HAI MÓN ĂN PHÒNG CHỐNG THOÁI HOÁ CỘT SỐNG CỔ
Thoái hoá cột sống cổ, còn gọi là hư xương
sụn cột sống cổ, là một bệnh thường gặp và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh biểu
hiện bằng nhiều triệu chứng như đau cứng cổ gáy, đau lan lên phía sau đầu hoặc
xuống vai, cánh tay và bàn tay, kèm theo giác tê bì, hoa mắt chóng mặt, mất
ngủ, thậm chí có thể hồi hộp trống ngực, khó thở, hay vã mồ hôi...Theo y học cổ
truyền, khi mắc căn bệnh này ngoài việc dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, tập
luyện khí công dưỡng sinh..., có thể kết hợp dùng thêm một số món ăn - bài
thuốc (dược thiện) như sau :
@
Bài 1 :
Kỷ tử 10g, đỗ trọng 20g, chim cút 100 -
150g (chừng 1 con), gia vị vừa đủ. Chim cút làm thịt, bỏ nội tạng (chỉ giữ lại
tim và gan), đỗ trọng rửa sạch, thái vụn cho vào trong túi vải buộc kín miệng.
Đem chim cút, kỷ tử và đỗ trọng cho vào nồi, đổ chừng 250 ml, đun to lửa cho
sôi rồi tiếp tục dùng lửa nhỏ hầm cho thật nhừ (chừng 90 phút), sau đó chế đủ
gia vị, ăn nóng.
Trong món dược thiện này, kỷ tử vị ngọt, tính
bình, có công dụng bổ thận âm, dưỡng can huyết, ích tinh minh mục và nhuận phế
; đỗ trọng vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ can dưỡng thận, làm khoẻ gân cốt ;
chim cút vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ ích ngũ tạng, ích khí dưỡng huyết
và làm mạnh gân cốt. Ba vị phối hợp với nhau tạo nên công dụng bổ dưỡng can
thận, ích khí dưỡng huyết và làm khoẻ xương khớp của món ăn, rất thích hợp với
những người bị đau cứng cổ gáy do thoái hoá có thể chất suy nhược, già yếu, kèm
theo triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, huyết áp có thể tăng
cao...
@
Bài 2 :
Bọ cạp sống 100g, thịt gà mái 400g, gừng
tươi 3 lát, gia vị vừa đủ. Dùng nước sôi làm chết bọ cạp rồi rửa sạch, thịt gà
thái miếng, cho cả hai thứ cùng gừng tươi vào nồi, đổ 1200 ml nước, đun to lửa
cho sôi rồi tiếp tục dùng lửa nhỏ hầm thật nhừ trong chừng 90 phút. Khi được,
chế đủ gia vị, ăn nóng.
Trong bài, bọ cạp (còn goi là Toàn yết) vị
cay, tính bình, có công dụng giải độc tán kết, thông lạc giảm đau, bình can trừ
phong và chống co cứng, co giật ; thịt gà vị ngọt, tính ấm, có công dụng ích
ngũ tạng, bổ hư tổn, kiện tỳ vị và làm khoẻ gân cốt ; gừng tươi vị cay, tính
ấm, có công dụng phát hãn giải biểu, ôn phế chỉ khái và giảm đau. Ba vị phối
hợp với nhau tạo nên công năng bổ dưỡng tạng phủ, bình can trừ phong, thông lạc
giảm đau và làm mạnh xương khớp của món dược thiện.
Hoàng Khánh Toàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét