh hay đậu nành làm nước giải khát bổ dưỡng. Chú ý, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú thì không nên dùng rau má.
* Cây hoắc hương chữa viêm xoang
     Trong lá hoắc hương có chứa 4,5% tinh dầu, trong đó có patchoulialcol, pogastol, norpatchoulenol…, có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, chống kích ứng. Theo y học cổ truyền, hoắc hương vị cay the, mùi thơm hắc, tính ấm, có công dụng thiêu thử, giải biểu, hóa thấp, sát trùng và chỉ ẩu. Khi bị viêm xoang có thể dùng hoắc hương để xông mũi (tương tự như xông bạc hà hay hoa cứt lợn tía) hoặc lấy 30g hoắc hương tươi (12g khô) sắc hoặc hãm uống (có thể cho thêm bạch chỉ 10g, ké đầu ngựa 12g, kim ngân hoa 12g). Đặc biệt là cách lấy dịch mật lợn, lọc để loại sỏi, cô cách thủy hoặc sấy đến sền sệt (phải luôn giữ ở 60-70 độ C), nếu nhiệt độ cao mật dễ bị cháy. Thân và lá Hoắc hương rửa sạch, hong cho khô chứ không sấy rồi đem tán bột. Cứ 120g bột Hoắc hương trộn đều với Mật lợn đã chế biến, chia thành viên đều nhau. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 3g với nước ấm. Dùng từ 2-4 tuần liên tục.
* Chí chuôn chua hỗ trợ trị liệu hiếm muộn
     Là một loại cây chưa có trong danh mục và các sách thuốc đông y, mọc nhiều ở khu vực Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên…, được dân gian coi là một biệt dược của chốn phòng the. Công dụng chủ yếu là giúp cải thiện sức khỏe, tăng cường sinh lực và hỗ trợ trị liệu bệnh hiếm muộn, vô sinh. Kinh nghiệm dân gian thường dùng dưới dạng ăn quả chín hoặc chế thành một loại rượu gồm có : quả chí chuôn chua, rẫ cây chí chuôn chua và cây cưa chư ma, liều lượng mỗi thứ bằng nhau, đem ngâm với rượu trắng trong 1 tháng thì dùng được, uống mỗi ngày 1 ly (chừng 30 ml). Cũng có thể dùng ba vị thuốc này, mỗi vị 12-15g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
* Cây cỏ ngươi hỗ trợ chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ
     Còn gọi là cây mắc cỡ, trinh nữ thảo…, vị ngọt, tính lạnh, trong thành phần có chứa các alcaliod như mimosim, crocetin và khá nhiều các nguyên tố vi lượng, đặc biệt là selen, có công dụng giảm đau, hạ huyết áp, an thần, trấn tĩnh, giảm ho, tiêu đàm. Rễ của cây cỏ ngươi có công dụng thanh nhiệt giải độc, khu phong trừ thấp. Khi bị mất ngủ, suy nhược thần kinh có thể dùng cây cỏ ngươi (toàn cây hoặc rễ) 10-12g hãm hoặc sắc uống hoặc dùng bài thuốc gồm : Cỏ ngươi (cả cây 15g hoặc lá6-12g), cây nụ áo tím 15g, chua me đất 30g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Cũng có thể phối hợp cỏ ngươi với lạc tiên, mạch môn và thảo quyết minh, sắc uống hàng ngày.
* Cây khổ sâm trị đầy bụng, khó tiêu
     Theo dược học cổ truyền, khổ sâm vị đắng, hơi ngọt chát, tính mát, có công dụng kháng khuẩn tiêu viêm, thanh nhiệt tiêu độc. Với thành phần có chứa alcaloid toàn phần, giàu tanin, hợp chất polyphenl…khổ sâm có tác dụng kháng khuẩn, kháng ký sinh trùng, an thần, lợi tiểu và chống dị ứng. Kinh nghiệm dân gian thường dùng khổ sâm để trị các chứng bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như đầy bụng, chậm tiêu, viêm loét dạ dày tá tràng…Khi bị đầy bụng và chậm tiêu có thể dùng : (1) khổ sâm 12-24g sắc hoặc hãm uống.(2) khổ sâm 12 phối hợp với bồ công anh 12g, nhân trần 12g, lá khôi 10g, chút chít 10g, tán bột, uống mỗi ngày 30g với nước ấm. (3) khổ sâm 12g, lá khôi 40g, bồ công anh 20g, uất kim 12g, hậu phác 12g, ngải cứu 8g, cam thảo 4g, sắc uống hoặc nấu thành cao pha siro uống.
* Cây quýt gai chữa đau răng, sâu răng
     Còn gọi là cây gai tầm xoọng, trong thành phần chứa tinh dầu và chất nhày, có tác dụng chống co thắt cơ trơn, giảm ho, chống viêm…Theo y học cổ truyền, loại dược liệu này vị cay thơm, tính ấm, có công dụng khu phong trừ thấp, tán ứ chỉ thống, giảm ho triệt ngược tật (sốt rét). Khi bị đau răng, sâu răng có thể dùng : (vỏ rễ quýt gai rửa sạch, cắt nhỏ, nhai với vài hạt muối trong 5 phút rồi nhổ đi. (2) vỏ rễ quýt gai, vỏ lựu, vỏ chuối hột, rễ tầm xuân, mỗi vị 20g, búp ổi 19g, sắc uống. (3) vỏ rễ quýt gai 30g, vỏ cây thông 30g và vỏ thân cây hoa đại cạo bỏ vỏ ngoài 30, tất cả đem rửa sạch, giã nát rồi ngâm với 500ml rượu trắng, sau 1 tuần thì dùng được, mỗi lần ngậm một ít trong miệng trong 10 phút rồi nhổ đi, tuyệt đối không được nuốt, mỗi ngày vài ba lần.
* Cây giao chữa mụn cóc, mụn thịt
     Cây giao còn gọi là, xương khô hay cành giao, thường được trông cùng cây hoa quỳnh để làm cảnh. Trong thành phần có chứa euphorbin, cyclotirucalenol, diterpen tirucalicin…, có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau. Theo y học cổ truyền, cành giao vị chua cay, tính mát, có độc, có công dụng sát trùng, khứ phong, tiêu viêm, giải độc. Để chữa mụn thịt, mụn cóc, hạt cơm…có thể lấy cành giao bẻ chỗ giao nhau giữa hai đốt cây lấy mủ chấm gọn lên mụn cóc hay mụn thịt 2 lần mỗi ngày, thường sau 1 tuần là có hiệu quả. .. . oăcHoH
. Hoặc có thể lấy cành giao chặt vụn, đem ngâm rượu rồi bôi vào mụn thịt 2 lần trong ngày. Chú ý, vì nhựa mủ cành giao có độc, thậm chí co thể gây ung thư do có chứa những diterpen ester dẫn chất của các alcol ingenol, phorbol và resiniferonol nên chú ý không dùng quá liều và không được uống.
* Cây tầm gửi cây dâu hỗ trợ trị liệu viêm cầu thận
     Còn gọi là tang ký sinh, có vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng bổ can thận, làm mạnh gân cốt, trừ phong thấp, an thai, lợi sữa. Trong thành phần hóa học có chứa transphytol, α-tocophenol, quinon, quercetin, avicularin, có tác dụng chống ôxy hóa, chống viêm, lợi tiểu, làm hạ huyết áp. Khi bị viêm cầu thận có thể dùng : (1) tầm gửi cây dâu 20-30g, sắc hoặc hãm uống hàng ngày. (2) tầm gửi 15g, kim tiền thảo 10, bạch mao căn 10g, thổ phục linh 10g, mã đề 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. (3) tầm gửi 16g, câu đằng 16g, mã đề 16g, cúc hoa 12g, sa sâm 12g, ngưu tất 12g, đan sâm 12g, quy bản 12g, trạch tả 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
* Lá ổi giúp hạ đường huyết
     Trong thành phần hóa học, lá ổi có chứa nhiều catechol, tanin loại pyrroganol, tinh dầu như d và dl limonen, còn có sapsm nhựa, đường, các vitamin B1, B2, B6, C niacin, quercetin, triterpen…Lá ổi có tác dụng kháng khuẩn, làm săn se niêm mạc và vết thương, kích thích tổ chức hạt phát triển. Đặc biệt, lá ổi có các chất ức chế men α-glucosidase, là men giúp thủy phân đường đôi, nhờ đó làm chậm quá trình hấp thu lượng đường từ thức ăn ; nâng cao độ mẫn cảm với insulin ; làm giảm đường huyết với việc có nhiều chất xơ pectin cả hòa tan và không hòa tan ; ức chế sự hoạt động của men protein tyrosinphosphatsase giúp điều trị tiểu đường típ II. Ngoài ra, lá ổi còn chống ôxy hóa với vai trò của carotenoid và polyphenol giúp dự phòng các biến chứng của tiểu đường. Để hỗ trợ trị liệu tiểu đường có thể dùng  (1) lá ổi non 100g, sắc uống hàng ngày. (2) lá ổi non 50g, lá sa kê 100g, râu ngô tươi 100g, sắc uống. (3) lá ổi 15g, dây thìa canh 15g, sắc uống. (4)lá ổi 15g, lá dâm bụt 15g, sắc uống hàng ngày. Chú ý, những người hay bị táo bón cần thận trọng khi dùng lá ổi chữa bệnh.
* Lá vông nem chữa mất ngủ
     Theo y học cổ truyền, lá vông nem vị đắng nhạt, tính bình, có công dụng trấn tâm an thần. Thành phần hóa học có chứa các alcaloid như erythrinin, erythralin, erysothrin…, còn có albuminoid, carbohydrat, acid phosphoric, có tác dụng dược lý như ức chế thần kinh trung ương, làm yên tĩnh, gây ngủ, hạ nhiệt, hạ huyết áp. Khi bị mất ngủ có thể dùng lá vông non độc vị hoặc phối hợp với lá dâu non nấu canh với thịt lợn nạc ăn hàng ngày. Cũng có thể dùng lá vông 15g, lá dâu 12g, lạc tiên 12, thảo quyết minh 12, hãm hoặc sắc uống thay trà hàng ngày hoặc lá vông 20g, tâm sen 20g, long nhãn 15g, quả dâu chín, sắc uống.
* Cây dướng chữa đau thần kinh tọa
     Chủ yếu là dùng quả dướng, còn gọi là chử thực tử, có chứa saponin, acid p.coumaric, vitamin nhóm B và dầu béo. Theo dược học cổ truyền, quả dướng vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ hư lao, làm mạnh gân cốt, sáng nắt, bổ thận và kéo dài tuổi thọ. Để hỗ trợ trị liệu đau thần kinh tọa có thể dùng : (1) quả dướng chín lượng vừa đủ đem ngâm nước 3 ngày, sau đó vớt ra, để ráo rồi ngâm rượu trắng trong 10 phút, tiếp đó đem nấu trong 12 giờ, cuối cùng là đem sấy hoặc phơi khô, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày ăn 10-15g. (2) quả dường 15g, sắc uống. (3) quả dướng 12g, đỗ trọng 12g, ngưu tất 12g, quế nhục 5g, thổ phục linh 12g, sắc uống hàng ngày. Người ta còn dùng lá dướng non nấu canh ăn hoặc lá dướng non 12g, lá ngải cứu 60g, nấu nước xông thắt lưng và dọc sau chân nơi đau.
* Cây dạ cẩm hỗ trợ trị viêm dạ dày
     Trong thành phần hóa học có chứa alcaloid, saponin và tanin, có tác dụng giảm đau, giúp liền sẹo nhanh, trung hòa dịch vị. Theo y học cổ truyền, dạ cẩm vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ thống, giải độc, tiêu viêm, lợi niệu. Khi bị viêm loét dạ dày có thể dùng : (1) dạ cẩm 20-40g sắc uống. (2) dạ cẩm 900 sắc kỹ, cô thành cao đặc, uống 20g mỗi ngày, chia 2 lần sáng và chiều. (3) bột lá dạ cẩm khô 7kg, cam thảo 1kg, đường kính 2kg, hồ nếp vừa đủ, làm thành cốm, mỗi ngày uống 2 lần trước khi ăn hoặc khi đang đau, mỗi lần 10-15g. (4) lá dạ cẩm khô 7kg, đường kính 2kg, mật ong 1kg. Nấu lá dạ cẩm với nước thành 8kg cao, cho đường kính vào, đánh tan, cô còn 9kg, cuối cùng cho thêm mật ong, đóng chai dùng dần, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 thìa to (tương đương 10-15g) trước khi ăn hoặc khi đau. (5) dạ cẩm 20g, lô hội 20g, nghệ vàng 12g, cam thảo 6g, mai mực 10g, sắc uống hàng ngày.
          (Còn tiếp)

                                                                                   ThS Hoàng Khánh Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét