Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Hải tảo

HẢI TẢO, THỰC PHẨM TỐT VỊ THUỐC HAY


     Hải tảo, còn có tên gọi là rau mã vĩ, rong biển, hải đới hoa, ô thái..., là một loại tảo đã được sử dung làm thực phẩm và làm thuốc ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Á trải từ Nhật Bản đến Philippin. Ở Việt Nam có tới gần 30 loài hải tảo phân bố rải rác ở các vùng biển và hải đảo thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên và Khánh Hòa.
     Về mặt dinh dưỡng, theo Đỗ Tất Lợi, trong rong mơ hay rau mơ (Sargassum hoặc Herba Sargassi) có chứa từ 10-15% muối vô cơ (trong đó có rất nhiều iôt 0,3-0,8%, asen, kali), 1-2% lipid, 4-5% protid và rất nhiều acid alginic ; theo Trung dược đại từ điển, loài hải tảo Sargssum fusiforme có chứa tới 7,95% protid và 20,8% acid alginic, loài Sargassum pallidum có chứa 9,69% protid và 19% acid alginic ; theo Bách khoa dinh dưỡng của Hội Dinh dưỡng học Thượng Hải, hải tảo có giá trị dinh dưỡng tương đối cao, trong mỗi 100g có 8,2g protid, 0,1g lipid, 56,2g glucid, 1177mg Ca, 216mg P, 150mg Fe, 24mg Iốt, 0,57mg caroten, 0,09mg vitamin B1, 0,36mg riboflavin (B2), 1,6mg niaxin (B3), ngoài ra còn chứa một lượng lớn acid alginic.
     Kể từ thời tiền sử, người Trung Quốc và Nhật Bản đã sử dụng hải tảo như là một trong những thực phẩm chủ lực trong các bữa ăn hàng ngày. Năm 600 trước Công nguyên, Sze Teu đã viết: “Một số loài hải tảo là những đặc sản chỉ dùng để tiếp đãi thực khách, thậm chí cho bản thân các hoàng đế”. Có 21 loại hải tảo dùng trong nấu ăn ở Nhật Bản, trong đó có 6 loại hải tảo đã được dùng vào thế kỷ thứ 8. Tảo chiếm 10% trong các bữa ăn của người Nhật và nhu cầu tiêu thụ tảo tăng hàng năm. Việc sử dụng hải tảo (loại tảo bẹ) có niên đại ít nhất vào thế kỷ thứ 5 ở Trung Quốc. Ở phương Tây, hải tảo được xem như là loại thức ăn chữa bệnh, do đó nhu cầu tiêu thụ hải tảo tăng vào cuối thế kỷ 20. Vào thế kỷ thứ 10, lọai hải tảo đỏ (hồng tảo) Palmaria Palmata đã từng xuất hiện trong các huyền thoại Băng đảo, loại hồng tảo này được dùng ở Ireland và Scotland trong một thời gian dài. Vào thế kỷ 19, loại tảo Irish Moss được xem là thức ăn chữa bệnh ở Irealand, mặc dù vậy trước đó đã không nhiều người biết đến nó. Nhiều loại hồng tảo đã được sử dụng ở khu vực Địa Trung Hải làm thuốc nhuộm cũng như chữa bệnh kể từ thời tiền Thiên Chúa.
     Theo nghiên cứu hiện đại, hải tảo có tác dụng dược lý khá phong phú như : (1) Tăng cường công năng miễn dịch của cơ thể về cả dịch thể và tế bào. (2) Chống suy giảm bạch cầu do các nguyên nhân khác nhau. (3) Chống phóng xạ. (4) làm giảm cholesterol máu. (5) Bổ sung một lượng iốt phong phú cho cơ thể, giúp phòng chống bệnh bướu cổ do thiếu iôt (6) Kháng khuẩn, kháng virut và kháng nấm, chống nội độc tố butulin (7) Chống ôxy hóa và thải loại các gốc tự do. (8) Thúc đẩy quá trình ngưng tập hồng cầu, có tác dụng cầm máu. (9) Thải trừ một số kim loại nặng. (10) Chống khối u và ung thư.
     Theo y dược học cổ truyền, hải tảo vị đắng mặn, tính lạnh, vào ba kinh Phế, Tỳ và Thận, có công dụng nhuyễn kiên tiêu đàm, tiết nhiệt, thường được dùng để chữa loa lịch (lao hạch), anh lựu (u bướu, nhọt mọc ở chính giữa xương sống gần huyệt Đại chùy, Đào đạo và Thân trụ), anh khí (phì đại tuyến giáp), tích tụ, thủy thũng, cước khí, sán khí (thoát vị bẹn hoặc bìu), tinh hoàn sưng đau...Ví như, sách Bản kinh viết : “ Hải tảo chủ anh lựu khí, cảnh hạ hạch, phá tán kết khí, ung thũng, trưng hà kiên khí, phúc trung thượng hạ minh, hạ khẩn thủy thũng” ; sách Danh y biệt lục cho rằng, hải tảo có khả năng “liệu bì gian tích tụ, bạo hối, lưu khí nhiệt kết, lợi tiểu tiện” ; sách Dược tính bản thảo nhận định hải tảo “liệu sán khí hạ trụy đông thống, hạch thũng”...Có thể kể ra một số bài thuốc dùng hải tảo chữa bệnh như sau :
- Chữa bướu giáp đơn thuần :  Hải tảo 30g, rửa sạch bằng nước lã, rửa lại bằng nước đun sôi để nguội, vắt ráo, thái nhỏ, trộn làm nộm ăn thường xuyên. Hoặc dùng hải tảo 100g, hoàng dược tử 30g ngâm với 500 ml rượu trắng, mỗi ngày uống 20-30 ml. Hoặc dùng hải tảo 15g, côn bố 15g, hải phù thạch 30g, kim ngân hoa 15g, đông qua bì 30g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Chữa huyết áp cao :  Hải tảo 30g, côn bố 30g, hạ khô thảo 30g, mộc thông 30g, bạc hà 15g, hà tử 15g, hạnh nhân 6g, tất cả sấy khô, nghiền thành bột, luyện với mật ong làm hoàn, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g.
- Chữa lao hạch :  Hải tảo 9g, thổ bối mẫu 9g, hương phụ 9g, hạ khô thảo 9g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Hoặc dùng hải tảo và bạch cương tàm lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột, luyện mật làm hoàn to bằng hạt ngô đồng, mỗi ngày uống 60 viên, chia 2 lần với nước cơm.
- Chữa tràng nhạc, lở loét :  Hải tảo 2 phần sao giòn với thóc rồi bỏ thóc, tán bột ; tằm vôi 1 phần sao giòn, tán bột ; quả mơ muối rửa nước sôi, bỏ hạt lấy thịt giã nát trộn với các bột thuốc trên làm viên bằng hạt đậu xanh, mỗi ngày uống 3-6l lần, mỗi lần 5-6 viên với nước cơm, kiêng ăn đậu, thịt gà, dê và rượu.
- Chữa ung thư thực quản và trực tràng :  Hải tảo 30g, thủy tức 6g, sấy khô, nghiền thành bột, mỗi lần uống 6g với rượu nhạt, mỗi ngày 3 lần.
- Chữa U phì đại tiền liệt tuyến lành tính gây bí đái ở người già :  Hải tảo 10g, xuyên sơn giáp 10g, lệ chi hạch 15g, quất hạch 15g, vương bất lưu hành 15g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
     Cũng có thể sử dụng hải tảo dưới dạng các món ăn-bài thuốc (dược thiện) như :
- Hải tảo 50g, côn bố 50g, đậu tương 100g, ba thứ rửa sạch đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng : thanh nhiệt tán kết, nhuyễn kiên giáng áp, dùng cho người bị bướu giáp đơn thuần, viêm hạch lympho mạn tính.
- Hải tảo 30g, hạ khô thảo 30g, gạo tẻ 50g, tất cả đem ninh thành cháo, cho thêm gia vị, ăn trong ngày. Công dụng : thanh nhiệt giải độc, nhuyễn kiên tán kết, dùng rất tốt cho người bị lao hạch, sưng hạch lympho.
- Hải tảo 20g, hải đới 20g, toan táo nhân 20g, ý dĩ 50g. Đem hải tảo, hải đới và toan táo nhân sắc kỹ lấy nước rồi bỏ ý dĩ vào nấu thành cháo, ăn trong ngày. Công dụng : tuyên phế hóa đàm, kiện tỳ lợi thủy, dùng cho người bị ho hen, khạc đờm nhiều, trứng cá...
- Hải tảo 20g, củ cải 20g, hải đới 50g, nước dùng lượng vừa đủ. Củ cải thái miếng, hải tảo và hải đới thái vụn, ba thứ cho vào nồi nấu chín, chế đủ gia vị, dùng làm canh ăn. Công dụng : tiêu tích hóa đàm, nhuyễn kiên tán kết, dùng cho người bị bướu giáp trạng, chướng bụng, ho khạc đờm nhiều.
- Hải tảo 15g, hải đới 15g, tiểu hồi hương 6g, ba thứ rửa sạch, nấu lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang, dùng cho người bị đau cứng cổ gáy.
     Điều cần lưu ý khi dùng hải tảo là : vì vị thuốc này có tính lạnh nên những người thể chất hư hàn, tỳ vị hư nhược, hay đầy bụng, đi lỏng, viêm đại tràng mạn tính thể lỏng thì không nên dùng, nếu dùng thì phải rất thận trọng và không dùng hải tảo cùng với cam thảo.

                                                                              Hoàng Khánh Toàn


2 nhận xét:

  1. hải tảo có thế dùng khô được không ạ hay hải dung tươi ạ .em xin cảm ơn

    Trả lờiXóa
  2. Cho em hỏi bị cuong giáp có dùng được hải tảo không ạ

    Trả lờiXóa