Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Tập thở để thanh lọc cơ thể

TẬP THỞ ĐỂ THANH LỌC CƠ THỂ


     Thường thì khi nói đến thanh lọc cơ thể người ta chỉ nghĩ đến việc lựa chọn và sử dụng những đồ ăn thức uống hoặc các loại thuốc và thực phẩm chức năng nào đó có công dụng giải độc và làm sạch nhân thể mà ít ai nghĩ rằng động tác thở cũng là một trong những phương cách hữu ích trong vấn đề này.
     Như chúng ta đều biết, trong quá trình chuyển hóa thay cũ đổi mới cơ thể chúng ta sản sinh và thải ra bên ngoài rất nhiều thán khí và đồng thời cũng cần hấp thu một lượng dưỡng khí không nhỏ. Lượng thán khí được thải ra càng triệt để bao nhiêu, lượng dưỡng khí đưa vào càng tận thu bao nhiêu thì cơ thể càng khỏe mạnh bấy nhiêu, đúng như các dưỡng sinh gia đời xưa đã nói : “Hơi thở cũng giống như cái bánh đà trong một guồng máy, nó truyền và điều khiển sức sống trong cơ thể chúng ta”. Nhưng vấn đề là ở chỗ, thở như thế nào để đạt được hiệu quả thanh lọc cơ thể ở mức cao nhất ? Nghĩa là chúng ta phải biết cách thở, phải đưa động tác thở vốn mang tính tự phát sang tính tự giác với ý định điều khiển một cách chủ động. Đó chính là phép luyện khí dưỡng sinh nhằm thanh lọc cơ thể của y học phương Đông.
     Về nguyên tắc, động tác thở cơ bản là thở sâu, thở êm và thở dài. Thở sâu làm thông khí dễ dàng trong hai lá phổi và bằng cách tạo ra một áp suất âm trong khoang ngực, sự thở sâu tác động như một cái bơm hút máu từ các tĩnh mạch tuần hoàn qua tim. Do dung tích tăng lên, phổi chứa được nhiều máu hơn và do máu được tiếp xúc với khí trong phổi nhiều hơn nên sự trao đổi khí diễn ra triệt để hơn, việc thanh lọc thán khí và cung cấp dưỡng khí cần thiết cho cơ thể cũng được đảm bảo tốt hơn.
     Cơ sở của mọi phép luyện khí dưỡng sinh là phép thở đầy đủ. Phép thở đầy đủ là sự tổng hợp của ba cách thở : thở trên, thở giữa và thở dưới. Thở trên, còn gọi là thở xương đòn, là cách thở chỉ có bộ phận trên của ngực và phổi hoạt động nên lượng không khí qua phổi là thấp nhất. Thở giữa, còn gọi là thở liên sườn, lúc thở vào cơ hoành đưa lên, bụng thót lại, ngực phình ra, một bộ phận phổi cũng nở rộng. Hầu hết chúng ta thường thở theo cách này. Thở dưới, còn gọi là thở cơ hoành, khi thở ra thì cơ hoành cong khum lên, bụng thót lại và khi thở vào, cơ hoành hạ xuống nén các phủ tạng ở bụng về phía dưới và đẩy bụng phình ra phía trước.
     Cách thở trên chỉ làm đầy không khí cho phần trên của phổi, cách thở giữa làm đầy không khí phần giữa và một phần nhỏ dưới phổi, còn cách thở dưới  làm tràn đầy không khí cho toàn bộ phần giữa và dưới của phổi. Như vậy, cách thở thứ ba là cách thở tốt nhất. Song cách thở này cũng không làm đầy không khí trong toàn bộ hai lá phổi. Chỉ có trong phép thở đầy đủ, phép thở tổng hợp được cả ba cách thở nêu trên thì mới đem lại hiệu quả tối đa cho việc thanh lọc thán khí và cung cấp dưỡng khí cho cơ thể.
     Trong phép thở đầy đủ, khi thở vào, thoạt tiên cơ hoành hạ xuống, bụng từ từ phình ra phía trước, không khí đi vào phần dưới phổi. Sau đó ta giương ngang các xương sườn phần dưới và giữa lồng ngực sao cho từng chút một không khí thâm nhập vào phần giữa của hai lá phổi. Cuối cùng, ta làm lồng ngực nở bồng hết và không khí đi vào phần trên của phổi. Ở giai đoạn cuối này, ta thót bụng lại để làm giá tựa cho phổi, đồng thời để cho các thùy phổi bên trên chứa đầy không khí. Phép thở này hình như là một động tác gồm ba giai đoạn tách biệt nhau nhưng thực ra không phải như vậy. Vì, khi thở ta thực hiện liên tục không đứt đoạn từ động tác này sang động tác khác. Nhìn nghiêng, phép thở đầy đủ là một động tác thống nhất, từ từ và lượn sóng, bắt đầu từ nơi bụng. Khi đã tập quen rồi ta có thể chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác một cách thuần thục. Khi thở ra, ta bắt đầu thở từ từ qua mũi theo đùng thứ tự như khi thở vào : thoạt đầu thót bụng lại, ép các xương sườn tự do vào nhau, cuối cùng hạ vai và xương đòn xuống, không khí ở phần dưới phổi đi ra trước rồi sau đến không khí phần giữa và trên phổi.
     Ngoài ra, điều quan trọng trong phép luyện thở dưỡng sinh nhằm thanh lọc cơ thể của y học phương Đông không phải chỉ là thở đầy đủ mà còn phải thở có nhịp điệu, lấy nhịp đập của tim làm cơ sở cho nhịp thở. Một lần thở sâu thường gồm hai đơn vị thở vào và thở ra. Nhưng một lần thở theo phép thở đầy đủ gồm 4 khâu : thở vào, nín thở, thở ra và nghỉ. Có nhiều quan điểm khác nhau về tỷ lệ thời gian cho từng khâu. Đa số cho rằng tỷ lệ thời gian của các khâu là 1:4:2:1, làm như vậy tương đối nặng. Đối với những người mới tập, tỷ lệ này nên là 1:2:1:1. Nếu như thở vào là 6 nhịp tim thì nín thở trong 12 nhịp tim. Và nếu kiên trì luyện tập thì khi thở vào có thể lên tới 12 nhịp tim.
     Có thể thấy, luyện thở dưỡng sinh cũng là một trong những phương cách nhằm thanh lọc cơ thể, mà cụ thể là thanh lọc thán khí và các chất khí độc hại khác sản sinh trong quá trình chuyển hóa nội sinh hoặc giả bị xâm nhập từ bên ngoài vào trong nhân thể. Không những thế, phép thở này còn giúp cho cơ thể hấp thu được một lượng tối đa dưỡng khí thiết yếu vốn luôn sẵn có xung quanh chúng ta cho mọi hoạt động của tạng phủ mà không mất bất kỳ một đồng xu nào so với việc tìm mua thuốc, thực phẩm chức năng hay các loại thực phẩm đắt đỏ để thanh lọc cơ thể.


                                                                                    Hoàng Khánh Toàn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét