Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Hàn nhiệt thể chất

THẾ NÀO LÀ NGƯỜI CÓ THỂ CHẤT HÀN VÀ NHIỆT ?


     Theo quan điểm của triết học, tâm lý học và y học cổ truyền phương Đông, việc phân định thể chất của con người là hàn tính hay nhiệt tính có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi lẽ, chỉ có trên cơ sở hiểu rõ thể chất của mình là hàn hay nhiệt, người ta mới có thể lựa chọn môi trường sống, thay đổi điều kiện sinh hoạt và ăn uống, thực hiện các biện pháp dự phòng tích cực bệnh tật...một cách hợp lý và có hiệu quả. Ví như, người có thể chất thiên hàn thì trong khẩu phần ăn nên trọng dụng các đồ ăn thức uống có tính ấm nóng, dùng ít hoặc kiêng kị các thứ có tính lạnh ; người có thể chất rất nhiệt thì không nên lạm dụng nhung hươu, cao hổ
     Trên thực tế, thể chất hàn nhiệt của mỗi người thường không giống nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, điều kiện sinh hoạt, làm việc, ăn uống..., được biểu hiện thông qua các chỉ tiêu về sinh lý, bệnh lý và tâm lý. Nhưng, tựu trung lại cũng không nằm ngoài 7 loại hình chính là thể hàn, thể rất hàn, thể nhiệt, thể rất nhiệt, thể bình hoà, thể thiên hàn và thể thiên nhiệt. Để phân định các loại hình này, người xưa thường chỉ căn cứ vào các dữ liệu thu được sau khi tiến hành Vọng (nhìn), Văn (nghe, ngửi), Vấn (hỏi) và Thiết (sờ, bắt mạch). Nhưng hiện nay, các nhà y học cổ truyền hiện đại đã xây dựng các chỉ tiêu cơ bản để phân định không chỉ dựa trên cơ sở lý luận của y học cổ truyền, bao gồm học thuyết âm dươngcân bằng, quan niệm chỉnh thể và nguyên tắc biện chứng thi trị mà còn tham chiếu thêm một số chỉ tiêu về sinh lý, sinh hoá, tâm lý của y học hiện đại. Tổng cộng có 22 chỉ tiêu cơ bản là thể hình, tính cách, cảm giác hàn nhiệt, cảm giác khát, tình trạng ăn uống, sắc mặt, mạch, lưỡi, đại tiện, tiểu tiện, trạng thái tinh thần, thể lực, mồ hôi, tiếng nói, khả năng tình dục, huyết áp, số lượng bạch cầu, số lượng hồng cầu, số lượng tiểu cầu, huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu. Dựa trên những chỉ tiêu này, 7 loại hình có nội dung cơ bản như sau :
   * Thể hàn :  Thể hình hơi gầy, tính cách hướng nội, sợ lạnh, không khát và không muốn uống, ăn được, sắc mặt trắng, mạch trầm trì (sâu và chậm), rêu lưỡi trắng nhạt, đại tiện nát, tiểu tiện trong dài, tinh thần kém hưng phấn, dễ mỏi mệt, ít mồ hôi, ít nói, khả năng tình dục kém, huyết áp hơi thấp, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu hơi thấp, nồng độ huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng hơi thấp.
   * Thể rất hàn :  Người rất gầy, tính cách hướng nội rất rõ, sợ lạnh nhiều, thích uống nước ấm nóng, ăn kém, sắc mặt vàng nhợt, mạch tế nhược (nhỏ và yếu), lưỡi trắng nhợt và ướt, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài nhưng đi nhiều lần, tinh thần uỷ mị, thể lực kém, rất ít mồ hôi hoặc vã mồ hôi trộm, tiếng nói nhỏ yếu, khả năng tình dục rất kém, huyết áp thấp hoặc rất thấp, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu tương đối thấp, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng tương đối thấp.
   * Thể nhiệt :  Thể hình có xu hướng béo, tính cách hướng ngoại, sợ nóng, hay khát và thích  uống nước mát, ăn ngon miệng, sắc mặt hồng nhuận, mạch hoạt sác (nổi và nhanh), lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, đại tiện phân khô cứng, tiểu tiện vàng, tinh thần dễ hưng phấn, thể lực khoẻ, nhiều mồ hôi, nói nhiều, khả năng tình dục mạnh mẽ, huyết áp có xu hướng cao hoặc hơi cao, số lượng bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu hơi cao, lượng huyết sắc tố, mỡ màu và đường máu cũng hơi cao.
   * Thể rất nhiệt :  Người béo tốt, tính cách hướng ngoại rõ rệt, rất sợ và rất kém chịu nóng, hay khát và rất thích uống nước thật lạnh, ăn rất ngon miệng, sắc mặt đỏ, mạch hồng sác (rất nổi và nhanh), lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc đen, đại tiện táo kết, tiểu tiện sẻn đỏ, tinh thần rất hưng phấn, thể lực cường tráng, dễ vã mồ hôi (tự hãn), tiếng nói khoẻ, khả năng tình dục rất khoẻ và có lúc thái quá, huyết áp hơi cao, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu tương đối cao, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng tương đối cao.
   * Thể bình hoà :  Thể hình bình thường, tính cách bình hoà và cân bằng, cảm giác hàn nhiệt bình thường, cảm giác khát bình thường, ăn được, sắc mặt hơi hồng, mạch hoà hoãn, chất lưỡi hơi hồng, rêu lưỡi trắng mỏng, đại tiện bình thường, tiểu tiện bình thường, trạng thái tinh thần bình thường, thể lực bình thường, mồ hôi bình thường, khả năng tình dục vừa phải, huyết áp bình thường, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu bình thường, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng trong phạm vi bình thường.
   * Thể thiên hàn :  Người hơi gầy, tích cách có xu hướng hướng nội, hơi sợ lạnh, không thích uống nhiều nước, ăn hơi kém, sắc mặt không tươi, mạch hơI trầm, lưỡi nhợt hơi bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, đại tiện có lúc lỏng nát, tiểu tiện trong và có lúc đi nhiều lần, tinh thần có lúc kém hưng phấn, thể lực hơi kém, mồ hôi tương đối ít, ít nói, khả năng tình dục hơi kém, huyết áp có xu hướng thấp, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu bình thường hoặc tương đối thấp, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng bình thường hoặc tương đối thấp.
   * Thể thiên nhiệt :  Người hơi béo, tính cách có xu hướng hướng ngoại, hơi sợ nóng, thích uống nước, ăn khá ngon miệng, sắc mặt hơi hồng, mạch hơi hoạt, lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi vàng, đại tiện có lúc khô cứng, tiểu tiện ít và có lúc vàng, tinh thần có lúc hưng phấn, thể lực khá, nhiều mồ hôi, nói nhiều, khả năng tình dục có xu hướng mạnh mẽ, huyết áp hơi cao, số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu bình thường hoặc tương đối cao, lượng huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu cũng bình thường hoặc tương đối cao.
     Việc xác định chắc chắn một loại hình nào đó được dựa trên cách tính điểm, mỗi chỉ tiêu nếu có như vậy thì được tính là 1 điểm, nếu không có thì được tính là 0 điểm. Tổng số điểm tối đa của mỗi loại hình là 22 điểm, nhưng tổng số điểm chỉ cần từ 15 điểm (cũng tức là có đủ 15 chỉ tiêu) trở lên là đủ để được xác định chắc chắn, từ 10 - 14 thì nghi ngờ. Đây là một phương pháp xác định thể chất hàn hay nhiệt khá đơn giản trên người bình thường, rất tiện ích cho việc vận dụng các kiến thức trong ăn uống, sinh hoạt và phòng chống tật bệnh theo quan điểm của y học cổ truyền.


                                                                                       Hoàng Khánh Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét