Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

TRÀ DƯỢC DƯỠNG SINH TRƯỜNG THỌ

 DƯỠNG SINH TRƯỜNG THỌ BẰNG TRÀ DƯỢC


     Tết đến Xuân về, bên cạnh những đồ giải khát của thời hiện đại, có gia đình nào trên bàn tiếp khách lại thiếu vắng ấm trà. Người ta uống trà để giải khát, để giã rượu tiêu cơm, để hưng phấn và tỉnh táo, để nhâm nhi mà bàn chuyện đạo lý và sự đờiNhưng, chắc hẳn không phải ai cũng biết rằng : uống trà đúng cách còn giúp cho người ta có thể sống khoẻ hơn và sống lâu hơn, điều mà ai nấy đều mong mỏi và cầu chúc cho nhau mỗi dịp Xuân về.
     Y học cổ truyền phương Đông đã nhận biết công năng và sử dụng trà làm thuốc chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ từ rất sớm. Y thư cổ Thần nông bản thảo kinh đã từng khen trà là thứ thuốc “vị khổ hàncửu phục an tâm ích khíkhinh thân nại lão” (vị đắng tính hànuống lâu ngày có công dụng an tâm ích khílàm nhẹ mình và sống lâu). Rồi dần theo thời gian, ngoài việc dùng trà hãm uống đơn thuần, cổ nhân còn nghĩ ra cách cho thêm vào ấm trà một số vị thuốc hoặc thậm chí chỉ mượn phương thức pha và uống mà dùng thuốc thay trà để bồi bổ cơ thể, nâng cao sức khoẻ nhằm mục đích phòng chống lão hoá và kéo dài tuổi thọ. Từ đó, hình thành nên loại hình dùng thuốc hết sức đặc biệt, được gọi là Trà dược dưỡng sinh trường thọ.
@ - Trà dược dưỡng sinh trường thọ là gì ?
     Trà dược, có thể hiểu một cách đơn giản theo hai nghĩa : Nghĩa hẹp, là để chỉ các loại chế phẩm dùng trà hoặc lấy trà làm chủ phối hợp với một số vị thuốc khác nhằm mục đích phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ con người ; Nghĩa rộng, là để chỉ dạng thuốc bao gồm một hay nhiều loại dược liệu được chế biến và sử dụng giống như trà uống hàng ngày nhưng kỳ thực không hề có chút lá trà nào trong thành phần, người ta gọi là “dĩ dược đại trà” (lấy thuốc thay trà).
     “Dưỡng” là nuôi dưỡng, bảo vệ ; “sinh” là sự sống, mạng sống ; dưỡng sinh, còn gọi là “bảo sinh”, “nhiếp sinh”, “đạo sinh”, có nghĩa là bảo vệ và nuôi dưỡng sinh mạng. Trà dược dưỡng sinh trường thọ chính là một loại chế phẩm dùng trà đơn thuần, dùng trà phối hợp với các vị thuốc hoặc dùng thuốc thay trà để phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ.
@ - Trà dược dưỡng sinh trường thọ có từ bao giờ ?
     Thật khó có thể nói mốc thời gian chính xác, nhưng qua ghi chép trong các y thư cổ có thể nói rằng : trà dược nói chung và trà dược dưỡng sinh trường thọ nói riêng đã có một lịch sử phát sinh, tồn tại và phát triển lâu đời. Như trên đã nói, Thần nông bản thảo kinh là cuốn y thư cổ nói đến công dụng “khinh thân bất lão” của lá trà sớm nhất. Rồi sau đó các sách thuốc cổ khác như  Thần nông thực kinh, Ngoại đài bí yếu, Hoà tễ cục phương, Thái bình thánh huệ phương...đã lần lượt bàn luận và ghi lại một khối lượng lớn các phương trà dược mà trong thành phần có hoặc không hề có một chút lá trà nào, trong đó nhiều loại trà dược có công dụng dưỡng sinh trường thọ. Những năm gần đây, trà dược ích thọ ngày càng được chú ý sưu tầm, chỉnh lý, nâng cao và sáng tạo ra nhiều phương mới nhằm không ngừng đáp ứng nhu cầu sống khoẻ và sống lâu của con người.
@ - Có mấy loại trà dưỡng sinh trường thọ ?
     Căn cứ vào thành phần, cách chế, loại hình sử dụng mà người ta chia trà dược dưỡng sinh trường thọ thành nhiều loại khác nhau. Tuỳ theo thành phần có thể chia làm ba loại : trà diệp đơn hành (chỉ dùng duy nhát lá trà), trà dược tương phối (dùng phối hợp trà và các vị thuốc) và dĩ dược đại trà (dùng thuốc thay trà). Tuỳ theo cách chế có thể chia thành hai loại : trà hỗn hợp là đem các vị thuốc có trong thành phần sấy khô, tán vụn rồi trộn đều và trà đóng bánh là tán dược liệu thành bột thô rồi trộn với hồ hoặc một vị thuốc có chất dính để đóng thành bánh. Tuỳ theo dạng sử dụng mà chia thành các loại như trà hãm, trà ngâm, trà hầm, trà sắcvà đặc biệt là trà tan, đây là dạng trà được chế biến theo công nghệ hiện đại bằng cách đưa dung dịch trà thuốc đã được xử lý theo quy trình pha chế thích hợp vào máy sấy phun sương (spray - drayer) để làm khô thành dạng bột trà dượcanraats tiện sử dụng và bảo quản.
@ - Tại sao trà dược lại có thể kéo dài tuổi thọ ?
     Trước hết, là do công dụng tuyệt vời của lá trà. Theo dược học cổ truyền, trà có thể vào được cả 5 đường kinh quan trọng là Tâm, Can, Tỳ, Phế và Thận, có công năng thanh đầu mục, trừ phiền khát, hoá đàm, tiêu thực, lợi niệu, giải độcNhiều y thư cổ gọi trà là “vạn bệnh chi dược” (thuốc chữa vạn bệnh), điều này không nên hiểu là khi bị bất cứ bệnh gì đều có thể dùng trà để chữa, mà ý nghĩa sâu xa là ở chỗ : nếu dùng trà thường xuyên và đúng cách thì có thể dự phòng và tránh được nhiều loại bệnh tật. Bởi thế, cổ nhân đã xếp trà vào nhóm các vị thuốc có công dụng “trị vị bệnh” (dự phòng bệnh tật, chữa bệnh từ khi bệnh chưa hoặc mới phát và phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra khi đã mắc bệnh).
     Kể từ thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay, trà đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu sâu rộng của nhiều nhà khoa học và càng ngày người ta càng phát hiện ra nhiều tác dụng quý giá của trà. Ngoài những công dụng đã biết từ lâu như giải nhiệt chống khát, lợi niệu giải độc, kháng khuẩn tiêu viêm, kích thích tiêu hoá, tăng hưng phấn và cải thiện trí nhớ, chống viêm loét đường tiêu hoá, sáp tràng cầm đi lỏng, chống dị ứng, dự phòng sự hình thành sỏi tiết niệu và đường mật, kết quả nghiên cứu hiện đại còn cho thấy : trà có khả năng tăng cường chức năng miễn dịch, làm giảm mỡ máu, chống ôxy hoá và tiêu trừ các gốc tự do, chống phóng xạ, chống mệt mỏi và làm chậm quá trình lão hoá, làm giảm đường máu, dự phòng các bệnh lý như rối loạn tuần hoàn não, đái đường, gút, béo phì, cường giáp trạng, tình trạng thiếu máu và sinh tố, đặc biệt trà còn có khả năng phòng chống ung thư. Bởi vậy, công dụng dưỡng sinh trường thọ của trà là hoàn toàn có cơ sở khoa học.
     Thứ đến, là do công dụng của các vị thuốc y học cổ truyền. Tuỳ theo sự lựa chọn, bào chế, phối ngũ, liều dùng và cách dùng các vị thuốc khác nhau mà tạo nên các loại trà dược dưỡng sinh trường thọ khác nhau. Ngoài thành phần chủ yếu là các vị thuốc bổ (bổ khí, bổ huyết, bổ âm hoặc bổ dương) theo quan niệm của dược học cổ truyền, người ta còn dùng thêm một số  vị thuốc bệnh theo nguyên tắc “dĩ công vi bổ” (lấy công làm bổ) để nhằm mục đích cuối cùng là bồi bổ chính khí, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, làm chậm quá trình lão hoá và kéo dài tuổi thọ, cổ nhân gọi là “dưỡng sinh diên thọ”. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh : thuốc bổ của y học cổ truyền có khả năng tăng cường và điều tiết chức năng miễn dịch của cơ thể ; cải thiện tình trạng vi tuần hoàn, làm tăng lưu huyết não, tăng khả năng ghi nhớ và sức chú ý, từ đó hạn chế và làm chậm quá trình lão hoá của não ; đồng thời còn ảnh hưởng tích cực tới quá trình chuyển hoá vật chất, tới hệ thống nội tiết, tuần hoàn, tiêu hoá, tạo huyết và vận độngBởi vậy, công năng dưỡng sinh trường thọ của các vị thuốc bổ trong y học cổ truyền cũng là điều dễ hiểu.
@ - Một số loại trà dược dưỡng sinh trường thọ điển hình
   * Nhân sâm cố bản trà :  Nhân sâm 120g, mạch môn 240g, thiên môn 240g, thục địa 240g, sinh địa 240g. Tất cả sấy khô tán vụn, mỗi ngày dùng 40 - 50g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : ích khí dưỡng âm, phù chính cố bản, diên niên ích thọ ; dùng thích hợp cho những người thể chất gầy yếu, có bệnh lý hô hấp mạn tính, hay có cảm giác khó thở, môi khô miệng khát, đại tiện táoĐây là loại trà được ghi trong y thư cổ Trương thị y thông.
   * Ngũ phúc ẩm trà :  Thục địa 9g, đương quy 9g, nhân sâm 6g, bạch truật 6g, chích thảo 6g, gong tươi 3 lát, đại táo 2 quả. Tất cả tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 - 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : bổ khí dưỡng huyết, khứ bệnh diên niên ; dùng thích hợp cho những người trung lão niên ngũ tạng khí huyết suy nhược, sắc mặt nhợt nhạt, tinh thần mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, hay quênĐây là loại trà được ghi trong y thư cổ Cảnh Nhạc toàn thư.
   * Diên niên ích thọ bất lão trà :  Hà thủ ô 240g, địa cốt bì 120g, bạch linh 120g, sinh địa 90g, thục địa 90g, mạch môn 90g, thiên môn 90g, nhân sâm 90g. Tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày dùng 30 - 50g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 - 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : bổ thận ích tinh, ích thọ diên niên, dùng thích hợp cho những người trung lão niên thể chất suy nhược, mắc nhiều bệnh mạn tính, tinh thần mệt mỏi, dễ vã mồ hôi, lưng đau gối mỏi, đầu choáng mắt hoa, liệt dương, di tinh, suy giảm khả năng tình dục
   * Khứ bệnh diên niên trà :  Trà 1000g, hoa sen 2 đoá, hoa quế 60g, hoa đào 20g, cúc hoa 60g, nhan sâm 60g, kỷ tử 250g, đường phèn 250g. Các vị thuốc sấy khô, tán vụn, mỗi ngày dùng 20g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, chế thêm một chút đường phèn, uống thay trà trong ngày. Công dụng : bổ ích nguyên khí, thanh điều ngũ tạng lục phủ, mỹ dung cường thận, điều lý âm dương, dùng lâu có thể khứ bệnh diên niên, dưỡng sinh ích thọ ; dùng thích hợp cho những người từ 40 tuổi trở lên.
   *Thủ ô giáng chi trà :  Đan sâm 20g, hà thủ ô 10g, cát căn 10g, tang ký sinh 10g, hoàng tinh 10g, cam thảo 6g, trà 6g. Tất cả sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : làm giảm mỡ máu, thông mạch, hoạt huyết khứ ứ, bổ âm ích khí ; dùng thích hợp cho những người bị rối loạn lipid máu, béo bệu, đầu choáng mắt hoa, ngực bụng đầy tức, ăn kém chậm tiêu, mắc các bệnh tim mạch. Đây là loại trà được ghi trong sách Kỳ hiệu lương phương tập thàn.
   * Ngũ tử diễn tông trà :  Kỷ tử 240g, thỏ ty tử 240g, phúc bồn tử 120g, xa tiền tử sao 60g, ngũ vị tử 30g. Các vị sấy khô, mỗi ngày dùng từ 20 - 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : bổ thận ích tinh, ích thọ diên niên ; chuyên dùng cho những người cơ thể suy nhược, nam giới liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm, suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng ; nữ giới muộn con, suy giảm ham muốn tình dục, lưng đau gối mỏi, dầu choáng mắt hoa, rối loạn kinh nguyệt, tóc bạc sớmĐây là loại trà được ghi trong y thư cổ Y học nhập môn.
     Có thể thấy, trà dược dưỡng sinh trường thọ là một trong những phương thức dùng thuốc hết sức độc đáo của y học cổ truyền phương Đông. Chúng khá tự nhiên, dễ kiếm, dễ chế, dễ dùng và rất rẻ tiền. Điều cơ bản là phải sử dụng đúng cách và kéo dài thì mới mong đạt được hiệu quả như mong muốn. Nước ta có nguồn dược liệu phong phú, lại có nền y học cổ truyền lâu đời đã và đang ngày càng phát triển, thiết nghĩ việc đi sâu nghiên cứu vấn đề trà dược dưỡng sinh trường thọ với mục đích ích nước lợi dân là hết sức cần thiết.



                                                                                      Hoàng Khánh Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét