Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Sơn tra hạ huyết áp

CÁCH DÙNG SƠN TRA PHÒNG CHỐNG CAO HUYẾT ÁP



     Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, sơn tra có tác dụng hạ huyết áp là thông qua cơ chế làm giãn mạch ngoại vi. Mặt khác, công dụng hạ mỡ máu, ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, làm giãn động mạch vành, cải thiện sức co bóp cơ tim và an thần trấn tĩnh đều trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần lập lại cân bằng sinh lý và phòng chống tích cực các biến chứng do tình trạng cao huyết áp gây ra. Điều này đã chứng minh tính đúng đắn trong nhận xét của người xưa về công năng hoạt huyết hoá ứ của sơn tra, ví như sách Y học trung trung tam tây lục đã viết “Sơn tra nhập huyết phận, vi hoá ứ huyết chi yếu dược” (sơn tra vào phần huyết, là vị thuốc chủ yếu chống ứ huyết). Vậy, nên dùng sơn tra như thế nào để phòng chống cao huyết áp ? Bài viết này xin được giới thiệu một số cách dùng cụ thể.
   @ Bài 1 :  Sơn tra 15g, hà diệp (lá sen) 20g. Hai thứ tán vụn, hãm vơí nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : hoạt huyết hoá ứ, thanh dẫn thông trệ, làm giãn mạch máu, dùng thích hợp cho người bị cao huyết áp và béo phì có kèm theo đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.
   @ Bài 2 :  Sơn tra 10g, cúc hoa 10g, lá trà tươi 10g. Ba thứ hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : thanh nhiệt trừ đàm, bình can tiềm dương, dùng cho người bị cao huyết áp, bệnh lý mạch vành và rối loạn lipid máu.
   @ Bài 3 :  Sơn tra 24g, cúc hoa 15g, kim ngân hoa 15g, tang diệp (lá dâu) 12g. Tất cả sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : thanh can nhiệt, hoá ứ tích, dùng thích hợp cho những người bị cao huyết áp thuộc thể Can nhiệt ứ trở biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ, dễ cáu giận, miệng khô họng khát, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ
   @ Bài 4 :  Sơn tra 50g, gạo tẻ 50g, đường phèn vừa đủ. Sơn tra bỏ hạt, thái phiến, đem nấu với gạo tẻ thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng : khứ ứ huyết, tiêu thực tích, dùng cho những người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu.
   @ Bài 5 :  Sơn tra sao đen 12g, thảo quyết minh 12g, hoa cúc trắng 9g. Ba thứ sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : sơ phong, tán nhiệt, bình can, giáng áp, nhuận tràng thông tiện, dùng rất tốt cho những người bị cao huyết áp có kèm theo táo bón kéo dài.
   @ Bài 6 :  Sơn tra 9 - 15g, hoàng kỳ 30 - 60g, cát căn 15 - 30g, tang ký sinh 15 - 30g, đan sâm 20 - 40g. Tất cả đem sắc 2 lần, mỗi lần 30 phút, sau đó cô lại còn khoảng 300 - 400 ml, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng : bổ khí hoạt huyết, ích tâm kiện não, dùng thích hợp cho những người bị cao huyết áp có kèm theo rối loạn tuần hoàn não, rối loạn nhịp tim thuộc thể Khí hư huyết ứ biểu hiện bằng các triệu chứng như tinh thần mỏi mệt, hay có cảm giác khó thở, ngại hoạt động, ăn kém, hay hoa mắt chóng mặt, dễ vã mồ hôi, đau tức hoặc đau nhói vùng ngực sườn, mạch có lúc không đều, đại tiện nát, phụ nữ kinh nguyệt không đều, bế kinh hoặc thống kinh. Trong bài, hoàng kỳ, cát căn và tang ký sinh có tác dụng bổ khí ; đan sâm và sơn tra hoạt huyết ; các dược liệu phối hợp với nhau, công bổ tương hỗ, tạo nên công năng bổ khí, thông mạch, ích tâm, kiện não và giáng áp của bài thuốc.
   @ Bài 7 :  Sơn tra 16g, sinh đỗ trọng 16g, thảo quyết minh 16g, tiên ngọc mễ tu (râu ngô tươi) 62g, hoàng bá 6g, sinh đại hoàng 3g. Tất cả đem sắc với 6 bát nước, cô lại còn 3 bát, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng : bổ can thận, thanh can nhiệt, giáng áp, dùng thích hợp cho những người bị cao huyết áp, béo phì.
   @ Bài 8 : Hải đới 30g, sơn tra 30g, mã thầy 10 củ, chanh 3 quả. Hải đới rửa sạch, cắt ngắn ; sơn tra bỏ hạt, thái miếng ; mã thầy bóc vỏ, thái vụn ;  chanh cắt lát. Tất cả đem sắc kỹ, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng : hoạt huyết hoá ứ, cường tim lợi thuỷ, giáng áp, dùng rất tốt cho người bị cao huyết áp.
   @ Bài 9 :  Sơn tra 30g, táo tây 30g, rau cần tây 3 cây, đường phèn vừa đủ. Sơn tra và táo bỏ hạt, thái miếng ; rau cần rửa sạch, cắt đoạn. Tất cả cho vào bát to, đổ thêm 300 ml nước rồi đem hấp cách thuỷ, sau chừng 30 phút là được, chế thêm đường phèn, chia uống vài lần trong ngày. Cong dụng : hoạt huyết, giáng áp, dùng cho người bị cao huyết và rối loạn lipid máu.
   @ Bài 10 :  Sơn tra 150g, đậu xanh 150g, đường phèn vừa đủ. Sơn tra bỏ hạt, thái miếng ; đậu xanh rửa sạch, ngâm trong nước 30 phút. Hai thứ đem sắc kỹ, chế thêm đường phèn, chia uống 2 lần trong ngày. Công dụng : hoạt huyết hoá ứ, thanh nhiệt giáng áp, dùng thích hợp cho người bị cao huyết áp có các biểu hiện nhiệt chứng.
   @ Bài 11 :  Sinh địa 200g, sơn tra 500g, đường trắng 100g. Sinh địa rửa sạch, thái lát ; sơn tra bỏ hạt, thái phiến. Hai thứ đem sắc trước cho thật nhừ, chế thêm đường rồi đánh nhuyễn thành dạng cao lỏng, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 thìa canh. Công dụng : dưỡng âm lương huyết, hoạt huyết giáng áp và làm mềm mạch máu, dùng cho người bị cao huyết áp thuộc thể Âm hư biểu hiện bằng các triệu chứng người gầy, lòng bàn tay và bàn chân nóng, hay có cảm giác sốt nhẹ về chiều, miệng khô họng khát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ...
   @ Bài 12 :  Sơn tra 30g, quyết minh tử 30g, lá sen tươi nửa cái, đại táo 4 quả, thịt lợn nạc 250g, gia vị vừa đủ. Sơn tra bỏ hạt, thái phiến ; quyết minh tử rửa sạch ; đại táo bỏ hạt ; lá sen rửa sạch thái nhỏ ; thịt lợn rửa sạch thái miếng. Tất cả cho vào nồi hầm nhừ, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần. Công dụng : thanh can tiết nhiệt, làm giãn mạch máu và giáng áp, dùng cho người bị cao huyết áp thuộc thể Can dương thượng xung biểu hiện bằng các triệu chứng mặt đỏ, mắt đỏ, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, tính tình nóng nảy, ngực sườn đầy tức, đại tiện táo, có thể hay chảy máu cam...


                                                                                Hoàng Khánh Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét