Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Cứu huyệt dưỡng sinh

CỨU HUYỆT DƯỠNG SINH MÙA XUÂN


     Cứu huyệt là phương pháp dùng sức nóng tác động lên huyệt vị châm cứu để điều hoà âm dương khí huyết, ôn thông kinh lạc, phù chính khu tà nhằm đạt được mục đích bảo kiện sinh mệnh (bảo vệ và nâng cao sức khoẻ), phòng chống bệnh tật và kháng lão ích thọ diên niên (chống lão hoá và kéo dài tuổi thọ). Theo y học cổ truyền, cứu huyệt có tác dụng điều tiết và lập lại cân bằng âm dương, bổ dưỡng và điều hoà khí huyết, làm ấm và lưu thông kinh mạch, duy trì và cải thiện công năng các tạng phủ, bảo vệ và nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Sách Biển Thước tâm thư đã viết : “Nhân vu vô bệnh thời, thường cứu quan nguyên, khí hải, mệnh môn, trung quản, tuy vị đắc trường sinh, diệc khả bảo bách dư niên thọ hĩ”.
     Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu huyệt có tác dụng điều chỉnh và tăng cường công năng miễn dịch ; kháng khuẩn, tiêu viêm, giảm đau và chống quá mẫn ; thúc đẩy quá trình tạo máu và chống đông máu; làm hạ mỡ máu, điều tiết đường máu và giảm béo ; cải thiện vi tuần hoàn, thúc đẩy huyết dịch lưu thông và điều hoà huyết áp ; điều tiết chức năng hệ tiêu hoá, hệ thần kinh, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống tuyến yên - tuyến thượng thận và các tuyến nội tiết khác ; tăng cường khả năng chống lạnh cho cơ thể ; chống ung thư và làm chậm quá trình lão hoá...Có nhiều phương thức cứu huyệt khác nhau, cách lựa chọn huyệt vị để cứu cũng rất phong phú, dưới đây xin được giới thiệu ba phương pháp điển hình

1. Cứu huyệt Túc tam lý.
     Túc tam lý là huyệt nằm trên đường kinh Vị, có công dụng điều lý tỳ vị, kiện vận tỳ dương, ôn trung tán hàn, bổ trung ích khí, điều hoà khí huyết, tuyên thông khí cơ, đạo khí thượng hành, phù bản cố nguyên, bổ hư cường thân. Y thư cổ có câu : “Đỗ phúc Tam lý lưu”, ý muốn nói cứu huyệt vị này có thể phòng chống các bệnh lý đường tiêu hoá. Sách “Thiên kim phương” cũng cho rằng huyệt này “chủ về phúc trung trướng mãn, tràng trung lôi minh, khí thượng xung hung”. Trong dân gian Nhật bản lưu truyền câu tục ngữ : “Nhược yếu an, Tam lý mạc yếu can”, nghĩa là muốn khoẻ mạnh và sống lâu thì huyệt Túc tam lý không được để cho khô, ý là phải cứu huyệt vị này liên tục. Bởi vậy, Túc tam lý còn được gọi là Trường thọ huyệt hay Vô bệnh trường thọ huyệt.
     Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu Túc Tam lý đặc biệt có tác dụng kháng lão rõ rệt thông qua việc cải thiện hàng loạt các chỉ tiêu về tuần hoàn, hô hấp, thần kinh, tiết niệu, nội tiết, miễn dịch và vận động ở người có tuổi và cao tuổi. Cách xác định huyệt : sờ bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài một khoát ngón tay là vị trí của huyệt, khi ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân.

2. Cứu huyệt Tuyệt cốt
     Còn gọi là huyệt Huyền chung, là huyệt nằm trên đường kinh Đởm, có công dụng bình can tức phong, tăng tinh ích tủy, thư cân hoạt lạc, lý khí chỉ thống. Y thư cổ “Tuân sinh bát tiên” viết : “Vào đầu tháng hai,nên cứu Tuyệt cốt 7 mồi để tiết độc khí, sang mùa hè sẽ không còn bệnh cước khí xung tâm nữa”. Sách “Giáp ất” cho rằng : “Tuyệt cốt là lạc huyệt của Túc tam dương” hay nói khác đi là đại lạc của ba kinh dương là Túc thiếu dương, Túc thái dương và Túc dương minh nên có công dụng bổ dương. Nếu như chứng âm hư thì phải bổ huyệt Tam âm giao để dưỡng âm thì trong chứng dương hư phải bổ huyệt Tuyệt cốt để tráng dương.
     Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu Tuyệt cốt cũng có tác dụng nâng cao sức miễn dịch, chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ. Các nhà y học cổ truyền Trung quốc thường dùng huyệt vị này để điều trị các bệnh lý liên quan đến xương tủy, đặc biệt là tình trạng thiếu máu, suy tủy, giảm thiểu bạch cầu. Cách xác định huyệt : đo từ mắt cá ngoài chân lên ba thốn, sát bờ trước xương mác, ấn vào có cảm giác tê tức. Khi cứu Tuyệt cốt cần chú ý cứu cho tới khi da ửng hồng lên, cảm giác ngứa chuyển thành đau là được.

3. Cứu huyệt Thần khuyết
     Là huyệt nằm ở trung tâm của rốn, thuộc mạch Nhâm, có công dụng ôn bổ nguyên khí, kiện vận tỳ vị, hồi dương cứu nghịch. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu huyệt Thần khuyết đặc biệt có tác dụng điều tiết và nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể, bảo hộ niêm mạc và cải thiện công năng hấp thu của đường tiêu hoá. Thần khuyết thường được cứu cách muối, cách gừng hoặc cách bột thuốc. Trong dân gian lưu truyền một phương pháp cứu Thần khuyết rất độc đáo có tác dụng bảo kiện trường thọ cực tốt, có tên gọi là Thần khuyết cứu tề pháp : lấy sinh ngũ linh chi 24g, thanh diêm 15g, nhũ hương 3g, một dược 3g, dạ minh sa 6g (sao qua), mộc thông 9g, can thông đầu 6g, xạ hương một chút xíu, tất cả đem tán thành bột thật mịn. Khi cứu, lấy vài thìa bột mì hoà với nước rồi nặn thành cái vành tròn úp ngay ngắn lên lỗ rốn, lấy 6g bột thuốc đổ vào lỗ rốn rồi dùng một miếng vỏ cây hoè mà đốt bởi một nén hương, cứ bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu lửa, mỗi tháng cứu 1 lần, cứu vào giờ Ngọ là tốt nhất.
     Y thư cổ “Vệ sinh chân quyết” của La Hồng Tiên thời nhà Minh (Trung Quốc) đặt tên cho phương pháp này là “Cách chưng tê cố cơ của Tây Vương Mẫu” vì tương  truyền rằng cách cứu huyệt vị này được Tây Vương Mẫu truyền cho Đông Phương Sóc, Đông Phương Sóc truyền cho Bão Phác Tử, Bão Phác Tử truyền cho Bành Tổ, Lưu Hải và Lã Tổ mà giữ gìn cho đến ngày nay. Trên thực tế, trong thời buổi hiện đại, nhịp sống hết sức bận rộn khẩn trương, chúng ta có thể tự chế hoặc mua những mồi hoặc điếu ngải chế sẵn rồi cứu cách gừng, cách tỏi hoặc cách muối vào rốn thường xuyên cũng có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao sức khoẻ, dự phòng bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.


                                                                                       Hoàng Khánh Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét