Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

dưỡng sinh mùa đông

NGUYÊN TẮC DƯỠNG SINH MÙA ĐÔNG


     Phép dưỡng sinh là một trong những di sản quý giá của y học cổ truyền phương Đông. “Dưỡng” là nuôi dưỡng, bảo vệ ; “sinh” là sự sống, mạng sống ; dưỡng sinh còn gọi là “bảo sinh”, “nhiếp sinh”, “đạo sinh”...chính là những hoạt động tích cực của con người nhằm thích nghi ngày càng tốt hơn với môi trường tự nhiên và xã hội để gìn giữ, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ. Một trong những nguyên tắc chung hết sức quan trọng của phép dưỡng sinh là phải “thuận theo tự nhiên”, mà tự nhiên lại có bốn mùa, cho nên trong mỗi mùa lại có những nguyên tắc riêng mà con người phải tuân thủ nghiêm ngặt nếu như muốn thu được hiệu quả thực sự. Vậy, trong mùa đông, phép dưỡng sinh cần chú ý những gì ?

1. Thu đông dưỡng âm : Đây là nguyên tắc dưỡng sinh cơ bản của hai mùa thu và mùa đông căn cứ vào quy luật thay đổi âm dương trong giới tự nhiên và nhân thể đã được bàn đến trong “ Nội kinh”, y thư cổ đại nổi tiếng của y học cổ truyền phương Đông. Cổ nhân cho rằng, con người tương ứng với trời đất, sinh mệnh của con người cũng giống như vạn vật trong thế giới tự nhiên, là kết quả của sự kết hợp giữa âm khí và dương khí,  âm khí có tác dụng dưỡng ẩm cơ thể, thúc đẩy sự sinh trưởng phát dục và sự sinh sôi nảy nở của vạn vật. “Dưỡng âm” tức là dựa vào đặc tính âm khí hướng nội và tiềm tàng bên trong cơ thể làm cho âm khí tích tụ và tiềm phục bên trong. Mùa đông là quãng thời gian âm khí thịnh nhất, thực vật tự thu mình, động vật chìm vào giấc ngủ đông, cơ thể con người nếu muốn có được sự tương thích với âm khí trong giới tự nhiên thì cần phải làm cho âm khí trong cơ thể không ngừng được bổ xung và duy trì. “Dưỡng âm” có thể hiểu theo các góc độ : (1) Thuận âm : tức là nuôi dưỡng duy trì âm khí trong tâm và trong cơ thể dựa theo đặc tính thu tàng âm khí. Cần phải giữ cho tinh thần yên tĩnh thoả mái, vui vẻ, lạc quan, tránh lo âu buồn phiền, nên ngủ sớm dậy muộn. Trong hoạt động hàng ngày cần tránh để da tiếp xúc quá nhiều với không khí lạnh khiến cho các lỗ chân lông mở rộng, quần áo mặc phải đủ ấm và mềm mại để âm khí có thể tích trữ trong cơ thể, ngoài ra còn có thể uống thuốc để nuôi dưỡng bù đắp lượng dương khí thiếu hụt. (2) Hộ âm : có nghĩa là bảo vệ âm khí, tránh làm cho âm khí bị tổn thương hay thiếu hụt quá nhiều. Nói về chuyện sinh hoạt vợ chồng, cổ nhân có câu “ xuân nhất, hạ nhị, thu nhất, đông vô”, ý muốn nhắc nhở mọi người rằng trong mùa đông, âm khí trong cơ thể rơi vào trạng thái tiềm ẩn, bởi vậy nên hạn chế việc quan hệ tình dục để tránh tổn thương âm khí. Mặt khác, trước cái lạnh của mùa đông, mọi người chỉ chú trọng đến sự dễ chịu trước mắt bằng cách lấy cái nóng để xua tan đi cái lạnh mà quên mất rằng trong cơ thể chúng ta vẫn tiềm ẩn dương khí, dương khí thịnh cả trong lẫn ngoài cơ thể khiến âm khí bên trong bị tổn thương. Bởi vậy, trong quá trình ăn ở sinh hoạt, mọi người cần chú ý bảo vệ âm khí trong nội tạng cơ thể, ví dụ mặc áo, đắp chăn không nên quá dày, không nên ăn hoặc uống các đồ quá nóng, nếu không sẽ làm tổn thương âm khí bên trong cơ thể. (3) Tư âm tiềm dương : Dưỡng âm trong mùa đông có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ cơ thể vào mùa xuân, nó là cơ sở để dưỡng dương trong mùa xuân. Dưỡng âm trong mùa đông  lấy việc dưỡng thận làm cơ sở, nếu làm trái với quy luật này, không những làm tổn thương thận khí mà còn làm cho can khí thiếu chất bồi bổ, dẫn đến các chứng bệnh như bại liệt, hôn mê vào mùa xuân. Dưỡng âm trong mùa thu và mùa đông, làm sung mãn âm khí là cách duy nhất để dương khí được tiềm tàng.
2. Xua đi giá lạnh bằng ôn nhiệt : Vào mùa đông, nhiệt độ không ngừng xuống thấp, thêm vào đó là những đợt không khí lạnh tăng cường làm đảo lộn cuộc sống thường nhật của con người, khiến cơ thể mất đi sự cân bằng sinh lý, khả năng đề kháng chống lại bệnh tật suy yếu, dễ dẫn đến mắc các chứng bệnh. Thời tiết quá lạnh có tác động rất lớn đến sức khoẻ của con người, bởi vậy, vào mùa đông chúng ta nên chú ý giữ ấm cho cơ thể, tránh để cơ thể tiếp xúc với không khí lạnh. Nên ngủ sớm dậy muộn, chịu khó phơi nắng, quần áo mặc đủ ấm và mềm mại, đội mũ giữ nhiệt tránh cho nhiệt của cơ thể bị khuếch tán, ăn nhiều đồ ăn nóng để tăng nhiệt lượng, dinh dưỡng và nâng cao sức chịu rét cho cơ thể. “Dưỡng âm” tức là phải tăng cường âm khí cho cơ thể, âm khí và tính “hàn” lại thống nhất với nhau, điều này có vẻ mâu thuẫn với nguyên tắc tránh rét. Ở đây chúng ta cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa âm khí và khí lạnh. Âm khí là yếu tố không thể thiếu trong cơ thể, là cơ sở vật chất trong sự sống của con người, nó có thể bổ xung cho máu của cơ thể, còn khí lạnh là chỉ hàn tà quá mạnh, nó có thể làm tổn thương dương khí trong cơ thể, người xưa gọi đó là “âm thắng tắc dương bệnh”. Dưỡng sinh trong mùa đông, một mặt cần phải chú ý duy trì âm khí trong cơ thể luôn trong trạng thái bình thường, mặt khác, cần dùng phương pháp ôn nhiệt để xua đi tà khí xâm nhập vào cơ thể, bởi vậy, “dưỡng âm” và “tựu ôn tị hàn” hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau mà thống nhất trong một chỉnh thể.
3. Dưỡng thận trong mùa đông : Thận và mùa đông có mối quan hệ rất mật thiết, danh y Trương Cảnh Nhạc đã chỉ ra rằng: “Dĩ đông hàn chi khí dĩ dưỡng thận” có nghĩa là thận thuộc hành thuỷ trong ngũ hành, khi thời tiết chuyển sang lạnh, cơ thể con người thường phát sinh các bệnh về thận. “Thận” là khái niệm được dùng phổ biến trong Đông y, nó có quan hệ với quả thận trong y học hiện đại, tuy nhiên “thận” trong đông y và “thận” trong tây y không hoàn toàn đồng nhất. Xét về mặt hình thái, “thận” trong đông y và “thận” trong tây không có điểm gì khác nhau, tuy nhiên xét về mặt chức năng, “thận” trong đông y có những đặc thù riêng và rộng lớn hơn nhiều. Theo quan điểm của đông y, thận có 2 chức năng chính : thứ nhất, thận thúc đẩy sự sinh trưởng, phát dục và sinh sản của cơ thể, hay còn được gọi là “thận chủ tàng tinh” ; thứ hai, thận điều tiết hoạt động trao đổi chất và sinh lý trong cơ thể, chức năng này được thực hiện thông qua thận âm và thận dương. Chức năng chủ yếu của thận dương là thúc đẩy quá trình cung cấp nhiệt, vận động, hưng phấn và hoá khí của cơ thể. Để nhấn mạnh tính quan trọng của thận dương, các nhà y học cổ đại đã đặt cho nó những cái tên như: “chân dương, nguyên dương, chân hoả”, đồng thời họ thường dùng mặt trời để ví với thận dương, điều này chứng tỏ thận dương rất được các nhà y học thời xưa coi trọng. Nếu dương thận yếu, quá trình trao đổi chất trong cơ thể sẽ diễn ra yếu ớt dẫn đến hiệu quả sản sinh nhiệt kém. Cơ thể có cảm giác sợ lạnh, chân tay giá, tinh thần ủ rũ, phản ứng chậm, đó là biểu hiện của “hoả lực bất túc”. Thận âm có tác dụng giữ ẩm và dưỡng ẩm cho cơ thể. Các nhà y học cổ đại gọi đó là “chân âm”, “nguyên âm” hoặc “chân thuỷ”, tác dụng của thận âm và thận dương trái ngược nhau, chi phối nhau, chúng có tác dụng điều tiết hoạt động bài tiết và chức năng cũng như duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Ngoài ra, đông y cho rằng, khi thận chủ bài tiết nước, thận âm mở thận dương hợp, âm dương cân bằng, dịch niệu bài tiết một lượng vừa phải, trái lại, khi âm dương mất cân bằng sẽ dẫn đến hoạt động bài tiết diễn ra không bình thường, âm thận dương suy sẽ làm cho dịch niệu sản sinh ra nhiều.
Dưỡng thận trong mùa đông và hành “thuỷ” có mối quan hệ mật thiết, trung tâm của việc dưỡng thận đó là thận thuỷ. Sự trao đổi chất diễn ra yếu, hoạt động sản sinh nhiệt kém, năng lượng sản sinh ra ít, tinh thần ủ rũ, lưỡi nhạt... là những biểu hiện của thận hư. Dưỡng thận vào mùa đông là quan điểm truyền thống của Đông y trong việc dưỡng sinh đảm bảo sức khoẻ, dưỡng thận vào mùa đông không những có thể phòng chống một số bệnh phát sinh mà còn có thể tăng cường sức khoẻ cơ thể. Bởi vậy vào mùa đông, trong các hoạt động thường ngày, trong sinh hoạt vợ chồng và châm cứu chữa bệnh cần chú ý điều dưỡng thận.
4. Dưỡng sinh các tạng phủ khác trong mùa đông : Theo quan điểm của đông y, tinh khí ngũ tạng thay đổi theo thời tiết và biến đổi theo chu kỳ, vào mùa đông, hai tạng thận và gan hoạt động mạnh làm cho tinh khí thận sung mãn nhất, tinh khí gan bắt đầu tăng. Trái lại, trong mùa đông, tinh khí tạng phổi bắt đầu suy giảm, tinh khí tạng tì giảm một cách rõ rệt, tinh khí tạng tim giảm xuống giới hạn thấp nhất, bởi vì lúc này các tạng tim, phổi, lá lách ở trạng thái yếu, trong đó tạng gan và tạng lá lách yếu nhất. Điều này có quan hệ tới lý luận “ngũ hành sinh khắc” trong Đông y. Mùa đông tương ứng với hành thuỷ, thận thuộc hành thuỷ, do vậy thận khí sung mãn nhất vào mùa đông, thuỷ khắc hoả, hoả lại ứng với tạng tâm bởi vậy tạng tâm yếu nhất ; thuỷ sinh mộc, gan thuộc hành mộc bởi vậy can khí tương đối mạnh, mộc khắc thổ, tạng tỳ lại thuộc hành thổ, vì thế tạng tuỵ tương đối yếu.
Dưỡng sinh trong mùa đông, ngoài việc chú ý tới tạng thận và gan ra còn phải thường xuyên bổ trợ cho tâm và tỳ. Tâm khí yếu vào mùa đông là một trong những cơ chế “dương khí tiềm phục”, bởi vậy không nên ăn quá nhiều các loại thực phẩm có tính sinh nhiệt. Trong mùa đông, dưỡng sinh không đúng phương pháp có thể làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa tạng thận và tạng tâm. Bình thường, tâm hoả ở mức cao cần hạ thấp xuống dưới mức thận hoả, thận hoả ở mức thấp sẽ tăng lên trên mức tâm hoả để duy trì các chức năng sinh lý trong cơ thể con người. Đây cũng chính là nguyên tắc “ tâm thận tương giao”, nếu mối quan hệ này bị phá vỡ sẽ làm thận tích nước hoặc sinh ra các chứng bệnh khác. Bởi vậy, dưỡng sinh trong mùa đông còn cần phải chú ý làm hài hoà mối quan hệ giữa hai tạng tâm và thận. Đông y cũng cho rằng phổi làm chủ quá trình thở khí, thận làm chủ quá trình nạp khí, phổi là thượng nguồn của nước, thận chủ trì quá trình lọc và thay thế nước, thận và phổi có mối quan hệ khá mật thiết trên hai phương diện này. Bởi vậy, dưỡng thận vào mùa đông cần phải chú ý điều dưỡng phổi, bổ trợ âm khí để tránh phát sinh các chứng bệnh do mất cân bằng giữa phổi và thận như hen xuyễn, phù thũng…
5. Dưỡng sinh trong Đông chí : Đông chí là thời khắc chuyển giao âm khí và dương khí trong giới tự nhiên, nếu môi trường bên ngoài ở vào trạng thái không ổn định, quá trình vận hành khí huyết âm dương tất yếu sẽ phát sinh những biến đổi tương ứng. Bồi bổ trong những ngày đông chí đã trở thành thói quen truyền thống dân gian, khi cơ thể được bồi bổ, các chất dinh dưỡng sẽ chuyển hoá thành năng lượng và được tích trữ trong cơ thể. Đông chí là thời điểm chuyển giao khi âm khí lên tới đỉnh điểm, dương khí bắt đầu hình thành, bởi vậy tầm bổ vào lúc này rất có lợi cho hoạt động sinh sôi phát triển dương khí trong cơ thể, tạo cơ sở để duy trì sức khoẻ cơ thể trong năm tới. Từ đó có thể thấy Đông chí có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động dưỡng sinh vào mùa đông.
                                                                                         Hoàng Khánh Toàn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét