Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Bảo vệ sức khỏe trong du lịch

BẢO VỆ SỨC KHOẺ TRONG DU LỊCH


     Trong mươi năm gần đây, khi đời sống vật chất ngày càng được cải thiện thì nhu cầu du lịch cũng ngày càng tăng lên. Đi đó đi đây, lên núi trông cây, xuống biển vờn sóng, đến với những di tích lịch sử văn hoá kỳ vĩ..., con người ta chẳng những có dịp để rèn luyện thể chất, tăng thêm hiểu biết mà còn có cơ hội đắm mình vào thiên nhiên cây cỏ, thả hồn theo mây gió để gạt đi bao nỗi mệt mỏi, buồn phiền của cuộc sống căng thẳng thường nhật. Du lịch bổ dưỡng sức khoẻ, nhưng du lịch cũng lại đòi hỏi ở người ta sự khoẻ mạnh về cả thể chất và tinh thần.

@ Những yếu tố bất lợi cho sức khoẻ khi du lịch
     Trước hết, đó là sự thay đổi đột ngột về môi trường tự nhiên, trong đó phải kể đến các yếu tố như địa lý, khí hậu, thuỷ thổ...Những yếu tố này dù có thuận lợi cũng làm cho một số chức năng sinh lý tạm thời bị rối loạn, buộc cơ thể phải huy động mọi cơ chế điều tiết để thích nghi. Ví như, mùa đông đi từ miền bắc vào miền nam hoặc ngược lại, cơ thể phải chịu sự thay đổi rất lớn của nhiệt độ ; mùa hạ người miền nam ra miền bắc sẽ cảm thấy rất khó chịu, dễ đau nhức xương khớp vì không khí ẩm thấp ; người ở miền xuôi lên vùng cao thường có cảm giác mệt mỏi, nặng đầu, mất ngủ...vì nồng độ oxy trong không khí thấp hơn ; thực phẩm và cách chế biến món ăn ở mỗi vùng mỗi khác khiến cho du khách ăn uống không ngon miệng, thậm chí có thể phát sinh rối loạn tiêu hoá, đặc biệt ở những người vốn có những bệnh lý dạ dày, ruột mạn tính...
     Thứ hai, là sự thay đổi và thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt, nhất là ở những nơi dịch vụ đảm bảo chưa tốt. Nơi ăn chốn ở chật hẹp và không tiện nghi, thực phẩm và món ăn không hợp khẩu vị, giá cả đắt đỏ, phương tiện giao thông đi lại hạn chế, nhịp điệu sinh hoạt bị đảo lộn...đều ít nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ của du khách và dễ làm phát sinh tình trạng rối loạn giấc ngủ, chán ăn, rối loạn tiêu hoá, căng thẳng mệt mỏi..., đặc biệt là ở những người vốn mắc các bệnh lý thần kinh, tiêu hoá mạn tính.
     Thứ ba, là yêu cầu về năng lượng của cơ thể cho hoạt động du lịch là khá lớn. Mặc dù không phải lao động nặng nhọc nhưng du lịch đòi hỏi nguồn sức lực không nhỏ để giúp cho cơ thể thích nghi với sự thay đổi của môi trường tự nhiên và điều kiện sống, đồng thời có thể tham gia các hoạt động thể lực như đi bộ, leo núi, tắm biển, bơi thuyền...
     Cuối cùng, trong khi du ngoạn điều kiện vệ sinh thường không được tốt do xe cộ chật chội, nước sạch dễ thiếu, các đồ vệ sinh khó mua, nhà cầu không đảm bảo, thực phẩm dễ bị ôi thiu...là điều kiện thuận tiện cho tật bệnh phát sinh và phát triển.

@ Những tật bệnh thường gặp khi du lịch
     Trước hết, đó là chứng say tàu xe, hay xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em ở các mức độ khác nhau : nhẹ thì buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, rạo rực khó chịu ; nặng thì nôn mật mật vàng, sắc mặt nhợt nhạt, vã mồ hôi lạnh, thậm chí có thể tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim...
     Thứ hai, là tình trạng rối loạn giấc ngủ thường xảy ra đối với người có tuổi, chủ yếu là do thay đổi chỗ ngủ, giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, trạng thái mệt mỏi và căng thẳng thần kinh do mất cân bằng giữa hai quá trình hưng phấn và ức chế, các chứng đau (đau khớp, đau lưng...) do thay đổi môi trường tự nhiên và vận động thể lực quá mức...
     Thứ ba, là tình trạng rối loạn tiêu hoá do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống, viêm dạ dày - ruột cấp tính, đợt cấp của viêm đại tràng mạn tính...xảy ra do điều kiện vệ sinh không tốt, đồ ăn thức uống không sạch, khó tiêu hoặc đã biến chất, giờ giấc ăn uống bị đảo lộn, tình trạng no đói thất thường...Biểu hiện bằng các mức độ khác nhau : nhẹ thì đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn, đi lỏng ; nặng thì phát sốt, đau bụng, thượng thổ hạ tả, thậm chí có thể tụt huyết áp do mất nước và điện giải...
     Thứ tư, là chứng bệnh cảm mạo gây ra do cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm, mất mồ hôi nhiều do nóng bức và hoạt động thể lực nhiều, lạm dụng đồ uống lạnh làm giảm sức chống đỡ của niêm mạc mũi họng tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập. Hơn nữa, các khu du lịch thường rất đông người, chỉ cần một vài người bị cảm cúm là có thể lây lan rất nhanh sang những người khác. Biểu hiện chủ yếu là ngây ngấy sốt, rát họng, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, đau mình mẩy, thậm chí có thể sốt cao, ho nhiều...
     Thứ năm, là các hiểm hoạ bất ngờ như tai nạn giao thông, chấn thương do trượt ngã khi leo đồi núi, chết đuối do bơi qua vùng nước chảy xiết hoặc tai nạn đắm tàu thuyền...Những tai nạn này có xu hướng ngày càng tăng về cả số lượng và mức độ thương vong cùng với đà phát triển của giao thông vận tải và du lịch.
Ngoài ra, khi du lịch ở những vùng sơn dã, du khách còn có thể bị các loài trùng thú tấn công gây thương tích, bệnh tật và thậm chí có khi nguy hại đến tính mạng như rắn rết và nhện độc cắn, muỗi và ong đốt...
     Cuối cùng, là các chứng bệnh ít gặp hơn như dị ứng vùng cao, đau buốt tai khi đi máy bay, tê buốt tay và viêm niệu đạo khi đi du lịch bằng xe đạp dài ngày. Điều cần nói thêm là khi du lịch cũng cần phải đề phòng sự tái phát của các bệnh lý mạn tính, trong đó đặc biệt chú ý bệnh hen suyễn, cao huyết áp, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, rối loạn nhịp tim...

@ Bảo vệ sức khoẻ khi du lịch
   * Về ăn uống
     Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khoẻ vì đó là nguồn bổ sung năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết để khôi phục và giữ gìn thể lực. Về nguyên tắc, khi du lịch phải đảm bảo ăn uống đủ số lượng, có chất lượng, đảm bảo vệ sinh và hợp khẩu vị. Muốn vậy, cần chú ý ăn nhiều thức ăn giàu nhiệt lượng nhưng phải mềm lỏng và dễ tiêu, uống đủ nước và đảm bảo có đủ rau xanh, hoa quả tươi.
     Nếu du lịch dài ngày và ở những nơi hoang vu, thưa dân, điều kiện dịch vụ hạn chế thì nên mang theo một số thực phẩm cần thiết để tránh sự thay đổi đột ngột về thói quen ăn uống, đảm bảo hợp khẩu vị và đỡ tốn kém. Những thực phẩm mang theo phải có tính cân đối, bên cạnh những thứ giàu tinh bột như mỳ, cháo, phở ăn liền...cần có thêm các thực phẩm giàu đạm và chất béo như thịt cá hộp, xúc - xích, lạp xưởng, sữa bột, bột đậu, trứng...và các loại hoa quả tươi có chứa nhiều nước (nói theo dinh dưỡng học cổ truyền là có tính thanh nhiệt sinh tân dịch) như dưa chuột, dưa hấu, cam, quýt, lê, táo, nho...Nên trọng dụng nước khoáng và nước trà vì cả hai đều có tác dụng thanh nhiệt, kích thích tiêu hoá, nước khoáng cung cấp các chất điện giải và làm kiềm hoá nước tiểu, nước trà còn có tác dụng làm cho đầu óc tỉnh táo.
     Nếu du lịch ngắn ngày và vào mùa hè thì không cần mang theo thức ăn hoặc chỉ mang rất ít vì trời nóng dễ làm thức ăn chóng ôi thiu biến chất. Nếu du lịch vào mùa đông thì có thể mang theo nhiều thực phẩm. Cần chú ý không dùng nhiều đồ ăn sống lạnh và cố gắng ăn uống đúng giờ giấc để tránh làm thương tổn tỳ vị.
   * Về môi trường
     Điều quan trọng là làm sao cho cơ thể nhanh chóng thích nghi với điều kiện tự nhiên nơi du lịch. Muốn vậy, trước hết cần căn cứ vào tình hình cụ thể về sức khoẻ, bệnh tật, tuổi tác, kinh tế...để lựa chọn nơi đến du ngoạn sao cho phù hợp, tránh phiêu lưu mạo hiểm. Tốt nhất nên tìm đến những nơi có không khí trong lành, nhiều ánh nắng mặt trời, đất đai phì nhiêu, cây cỏ tươi tốt, điều kiện dịch vụ đầy đủ, con người sống nhân hậu và sống thọ. Vùng cao sơn thanh thuỷ tú (có núi không cao lắm mà luôn xanh tươi, có sông không sâu lắm mà nước trong vắt), cảnh sắc tươi đẹp mà yên tĩnh thoáng mát ; vùng biển không khí ít bị ô nhiễm, nhiều gió và nắng, cảnh vật khoáng đạt mà thả rộng tầm mắt, thực phẩm phong phú mà giàu chất dinh dưỡng...chính là những nơi du lịch lý tưởng và rất có lợi cho sức khoẻ.
     Thứ hai, là phải chú ý khắc phục tình trạng “lạ nước lạ cái” “không hợp thuỷ thổ”. Muốn vậy, trước khi du lịch cần kiểm tra sức khoẻ, luyện tập sức chịu đựng với điều kiện thời tiết không thuận lợi, bồi bổ sức lực bằng ăn uống và dùng thuốc. Khi du lịch cần chú ý chống nắng, chống nắng hoặc chống rét, chống gió lùa, phòng chống muỗi và côn trùng đốt, thận trọng khi sử dụng những đồ ăn thức uống lạ, dần dần thay đổi khẩu phần ăn để cơ thể dễ thích nghi với tập quán ăn uống tại nơi du lịch.
     Cuối cùng, là không nên coi thường vệ sinh môi trường trên đường du lịch. Điều này rất quan trọng vì điều kiện vệ sinh trên đường du lịch thường không được tốt. Muốn vậy, cần chú ý chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết như nước uống, đồ vệ sinh cá nhân, giấy vệ sinh, túi đựng chất nôn, phương tiện chống nóng hoặc chống rét...
   * Về dùng thuốc bảo vệ sức khoẻ
     Dùng thuốc trong khi du lịch nhằm hai mục đích : bổ dưỡng sức khoẻ và dự phòng bệnh tật. Như trên đã nói, hoạt động du lịch thường làm cho cơ thể phải tiêu hao khá nhiều sức lực, cho nên bên cạnh việc bồi bổ bằng ăn uống rất cần phải nâng cao chính khí (sức đề kháng của cơ thể) bằng dược vật. Tuy nhiên, khi lựa chọn thuốc bổ cũng phải căn cứ vào tình trạng sức khoẻ và tật bệnh của từng người mà sử dụng cho phù hợp để nhằm đạt được hiệu quả cao và phòng tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Ví như, nhân sâm và các chế phẩm của nó là một trong những loại thuốc bổ khí có tác dụng phục hồi sức khoẻ, tăng sức dẻo dai về cả thể lực và tinh thần, rất cần có trong hành trang của du khách, nhưng với những người bị cao huyết áp hoặc các bệnh lý khác thuộc thể Âm hư biểu hiện bằng các triệu chứng như người gầy, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực bức bối không yên, hay khát, đổ mồ hôi trộm, miệng khô họng khát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ...thì không nên dùng. Ngoài nhân sâm, một số vị thuốc khác cũng có thể dùng khi du lịch như : nấm linh chi và các chế phẩm của nó có công dụng bổ khí dưỡng huyết, hoạt huyết, rất có lợi cho việc cải thiện công năng tim mạch ; bột tam thất chín, trà kỷ tử, trà hà thủ ô...có tác dụng bổ huyết ; đông trùng hạ thảo, nhung hươu, hải mã...có công dụng bổ dương (nên dùng dưới dạng bột cho thuận tiện)
     Mặt khác, một số thuốc và vật dụng y tế cần đem theo trong khi du lịch còn nhằm mục đích dự phòng bệnh tật, nhất là đối với những người có bệnh mạn tính dễ tái phát, trong tình huống du lịch đường trường đến những nơi heo hút, xa cơ sở y tế, tình hình thời tiết không thuận lợi... Tuỳ theo hành trình xa hay gần, số lượng người nhiều hay ít, tình hình thời tiết, tuổi tác, sức khoẻ...mà quyết định chủng loại và số lượng thuốc đem theo, nhưng chắc chắn không thể thiếu những thứ thông dụng như : cồn y tế, bông, băng thường và băng dính ; thuốc chống cảm cúm và lỏng lỵ thông thường, thuốc chống say tàu xe, thuốc giảm đau và kháng sinh thường dùng, dầu gió, thuốc tím, trà gừng...và các thuốc đang điều trị duy trì cho du khách có bệnh mạn tính theo đơn của thầy thuốc, đặc biệt là các thuốc tim mạch, các thuốc dùng cho người có bệnh cơ địa như thuốc hen, thuốc chống dị ứng...

@ Dự phòng một số bệnh thường gặp khi du lịch
   * Say tàu xe :  trước khi lên tàu xe không nên ăn quá no và cũng không nên để bụng đói, uống thuốc chống nôn theo chỉ dẫn, có thể dùng cao salonpas dán vào rốn. Ngồi trên xe mắt nhìn thẳng ra xa, nên chọn nơi thoáng gió, miệng ngậm một lát gừng tươi hoặc ô mai gừng, dùng ngón tay cái day ấn huyệt Nội quan (ở mặt trước cẳng tay, phía trên lằn chỉ cổ tay chừng 4 cm, ở giữa hai gân nổi khi gấp bàn tay vào cẳng tay). Khi xe quay đầu, lượn vòng hoặc đi vào chỗ đường xóc nên ngả người theo xe. Khi máy bay cất hoặc hạ cánh nên hít một hơi thật sâu để hạn chế cảm giác khó chịu.
   * Rối loạn tiêu hoá :  điều quan trọng đầu tiên là phải đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, không ăn thực phẩm đã biến chất, hoa quả và rau cỏ ăn sống phải được rửa sạch và tiệt trùng bằng dung dịch thuốc tím trước khi ăn, nước uống nhất thiết phải được nấu chín. Thứ đến là phải trọng dụng các đồ ăn thức uống quen thuộc, ấm nóng và dễ tiêu, rất thận trọng khi dùng các thực phẩm mới lạ, chú ý sử dụng các gia vị có tính ấm nóng và kích thích tiêu hoá như tỏi, gừng, hạt tiêu..., đồ uống nên dùng các loại trà dân gian có lợi cho đường tiêu hoá như trà nụ vối, trà vằng, trà gừng...Cuối cùng, những người bị viêm dạ dày ruột mạn tính nên mang theo đủ thuốc dự phòng, có thể mạnh dạn uống một trong những chế phẩm đông dược như Sâm linh bạch truật tán, Đại tràng hoàn PH, Bổ trung ích khí hoàn...
   * Cảm mạo :  cần chú ý tránh bị lạnh đột ngột, không lạm dụng đồ uống có nhiều nước đá, nhiệt độ phòng ngủ có máy điều hoà không nên để quá thấp, súc miệng nước muối hàng ngày hoặc ngậm kẹo bạc hà để phòng chống viêm họng, nên dùng nhiều tỏi trong bữa ăn, hạn chế tiếp xúc với những người bị cảm cúm, trọng dụng các loại trà dược cổ truyền như trà ngọc bình phong tán, trà kim ngân, trà cúc hoa...
                                                                            


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét