Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Rượu tắc kè

5 CÔNG THỨC RƯỢU THUỐC TẮC KÈ


     Trong y học cổ truyền, tắc kè, còn gọi là cáp giới, cáp giải, đại bích thổ, cáp xà, thạch nha, là một dược liệu quý, có công dụng bổ phế ích thận, định suyễn chỉ khái ; thường được dùng để bảo dưỡng sức khoẻ và chữa các chứng hư lao, ho ra máu, hen suyễn, tiêu khát (đái tháo đường), suy nhược thần kinh, liệt dương, di mộng tinh, suy giảm khả năng tình dục Ngoài các cách dùng thông thường như thuốc sắc, thuốc hoàn, thuốc tán, tắc kè còn được người xưa sử dụng dưới dạng rượu thuốc (dược tửu) hết sức độc đáo. Cấu trúc của rượu thuốc tắc kè có thể là rượu ngâm độc vị tắc kè hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác nhằm mục đích bổ sung và năng cao hiệu lực của cáp giới dược tửu, khử mùi tanh và tạo cảm giác thơm ngon dễ uống. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, việc lựa chọn các vị thuốc phối hợp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dưới đây, xin được giới thiệu 5 công thức cáp giới dược tửu thông dụng để độc giả tham khảo và vận dụng.
   Công thức 1 :  Tắc kè 100g, thục địa 100g, hoài sơn  100g, đại táo 50g, đỗ trọng 200g, hoàng tinh 200g, bạch linh 200g, dâm dương hoắc 30g, kỷ tử 200g, đẳng sâm 100g, cam thảo 20g, nhục dung 70g, đường phèn hoặc mật ong 50g. Các vị thuốc sấy khô, tán vụn rồi đem ngâm với 3000 ml rượu trắng trong bình kín, sau chừng 30 ngàythì dùng được. Khi dùng, chắt ra và lọc qua vải rồi hoà thêm mật hoặc đường, uống mỗi ngày từ 15 - 30 ml. Công dụng : bổ khí tráng dương, diên niên ích thọ (kéo dài tuổi thọ), dùng thích hợp cho những người suy nhược cơ thể, liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm
   Công thức 2 :  Tắc kè 50g, phá cố chỉ 75g, dâm dương hoắc 75g, hà thủ ô 125, thục địa 125g, sơn thù 50g, kỷ tử 50g, ba kích 75g, thỏ ty tử 60g, nhục dung 125, hạt hẹ 125g, hoài sơn 75g, trạch tả 35g, đan bì 25g, bạch linh 75g, mật ong 50g. Các vị thuốc sấy khô, tán vụn rồi đem ngâm với 3000 ml rượu trắng trong bình kín, sau ít nhất 30 ngày thì dùng được. Khi dùng, chắt ra và lọc qua vải, chế thêm mật ong, mỗi ngày uống 15 - 30g ml. Công dụng : làm ấm thận và có lợi cho dương sự, đặc biệt tốt cho những người bị liệt dương cơ năng.
   Công thức 3 :  Tắc kè 50g, sơn thù 25g, cẩu tích 25g, đương quy 25g. kỷ tử 25g, thỏ ty tử 25g, nhân sâm 25g, mạch môn 40g, rượu trắng 1000 ml. Các vị thuốc sấy khô, tán vụn, ngâm với rượu trắng trong bình kín, sau chừng 21 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 15 - 30 ml. Công dụng : bổ khí huyết, trợ dương ích thận. Theo cổ nhân, loại rượu này có khả năng chữa được 9 chứng yếu của đàn ông là : dương sự suy yếu, dương đạo không phấn chấn được, phấn chấn mà không đủ độ, đủ mà không thực, thực mà không cứng, cứng mà không tuân theo, tuân theo mà không được lâu, lâu mà không có tinh, có tinh mà không có con.
   Công thức 4 :  Tắc kè 50g, nhung hươu 10g, nhục quế 20g, nhục dung 2og, tiên mao 20g, phụ tử chế 20g, đỗ trọng 20g, cẩu tích 20g, kỷ tử 20g, toả dương 20g, đẳng sâm 20g, đại táo 20g, đương quy 20g, thục địa 20g, sinh địa 20g, hoài sơn 20g, tục đoạn 20g, ngưu tất 20g, rượu trắng 2000 ml. Các vị thuốc sấy khô, tán vụn, đựng trong túi vải rồi ngâm với rượu trắng, sau 20 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10 - 20 ml. Công dụng : bổ thận tráng dương, bổ khí dưỡng huyết, tráng gân cường cốt, bình suyễn nạp khí, thường được dùng để bồi bổ cơ thể và chữa các chứng đau lưng do hư xương sụn cột sống, thoái hoá khớp gối, di tinh, liệt dương, suy giảm ham muốn tình dục, hen phế quản thể thận hư giai đoạn ổn định
   Công thức 5 :  Tắc kè 50g, tinh hoàn chó 1 đôI (nếu là của chó vàng thì tốt nhất), ba kích 30g, nhục dung 30g, kỷ tử 30g, sơn thù 120g, trầm hương 4g, mật ong 100g, rượu trắng 250g. Các vị thuốc sấy khô, tán vụn ; tinh hoàn chó nghiền nhỏ, tất cả đem ngâm với rượu trắng, sau 21 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10 ml. Công dụng : bổ thận tráng dương, được dùng để bồi bổ sức khoẻ và chữa các chứng tay chân buốt lạnh, lưng đau gối mỏi, di tinh, liệt dương, suy giảm ham muốn tình dục
     Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, trong tắc kè rất giàu chất đạm, chất béo và đặc biệt chứa nhiều nguyên tố vi lượng như Zn, Fe, Ca, MgĐiều cần lưu ý là, hàm lượng Zn và Fe ở đuôi tắc kè cao hơn nhiều lần so với ở thân, riêng Zn cao gấp 42 lần. Mặt khác, hàm lượngcác acid amin ở đuôi cũng rất phong phú, gần ngang so với tổng lượng acid amin ở phần thân. Bởi vậy, trong khi bào chế và sử dụng cần chú ý giữ nguyện vẹn phần đuôi của tắc kè. Các loại rượu  tắc kè nói trên nhìn chung đều có tính ôn ấm để trợ dương và bổ khí, cho nên những người cao huyết áp hoặc đang mắc các bệnh ngoại cảm phát sốt thì không nên sử dụng.

                                                                                 Hoàng Khánh Toàn








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét