Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Một tấm gương mẫu mực trong quan hệ đồng nghiệp

MỘT TẤM GƯƠNG MẪU MỰC TRONG QUAN HỆ ĐỒNG NGHIỆP

     Lê Hữu Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông, là một nhà y học lớn, một nhà tư tưởng lớn, một nhà văn xuất sắc của nước ta vào thế kỷ thứ 18. Di sản mà ông để lại cho hậu thế không phải chỉ là những trước tác đồ sộ về y học và văn học, mà cái còn có ý nghĩa sâu xa hơn là những tấm gương của ông về chủ nghĩa nhân đạo, tư tưởng đạo đức về phong cách đối nhân xử thế trong công việc và cuộc sống. Trong đó, mối quan hệ rất mực đúng đắn của ông đối với đồng nghiệp cũng là một bài học rất quý giá cho các thầy thuốc hậu thế.

1. Luôn luôn khiêm tốn, chịu khó học hỏi
     Mặc dù được sinh trưởng trong một gia đình dòng dõi, khoa bảng, từ nhỏ đã sớm nổi tiếng thông minh, học giỏi, hiểu rộng, thơ hay, đã từng được vời ra làm tướng võ và nổi tiếng là một thầy thuốc tài năng và đức độ vào những năm 35 - 40 tuổi, nhưng đối với đồng nghiệp Lãn Ông luôn luôn tỏ ra khiêm tốn hoà nhã, không khinh thường ai, không tự kiêu, tự đại, luôn luôn kính trên nhường dưới, chịu khó học hỏi. Trong “Âm án” ông viết : “Nghề thuốc là một nhân thuật, người thầy thuốc hẳn phải lấy việc giúp người là tốt, chứ cứu được một mạng người thì khoa chân múa tay để khoe khoang cho mọi người biết. Nhỡ có thất bại thì lại giấu nhẹm đi. Mấy ai không giấu cái điều xấu của mình mà dám đem sự thực nói với người khác”.
     Trong lúc hành nghề, Lãn Ông luôn luôn xử thế rất đúng đắn để giữ mối hoà hiếu và đoàn kết với đồng nghiệp. Khi được mời đến khám bệnh cho những bệnh nhân đã được các thầy thuốc khác điều trị nhưng không có hiệu quả, ông không hề khoe giỏi tranh hay, phủ định hay hạ thấp công lao của người khác mà ngược lại, nếu cần thiết, ông vẫn ôn tồn giảng giải, thuyết phục y lý với đồng nghiệp để đi đến thống nhất về chẩn đoán và trị liệu. Ngay cả khi viết lại những ca bệnh thành công trong đời làm thuốc của mình (Dương án) để mong làm kinh nghiệm cho hậu thế ông cũng rất khiêm tốn : “Tôi vẫn không dám đem ý kiến của mình mà khoe khoang làm mẫu mực với ai, chỉ cốt là ghi lại sự hết lòng với nghề như thế để lưu lại làm một cuốn tập nghiệm cho mình và cho nhà mình đó thôi”.

2. Đoàn kết trên tinh thần phục vụ người bệnh
     Đối với Lãn Ông, đoàn kết với đồng nghiệp không có nghĩa là nể nang câu nệ mà phải thẳng thắn phân tích, cương quyết bảo vệ chân lý khoa học trên cơ sở đặt lợi ích và tính mạng của người bệnh lên trên hết. Những lần đến chữa bệnh cho bà mẹ quan Thủ đồn Vĩnh Dinh hay hay ông Phó đội Huấn Vũ (Dương án số 4 và 5), Lãn Ông đã rất khiêm nhường nhưng cũng rất thẳng thắn tranh luận với lương y Điều hộ của đồn để đi đến khẳng định chẩn đoán và cách thức điều trị đúng đắn của mình với phương châm : ở người già  bị bệnh hư chứng nên dùng thuốc bổ chứ không dùng thuốc công. Ông luôn luôn nghĩ rằng : “Làm thầy thuốc là cốt để cứu sống người, hễ mắt đã trông thấy cái sai lầm mà còn e dè, không nói khẩn thiết, thì tất mình cũng chịu cái lỗi đó”
     Lãn Ông cũng thường tâm sự với đồng nghiệp : “Phàm trông thấy chứng nguy mà chịu phủi tay, đó là bọn mua danh tránh tiếng”. Ông cũng dùng cảm đấu tranh, thẳng thắn phê bình những thầy thuốc không thận trọng trong nghề nghiệp, “chẩn đoán bệnh với cách dùng thuốc mập mờ”. Ông viết : “Vì nghĩ rằng làm thuốc là cầm sinh mạng người ta, sống chết còn như trở bàn tay, thì hiểu biết của mình sao lại có thể không rộng rãi, đức hạnh của mình sao không đắng đắn được ư ? Còn những kẻ có cả gan không thận trọng như vậy có gọi là thầy thuốc được không ?”

3. Luôn luôn độ lượng, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp
     Với đồng nghiệp, Lãn Ông luôn tâm niệm : “Người hơn tuổi thì mình kính trọng, người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng, người kém mình thì dìu dắt họ”. Câu chuyện về việc chữa “Chứng sườn đau đầy tức” cho cụ lang Tài mới thực đẹp làm sao ! Cả hai người đều biết thuốc, cả hai đều khiêm tốn, nhưng khi thấy được những yếu điểm và căn bệnh lâu năm của bạn, Lãn Ông đã không ngần ngại giảng giải, phân tích y lý để bạn hiểu và chữa khỏi căn bệnh cho bạn. Để rồi khi chia tay bên bến sông, cụ lang Tài đã ngậm ngùi luyến tiếc và viết tặng Lãn Ông một bài thơ tiễn biệt :
“Có duyên gặp gỡ khách xa xôi
Bệnh nặng nhờ tay chữa khoẻ rồi
Ơn tựa ngàn non khôn báo đáp
Nhớ ai chỉ ngóng vái phương trời”
                            (Dương án số 5)
     Có một thầy thuốc đã khiêu khích Lãn Ông khi hai người cùng tham gia chữa bệnh cho một bệnh nhân : “Nếu ông chữa sống được người bệnh này thì thật là người thần, tôi sẽ xin theo hầu ông và không khám làm nghề thầy thuốc nữa”. Bỏ qua tất cả những lời thách đố, chọc tức đó, Lãn Ông vẫn nhẫn nại tìm mọi phương cách để chữa trị cho người bệnh và ông đã thành công rực rỡ. Từ đó về sau, mỗi khi gặp lại Lãn Ông, người thầy thuốc kia tỏ ra thẹ thùng bẽn lẽn, nhưng Lãn Ông không hề nhắc lại chuyện đó nữa và vẫn giữ mối quan hệ tốt với nhau. “Người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng”, phương châm xử thế của Lãn Ông thật nhân từ, độ lượng và sâu sắc !
     Trong thời buổi hiện nay, do tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, quan hệ đồng nghiệp trong ngành y chúng ta cũng không phải là không ít chuyện buồn bởi sự xâm hại của tư tưởng vị kỷ, lối sống thực dụng bon chen, của chủ nghĩa cá nhân và quan điểm “độc chiêu” trong kỹ thuật..., nếu bình tâm đọc lại những điều mà Hải Thượng Lãn Ông đã răn dạy, soi lại tấm gương mẫu mực trong quan hệ đối với đồng nghiệp của ông, chắc hẳn mọi người trong nghề y chúng ta sẽ thấy rất thấm thía và bổ ích !

                                                                                                Hoàng Khánh Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét