Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

MỖI CÂY MỘT BỆNH

MỖI CÂY MỘT BỆNH


     Trong kho tàng kinh nghiệm dân gian nước ta việc dùng các cây thuốc quanh nhà quanh vườn, dễ kiếm dễ tìm để chữa trị và phòng ngừa bệnh tật đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của y học cổ truyền. Mỗi cây có thể được dùng để chữa một bệnh đặc trưng hoặc chữa nhiều bệnh khác nhau, có thể dùng độc vị hoặc phối hợp với nhiều thảo dược khác. Một số đã được nghiên cứu hiện đại chứng thực, còn lại phần lớn là dùng theo kinh nghiệm truyền miệng từ lâu đời. Bài viết này xin được dẫn ra nhiều ví dụ điển hình để bạn đọc có thể tham khảo và lưu tâm nghiên cứu.
* Lá dâu tằm chữa chứng ra mồ hôi trộm trẻ em
     Theo dược học cổ truyền, lá dâu vị đắng ngọt, tính mát, có công dụng tán phong thanh nhiệt, lương huyết và làm sáng mắt. Để chữa chứng ra mồ hôi trộm trẻ em có thể dùng : (1) Lá dâu khô 10g sắc với 200 ml nước, cô lại còn 50 ml chia uống vài lần trong ngày, có thể cho thêm rau má khô 5g. (2) Lá dâu tươi non 20g rửa sạch thái nhỏ nấu canh với thịt lợn nạc ăn hàng ngày. (3) Lá dâu bánh tẻ 1 nắm nấu lấy nước tắm hàng ngày cho trẻ. (4) Lá dâu khô lượng vừa đủ nhồi làm ruột gối, gối đầu cho trẻ nằm, có thể kết hợp với vỏ đậu xanh phơi khô.
* Húng chanh chữa vết thương do côn trùng đốt
     Công dụng này của húng chanh là nhờ ở tinh dầu mà đặc trưng là carvacrol. Theo dược học cổ truyền, húng chanh vị cay chua, tính ấm, có công dụng giải cảm, phát hãn, tiêu độc, thoái nhiệt. Khi bị đốt bởi các loại côn trùng như kiến, ong, bọ chó, bọ mèo, muỗi, sâu róm…có thể dùng : (1) Húng chanh tươi rửa sạch, giã nát rồi đắp vào vết thương. (2) Lấy 20g lá húng chanh tươi, rửa sạch, nhai trong miệng với vài hạt muối, nuốt nước còn bã thì đắp vào nơi bị côn trùng đốt. (3) Dùng tinh dầu húng chanh bôi tổn thương vài lần. Chú ý : với những trường hợp có phản ứng toàn thân thì cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám và cứu chữa khẩn cấp.
* Lá thông hỗ trợ trị liệu đau mỏi khớp
     Lá thông vị đắng ngọt, tính ấm, có công dụng khu phong, trừ thấp, chỉ thống. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, lá thông có tác dụng chống viêm, giảm đau và kháng khuẩn. Khi mắc các chứng đau mỏi xương khớp có thể dùng : (1) Lá thông tươi nấu nước xông vào nơi bị bệnh. (2) Lá thông tươi, rửa sạch, băm nhỏ rồi đem ngâm với rượu để xoa bóp. (3) Lá thông lượng vừa đủ, nấu nước rồi ngâm các khớp bị đau, có thể phối hợp với lá lốt, xương sông, ngải cứu thì hiệu quả càng cao.
* Hạt hướng dương chữa bệnh sởi phát ban không đều
     Theo đông y, hạt hướng dương vị ngọt, tính bình, thường được dùng để chữa suy nhược thần kinh, chán ăn, đau đầu, lỵ ra máu, sởi không mọc được hoặc mọc không đều (thấu chẩn). Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong loại hạt này có chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, đặc có chứa chất folat có tác dụng thúc đẩy quá trình sao chép DNA và RNA giúp cho tăng sức đề kháng và miễn dịch của cơ thể. Khi sởi mọc không đều có thể dùng : (1) Hạt hướng dương 30g sao thơm, bóc vỏ ăn trong ngày. (2) Hạt hướng dương tùy lượng, sao chin, bóc bỏ vỏ, tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín, mỗi ngày lấy 20g hòa với nước ấm uống. (3) Ở một số nơi người ta dùng hạt hướng dương chế thành bánh như kẹo lạc, kẹo vừng, ăn tùy thích trong ngày.
* Cúc vạn thọ hỗ trợ chữa hen phế quản
     Loại hoa này vị đắng, mùi thơm, tính , có công dụng thanh nhiệt giải độc, long đờm trị ho. Có được khả năng này là do cúc vạn thọ chứa nhiều tinh dầu quý như piperiton, linalin, apinen và đặc biệt là tagetin có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, long đờm và giãn phế quản. Khi bị hen phế quản có thể dùng cúc vạn thọ để hỗ trợ trị liệu theo phương thức : (1) Cúc vạn thọ 20g, sắc uống hàng ngày. (2) Cúc vạn thọ 15g, đường phèn lượng vừa đủ, đem hãm với nươc sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. (3) Cúc vạn thọ 20g, rau cần trôi, củ tầm sét, thài lài tía, nhân trần, rễ bạch đồng nữ, tinh tre mỡ mỗi thứ 10g thái nhỏ phơi khô sắc với 400ml nước còn 100ml uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 3 - 5 ngày. (4) Cúc vạn thọ 20g, thịt lợn nạc 50g băm nhỏ, hai thư nấu thành canh ăn hàng ngày. (5) Hoa cúc vạn thọ 20g, hoa đu đủ đực 10g, húng chanh 10g, đường phèn 20g. Tất cả dùng tươi rửa sạch giã nhỏ cho vào bát cùng đường phèn. Hấp cách thủy trong 10 - 15 phút. Để nguội nghiền nát, thêm nước gạn uống làm 2 - 3 lần trong ngày, dùng trong 5-7 ngày.
* Cây bìm bịp hỗ trợ chữa thoái hóa cột sống
   Còn gọi là cây mảng cộng, xương khỉ, tiểu cốt tiếp (cây liền xương)…, vị ngọt, tính bình có công dụng mát gan lợi mật, khu phong trừ thấp, làm liền xương nhanh. Theo dân gian, khi chim bìm bịp con bị gãy chân người ta thường thấy chim bìm bịp mẹ lấy cây này cắn nát rồi đắp vào vết gãy thì thấy chân bìm bịp con liền vết gãy rất nhanh). Để chữa thoái hóa cột sống có thể dùng : (1) Cây bìm bịp 30g, cây gối hạc 20g, tầm gửi dâu 20g, cây trâu cổ 20g. Các vị đem sắc với 1,5 lít nước, cô còn 800ml chia vài lần uống trong ngày. (2) Bìm bịp tươi 80g, ngải cứu, sâm đại hành mỗi vị 50g, đem xào nóng với giấm rồi đắp vào nơi đau, lấy vải buộc lại để trong thời gian 5-6 tiếng. Duy trì liên tục 5-10 ngày sẽ có kết quả. (3) Cây bìm bịp 30g sắc uống hàng ngày. (4) Bìm bịp tươi, rửa sạch giã nát đắp vào nơi đau. (5) Bìm bịp tươi làm thành bảnh như bánh xu xê ăn hàng ngày (thường có ở các tỉnh miền núi phía Bắc). (5) Cây bìm bịp 12g, tang ký sinh 12g, thục địa 16g, ba kích 12g, đương quy 12g, đỗ trọng 12g, cẩu tích 12g, trâu cổ 12g, dây tơ hồng xanh 12g, sắc uống mỗi ngày một thang.
* Đậu đen hỗ trợ điều trị suy thận
     Đậu đen vị ngọt, tính bình, có công dụng bồi bổ can thận, làm mạnh gân cốt, mát huyết cầm máu, giúp đen râu tóc. Trong thành phần rất giàu các chất dinh dưỡng, vitamin, saponin và carotene. Để hỗ trợ chữa suy thận có thể dùng : (1) Đậu đen lượng vừ đủ, rang có mùi thơm và hơi cháy vỏ ngoài là được, tán vụn, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày lấy 30-40g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. (2) Đậu đen sao thơm hơi cháy vỏ 40g, cỏ nhọ nồi 30 gam, hai thứ đem sắc với 2000 ml, cô lại còn 500 ml, chia uống vài lần trong ngày, có thể sắc lại 2-3 lần. (3) Đậu đen lượng vừa đủ, sao thơm, tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày lấy 50g hòa với nước sôi, có thể cho thêm một chút đường đỏ, dùng làm món điểm tâm.
* Mùi tàu hỗ trợ trị liệu viêm kết mạc
     Còn gọi là ngò rí, vị cay, mùi thơm, tính ấm, có công dụng sơ tán phong tà, thanh nhiệt giải độc, kích thích tiêu hóa, chỉ thống…, được dùng để chữa cảm cúm, hôi miệng, mụn nhọt, đau mắt đỏ, chán ăn. Trong thành phần có tinh dầu, đặc biệt là alchol fechylic có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, giảm đau. Để hỗ trợ trị liệu viêm kết mạc có thể dùng : (1) Rau mùi tầu lượng vừa đủ, rửa sạch, ngâm nước muối loãng, ăn sống hàng ngày. (2) Mùi tàu rửa sạch, nấu nước để xông và rửa mắt (hiện nay biện pháp này ít ứng dụng, chủ yếu là ở nơi xa xôi khi thuốc chưa có trong tay, thày chưa có tại chỗ, là gợi ít để nghiên cứu bào chế thành sản phẩm). (3) Lá mùi tàu 30g, sắc uống hàng ngày, có thể phối hợp với hòa hòe 15g, cúc hoa 15g, mạn kinh tử 12g, lá dâu 12g.
* Mộc hoa trắng chữa viêm đại tràng
Còn gọi là cây sừng trâu, vị đắng, tính lạnh, được đông y sử dụng làm thuốc chữa tiết tả, kiết lỵ, phúc thống…từ rất lâu đời. Thành phần tạo nên công dụng chủ yếu là alkaloid, đặc biệt là conessin, và tannin, có tác dụng kháng khuẩn, diệt amip, chống co thắt, cầm ỉa chảy, băng se niêm mạc và kích thích tiêu hóa. Để chữa viêm đại tràng có thể dùng : (1) Mộc hoa trắng 10-15g sắc uống. (2) Mộc hoa trắng 100g, sắc kỹ rồi cô thành cao, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1g. (3) Mộc hoa trắng 10g, hoàng liên 10g, hoàng bá 10, sắc uống. (4) Có thể dùng dưới dạng bột vỏ uống 10/ngày, bột hạt uống 3-6g/ngày, cao lỏng 1/1 uống mỗi ngày 1-3g, cồn hạt 1/5 mỗi ngày uống 2-6g. (5) Dùng dưới dạng đông dược thành phẩm như viên Holanin, Mộc hoa trắng-HT…theo hướng dẫn của thầy thuốc.
* Ngó sen tươi giúp hạ sốt
     Ngó sen vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, tiêu ứ, sinh tân dịch và cầm máu, được dùng để chữa sốt nóng, thổ huyết, tiểu huyết, tiện huyết, chảy máu cam, ho ra máu… Để hạ sốt, trị sốt nóng, có thể dùng : (1) Ngó sen tươi 6-7 đốt, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, hào với một chút đường phèn hoặc đường đỏ uống vài lần trong ngày. (2) Mía tươi 500g, rửa sạch, róc vỏ, ép lấy nước ; ngó sen tươi 500g, rửa sạch, bỏ đốt, thái vụn cho vào bát to, đổ nước mía vào ngâm trong 8-10 giờ, sau đó lấy ngó sen ra cho vào máy xay nhuyễn, ép lấy nước, chia 3 lần trong ngày. (3) Nước nho 250ml, ngó sen tươi 250ml. Cho hỗn hợp gồm nước nho, ngó sen vào nồi, đun cho cạn thành cao. Chờ nguội cất trong lọ dùng dần. Uống mỗi lần hai thìa canh hòa đều với nước sôi, ngày hai lần.
* Lá vọng cách chữa viêm gan
     Loại lá này vị chát tính bình, có công dụng thông tiểu, thoái hoàng, kích thích tiêu hóa…được dùng làm rau ăn và làm thuốc chữa bệnh gan từ rất lâu đời trong dân gian. Trong thành phần có chứa tinh dầu và các alcaloid như premnin, garianin có tác dụng bảo vệ gan, chống viêm và giảm đau trên mô hình thực nghiệm với chuột. Cao lỏng lá vọng cách làm giảm men gan và các biểu hiện tổn thương gan. Khi bị bệnh gan có thể dùng lá vọng cách để hỗ trợ trị liệu như : (1) Lá vọng cách tươi 50g sắc uống. (2) Lá vọng cách khô 10g, cây cà gai leo 20g, sắc uống. (3) Lá vọng cách khô 15g, bạch hoa xà thiệt thảo 20g, sắc uống. (4) Lá vọng cách tươi 40g, nhân trần 15g, diệp hạ châu 20, cam thảo đất 12g, sắc uống. (5) Lá vọng cách khô 15g, nhân trần 12g, thần khúc 12g, mạch nha 12g, actiso 12g, rơm nếp 12g, nghệ vàng 12g, cam thảo 6g, sắc uống.
* Ngũ da bì chữa bệnh eczema
     Còn gọi là cây chân chim, vị đắng chát, tính mát, có công dụng khu phong trừ thấp, phát hãn giải biểu, thư cân hoạt lạc, thường được dùng để chữa cảm sốt, sưng đau họng, thấp khớp, đau nhức xương khớp, vết thương sưng đau, một số bệnh da liễu, trong đó có eczema. Có được công dụng chữa bệnh da liễu nói chung và eczema nói riêng là do trong thành phần có chứa acid asiatic, glycozid triterpen có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, giảm đau, chống dị ứng, tăng khả năng miễn dịch, chống lở loét và bảo hộ tế bào gan. Khi bị eczema có thể dùng : (1) Lá ngũ gia bì, bạch chỉ, hy thiêm thảo (cây cỏ đĩ), rễ gấc, tỳ giải, thổ phục linh các vị bằng nhau 20g, sắc uống ngày một thang, chia 2 lần vào sáng và tối, liệu trình trong 7 ngày. (2) Dùng viên ngũ gia bì, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 5 viên. (3) Cành nhỏ ngũ gia bì lượng vừa đủ, sắc lấy nước để ngâm rửa vùng tổn thương nhằm giảm cảm giác ngứa ngáy. (4) Rễ ngũ gia bì tươi rửa sạch, giã nát cùng với hoa cúc trắng rồi đắp trực tiếp lên vùng tổn thương trong 15-20 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm.
* Cây sả giúp giải cảm
     Là một trong những gia vị quen thuộc của người Việt, vị cay, tính ấm, có công dụng làm ra mồ hôi, thông tiểu, hạ khí tiêu đờm. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, sả có tác dụng kháng khuẩn, kháng virut và nấm, giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Khi bị cảm có thể dùng : (1) Lá sả, kinh giới, tía tô, trắc bá diệp, bạc hà, lá chanh, lá tre, lá ổi…mỗi thứ một nắm (mỗi nồi chừng 5 loại lá) nấu nước để xông giải cảm. (2) Bột giải cảm: sả khô bỏ rễ 40g, hoắc hương khô 40g, bạc hà khô 40g, vỏ quýt lâu năm 20g, củ gấu (đã chế biến) 20g, cam thảo 20g. Tất cả sấy khô, tán bột đóng gói 20g. Người lớn ngày 2 gói chia 4 lần. Trẻ em liều 1/2. Uống với nước nóng, đi nằm cho ra mồ hôi. Nếu có nôn cho thêm 3 láy gừng tươi hãm lấy nước uống cùng. (3) Củ sả 40g, gừng tươi 40g, hai thứ rửa sạch, giã nát, nấu với 650 ml nước, đun khoảng 10 phút, bỏ bã, thêm đường vào cô lại thành cao, ngậm nuốt dần trong ngày.
* Hoa mười giờ chữa ho, viêm họng
     Theo dược học cổ truyền, loài hoa này vị đắng cay, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu sưng, chỉ thống, thường được dùng để chữa chứng hầu họng sưng đau, viêm da, lở ngứa, ghẻ, bỏng lửa…Trong thành phần của hoa mười giờ có potulal, cyanin…, có khả năng khánh khuẩn, tiêu viêm, tăng cường miễn dịch. Khi bị ho, viêm họng có thể dùng : (1) Hoa mười giờ tươi 30g, sắc uống. (2) Hoa mười giờ 100g, lá rẻ quạt 10g, rửa sạch, giã nát, hòa với 100 ml nước nóng rồi chắt lấy nước cốt, ngậm 2-3 lần trong ngày, sau chừng 3-5 ngày sẽ khỏi.
(còn tiếp)

                                                                                      Hoàng Khánh Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét