Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Dưỡng sinh đôi mắt

PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH ĐÔI MẮT CỦA NGƯỜI XƯA


     Dân gian có câu : “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, ý muốn nói đến vai trò cực kỳ quan trọng của con mắt đối với cuộc sống của con người. Và cũng chính vì vậy mà từ xa xưa cổ nhân đã thực hành và chiêm nghiệm rất nhiều biện pháp dể dưỡng sinh đôi mắt. Có thể kể ra một số ví dụ cụ thể sau đây :
1. Sáng sớm khi tỉnh giấc, xát hai bàn tay vào nhau cho nóng lên rồi ấp lên mắt ba lần, đồng thời tưởng tượng thấy cảnh đồng quê hoặc những gương mặt mình yêu dấu. Buổi tối, trước khi đi ngủ, dùng ba ngón tay trỏ, giữa và nhẫn khép vào nhau vuốt nhẹ hai mắt từ trong ra ngoài năm lần. Động tác này được gọi là “Phát thần quang”.
2. Dùng hai bàn tay che hai mắt, nhắm mắt lại rồi từ từ day tròn con ngươi 36 lần. Tiếp đó, dùng hai ngón tay trỏ đặt vào hai khóe mắt sát cạnh sống mũi day trong 1 phút. Vị trí đó dọi là huyệt “Tình minh” có công dụng làm sáng mắt. Cuối cùng chớp mắt bằng cách một nhắm một mở, xen kẽ hoặc dùng cách nhắm mắt rồi cố gắng nhướn mày thật cao trong khi mắt vẫn nhắm.
3. Đứng thẳng, chân rộng bằng vai, hai tay chống nạnh, đầu hơi ngửa, trợn trừng hai mắt, cố gắng để tròng mắt lồi ra, sau đó đảo tròng mắt thuận rồi ngược chiều kim đồng hồ, mỗi chiều 7 lần, cuối cùng nhìn ngước lên rồi nhìn xuống 7 lần. Khi đảo mắt, đầu cần giữ yên. Lặp lại mỗi động tác 3 lần.
4. Ban ngày, ngồi xếp bằng, mở to hai mắt tập trung nhìn vào một điểm cố định, khi mỏi nhắm mắt lại trong giây lát rồi lại tiếp tục như vậy vài lần. Ban tối, tìm chỗ tĩnh ngồi, tắt đèn rồi xoay nhãn cầu đủ 81 lần. Xong, nhắm mắt lại, tập trung tinh thần một lúc rồi lại xoay tiếp vài lần. Kiên trì làm động tác này sẽ giúp cho mắt sáng lên và dự phòng tích cực các bệnh lý về mắt.
5. Buổi sáng, khi rửa mặt, dùng khăn thấm nước ấm nóng đắp lên mắt vài lần khiến cho khí huyết được lưu thông, tăng cường nuôi dưỡng cho mắt. Khi làm việc hoặc đọc sách, khi đi ngoài trời lạnh về, thấy mắt mỏi thì dùng nước ấm vã lên mắt.
6. Nên dùng lá dâu tằm sắc lấy nước đặc để rửa mắt. Những ngày tốt nhất để rửa mắt là : mùng 2,4 và 8 tháng giêng ; mùng 2,7 và 10 tháng hai ; mùng 1,3 và 10 tháng ba ; mùng 1,4 và 7 tháng tư ; mùng 1 và 7 tháng năm ; mùng 2 và 7 tháng sáu ; mùng 7 và 10 tháng bảy ; mùng 2 và 3 tháng tám ; mùng 2 và 10 tháng chín ; 19, 29 và 30 tháng mười ; mùng 10, 24, 29 và 30 tháng mười một ; mùng 10, 21 và 22 tháng chạp.
7. Hàng ngày nên uống trà hoa cúc để thanh can minh mục (làm sáng mắt). Hoa cúc làm trà tốt nhất có thể là cúc trắng hoặc cúc vàng được hái vào mùa thu khi hoa vừa mới nở, phơi ở nơi râm mát cho khô rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi lần lấy dăm bảy bông hoa cúc cho vào ấm hãm với nước sôi, sau chừng mươi phút là dùng được, uống thay trà trong ngày.
8. Có thể thay trà hoa cúc bằng trà câu kỷ tử, mỗi ngày dùng 15g câu kỷ tử hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút là dùng được, uống thay trà trong ngày. Cũng có thể phối hợp cả hoa cúc và kỷ tử với nhau để làm tăng hiệu quả sáng mắt của trà. Người xưa còn khuyên nên nấu canh lá non của cây câu kỷ thường xuyên để dưỡng mắt.
9. Dùng mạn kinh tử 500g, hoàng tinh 1000g, hai thứ đem sắc 9 lần, phơi khô 9 lần rồi đem tán thành bột, mỗi ngày uống 6g sau khi ăn. Đây là bài thuốc có tên gọi là Mạn kinh tử tán được ghi trong y thư cổ nổi tiếng Thái bình thánh huệ phương, có công dụng bổ gan và làm sáng mắt.
10. Nên ăn nhiều gan động vật, đặc biệt là gan gà và gan cá (chú ý không ăn gan của những loài cá có độc). Có thể nấu món gan gà hấp cách thủy ăn để dưỡng mát như sau : Gan gà 1 bộ rửa sạch bằng nước hòa gừng tươi giã nhỏ rồi ngâm với rượu để khử mùi tanh. Tiếp đó, nghiền gan gà cho nhuyễn rồi hòa với lòng trắng 2 quả trứng, một chút nước gừng và nước dùng, gia vị vừa đủ rồi cho vào bát hấp cách thủy trong 15 phút là được, ăn nóng.
     Để bảo vệ mắt, cổ nhân khuyên không nên nhìn vào mặt trời, mặt trăng và đèn lâu sẽ hại mắt. Khi mắt bị đỏ thì không nên phòng sự để tránh bệnh đục thủy tinh thể. Những ngày rửa mắt bằng nước sắc lá dâu không được uống rượu.


                                                                                 ThS Hoàng Khánh Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét