Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

ĐÔNG DƯỢC DƯỠNG SINH MÙA XUÂN

DÙNG ĐÔNG DƯỢC DƯỠNG SINH MÙA XUÂN


     Theo phép dưỡng sinh cổ truyền phương Đông, vào mùa xuân ngoài việc điều dưỡng tinh thần, ăn uống, vận động hợp lý, sinh hoạt điều độ…thì việc dùng đông dược cũng có một vai trò hết sức quan trọng. Từ xa xưa, không ít dưỡng sinh gia đã từng khuyên vào mùa này nên chọn dùng một số đông dược để điều chỉnh công năng cơ thể và dự phòng bệnh tật. Ví như, Tôn Tư Mạo trong sách Thiên kim dực phương đã viết : “Vào mùa xuân nên uống ba đến năm thang Tiểu tục mệnh và một tễ bổ, một tễ tán”. Sách Thọ thế bảo nguyên cũng cho rằng : “Tháng Ba uống rượu hoa đào có thể trừ bách bệnh, ích nhan sắc”. Ngoài ra, cổ nhân còn khuyên rằng :vào ngày “Lập Xuân” nên uống nước xu hào để dự phòng các bệnh truyền nhiễm, trong tiết tháng Ba nên uống Tùng hoa tửu, sau tiết “Xuân Phân” nên uống Thần minh tán.
1. Nguyên tắc sử dụng
     Trước hết, theo cổ nhân phải chú ý Bổ ích chính khí. Mùa xuân, khí dương trong giới tự nhiên bắt đầu thăng phát, vạn vật hồi sinh, các cơ quan tạng phủ trong nhân thể cũng theo đó mà tăng cường năng lực hoạt động nên cần rất nhiều các chất dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng và phát dục. Bởi vậy, việc lựa chọn và sử dụng hợp lý các đồ ăn thức uống và thuốc bổ đông y là rất hữu ích. Hơn nữa, mùa xuân tiết trời ấm áp, nhiều gió, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh, dễ gây nên các bệnh truyền nhiễm nên việc bồi bổ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể càng hết sức cần thiết, đặc biệt với những người có thể chất hư yếu, mắc bệnh mạn tính, người già, trẻ em.
     Thứ hai, phải chú ý dùng thuốc Dưỡng can. Theo cổ nhân, mùa xuân can dương thượng cang, bệnh can dễ phát sinh và phát triển, vậy nên việc dùng thuốc dưỡng can là rất cần thiết, tất nhiên là phải có sự hướng dẫn của các lương y có chuyên khoa và giàu kinh nghiệm. Thường dùng là các thuốc dưỡng can minh mục như kỷ tử, cúc hoa, thương truật, bạch tật lê…; các thuốc dưỡng can vinh cân như nhục thung dung, mộc qua, thỏ ty tử, ngưu tất…; các thuốc nhu can lý khí hòa huyết như địa cốt bì, sài hồ, bạch thược, xuyên luyện tử, địa hoàng, hoàng tinh, kỷ tử…
     Thứ ba, phải trọng dụng các thuốc Phòng phong trừ thấp. Mùa xuân thời tiết rất dễ biến động, lúc mưa lúc tạnh, lúc lạnh lúc nóng, rất dễ bị thương phong cảm mạo, lại nhiều gió và sương mù khiến các bệnh viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, viêm khớp dạng thấp hay phát tác và nặng thêm. Đông y cho rằng, phế là tạng ở cao nhất, non nớt, dễ bị ngoại tà hàn nhiệt xâm phạm ; tỳ là tạng thích táo ghét thấp, chủ về vận hóa thủy thấp. Bởi vậy, ở những người phế khí, tỳ khí hư nhược rất dễ bị phát bệnh vào mùa xuân nên phải chú ý bổ phế, kiện tỳ để phòng phong trừ thấp.
     Cuối cùng, nên lưu tâm Thanh nhiệt sinh tân. Theo cổ nhân, mùa xuân khí trời mát mẻ nhưng dễ bị phong hàn xâm nhập vào bên trong mà hóa nhiệt, lại thêm việc qua mùa đông thường dùng nhiều đồ ăn ấm nóng nên rất dễ tích nhiệt trong người mà làm hao tổn tân dịch. Thêm nữa, cuối xuân đầu hè là thời điểm tà khí phong ôn lưu hành cũng rất dễ làm nóng trong người vì thế việc lựa chọn và sử dụng các vị thuốc bổ có công dụng thanh nhiệt sinh tân là rất cần thiết.
2. Những vị thuốc thường dùng
* Bổ thận dưỡng can, tư âm trợ dương
- Thỏ ty tử : vị cay ngọt, tính bình, có công dụng bổ thận ích tinh, dưỡng can minh mục, được sách “Bản thảo chính nghĩa” xếp vào hàng thượng phẩm của phép dưỡng can minh mục, uống lâu ngày có khả năng làm sáng mắt, nhẹ người và kéo dài tuổi thọ.
- Nhục thung dung : vị mặn, tính ấm, có công dụng bổ thận tráng dương, ích âm bổ huyết, nhuận tràng thông tiện, được sách “Bản thảo sơ kinh” coi là “tuyệt dược” để ích can thận, bổ tinh huyết. Có thể dùng độc vị, mỗi ngày 15-30g sắc hoặc thái vụn hãm uống.
- Hà thủ ô : vị đắng ngọt, tính hơi ấm, có công dụng bổ can thận, ích tinh huyết, làm đen râu tóc. Thường dùng kết hợp với thục địa, kỷ tử, thỏ ty tử…nhưng cõng có thể dùng độc vị với liểu 30g mỗi ngày sắc hoặc thái vụn hãm uống tử 1 đến 2 tháng.
- Kỷ tử : vị ngọt, tính bình, có công dụng tư can bổ thận, ích tinh minh mục, cố tinh kiện cốt, nhuận phế bổ hư. Có thể dùng 15g ninh với 100g gạo tẻ thành cháo ăn hàng ngày hoặc dùng độc vị 15-30g hãm uống thay trà. Cổ nhân còn dùng 100g lá kỷ tử nấu với 100g gan lợn ăn để thanh nhiệt giải độc, dưỡng huyết minh mục.
- Bạch thược : vị chua ngọt, tính hơi lạnh, có công dụng bổ huyết dưỡng can, liễm âm chỉ thống, được coi là một “yếu dược” để bổ huyết dưỡng can. Thường dùng kết hợp bạch thược 15g, đương quy 9g, thục địa 15g, xuyên khung 6g, sắc hoặc thái vụn hãm uống thay trà hàng ngày.
* Bổ phế kiện tỳ, khu phong trừ thấp
- Nhân sâm : vị ngọt, tính hơi ấm, có công dụng đại bổ nguyên khí, bổ tỳ ích phế, sinh tân an thần. Có thể dùng dưới nhiều dạng khác nhau như trà tan, kẹo sâm, thái vụn hãm uống, ngâm rượu hoặc mật ong. Thông thường mỗi ngày dùng 5-10g, tốt nhất là ngâm nước lạnh qua một đêm rồi đem chưng cách thủy nửa tiếng rồi uống nước, ăn cái.
- Hoàng kỳ : vị ngọt, tính hơi ấm, có công dụng bổ khí cố biểu, sinh huyết sinh cơ, lợi thủy, điều bổ phần khí của nhân thể từ biểu đến lý, từ trong ra ngoài. Có thể dùng độc vị mỗi ngày 15g thái vụn hãm hoặc sắc uống.
- Hoàng tinh : vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ tỳ khí, dưỡng vị âm, nhuận tâm phế, được coi là “diệu dược” để bổ trung ích khí, có thể dùng để thay thế cho sâm kỳ. Có thể dùng 30g kết hợp với các vị thuốc khác như sơn tra 25g, hà thủ ô 15g, sắc uống hoặc đem hầm với 500g thịt lợn nạc hoặc thịt bò, thịt dê làm canh ăn.
- Phòng phong : vị cay ngọt, tính hơi ấm, có công dụng phát biểu tán phong, trừ thấp chỉ thống, được sách “Dược loại pháp tượng” coi là diệu dược để trừ phong tà ở phần trên của cơ thể. Có thẻ dùng dưới dạng sắc hoặc hãm uống thay trà với liều 10-12g mỗi ngày.
- Bạch truật : vị đắng ngọt, tính ấm, có công dụng bổ tỳ ích khí, táo thấp lợi thủy, cố biểu chỉ hãn. Có thể dùng kết hợp với các vị thuốc khác như nhân sâm, cam thảo, bạch linh hoặc dùng độc vị với liều 12-15g mỗi ngày, sắc hoặc thái vụn hãm uống thay trà.
*Thanh nhiệt sinh tân
- Mạch môn : vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn, có công dụng dưỡng âm nhuận táo, sinh tân chỉ khát, thanh tâm trừ phiền. Có thể dùng kết hợp 9g với kim ngân hoa 9g, cát cánh 6g, sinh cam thảo, hãm uống thay trà hoặc dùng độc vị thái vụn, sao thơm, mỗi ngày lấy 10-12g hãm uống.
- Thạch hộc : vị ngọt nhạt, tính lạnh, có công dụng dưỡng âm thanh nhiệt, ích vị sinh tân. Có thể dùng 15g kết hợp với thục địa 15g, hoài sơn 12g, sơn thù du 9g, kỷ tử 12g, cúc hoa 6g, sắc hoặc hãm uống hàng ngày. Đây còn được coi là một thảo dược có công dụng kéo dài tuổi thọ.
- Huyền sâm : vị ngọt mặn, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt tư âm, lương huyết giải độc, thích hợp với các trường hợp nhiệt bệnh háo khát, thương tân tiện bí, hầu họng sưng đau, ung thũng. Có thể dùng độc vị 12-15g thái vụn hãm hoặc sắc uống hàng ngày.
- Bản lam căn : vị đắng, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải độc, lượng huyết lợi hầu họng. Thường được dùng để dự phòng và trị liệu các bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, sởi, quai bị, viêm gan cấp tính, sốt phát ban…hay xảy ra vào mùa xuân.
     Ngoài ra, cổ nhân còn khuyên dùng các vị thuốc thanh nhiệt sinh tân khác như chi tử, lô căn, bạch mao căn, tỳ bà diệp…


                                                                               ThS Hoàng Khánh Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét