Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

TInh dịch dị thường, ăn gì ?

NGƯỜI MẮC CHỨNG TINH DỊCH DỊ THƯỜNG NÊN ĂN GÌ ?


     Trong mươi năm gần đây, muộn con trở thành một vấn đề khá thời sự đối với nhiều cặp vợ chồng. Nguyên nhân do nam giới phần nhiều là vì mắc chứng tinh dịch dị thường, nghĩa là số lượng tinh trùng suy giảm, chất lượng tinh trùng không đảm bảo ví như tỷ lệ hoạt động thấp, sức vận động suy giảm, số dị dạng vượt quá mức cho phép, thời gian tinh dịch hóa lỏng không bình thường, thậm chí không có tinh trùng hoặc hầu hết tinh trùng bị chết yểu. Trong y học cổ truyền, căn bệnh này được gọi là chứng nam tử tinh thiểu, nam tử tinh hàn hoặc tinh thanh bất dục. Nguyên nhân của chứng bệnh này rất phức tạp, nhưng theo cổ nhân phần nhiều là do tạng thận hư tổn. Y thư cổ Nội Kinh viết : "Thận giả, chủ triết, bế tàng chi bản, tinh chi sở giã", ý muốn nói thận tinh, thận khí và tinh dịch có mối quan hệ hết sức mật thiết. Bởi vậy, các chứng tinh hàn, tinh thiểu, tinh loãng (tinh thanh) đa phần là do thận tinh và thận khí suy giảm gây nên.
     Khi mắc chứng bệnh này, ngoài việc dùng thuốc, tập luyện, châm cứu xoa bóp...cổ nhân còn khuyên nên người bệnh nên trọng dụng những đồ ăn thức uống mang tính ôn ấm có tác dụng bổ thận sinh tinh như :
   * Nước cơm :  còn gọi là mễ du, mễ thang...là thứ nước cơm sánh đặc nổi lên trên mặt nồi cơm hoặc nồi cháo, có tác dụng tư âm, trường lực, bổ ngũ tạng, sinh tinh. Sách Tuỳ tức cư ẩm thực phổ viết : "Mễ du năng bổ dịch điền tinh". Nam giới mắc chứng tinh loãng nên uống nước cơm thường xuyên hoà thêm một chút muối.
   * Trứng chim sẻ hoặc chim cút :  cổ nhân cho rằng ăn hai loại trứng này có tác dụng bổ thận dương, ích tinh huyết, điều hoà hai mạch Xung và Nhâm, là thức ăn rất tốt cho cả hai vợ chồng bị muộn con. Sách Bản thảo kinh sơ viết : "Tước noãn tính ôn, bổ noãn mệnh môn chi dương khí, tắc âm tự nhiệt nhi cường, tinh tự túc nhi hữu tử dã” (trứng chim sẻ tính ấm, có công năng ôn bổ dương khí ở mệnh môn nên thận âm theo đó mạnh lên, tinh đầy mà có con).
   * Thịt chim sẻ :  còn gọi là ma tước nhục, vị ngọt, tính ấm, có công dụng tráng dương khí, ích tinh huyết, làm ấm tạng thận. Y thư cổ viết : “Ma tước nhục năng tục ngũ tạng bất túc khí, trợ âm đạo, ích tinh tủy” (thịt chim sẻ có tác dụng bồi bổ khí của ngũ tạng, làm ấm âm đạo và bổ ích tinh tủy). Cổ nhân khuyên những người bị liệt dương, lãnh tinh, suy giảm số lượng tinh trùng nên ăn thịt chim sẻ.
   * Thận dê :  còn gọi là dương thận, vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận khí, ích tinh tủy, rất có lợi cho nam giới tinh dịch lạnh và loãng. Sách Thực y tâm kính viết : “Trị thận hư lao tổn tinh kiệt : dương thận nhất song, khứ chi, tế thiết, vu thị chấp dĩ ngũ vị như thường pháp tác thang thực, tác chúc dĩ đắc” (để chữa chứng thận hư tinh kiệt dùng dương thận một đôi, lọc bỏ màng mỡ, thái nhỏ, nấu với nước đậu xị làm canh ăn hoặc nấu cháo cũng được).
   * Thịt chó :  tính ấm, vị mặn, có công dụng bổ trung ích khí, ôn thận trợ dương, bổ phế khí, cố thận khí, thực hạ tiêu, làm tăng tinh tủy, ấm tỳ vị, ích khí lực, mạnh lưng gối. Sách Bản kinh phùng nguyên viết : “Cẩu nhục, hạ nguyên hư nhân, thực chi tối nghi” (với những người phần dưới hư suy ăn thịt chó cực tốt).
   * Bào thai hươu :  tính ấm, vị ngọt mặn, có công dụng ích thận tráng dương, bổ hư sinh tinh. Sách Bản thảo tân biên cho rằng : bào thai hươu có tác dụng kiện tỳ, sinh tinh, hưng dương bổ hỏa. Sách Tứ xuyên trung dược chí cũng viết : “năng bổ hạ nguyên, điều kinh chủng tử, trị huyết hư tinh thiểu”.
   * Hải sâm :  tính ấm, vị mặn, có công dụng bổ thận ích tinh, nam giới mắc chứng tinh thiểu, tinh lãnh, tinh loãng ăn đều tốt. Sách Bản thảo tùng tân viết : “Hải sâm bổ thận ích tinh, tráng dương liệu nuy” (hải sâm có công năng bổ thận ích tinh, làm mạnh dương khí, trị được chứng liệt dương). Sách Thực vật nghi kỵ cũng viết : “Hải sâm bổ thận kinh, ích tinh tủy”.
   * Mỡ chim bìm bịp :  tục gọi là điền kê du, có công dụng bổ thận ích tinh, nhuận phế dưỡng âm, được dân gian coi là loại thực phẩm cường tráng tư bổ. Y thư cổ cho rằng : điền kê du có tác dụng làm vững thận âm, sinh tinh tăng tủy, nhuận phế tạng, là thuốc quý cho những người tỳ thận hu nhược, khí không hóa thành tinh dịch được.
   * Nhau thai :  còn gọi là tử hà xa, thai bàn, có công dụng bổ khí dưỡng huyết, bổ thận ích tinh. Sách Hội chước y kính viết : “Phàm yêu thống tất nhuyễn, thể hao tinh khô, câu năng bổ ích” (với những chứng lưng đau gối mỏi, thân thể hao gầy, tinh dịch khô kiệt, tử hà xa đều có tác dụng bổ ích).
   * Kỷ tử :  tính bình, vị ngọt, có công dụng tăng tinh ích tủy, bổ tinh tráng dương, ích thận minh mục. Đào Hoằng Cảnh, y gia trứ danh đã viết : “Câu kỷ tử bổ ích tinh khí”. Sách Bản thảo kinh sơ viết : “Câu kỷ tử năng sinh tinh ích khí, âm sinh tắc tinh huyết tự trường” (kỷ tử có khả năng sinh tinh ích khí, phần âm đã đủ thì tinh huyết cũng dồi dào).
   * Củ mài :  còn gọi là hoài sơn hay sơn dược, vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ bổ phế, cố thận ích tinh. Sách Bản thảo chính viết : “Sơn dược, năng kiện tỳ bổ hư, ích tinh cố thận, trị chư hư bách tổn” (hoài sơn có khả năng kiện tỳ bổ hư, ích tinh, làm vững thận, trị được các chứng hư tổn). Cổ nhân khuyên những người thận hư tinh thiếu ăn hoài sơn càng nhiều, càng lâu thì càng tốt.
     Ngoài ra, các thực phẩm khác cũng rất có ích cho việc bổ thận sinh tinh như hạt dẻ, ngân nhĩ, tổ yến, sữa ong chúa, cao da lừa, tinh hoàn và dương vật chó, đông trùng hạ thảo, tắc kè, nhung hươu

                                                                                Hoàng Khánh Toàn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét