Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

làm thế nào để đại tiện thông thoáng ?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẠI TIỆN THÔNG THOÁNG ?


     Thực tế hàng ngày không ít người, đặc biệt là người có tuổi và cao tuổi, mỗi khi đi vệ sinh “nặng” thường lâm vào tình trạng : khó đi dù phân cứng hay không, đi không hết bãi, đi xong lại muốn đi nữa, thường mỗi sáng phải đi 2-3 lần mới xong hoặc đi xong không có cảm giác thoải mái, thông thoáng…Để khắc phục và dự phòng tình trạng này, ngoài việc đi khám và tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc, trước khi đi đại tiện chúng ta có thể tiến hành một số thủ pháp của y học cổ truyền sau đây :
- Đầu tiên, nằm ngửa, tĩnh tâm, duỗi mềm các cơ, từ từ thót bụng để thở ra, đẩy nhẹ nhàng không khí qua mũi hoặc qua miệng. Khi bụng đã thót hết mức, ngừng thở trong giây lát rồi sau đó từ từ phình bụng hít vào. Thở luân phiên như vậy trong 10 lần. Tiếp đó dùng hai bàn tay đặt chồng lên nhau xoa bụng theo chiều kim đồng hồ với một lực ép vừa phải chừng 50-100 vòng. Hai động tác này có tác dụng xoa bóp dạ dày và ruột gián tiếp qua da, kích thích và điều hoà nhu động ruột, giúp cho quá trình bài tiết chất thải trong ruột được dễ dàng. Hơn nữa, theo quan niệm của y học cổ truyền, cách thở như trên sẽ giúp cho tạng Phế thải trừ được nhiều trọc khí và hấp thu được nhiều thanh khí để kết hợp với tinh khí của đồ ăn thức uống do Tỳ Vị vận hoá mà thành để tạo nên Tông khí. Thứ khí này có vai trò hết sức quan trọng trong việc phục hồi và duy trì công năng sinh lý bình thường của các tạng phủ trong nhân thể, trong đó bao gồm cả dạ dày và ruột.
- Tiếp đó, dùng hai ngón tay cái đặt lên hai huyệt Thiên khu, các ngón tay còn lại ôm lấy mạng sườn, tiến hành day bấm huyệt trong 2 phút. Vị trí huyệt Thiên khu:
từ rốn đo ngang ra 2 tấc, mỗi bên có một huyệt. “Thiên” có nghĩa là trời, ở đây nói đến phần trên của bụng ; “khu” có nghĩa là chốt. Rốn chia bụng làm hai phần : phần trên rốn là thiên, phần dưới rốn là địa. Huyệt vị này ngang hàng với rốn, được xem như là chốt điều hành chức năng của tràng vị (dạ dày, ruột) nên có tên là Thiên khu. Huyệt này có công dụng hoà vị thông tràng, kiện tỳ lý khí, điều kinh đạo trệ (điều hoà và nâng cao năng lực hoạt động của hệ tiêu hoá, nhuận tràng thông tiện, điều hoà kinh nguyệt và chống ứ trệ), thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đau bụng quanh rốn, sôi bụng, đầy bụng, ăn không tiêu, nôn, táo bón, ỉa chảy và kiết lỵ. Theo cổ nhân, Thiên khu có thể chữa được các bệnh lý của ruột già là vì : nó là huyệt Mộ của đường kinh Đại trường, là nơi khí của phủ Đại trường tụ tập, bởi thế khi kích thích vào huyệt vị này có thể điều hoà công năng của ruột già, chống ứ trệ mà giúp cho quá trình bài tiết chất thải được dễ dàng.
     Cuối cùng, dùng ngón tay giữa day ấn huyệt Đại chùy trong 2 phút. Cách xác định vị trí huyệt đại chuỳ : ngồi hơi cúi đầu, quay cổ qua lại phải trái, u xương nào cao nhất động đậy nhiều dưới ngón tay là đốt cổ 7, huyệt nằm ở ngay dưới u xương này. Đây là huyệt hội của 6 đường kinh dương và mạch Đốc, có công dụng làm thông dương khí toàn thân, giúp cho việc đại tiện được thông thoáng.
     Trong khi đi đại tiện, cùng với động tác rặn, có thể luân phiên day ấn huyệt Thiên khu và Đại chùy để giúp cho việc xả chất thải được dễ, nhanh và triệt để.

                                                                               Hoàng Khánh Toàn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét