Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Vai trò của muối trong y học

VAI TRÒ CỦA MUỐI ĂN TRONG Y HỌC

 

     Muối ăn, còn gọi là Thực diêm, tên khoa học là Natrium chloridum crudum (NaCl), được tạo thành do sự bốc hơi của nước biển, là những tinh thể hình lập phương dính với nhau thành hình tháp rỗng, không màu hay hơi đục bẩn, dễ hút nước, nhưng khi rang lên thì mất nước. Muối ăn chủ yếu có natri clorua, còn có lẫn nhiều tạp chất khác như kali clorua, magiê clorua, muối canxi, magiê, sắt…Đây là một gia vị phổ biến nhất, được tiêu tan tại ruột, hấp thu vào máu và giữ nồng độ thông thường một cách ổn định (vào khoảng 6g trong một lít), được bài xuất ra hoặc do sự tiết mồ hôi hoặc phần lớn qua đường niệu.

     Theo y học hiện đại, muối ăn giữ vai trò quyết định trong chức năng thận : nước tiểu phụ thuộc vào sự hiện diện trong máu một lượng NaCl bình thường, khi lượng muối hạ thấp trong trường hợp nôn mửa liên tiếp (do thai nghén, nhiễm độc…) hoặc do mất nước quan trọng (bỏng, tiêu chảy…) thì sự bài tiết nước tiểu sẽ chậm lại và các chất thải do sự chuyển hóa sẽ tích tụ lại trong máu. Muối ăn gồm hai yếu tố quan trọng: natri và clo mà mỗi chất có một vai trò quan trọng trong sự chuyển hóa tổng quát. Ví như, natri có ảnh hưởng đến sự duy trì dự trữ kiềm, trong khi clo lại góp phần trong việc sinh tổng hợp acid chlorhydric của dạ dày. Muối rất cần cho cơ thể con người, mỗi ngày nhu cầu về muối ăn xe dịch trong khoảng 5-10g. Nguồn muối do nước biển và một phần do muối mỏ. Y học hiện đại thường dùng muối dưới dạng tinh khiết để pha chế dịch truyền đẳng trương hoặc ưu trương để tiêm, truyền tĩnh mạch hoặc rửa vết thương.

     Theo y dược học cổ truyền, muối ăn vị mặn, tính hàn, không độc, vào ba kinh thận, tâm và vị, có công dụng, tả hỏa, thanh tâm, lương huyết, giải độc, nhuận táo, dẫn các thuốc khác vào kinh lạc, thường được dùng để chữa các trường hợp nhiệt kết trong dạ dày và ruột, trong ngực có đờm tích, táo bón, đau họng, đau răng, răng lợi xuất huyết, đau mắt đỏ, gây nôn mửa, chữa hạ bộ lở loét, trùng độc cắn…Trong sách Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh đã viết : Thực diêm-muối ăn, vị ngọt mặn, tính hàn, không độc, chữa chứng khí nghịch, tích đờm, đau bụng, giết trùng độc, tiêu phù thũng, sưng lở. Trong y thư Lĩnh nam bản thảo, quyển thượng, Hải thượng Lãn Ông cũng viết : “Thực diêm thường vẫn gọi là Muối ; không độc, ngọt, mặn, lạnh, thành khối ; khí nghịch, đờm ngoan, tim, bụng đau ; trùng cổ, mụn sưng đều chữa khỏi”. Và trong quyển hạ Cụ viết tiếp : “Nước bể đun lên thành muối ăn ; chế vào thực phẩm, ngọc An-nam ; tẩm vào Tứ vật máu nên tốt ; đồ tan trong bụng máu tụ đàm ; đau bụng thường dùng nó để chữa ; tâm an tạng khỏe độc tiêu tan ; song hễ ăn nhiều tổn nhan sắc ; vừa miệng thời thôi, chớ có tham”.

     Có nhiều đơn thuốc dùng muối ăn để chữa bệnh như : (1) Cổ họng sưng đau dùng muối cả hạt mà ngậm, hết hạt này đến hạt khác hoặc dùng tỏi giã nhỏ trộn với nước muối mà ngậm và súc miệng nhiều lần. (2) Răng lợi sưng đau và răng lung lay dùng muối pha với nước chín ngậm nhiều lần trong ngày. (3) Đau bụng do lạnh dùng muối rang cho nóng, bọc vào vải chườm rốn và nơi đau. (4) Ho do cảm dùng muối bỏ vào múi chanh rồi ngậm cho tan dần. (5) Chảy nhiều nước mắt dùng muối pha với nước chín thành dung dịch muối loãng để rửa mắt. (6) Bị bầm giập tụ máu dùng muối ăn trộn với một chút dầu khuynh diệp đắp lên tổn thương, mỗi ngày 2 lần. (7) Viêm họng dùng muối ăn pha với nước sôi, để còn ấm, súc họng mõi ngày 5-7 lần. (8) Bỏng nhiệt dùng một ít muối tinh hòa với dầu vừng bôi lên nốt phỏng tạo cảm giác mát dịu, giảm đau, tiêu sưng khiến tổn thương mau lành, mỗi ngày bôi 2-3 lần. (9) Nhức đầu do cảm nắng oHo H

dùng một ít muối pha với nước thành dung dịch muối nhạt như nước canh, uống vài hớp đần dần cho đến hết. (10) Chảy máu mũi dùng bong gòn nhúng nước muối nhét vào lỗ mũi, rồi uống thêm một ly nước muối loãng. (11) Rụng tóc do nấm tóc và nấm da đầu dùng nước muối gội đầu, xả lại bằng nước sạch, sau một thời gian sẽ đỡ. (12) Táo bón : sáng sớm khi bụng đói uống một ly nước muối loãng ấm, dùng thường xuyên rất tốt cho đường ruột và táo bón kinh niên. (13) Ù tai dùng muối rang nóng cho vào túi vải ấp lên quanh vùng tai trong 10 phút, mỗi ngày làm 2 lần. (14) Hôi nách dùng muối rang nóng cho vào túi vải chà vào nách đến khi nguội, mỗi ngày 2 lần. (15) Chân tay đau nhức do tê thấp dùng muối ăn xoa xát chỗ đau nhức cho ấm lên, làm trước khi đi ngủ trong 5-10 ngày. (16) Ngứa da người già dùng muối ăn có độ mặn cao, giã nhuyễn, xoa xát mỗi ngày 1 lần trước khi ngủ tối. (17) Ngộ độc ăn uống dùng 1 muỗng canh muối awnpha trong 1 ly nước cỡ 100 ml, cho uống 1-2 lần, sau đó ngoái họng cho nôn hết thức ăn trong dạ dày ra, rồi tùy theo mức độ và loại ngộ độc khẩn trương đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục chữa trị.. (18) Các chứng đau cổ, đau vai, đau lưng, đau thần kinh tọa…dùng muối sao nóng với ngải cứu chườn vào vùng đau 1-2 lần trong ngày (19) Mất ngủ dùng nước muối nóng ngâm chân trong 15-20 phút trước khi ngủ tối.

                                                                                        Hoàng Khánh Toàn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét