Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

MỖI CÂY MỘT BỆNH

MỖI CÂY MỘT BỆNH
(Kỳ 2)

* Ngũ da bì chữa bệnh eczema
     Còn gọi là cây chân chim, vị đắng chát, tính mát, có công dụng khu phong trừ thấp, phát hãn giải biểu, thư cân hoạt lạc, thường được dùng để chữa cảm sốt, sưng đau họng, thấp khớp, đau nhức xương khớp, vết thương sưng đau, một số bệnh da liễu, trong đó có eczema. Có được công dụng chữa bệnh da liễu nói chung và eczema nói riêng là do trong thành phần có chứa acid asiatic, glycozid triterpen có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, giảm đau, chống dị ứng, tăng khả năng miễn dịch, chống lở loét và bảo hộ tế bào gan. Khi bị eczema có thể dùng : (1) Lá ngũ gia bì, bạch chỉ, hy thiêm thảo (cây cỏ đĩ), rễ gấc, tỳ giải, thổ phục linh các vị bằng nhau 20g, sắc uống ngày một thang, chia 2 lần vào sáng và tối, liệu trình trong 7 ngày. (2) Dùng viên ngũ gia bì, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 5 viên. (3) Cành nhỏ ngũ gia bì lượng vừa đủ, sắc lấy nước để ngâm rửa vùng tổn thương nhằm giảm cảm giác ngứa ngáy. (4) Rễ ngũ gia bì tươi rửa sạch, giã nát cùng với hoa cúc trắng rồi đắp trực tiếp lên vùng tổn thương trong 15-20 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm.
* Cây sả giúp giải cảm
     Là một trong những gia vị quen thuộc của người Việt, vị cay, tính ấm, có công dụng làm ra mồ hôi, thông tiểu, hạ khí tiêu đờm. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, sả có tác dụng kháng khuẩn, kháng virut và nấm, giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Khi bị cảm có thể dùng : (1) Lá sả, kinh giới, tía tô, trắc bá diệp, bạc hà, lá chanh, lá tre, lá ổi…mỗi thứ một nắm (mỗi nồi chừng 5 loại lá) nấu nước để xông giải cảm. (2) Bột giải cảm: sả khô bỏ rễ 40g, hoắc hương khô 40g, bạc hà khô 40g, vỏ quýt lâu năm 20g, củ gấu (đã chế biến) 20g, cam thảo 20g. Tất cả sấy khô, tán bột đóng gói 20g. Người lớn ngày 2 gói chia 4 lần. Trẻ em liều 1/2. Uống với nước nóng, đi nằm cho ra mồ hôi. Nếu có nôn cho thêm 3 láy gừng tươi hãm lấy nước uống cùng. (3) Củ sả 40g, gừng tươi 40g, hai thứ rửa sạch, giã nát, nấu với 650 ml nước, đun khoảng 10 phút, bỏ bã, thêm đường vào cô lại thành cao, ngậm nuốt dần trong ngày.
 * Hoa mười giờ chữa ho, viêm họng
     Theo dược học cổ truyền, loài hoa này vị đắng cay, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu sưng, chỉ thống, thường được dùng để chữa chứng hầu họng sưng đau, viêm da, lở ngứa, ghẻ, bỏng lửa…Trong thành phần của hoa mười giờ có potulal, cyanin…, có khả năng khánh khuẩn, tiêu viêm, tăng cường miễn dịch, được coi là một loại kháng sinh thực vật. Khi bị ho, viêm họng có thể dùng : (1) Hoa mười giờ tươi 30g, sắc uống. (2) Hoa mười giờ tươi 100g, lá rẻ quạt 10g, rửa sạch, giã nát, hòa với 100 ml nước nóng rồi chắt lấy nước cốt, ngậm 2-3 lần trong ngày, sau chừng 3-5 ngày sẽ khỏi. (3) Hoa mười giờ tươi 30g, húng chanh 30g, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt ngậm rồi nuốt dần.
* Cây hương thảo phòng và hỗ trợ chữa ung thư vú
     Còn có tên gọi là cửu lý hương, xuất xứ từ Địa Trung Hải, được coi là một loại gia vị có thể dùng khá thoải mái. Tuy nhiên vì có tác dụng gây xung huyết nên cũng cần có liều lượng nhất định. Trong thành phần của hương thảo có chứa tinh dầu terpene, acid rosmarinic, các flavoid, choline, một glucosid không tan trong nước, một saponosid acid, các acid hữu cơ (citric, glycolic, glyeeric) và hai heterosid là romaside và romarinoside…có tác dụng chống ôxy hóa, bất hoạt các gốc tự do, giảm đau, ngăn chặn sự nhân lên của các tế bào ung thư, bảo vệ cơ thể khỏi hợp hất HCA và PAH, những chất gây ung thư có trong thực phẩm, nhất là thịt khi nấu ăn. Một nghiên cứu cho thấy, việc thêm lá hương thảo vào chế độ ăn uống hằng ngày có thể giúp giảm tới 71% mức độ những chất gây ung thư có trong thịt. Vì thế, nó chính là một trong những loại gia vị chống viêm tốt nhất với khả năng phòng ngừa ung thư vú có hiệu quả. Có thể dùng hương thảo dưới dạng bột uống 0,25-0,5g/ngày ; 20-30g khô hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày hoặc kết hợp với tinh nghệ với liều lượng thích hợp.
* Bạch quả giúp giải rượu
     Vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng liễm phế khí, định suyễn ho, cầm đái trọc, súc tiểu tiện, chuyên trị hen suyễn, đàm thấu, bạch đới, bạch trọc, di tinh, bệnh lâm, tiểu tiện nhiều lần liên tiếp và làm tỉnh say rượu. Trong thành phần bạch quả có chứa một loại enzyme giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất khiến cơ thể đào thải và chuyển hóa chất cồn nhanh hơn. Ngoài ra, còn làm tăng tuần hoàn não, cải thiện khả năng ghi nhớ giúp người say rượu tỉnh nhanh và tránh tình trạng quên lẫn, chống ôxy hóa bảo vệ tế bào não khỏi tác hại của rượu, chống rối loạn tiền đình. Ở Nhật, bạch quả thường được dùng trong các bữa tiệc rượu để giúp thực khách phòng say rượu. Để giải rượu có thể dùng : (1) Nhân bạch quả sống 10-20g, giã nát sắc uống hay nướng chín tán bột. (2) Bạch quả 10 quả, 5 để uống sống, 5 để chín. (3) Dùng dưới dạng cao khô, ngày dùng 120-240mg, chia 2-3 lần; 40mg cao tương đương 1,4-2,7g lá hoặc cao lỏng (1:1), mỗi lần 0,5ml, ngày dùng 3 lần. 
* Kim ngân hoa chữa viêm tắc tuyến lệ
     Kim ngân hoa được coi là một trong những kháng sinh thực vật nổi tiếng, vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải độc, thường được dùng đề chữa các chứng bệnh liên quan đến viêm nhiễm, dị ứng…Nghiên cứu hiện đại chao thấy, thảo dược này có tác dụng kháng vi sinh vật (vi khuẩn, virut…), chống viêm, giải độc, chống dị ứng, lợi mật, bảo hộ tế bào gan, giảm huyết áp, điều chỉnh đường máu và mỡ máu…Để chữa viêm tắc tuyến lệ có thể dùng : (1) Kim ngân hoa 20g, cúc hoa 20g, bồ công anh 20g, cho 3 vị vào nồi đổ ngập nước, đun sôi bằng lửa nhỏ trong 15 phút, chắt ra bát nước đầu, đun tiếp lần hai lấy nước, trộn 2 lần nước với nhau chia uống 3 lần trong ngày. (2) Kim ngân hoa 15g, gai bồ kết 15g, bồ công anh 15g, liên kiều 15g, phòng phong 12g, bạch chỉ 10g, xuyên khung 8g, cam thảo 6g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. (3) Kim ngân hoa 20g, hạ khô thảo 15g, cúc hoa 12g, hoàng cầm 12g, ngưu bàng tử 10, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
* Cây huyết dụ chữa thổ huyết
     Huyết dụ vị nhạt, tính mát, có công dụng lương huyết, bổ huyết, cầm máu, làm tan máu ứ, giảm đau, trừ phong thấp, thường được dùng để chữa các chứng xuất huyết như rong kinhm sốt xuất huyết, thổ huyết, khạc huyết, tiện huyết, nục huyết…Để chữa thổ huyết có thể dùng : (1) Huyết dụ tươi 30g, trắc bá diệp sao đen 20g, cỏ nhọ nồi 20g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. (2) Huyết dụ 10g, rễ rẻ quạt 8g, trắc bá sao đen8g, thài lài tía 4g, sắc uống. (3) Huyết dụ tươi 50g (nếu khô 20g) sắc uống.
* Chuối hột chữa đau dạ dày
     Vị chát, tính bình, vỏ có chứa enzyme polyphenol oxydase ; hạt chưa saponin, coumarin, tannin, flavonoid…có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, giảm đau, làm băng se niêm mạc, trung hòa dịch vị. Để chữa đau dạ dày có thể dùng : (1) Chuối hột, sắn dây, nghệ vàng lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 3 thìa cà phê bột thuốc hòa với 1 thìa mật ong và 100 ml nước, mỗi ngày 3 lần sau bữa ăn. (2) Chuối hột thái lát, sấy khô, tán bột, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 2 thìa cà phê. (3) Chuối hột 1 quả cắt lát sao vàng, kim tiền thảo 50g, rễ cỏ tranh 50g, bong mã đề 50g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. (4) Chuối hột 10 quả, thái lát, sao vàng, rau má 20g, diếp cá 15g, lá sen khô 10g, củ mài 20g, tất cả đem sắc với 800 ml nước, cô còn 300 ml, chia uống vài lần trong ngày.
* Rau mùi tàu chữa đái dầm trẻ em
     Mùi tàu hay còn gọi là ngò gai được đánh giá là chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ. Các kết quả nghiên cứu cho thấy trong lá và rễ ngò có hàm lượng tinh dầu rất cao. Trong hạt mùi tàu chứa nhiều monoterpenoids và sesquiterpenoids, giàu canxi, sắt, phospho, carotene và riboflavin, vitamin A, B1, B2 và C. Không chỉ thế, mùi tàu cũng có đầy đủ chất dinh dưỡng gồm protein, chất béo và tinh bột. Theo Y học cổ truyền rau mùi tàu có vị cay hơi đắng, thơm, tính ấm, có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, kiệm tỳ, hành khí tiêu thũng, giảm đau. Để làm thuốc có thể dùng toàn bộ cây rau mùi tàu (tươi hay phơi khô), thu hái quanh năm. Để chữa chứng đái dầm trẻ em có thể lấy mùi tàu, rau ngổ, cỏ mần trầu, mỗi thứ 20g, cùng với 10g cỏ sữa lá nhỏ, thái nhỏ, phơi khô. Cho tất cả vào nồi đổ 500ml nước sắc còn 150ml, uống sau bữa ăn tối. Liệu trình khoảng 5-10 ngày, có thể dùng 2-3 liệu trình.
          (Còn tiếp)

                                                                                       Hoàng Khánh Toàn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét